Chương III: Cuộc đấu tranh giữa những người xã hội chủ nghĩa
Phong trào công nhân ở các nước tiên tiến, kể từ buổi ban đầu cho đến nay, luôn luôn mang tính chất đa nguyên về mặt tư tưởng; điều này được thể hiện ngay trong cuộc đấu tranh nội bộ của Hội liên hiệp công nhân quốc tế (tức Quốc tế I). Chính Engels đã phải thừa nhận như sau:
Trong Hội liên hiệp của chúng ta, có nhiều loại người khác nhau – những người cộng sản, những người thuộc phái Proudhon, những người thuộc phái Công liên, những người hoạt động cho phong trào hợp tác hoá, những người thuộc phái Ba-cu-nin,v.v…, và ngay cả trong Tổng hội đồng của chúng ta, cũng có những người có quan điểm khá khác nhau. (Engels gửi Carlo Cafiero, ngày 1–3.7.1871, Sđd, T. IV, tr. 552-553)
Chính vì vậy, Marx và Engels luôn luôn phải đấu tranh để bảo vệ quan điểm của mình, chống lại ảnh hưởng của các trường phái tư tuởng khác, nhất là phái Lassalle và phái vô chính phủ.
Ferdinand Lassalle (1825-1864) là một lãnh tụ nổi tiếng của phong trào công nhân Đức, đã từng liên kết hoạt động với Marx và Engels trong thời gian Cách mạng 1848, nhưng về sau giữa họ có sự khác biệt về một số quan điểm. Lassalle tin vào sự tác động của một quy luật kinh tế mà ông gọi là “quy luật sắt của tiền công”; quy luật này đã ngăn cản công nhân cải thiện những điều kiện sống của họ trong xã hội tư bản. Để đảm bảo cho công nhân được hưởng “đầy đủ những sản phẩm lao động của họ”, ông chủ trương thành lập các hiệp hội hoặc hợp tác xã của những người sản xuất với sự trợ giúp và giám sát của nhà nước [1] .
Về vấn đề nhà nước và dân chủ, Lassalle nhấn mạnh rằng chức năng thật sự của nhà nước là “giúp cho sự phát triển của loài người tiến đến tự do”. Ông cho rằng một nhà nước như thế chỉ có thể đạt được bằng một sự cai trị của đa số, dựa trên quyền đầu phiếu phổ thông và bình đẳng. Sự lớn mạnh của hệ thống công xưởng đã làm cho công nhân trở thành một tiềm lực mạnh nhất ở Đức, do đó bước tiếp theo là làm cho họ trở thành lực lượng hợp pháp mạnh nhất bằng cách thiết lập một nền dân chủ hoàn chỉnh. Ông cho rằng cuộc cách mạng trong tương lai sẽ đưa giai cấp công nhân lên nắm chính quyền, và điều đó sẽ là thắng lợi của toàn nhân loại [2] .
Là người sáng lập Hội công nhân toàn Đức (1863) – tổ chức chính trị đầu tiên của giai cấp công nhân Đức, đồng thời cũng là lãnh tụ hàng đầu của phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Đức, Lassalle có uy tín rất lớn trong giai cấp công nhân Đức. Mặc dù Lassalle mất sớm (lúc mới 39 tuổi), nhưng phái Lassalle vẫn là một lực lượng rất mạnh trong phong trào công nhân Đức. Năm 1875, tại Đại hội Gotha, Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa Đức được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai phái Lassalle và mác-xít.
Tháng 5 năm 1875, Marx viết bản “Những nhận xét bên lề về bản cương lĩnh của Đảng công nhân Đức” gửi riêng cho một số lãnh tụ của đảng ở Đức. Bài viết này, được Engels công bố lần đầu tiên vào năm 1891 với nhan đề Phê phán cương lĩnh Gotha, đã vạch rõ sự khác biệt về quan điểm giữa Marx và phái Lassalle. Về vấn đề nhà nước và dân chủ, Marx phê phán khái niệm “Nhà nước tự do” mà phái Lasssalle đưa vào cương lĩnh:
Nhà nước tự do là cái gì ?
Làm cho nhà nước được "tự do", - đó quyết không phải là mục đích của những người công nhân đã thoát khỏi cái cách suy nghĩ hạn chế của những thần dân. Ở Đế chế Đức, "nhà nước" hầu như cũng "tự do" như ở Nga. Tự do là ở chỗ biến nhà nước, cơ quan tối cao của xã hội, thành một cơ quan hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội, và ngay cả ngày nay nữa, các hình thức nhà nước tự do hay không tự do là tuỳ ở chỗ trong những hình thức ấy, "sự tự do của nhà nước" bị hạn chế nhiều hay ít. (Sđd, T. IV, tr. 490)
Biến nhà nước “thành một cơ quan hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội”, đó là một ý tưởng thật sự hấp dẫn. Nhưng vấn đề là biến đổi bằng cách nào? Sự khác nhau là ở chỗ: như Marx đã phê phán, phái Lassalle coi nhà nước là một thực tại độc lập, tách rời khỏi xã hội (hiểu theo nghĩa là độc lập với các quan hệ kinh tế):
Đảng công nhân Đức - ít nhất cũng là khi nó lấy bản cương lĩnh ấy làm cương lĩnh của mình - chứng tỏ rằng nó chưa thấm nhuần những tư tưởng xã hội chủ nghĩa; đáng lẽ phải coi xã hội hiện tồn (và điều này cũng áp dụng cho mọi xã hội tương lai) là cơ sở của nhà nước hiện tồn (hoặc coi xã hội tương lai là cơ sở của nhà nước tương lai), thì trái lại, Đảng công nhân Đức lại coi nhà nước là một thực tại độc lập, có những ”cơ sở tinh thần, đạo đức và tự do" riêng của nó. (Sđd, T. IV, tr. 490)
Phái Lassalle muốn dựa vào nhà nước hiện tồn để xây dựng chủ nghĩa xã hội, và tìm cách biến nhà nước đó thành nhà nước thật sự dân chủ. Còn Marx lại chủ trương nhà nước hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội, nghĩa là phụ thuộc vào các quan hệ kinh tế; do đó không thể dựa vào nhà nước cũ, mà phải đập bỏ bộ máy nhà nước ấy đi, sau đó thiết lập chuyên chính vô sản (một nền độc tài tạm thời của giai cấp vô sản) để rồi cuối cùng tiến tới chỗ hoà tan nhà nước vào xã hội (như Công xã Paris đã làm). Do đó, Marx phê phán bản cương lĩnh đã “không đả động gì đến vấn đề chuyên chính vô sản, cũng chẳng nói gì đến chế độ nhà nước tương lai trong xã hội cộng sản chủ nghĩa”. (Sđd, T. IV, tr. 491)
Nhận xét chung về bản cương lĩnh, Marx viết như sau:
Vả lại, mặc dầu tất cả những lời lẽ dân chủ rất kêu của nó, toàn bộ cương lĩnh từ đầu chí cuối đều nhiễm phải cái bệnh của phái Lassalle là lòng tin của thần dân vào nhà nước, hoặc là - điều này cũng chẳng có gì tốt hơn - tin vào phép mầu dân chủ, hay nói cho đúng hơn, đó là sự thoả hiệp giữa hai lòng tin ấy vào phép mầu, cả hai loại đều xa lạ như nhau với chủ nghĩa xã hội. (Sđd, T. IV, tr. 495)
Điểm bất đồng căn bản là: phái Lassalle đấu tranh để biến đổi nhà nước hiện hành thành một chế độ dân chủ thật sự – do giai cấp công nhân lãnh đạo, còn Marx thì không tin vào nhà nước hiện hành (mà ông cho là một sản phẩm mang tính chất tư sản). Đối với Marx, chỉ có tự do thật sự trong một xã hội cộng sản, nghĩa là một xã hội không còn có nhà nước nữa; còn đối với nhà nước hiện tồn, chỉ có mỗi một cách là đập tan nó để xây dựng chuyên chính vô sản, tiến tới xã hội cộng sản không còn có nhà nước.
Đối với trường phái vô chính phủ, có hai nhân vật nổi bật: Pierre - Joseph Proudhon (1809-1865) và Mikhail A. Bakunin (1814-1876).
Proudhon là một nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa người Pháp thường được coi là cha đẻ của chủ nghĩa vô chính phủ triết học (philosophic anarchism, anarchisme philosophique). Trong cuốn Qu’est-ce que la propriété? (Sở hữu là gì?), Proudhon lên án sự lạm dụng của quyền lực kinh tế và chế độ sở hữu tư nhân tập trung. Những lý thuyết cực đoan của ông làm cho ông nổi tiếng là một nhà tư tưởng vô chính phủ. Proudhon phản đối quan điểm của các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng người Pháp như Fourier, Saint-Simon,… và cho rằng xã hội không thể được cải biến theo một kế hoạch được dự kiến trước. Ông hình dung một xã hội trong đó bản chất đạo đức và ý thức trách nhiệm về luân lý được phát triển cao đến mức không cần đến chính quyền để điều hoà và bảo vệ xã hội nữa. Proudhon phản đối việc sử dụng bạo lực để áp đặt bất cứ hệ thống nào cho nhân dân. Trong trạng thái lý tưởng của xã hội, mà ông gọi là “trật tự trong trạng thái vô chính phủ” (order in anarchy), nhân dân sẽ hành động một cách đạo đức và có trách nhiệm theo ý chí tự do của họ. Ông chủ trương loại bỏ quyền uy ra khỏi xã hội, để thiết lập một thứ chủ nghĩa cá nhân cực đoan. Nói chung, phái Proudhon từ khước mọi phương thức bạo động và hy vọng vào một sự tiến hoá tiệm tiến của xã hội để đạt tới một tổ chức vô chính phủ [3] .
Mặc dù đã từng tuyên bố “Sở hữu là của ăn cắp”, Proudhon không lên án chế độ tư hữu nói chung mà chỉ lên án thứ chế độ tư hữu trong đó người này bóc lột lao động của người khác. Ông bênh vực chế độ tư hữu nhỏ của người nông dân và người thợ thủ công mà ông coi là điều kiện cần thiết để bảo vệ tự do, và phê phán chủ nghĩa cộng sản (kể cả không tưởng lẫn mác-xít) là đã huỷ diệt tự do khi tước quyền kiểm soát của cá nhân đối với các tư liệu sản xuất [4] . Do đó, trong nhiều tác phẩm, Marx phê phán gay gắt tư tưởng của Proudhon, coi đó là trường phái xã hội chủ nghĩa của giai cấp tiểu tư sản mang tính chất phản động vì đi ngược lại đà tiến hoá của nhân loại. Trong “Sự khốn cùng của triết học”, Marx đánh giá Proudhon như sau:
Ông ta muốn là sự tổng hợp, kỳ thực ông ta chỉ là một sai lầm kép mà thôi.
Ông ta muốn nhà khoa học bay lượn trên cả những nhà tư sản lẫn những người vô sản; kỳ thực, ông ta chỉ là người tiểu tư sản, luôn luôn ngả nghiêng giữa Tư bản và Lao động, giữa khoa kinh tế chính trị và chủ nghĩa cộng sản mà thôi. (Sđd, T. I, tr. 400-401)
Sau khi Proudhon mất, trường phái vô chính phủ đứng đầu là Bakunin đã trở thành mối đe doạ chính đối với chủ nghĩa Marx. Khác với Proudhon - một nhà triết học vô chính phủ, Bakunin thiên về những hành động có tổ chức. Từ đầu thập niên 1860, sau khi thoát khỏi cảnh lưu đày ở Siberia, Bakunin đã truyền bá quan điểm của ông khắp châu Âu. Năm 1868, ông gia nhập Quốc tế I. Tuy nhiên, không bao lâu sau đó, ông lại kết nạp những người theo ông vào một tổ chức nửa - bí mật tên là Liên minh Dân chủ - Xã hội mà ông quan niệm như một tổ chức tiền phong cách mạng nằm ngay trong lòng Quốc tế. Do chỗ một tổ chức không thể mang trong lòng nó hai nhân vật có thế lực và xung khắc nhau; cho nên tại Đại hội Hague (La Haye) năm 1872, Marx đã tìm cách trục xuất được Bakunin và phái của ông ra khỏi Quốc tế. Sự bất hoà giữa hai phái vô chính phủ và mác-xít đã gây chia rẽ và làm suy yếu phong trào cách mạng ở châu Âu trong nhiều năm. Là một nhà cách mạng không khoan nhượng chẳng kém gì Marx, Bakunin không ngừng tuyên truyền việc lật đổ trật tự hiện hành bằng những phương tiện bạo lực; nhưng ông bác bỏ mọi sự kiểm soát và tập quyền về mặt chính trị, mọi sự phục tùng đối với quyền uy (trong khi vẫn duy trì một cách không ý thức quyền uy của chính bản thân ông trong phong trào như một trường hợp ngoại lệ). Ông tố cáo cái mà ông coi là những phương pháp tư duy và tổ chức đặc trưng của người Đức, và để đối lập lại, ông đề cao tinh thần nổi loạn bẩm sinh mà ông tìm thấy biểu hiện trong người nông dân Nga. Bakunin không có những tác phẩm trình bày học thuyết của ông một cách có hệ thống, nhưng ảnh hưởng của ông đã tạo ra những nhóm ủng hộ rải rác ở nhiều nước: Anh, Thuỵ Sĩ, Đức và nhất là Ý và Tây Ban Nha [5] .
Mặc dù tự nhận là môn đệ của Proudhon, Bakunin đã sửa đổi một số điểm quan trọng về mặt lý thuyết. Trước hết, ông cho rằng quyền sở hữu theo quan niệm của Proudhon là không thể thực hiện được, và tán thành chủ trương tập thể hoá các tư liệu sản xuất. Mặt khác, trong khi Proudhon tin rằng có thể xây dựng các hiệp hội tương trợ của những người sản xuất ngay trong xã hội hiện tồn để từng bước thay thế dần cho chế độ sở hữu cũ, thì Bakunin nghiêng về hành động bằng bạo lực. Ông tuyên bố rằng “niềm đam mê phá hoại cũng là một sự thúc đẩy mang tính sáng tạo”. Ông từ chối giải pháp cải cách tiệm tiến và cho rằng cần thiết phải có một cuộc cách mạng bằng bạo lực để xoá bỏ mọi thiết chế hiện tồn nhằm tạo ra một xã hội mới - tự do và hoà bình.
Mặc dù tư tưởng của Proudhon (dựa trên chủ nghĩa cá nhân và nguyên tắc bất bạo động) vẫn còn tồn tại trong những trào lưu ngoại vi của chủ nghĩa vô chính phủ, chính tư tưởng của Bakunin (mà đặc trưng là chủ nghĩa tập thể và cách mạng bằng bạo lực) mới là xu hướng thống trị trong phong trào này kể từ thời Quốc tế I cho đến khi bị suy sụp vào cuối cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha (năm 1939). Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, nhiều nhà vô chính phủ đã coi những hành động khủng bố như những biện pháp cần thiết để đạt được các mục tiêu cách mạng. Nhiều chính khách nổi tiếng trên thế giới đã trở thành mục tiêu ám sát của họ. [6]
Nhận xét về Bakunin, Engels cho rằng Bakunin “có học thuyết riêng của mình,một sự trộn lẫn chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa Proudhon” (Engels gửi Carlo Carfiero ngày 1-3.7.1871, Sđd, T. IV, tr. 551). Về nhà nước, Engels nêu rõ sự khác biệt căn bản giữa quan điểm mác-xít và quan điểm vô chính phủ như sau:
Trong khi quảng đại quần chúng công nhân dân chủ - xã hội nhất trí với quan điểm của chúng ta cho rằng chính quyền nhà nước không phải là cái gì khác mà là một tổ chức do các giai cấp thống trị - địa chủ và nhà tư bản - tạo ra để bảo vệ các đặc quyền xã hội của chúng thì Ba-cu-nin khẳng định rằng nhà nước đã tạo ra tư bản và nhà tư bản có được tư bản chỉ là nhờ ân huệ của nhà nước. Do đó, vì nhà nước là tai hoạ chính nên trước hết phải thủ tiêu nó, rồi sau đó chủ nghĩa tư bản sẽ tự tiêu vong. Còn chúng ta, trái lại, chúng ta nói: Hãy xoá bỏ tư bản, hãy xoá bỏ sự tập trung tất cả tư liệu sản xuất trong tay một số ít người thì nhà nước sẽ tự tiêu vong. (Engels gửi Theodor Cuno, 24.1.1872, Sđd, T. IV, tr. 563-564)
Nói cách khác, phái vô chính phủ chủ trương xoá bỏ ngay nhà nước để đạt tới tự do tuyệt đối, và sau đó chủ nghĩa tư bản tự khắc sẽ tự tiêu vong; còn Marx và Engels lại cho rằng trước mắt phải đập tan nhà nước tư sản, thiết lập nhà nước chuyên chính vô sản để làm cách mạng vô sản, rồi khi chủ nghĩa cộng sản đã được thiết lập thì nhà nước sẽ “tự tiêu vong”.
Phái Bakunin tỏ ra nguy hiểm đối với chủ nghĩa Marx, bởi vì những sách lược của nó đe doạ làm tan rã tổ chức của Quốc tế I. Cũng trong lá thư nói trên, Engels viết:
Nhưng vì Ba-cu-nin cho nhà nước là tai hoạ chủ yếu, nên phải tránh mọi hành động có thể duy trì sự tồn tại của nhà nước, nghĩa là của bất cứ nhà nước nào, dù là nhà nước cộng hoà, quân chủ hay một nhà nước nào khác. Do đó, tuyệt đối không được tham gia bất cứ một hoạt động chính trị nào. Thực hiện một hoạt động chính trị, đặc biệt là tham gia bầu cử, như vậy là vi phạm nguyên tắc đó. Công việc phải làm là tiến hành công tác tuyên truyền, nguyền rủa nhà nước, xây dựng tổ chức, và cuối cùng, khi đã tranh thủ được tất cả công nhân, tức là tranh thủ được đa số, thì sẽ xoá bỏ được tất cả các thiết chế nhà nước, sẽ xoá bỏ được nhà nước, và tổ chức của Quốc tế sẽ thay thế nó. Hành động vĩ đại đó - hành động mở màn cho một kỷ nguyên hạnh phúc ngàn năm - được gọi là sự thanh toán về mặt xã hội. (…) Vì theo Ba-cu-nin, Quốc tế được thành lập không phải để đấu tranh chính trị mà để thay thế ngay lập tức tổ chức nhà nước cũ sau khi tiến hành cuộc thanh toán về mặt xã hội, nên Quốc tế phải hết sức gần với quan niệm của Ba-cu-nin về xã hội tương lai. Trong xã hội này, trước hết là sẽ không có quyền uy nào cả, vì quyền uy = nhà nước = tai hoạ tuyệt đối. (Sđd, T. IV, tr. 564-565)
Bác bỏ quyền uy có nghĩa là bác bỏ cả quyền uy của Tổng hội đồng, trước hết là nhắm vào Marx và Engels. Vì vậy, vào năm 1873, Marx đã viết bài “Chủ nghĩa thờ ơ chính trị” và Engels viết bài “Bàn về quyền uy” đăng trong văn tập Almanacco Republicano của những người xã hội chủ nghĩa Ý, đả kích mạnh mẽ tư tuởng của Bakunin và của cả Proudhon.
Cũng chính trong quá trình đấu tranh về tư tưởng với các phái Lassalle và vô chính phủ, Marx và Engels đã làm rõ thêm một số khái niệm mà hai ông đã nêu ra trước đây.
Trong Phê phán cương lĩnh Gotha, Marx xác định là giữa xã hội tư bản và xã hội cộng sản, có một thời kỳ quá độ; thích ứng với thời kỳ ấy là “nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản”. Nhưng khi nói về chế độ cộng sản chủ nghĩa trong tương lai, Marx cũng không xác định rõ chế độ nhà nước sẽ biến đổi như thế nào. Ông viết:
Tuy thế, mặc dầu có vô vàn hình thức khác nhau, nhưng những nhà nước khác nhau trong những nước văn minh khác nhau đều có một điểm chung là được xây dựng trên miếng đất của xã hội tư sản hiện đại, chỉ có điều là phát triển ít hay nhiều theo phương thức tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, những nhà nước ấy cũng đều có chung một số tính chất căn bản. (…) Một vấn đề nảy ra là: chế độ nhà nước sẽ biến đổi như thế nào trong một xã hội cộng sản chủ nghĩa? Nói một cách khác, lúc bấy giờ sẽ còn lại những chức năng xã hội nào giống như những chức năng hiện nay của nhà nước? Chỉ có thể giải đáp câu hỏi đó một cách khoa học mà thôi, và dù có ghép từ nhân dân với từ nhà nước đến một nghìn lần thì người ta cũng không làm cho vấn đề nhích thêm được một chút nào. (Sđd, T. IV, tr. 490-491)
Ở đây, có hai vấn đề được đặt ra. Vấn đề thứ nhất: Nhà nước biến mất như thế nào? Khi Nhà nước biến mất thì những chức năng nào của Nhà nước sẽ mất theo, và những chức năng nào sẽ còn lại? Vấn đề thứ hai: trong giai đoạn quá độ, chuyên chính vô sản có còn là Nhà nước hay không, và nó khác với các Nhà nước cũ trước đây như thế nào?
Engels đã tìm cách giải đáp hai câu hỏi đó. Trong khi tranh luận với phái vô chính phủ, ông nhấn mạnh rằng Nhà nước không thể bị xoá bỏ theo ý muốn chủ quan của con người, nó chỉ có thể tự tiêu vong. Nhưng thế nào là Nhà nước tự tiêu vong? Engels giải thích trong tác phẩm Chống Dühring (1878) như sau:
Khi nhà nước, cuối cùng, thật sự trở thành đại biểu của toàn thể xã hội thì bản thân nó sẽ trở thành thừa. Một khi không còn giai cấp xã hội nào cần phải duy trì trong vòng áp bức nữa, một khi mà cùng với sự thống trị giai cấp và sự đấu tranh để sinh tồn xây dựng trên tình trạng vô chính phủ từ trước tới nay trong sản xuất, những xung đột và những sự quá lạm nẩy sinh từ tình hình đó cũng đều bị loại trừ, thì lúc đó sẽ không còn có gì để đàn áp nữa, lúc đó một lực lượng đặc biệt để đàn áp, tức là nhà nước, cũng sẽ không còn cần thiết nữa. Hành động đầu tiên, qua đó nhà nước thật sự thể hiện ra là đại biểu của toàn thể xã hội - chiếm lấy các tư liệu sản xuất nhân danh xã hội - cũng đồng thời là hành động độc lập cuối cùng của nó với tư cách là nhà nước. Sự can thiệp của chính quyền nhà nước vào các quan hệ xã hội sẽ hoá ra thừa trong hết lĩnh vực này đến lĩnh vực khác và tự đình chỉ. Việc cai quản người sẽ nhường chỗ cho việc quản lý vật và chỉ đạo quá trình sản xuất. Nhà nước không "bị xoá bỏ", nó tự tiêu vong. (Sđd , T. V , tr. 396-397)
Như vậy, “việc quản lý người” bằng nhà nước sẽ nhường chỗ cho “việc quản lý vật và chỉ đạo quá trình sản xuất” bằng cái tổ chức mà Marx đã từng gọi là liên hiệp. Chúng ta có thể hiểu rằng khi Nhà nước mất đi thì những chức năng quản lý về chính trị cũng mất đi, và trong xã hội cộng sản, chỉ còn lại những chức năng quản lý về kinh tế. Engels cũng cho biết: ý tưởng thay quản lý người bằng quản lý vật này bắt nguồn từ tư tưởng của Saint-Simon:
Năm 1816, Saint-Simon tuyên bố rằng chính trị chỉ là khoa học về sản xuất và đã báo trước rằng chính trị sẽ bị kinh tế hoàn toàn nuốt hết. Nếu ở đây nhận thức cho rằng tình hình kinh tế là cơ sở của các thiết chế chính trị chỉ mới bộc lộ ra dưới hình thức mầm mống, thì trái lại, tư tưởng cho rằng việc quản lý người về chính trị phải biến thành việc quản lý vật và thành việc chỉ đạo quá trình sản xuất, nghĩa là tư tưởng ‘xoá bỏ nhà nước’ mà gần đây người ta đã làm ầm ĩ rất nhiều,- tư tưởng ấy đã được nêu lên một cách hoàn toàn rõ rệt. (Sđd, T. V, tr. 365)
Về vấn đề thứ hai, năm 1875, khi phê phán khái niệm“nhà nước nhân dân tự do” của phái Lassalle, Engels đã viết như sau:
Nhà nước nhân dân tự do đã trở thành một nhà nước tự do. Đứng về mặt ngữ pháp của từ ngữ ấy mà xét thì một nhà nước tự do là một nhà nước được tự do đối với các công dân của mình, tức là một nhà nước có một chính phủ độc tài. Có lẽ nên bỏ hẳn tất cả những câu ba hoa như vậy về nhà nước đi, nhất là sau Công xã; Công xã không còn là một nhà nước theo nghĩa đen của từ này nữa. Bọn vô chính phủ chủ nghĩa đã làm chối óc chúng ta khá nhiều về mấy tiếng nhà nước nhân dân, mặc dầu quyển sách của Mác viết chống Proudhon rồi đến cuốn "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản" cũng đều đã nói hết sức rõ là với sự thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa, nhà nước sẽ tự tiêu vong và biến đi. Vì nhà nước, xét cho cùng, chỉ là một thiết chế tạm thời mà người ta phải dùng đến trong đấu tranh, trong cách mạng, để đàn áp kẻ địch của mình bằng bạo lực, cho nên nói đến một nhà nước nhân dân tự do là hoàn toàn vô nghĩa: chừng nào mà giai cấp vô sản còn cần đến nhà nước thì như thế, tuyệt nhiên không phải là vì tự do, mà là vì để trấn áp kẻ địch của mình. Và ngày nào có thể nói đến tự do thì nhà nước sẽ không còn tồn tại với tư cách là nhà nước nữa. Vì vậy, chúng tôi đề nghị rằng bất cứ ở đâu cũng nên thay từ ’nhà nước’ bằng từ "Gemeinwesen" (công xã) là một tiếng Đức cổ rất đắt, tương đương với từ Commune (công xã) trong tiếng Pháp. (Engels gửi August Bebel, 18-28.3.1875; Sđd, T. IV, tr. 585)
Như vậy, chuyên chính vô sản vẫn còn là nhà nước, bởi vì như trên đã nói: giai cấp vô sản thiết lập nền chuyên chính vô sản chủ yếu không phải vì tự do, mà vì để trấn áp kẻ địch của mình bằng bạo lực. Nhưng chuyên chính vô sản không còn là nhà nước đúng nghĩa nữa, bởi vì nó là nhà nước đang tự tiêu vong. Năm 1871, Marx viết: “Công xã đã cung cấp cho nền cộng hoà cái cơ sở của những thiết chế thật sự dân chủ” (Sđd, T. IV, tr. 97). Hai mươi năm sau (1891), Engels đã xác định chuyên chính vô sản (mà hình mẫu là Công xã Paris) là “một chính quyền nhà nước mới, thật sự dân chủ” (“Lời mở đầu viết cho lần xuất bản thứ ba bằng tiếng Đức tác phẩm ‘Nội chiến ở Pháp’”; Sđd, T. VI, tr. 482)
Mặc dù là nhà nước mới, chuyên chính vô sản vẫn còn là nhà nước; do đó, Engels cảnh cáo người cách mạng đừng sa vào căn bệnh mê tín nhà nước – một căn bệnh mà ông cho là rất phổ biến ở người Đức. Ông viết tiếp:
Nhưng thực ra, nhà nước chẳng qua chỉ là một bộ máy của một giai cấp này dùng để trấn áp một giai cấp khác, điều đó, trong chế độ cộng hoà dân chủ cũng hoàn toàn giống như trong chế độ quân chủ. Và trong trường hợp tốt nhất, người ta cũng có thể nói được rằng nhà nước cũng chỉ là một tai hoạ mà giai cấp vô sản chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành quyền thống trị giai cấp đã được thừa hưởng; cũng giống như Công xã trước kia, giai cấp vô sản chiến thắng sẽ không thể không tức khắc tước bỏ những mặt nguy hại nhất của tai hoạ đó, cho đến khi một thế hệ lớn lên trong những điều kiện xã hội mới và tự do, có đủ sức vứt bỏ được tất cả cái thứ đồ cũ là nhà nước kia đi. (Sđd, T. VI, tr. 482)
Làm thế nào để “tước bỏ những mặt nguy hại nhất của tai hoạ đó”? Cũng như Marx, Engels hoàn toàn tin vào kinh nghiệm của Công xã Paris:
Để tránh cái tình trạng không thể tránh khỏi được ấy trong tất cả các nhà nước tồn tại từ trước đến nay, - tức là tình trạng nhà nước nguyên là tôi tớ của xã hội, sau biến thành chủ nhân của xã hội, - Công xã đã dùng hai biện pháp hết sức công hiệu. Thứ nhất là Công xã đã đưa tất cả những chức vị hành chính, tư pháp, giáo dục quốc dân ra để thông qua đầu phiếu phổ thông mà chọn người đảm nhiệm, và đồng thời đã thi hành quyền bãi miễn những người được bầu ấy bất cứ lúc nào, căn cứ vào quyết nghị của những cử tri đã bầu ra họ. Và thứ hai là nó trả cho tất cả các công vụ, từ việc thấp nhất đến việc cao nhất, một số tiền lương bằng lương của các công nhân khác. Nói chung, số lương cao nhất mà Công xã đã trả là 6000 phrăng. Như vậy là đã tạo ra được một trở ngại chắc chắn để phòng ngừa tình trạng chạy chọt chức vị và chủ nghĩa thăng quan phát tài, và ngoài ra Công xã còn thi hành thêm chế độ uỷ nhiệm thư mà các đại biểu được bầu vào các cơ quan đại diện tuyệt đối phải tuân theo. (Sđd, T. VI, tr. 481)
Quan niệm cho rằng chuyên chính vô sản là một nhà nước mới, thật sự dân chủ của Engels chính là gợi ý để sau này, Lenin nêu ra quan niệm về một nền dân chủ vô sản, một thứ nhà nước kiểu mới, dân chủ gấp triệu lần so với nhà nước dân chủ tư sản.
Chương IV
Những đóng góp của F. Engels
Mặc dù quan niệm về nhà nước của Marx đã dần dần được hình thành trên những nét lớn; nhưng cho đến khi mất, ông vẫn không dành riêng một tác phẩm nào để hệ thống hoá toàn bộ quan niệm ấy. Do coi trọng kinh tế hơn chính trị, từ đầu thập niên 50 của thế kỷ XIX, Marx dành phần lớn thời gian để nghiên cứu lĩnh vực kinh tế, nhất là để hoàn thành bộ Tư bản. Chính Engels mới là người đã góp công hoàn chỉnh lý thuyết về nhà nước của Marx.
Sau khi Marx mất, Engels đã bắt tay vào nghiên cứu xã hội thời cổ đại. Dựa trên tác phẩm Ancient Society (Xã hội thời cổ, xuất bản năm 1877) của nhà nhân chủng học người Mỹ Lewis H. Morgan, viết về các bộ lạc của thổ dân ở Bắc Mỹ; đồng thời dựa trên bản tóm tắt chi tiết của Marx về tác phẩm này, Engels đã hoàn thành cuốn Nguồn gốc của gia đình, của sở hữu tư nhân và của nhà nước (xuất bản lần đầu năm 1884). Ông coi đây là một việc làm nhằm thực hiện di chúc của Marx. Trong tác phẩm này, Engels đã trình bày khá tỉ mỉ về sự ra đời, phát triển và tiêu vong của nhà nước trong lịch sử.
Về nguồn gốc của nhà nước trong lịch sử, Engels đã trình bày sự hình thành của ba nhà nước tiêu biểu ở châu Âu: nhà nước Athena ở Hy Lạp thời cổ đại, nhà nước La Mã thời cổ đại, và nhà nước của người German (Germain) cuối thời cổ đại. Qua đó, ông chứng minh rằng cả ba nhà nước này đều nảy sinh từ sự tan rã của chế độ công xã nguyên thuỷ, nói chính xác hơn là từ sự tan rã của chế độ thị tộc.
Mặc dù chế độ thị tộc thời nguyên thuỷ không còn tồn tại, nhưng người ta vẫn có thể tìm hiểu thông qua những tàn tích của chế độ thị tộc còn sót lại. Trong tác phẩm của mình, Morgan trình bày khá tỉ mỉ về chế độ thị tộc của người Iroquois ở Bắc Mỹ - nhất là các thị tộc thuộc bộ lạc Seneca ở tiểu bang New York (Hoa Kỳ) mà ông đã từng tiếp xúc trực tiếp để quan sát, nghiên cứu qua nhiều năm.
Dưới chế độ công xã nguyên thuỷ, thị tộc (gens, clan) là đơn vị cơ bản của xã hội. Cơ quan quyền lực tối cao của thị tộc là Hội đồng thị tộc, tức là đại hội dân chủ gồm tất cả các thành viên của bộ lạc, kể cả nam và nữ, tất cả đều có quyền bầu cử như nhau. Hội đồng bầu ra và bãi miễn tù truởng và thủ lĩnh quân sự; nhưng quyền lực của tù trưởng chỉ là quyền lực gia trưởng, thuần về mặt đạo đức, không có phương tiện cưỡng bách nào cả; còn thủ lĩnh quân sự thì chỉ có thể ra mệnh lệnh trong thời gian xuất chinh mà thôi. Nhiều thị tộc họp thành bào tộc (phratry, phratrie), nhiều bào tộc họp thành bộ lạc (tribe, tribu). Bộ lạc có quyền bãi chức những tù trưởng hay thủ lĩnh quân sự của thị tộc ngay cả khi thị tộc không đồng ý. Đứng đầu bộ lạc là Hội đồng bộ lạc, bao gồm tất cả các tù trưởng và thủ lĩnh quân sự của các thị tộc. Hội đồng bộ lạc họp công khai, đứng xung quanh là các thành viên khác của bộ lạc, họ có quyền tham gia thảo luận và phát biểu ý kiến, nhưng quyền quyết định thuộc về Hội đồng. Nhiệm vụ chính của Hội đồng bộ lạc là điều tiết các quan hệ đối ngoại với các bộ lạc khác, tuyên chiến và ký hoà ước. Trong một vài bộ lạc, có một vị thủ lĩnh tối cao nhưng quyền hành rất hạn chế: đó là một trong các tù trưởng có nhiệm vụ ban hành những biện pháp tạm thời trong trường hợp khẩn cấp trước khi Hội đồng bộ lạc có thể họp lại để quyết định dứt khoát.
Trong lúc tuyệt đại đa số người Indians ở châu Mỹ chưa vượt qua giai đoạn hình thành bộ lạc thì riêng người Iroquois đã tiến tới giai đoạn hình thành Liên minh bộ lạc (theo Morgan có năm bộ lạc). Cơ quan quyền lực của liên minh là Hội đồng liên minh, gồm 50 tù trưởng, tất cả đều có uy tín và địa vị ngang nhau; không có ai đứng đầu liên minh, không có người nào đứng đầu quyền hành pháp, nhưng lại có hai thủ lĩnh quân sự tối cao, có quyền hạn và nhiệm vụ ngang nhau. Nhận xét về xã hội của người Iroquois, “một xã hội chưa từng biết đến nhà nước”, Engels viết:
Với tất cả cái tính ngây thơ và giản dị của nó, chế độ thị tộc đó quả là một tổ chức tốt đẹp biết bao! Không có quân đội, hiến binh và cảnh sát, không có quý tộc, vua chúa, tổng đốc, trưởng quan và quan toà, không có nhà tù, không có những vụ xử án, - thế mà mọi việc đều trôi chảy.(…) Mặc dù những công việc chung là nhiều hơn ngày nay rất nhiều - nền kinh tế gia đình được một loạt gia đình tiến hành chung và theo nguyên tắc cộng sản chủ nghĩa; đất đai là tài sản của toàn thể bộ lạc,chỉ có những mảnh vườn nhỏ bé mới tạm giao cho các gia đình sử dụng, - nhưng người ta vẫn không hề cần đến cái bộ máy quản lý cồng kềnh và phức tạp của chúng ta. Mọi việc đều do những người hữu quan tự giải quyết lấy và trong đa số các trường hợp, một tập quán lâu đời đã giải quyết trước tất cả mọi việc rồi. (Sđd, T. VI, tr. 151-152)
Dưới thời cộng sản nguyên thuỷ, sự phân công lao động hoàn toàn mang tính chất tự nhiên: chỉ có sự phân công giữa nam và nữ. Kinh tế gia đình là kinh tế cộng sản chung cho nhiều gia đình, thường là chung cho một số lớn gia đình. “Cái gì cùng nhau làm ra và dùng chung, cái đó là tài sản chung, như nhà cửa, vườn tược và thuyền độc mộc”. (Sđd, T. VI, tr. 244)
Sự phân công lao động xã hội lớn đầu tiên là sự tách rời giữa trồng trọt và chăn nuôi. Ở các bộ lạc du mục, sản xuất tăng nhanh và sở hữu tư nhân bắt đầu xuất hiện. Khi các đàn gia súc trở thành sở hữu tư nhân thì việc trao đổi hàng hoá trở thành thường xuyên; gia súc bắt đầu trở thành tiền tệ (vật ngang giá chung). Người ta làm ra được khung dệt và chế tạo ra các công cụ bằng đồng. Nghề trồng trọt và nghề thủ công cũng phát triển hơn. Sản xuất tăng nhanh khiến cho sản phẩm làm ra nhiều hơn số sản phẩm cần thiết cho sinh hoạt của thị tộc. Do đó đẻ ra nhu cầu thu hút sức lao động mới. Tù binh trong chiến tranh biến thành người nô lệ. Như vậy, từ sự phân công lao động xã hội lần thứ nhất, đã nảy sinh ra sự phân chia giai cấp đầu tiên: xã hội phân thành hai giai cấp – chủ nô và nô lệ. Chế độ mẫu quyền sụp đổ, nhường chỗ cho chế độ phụ quyền.
Đến thời đại đồ sắt, lại diễn ra sự phân công lao động xã hội lớn lần thứ hai: thủ công nghiệp tách khỏi nông nghiệp. Chế độ nô lệ trở thành bộ phận cấu thành chủ yếu của hệ thống xã hội: nô lệ không chỉ là người giúp việc đơn thuần mà bị đẩy đi làm việc ngoài đồng ruộng và trong xưởng thợ thành từng đoàn mươi, mười hai người một. Sản xuất hàng hoá ra đời, và cùng với nó là thương nghiệp. Bên cạnh sự phân biệt giữa người tự do và nô lệ đã xuất hiện sự phân biệt giữa kẻ giàu và người nghèo. Đất đai do thị tộc tạm cấp trước đây dần dần chuyển thành sở hữu tư nhân. Sự hợp nhất những bộ lạc biến lãnh thổ riêng của các bộ lạc thành lãnh thổ chung. Thủ lĩnh quân sự (rex, basileus, thiudans) do dân bầu ra dần dần trở thành viên chức thường xuyên. Các cơ quan của xã hội thị tộc trước đây (thủ lĩnh quân sự, hội đồng, đại hội nhân dân) phát triển thành nền dân chủ quân sự (military democracy, démocratie militaire).
Chiến tranh trước kia chỉ nhằm để trả thù những vụ xâm lược hay để mở rộng lãnh thổ thì nay trở thành một ngành “kinh doanh” thường xuyên. Những cuộc chiến tranh cướp bóc làm tăng thêm quyền lực của thủ lĩnh quân sự tối cao cũng như quyền lực của các thủ lĩnh quân sự dưới quyền của người đó. Tập quán lựa chọn thủ lĩnh trong cùng một gia đình dần dần trở thành một sự kế thừa cha truyền con nối:
Như vậy là những cơ quan của tổ chức thị tộc đã dần dần tách khỏi cái gốc rễ của chúng trong nhân dân, trong thị tộc, bào tộc, bộ lạc; và toàn bộ tổ chức thị tộc chuyển hoá thành cái đối lập với nó; từ chỗ là một tổ chức của bộ lạc nhằm giải quyết một cách tự do những công việc của mình, tổ chức thị tộc đã trở thành một tổ chức để cướp bóc và áp bức láng giềng; và do đó, các cơ quan của nó, lúc đầu là công cụ của ý chí của nhân dân, đã trở thành những cơ quan độc lập nhằm thống trị và áp bức chính ngay nhân dân. (Sđd, T. VI, tr. 252)
Lúc này ta đang đứng ở ngưỡng cửa của thời đại văn minh. Sự đối lập giữa thành thị và nông thôn càng trầm trọng. Lại xuất hiện thêm sự phân công lớn lần thứ ba: sự xuất hiện của thương nghiệp:
Ở đây, lần đầu tiên, xuất hiện một giai cấp, tuy không tham gia sản xuất một tí nào, nhưng lại chiếm toàn quyền lãnh đạo sản xuất và bắt những người sản xuất phụ thuộc vào mình về mặt kinh tế; nó tự đứng ra làm kẻ trung gian không thể thiếu được giữa hai người sản xuất và bóc lột cả hai. (Sđd, T. VI, tr.254)
Cùng với những thương nhân là sự xuất hiện của tiền kim loại (tức tiền đúc), và xuất hiện việc cho vay lấy lãi. Bên cạnh của cải bằng hàng hoá và nô lệ, bên cạnh của cải bằng tiền, còn xuất hiện của cải bằng ruộng đất. Từ chỗ là tài sản của thị tộc, ruộng đất trở thành hàng hoá, có thể đem bán hay cầm cố được. Sự tích tụ và tập trung của cải vào tay một số ít người diễn ra cùng lúc với sự bần cùng hoá ngày càng tăng của quần chúng và sự tăng thêm của đám đông dân nghèo. Bên cạnh những người dân tự do phân chia thành nhiều giai cấp tuỳ theo tài sản của họ, thì số nô lệ tăng lên rất đông (nhất là ở Hy Lạp); lao động cưỡng bách của nô lệ là cơ sở trên đó xây dựng nên kiến trúc thượng tầng của toàn bộ xã hội. Xã hội thị tộc tan rã, nhường chỗ cho xã hội có giai cấp đối kháng:
Cuối cùng, tổ chức thị tộc đã sinh ra từ một xã hội không biết đến mâu thuẫn nội tại và nó chỉ thích hợp với một xã hội kiểu ấy mà thôi. Ngoài dư luận công chúng ra, nó không có một phương tiện cưỡng chế nào cả. Nhưng bây giờ, một xã hội mới đã ra đời, một xã hội do toàn bộ những điều kiện kinh tế của sự tồn tại của nó mà phải chia ra thành những người tự do và nô lệ, thành những kẻ giàu có đi bóc lột và những người nghèo khổ bị bóc lột, một xã hội không những không thể lại điều hoà một lần nữa những mặt đối lập đó, mà còn buộc phải đẩy chúng đi đến chỗ ngày càng gay gắt. Một xã hội như vậy chỉ có thể tồn tại trong cuộc đấu tranh không ngừng và công khai giữa các giai cấp đó với nhau, hoặc giả là tồn tại dưới sự thống trị của một lực lượng thứ ba, một lực lượng tựa hồ như đứng trên các giai cấp đang đấu tranh với nhau, dập tắt cuộc xung đột công khai giữa các giai cấp ấy và cùng lắm là để cho cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra trong lĩnh vực kinh tế, dưới một hình thức gọi là hợp pháp. Tổ chức thị tộc đã không còn tồn tại nữa. Nó đã bị sự phân công và hậu quả của sự phân công ấy, tức là sự phân chia của xã hội thành giai cấp, phá tan. Nó đã bị nhà nước thay thế. (Sđd, T. VI, tr. 258-259)
Từ những căn cứ đó, Engels kết luận:
Vậy nhà nước quyết không phải là một quyền lực từ bên ngoài áp đặt vào xã hội. Nó càng không phải là cái "hiện thực của ý niệm đạo đức", là "hình ảnh và hiện thực của lý tính" như Hegel khẳng định. Đúng ra, nhà nước là sản phẩm của một xã hội đã phát triển tới một giai đoạn nhất định; nó là sự thú nhận xã hội đó bị lúng túng trong một mối mâu thuẫn với bản thân mà không sao giải quyết được, rằng xã hội đó đã bị phân thành những mặt đối lập không thể điều hoà mà xã hội đó bất lực không sao loại bỏ được. Nhưng muốn cho những mặt đối lập đó, những giai cấp có quyền lợi kinh tế mâu thuẫn nhau đó, không đi đến chỗ tiêu diệt lẫn nhau và tiêu diệt luôn cả xã hội trong một cuộc đấu tranh vô ích, thì cần phải có một lực lượng cần thiết, một lực lượng tựa hồ như đứng trên xã hội, có nhiệm vụ làm dịu bớt sự xung đột và giữ cho sự xung đột đó nằm trong vòng "trật tự"; và lực lượng đó, nảy sinh ra từ xã hội, nhưng lại đứng lên trên xã hội và ngày càng xa rời xã hội, chính là nhà nước. (Sđd, T. VI, tr. 260-261)
Engels nêu ra những đặc trưng của nhà nước làm cho nó phân biệt với tổ chức điều hành của xã hội thị tộc:
Đặc trưng thứ nhất của nhà nước là ở chỗ nó phân chia dân cư theo địa vực chứ không phải theo quan hệ dòng máu.
Đặc trưng thứ hai là sự thiết lập một quyền lực công cộng tách rời khỏi xã hội: quân đội thường trực thay cho nhân dân tự vũ trang, ngoài ra còn có đội cảnh binh và những công cụ vật chất khác như nhà tù và đủ loại cơ quan cưỡng bức khác.
Đặc trưng thứ ba là sự đóng góp của công dân thông qua thuế má nhằm để duy trì quyền lực công cộng đó; trong thời hiện đại, ngoài thuế ra còn có công trái.
Đặc trưng thứ tư là bọn quan lại (các công chức) [7] . Nắm được quyền lực công cộng và quyền thu thuế, các quan lại (công chức) được đặt lên trên xã hội. Nhà nước mọc lên từ xã hội nay trở thành xa lạ, đối lập với xã hội; quyền uy mang tính chất cưỡng bách thay cho lòng tôn kính tự nguyện trước kia:
Viên cảnh sát tồi nhất của một nhà nước văn minh vẫn có “quyền uy” hơn tất cả những cơ quan của xã hội thị tộc cộng lại; nhưng một vương công có thế lực nhất, một chính khách hoặc một chỉ huy quân sự lớn nhất của thời đại văn minh vẫn có thể ghen với vị thủ lĩnh nhỏ nhất trong thị tộc về sự tôn kính tự nguyện và không thể tranh cãi được mà vị thủ lĩnh ấy được hưởng. Đó là vì vị thủ lĩnh thị tộc nằm ngay trong lòng xã hội, còn những người kia thì bắt buộc phải mong muốn đại biểu cho một cái gì ở bên ngoài và đứng trên xã hội. (Sđd, T. VI, tr. 263)
Về bản chất của nhà nước, Engels cho rằng mặc dù trong quá trình phát triển, nhà nước đã mang nhiều hình thức khác nhau, nhưng bao giờ nó cũng là công cụ của một giai cấp thống trị về mặt kinh tế; điều đó làm cho nhà nước mang bản chất giai cấp:
Vì nhà nước nảy sinh ra từ nhu cầu phải kiềm chế những sự đối lập giai cấp, nhưng vì nhà nước đồng thời cũng nảy sinh ra giữa cuộc xung đột của các giai cấp ấy, cho nên theo lệ thường, nhà nước là nhà nước của giai cấp có thế lực nhất, của cái giai cấp thống trị về mặt kinh tế và nhờ có nhà nước, mà cũng trở thành giai cấp thống trị về mặt chính trị và do đó có thêm được những phương tiện mới để đàn áp và bóc lột giai cấp bị áp bức. (Sđd, T. VI, tr. 263)
Engels nêu ra “ba hình thức nô dịch lớn đặc trưng cho ba thời đại lớn của văn minh”: chế độ nô lệ thời cổ, chế độ nông nô thời trung cổ, và chế độ làm thuê thời hiện đại (Sđd, T. VI,, tr. 269). Tương ứng với ba hình thức bóc lột đó là: nhà nước của chủ nô dùng để đàn áp nô lệ, nhà nước phong kiến - cơ quan của bọn quý tộc dùng để đàn áp nông nô và những nông dân bị phụ thuộc, và nhà nước đại nghị hiện đại - công cụ của tư bản dùng để bóc lột lao động làm thuê (Sđd, T. VI,, tr. 263). Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng trong một số trường hợp ngoại lệ, nhà nước có thể có một mức độ độc lập nào đó đối với các giai cấp đang đối địch nhau; đó là những thời kỳ mà những giai cấp đang đấu tranh lẫn nhau lại gần đạt được một thế quân bình. Chẳng hạn như chế độ quân chủ chuyên chế ở thế kỷ XVII và XVIII (do thế thăng bằng giữa bọn quý tộc và giai cấp tư sản); như chế độ Bonaparte của Đế chế I và đặc biệt là của Đế chế II ở Pháp (đứng giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản), hay nhà nước Đức của Bismarck (do thế quân bình giữa các nhà tư bản và công nhân).
Theo Engels, trong đa số nhà nước đã từng tồn tại trong lịch sử, những quyền ban cho công dân còn tỷ lệ với tài sản của họ, điều đó cho thấy rằng nhà nước là một tổ chức của giai cấp hữu sản, dùng để bảo vệ giai cấp này chống lại giai cấp không có của. Tuy nhiên việc thừa nhận về mặt chính trị sự chênh lệch về tài sản không phải là một dấu chỉ căn bản; nó chỉ chứng tỏ rằng nhà nước đang còn ở một trình độ thấp. Đối với chế độ cộng hoà dân chủ là hình thức nhà nước cao hơn, sự chênh lệch về của cải không còn được chính thức thừa nhận về mặt pháp lý. Trong chế độ đó, của cải vẫn phát huy quyền lực của nó một cách gián tiếp, nhưng lại càng chắc chắn hơn nhiều: một mặt, dưới hình thức trực tiếp mua chuộc những người công chức; mặt khác, dưới hình thức liên minh giữa chính phủ và sở giao dịch. Ngoài ra, dưới chế độ cộng hoà dân chủ, giai cấp hữu sản thống trị trực tiếp bằng hình thức đầu phiếu phổ thông. Đối với Engels, đầu phiếu phổ thông là một cách thức thống trị của giai cấp tư sản; nhưng cũng là “cái thước đo sự trưởng thành của giai cấp công nhân”.
Việc xác định rằng trong quá khứ, đã từng có lúc xã hội loài người không có nhà nước củng cố thêm lòng tin của những người cộng sản về một tương lai trong đó nhà nước sẽ tự tiêu vong. Engels đã khẳng định điều đó bằng một giọng văn hùng hồn:
Như vậy là không phải lúc nào cũng đã có nhà nước. Đã từng có những xã hội không cần đến nhà nước, không có một khái niệm nào về nhà nước và chính quyền nhà nước cả. Đến một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định, giai đoạn tất nhiên phải gắn liền với sự phân chia xã hội thành giai cấp thì sự phân chia đó làm cho nhà nước trở thành một tất yếu. Bây giờ, chúng ta đang bước nhanh đến gần một giai đoạn phát triển sản xuất, trong đó sự tồn tại của những giai cấp nói trên không những không còn là một sự tất yếu nữa, mà đã trở thành một trở ngại trực tiếp cho sản xuất. Những giai cấp đó nhất định sẽ biến mất cũng như xưa kia, chúng nhất định phải xuất hiện. Giai cấp tiêu vong thì nhà nước cũng không tránh khỏi tiêu vong theo. Xã hội sẽ tổ chức lại nền sản xuất trên cơ sở liên hợp tự do và bình đẳng giữa những người sản xuất, sẽ đem toàn thể bộ máy nhà nước xếp vào cái vị trí thật sự của nó lúc bấy giờ: vào viện bảo tàng đồ cổ, bên cạnh cái xa kéo sợi và cái rìu bằng đồng. (Sđd, T. VI, tr. 265-266)
Có thể nói kể từ khi xuất bản, tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước của Engels đã trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Marx. Nó tạo ra một căn cứ khoa học, hay ít ra cũng cung cấp một lớp vỏ bề ngoài mang dáng vẻ khoa học cho lý thuyết mác-xít về nhà nước và chuyên chính vô sản. Đầu thế kỷ XX, Lenin đã dựa vào nó như một tác phẩm căn bản để nghiên cứu lý thuyết mác-xít về nhà nước, cũng như để viết cuốn Nhà nước và cách mạng.
© 2005 talawas
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=5450&rb=08
[1]"Lassalle, Ferdinand", Microsoft® Encarta® Encyclopedia 2001, © 1993-2000
[2]Harry W. Laidler, History of Socialism, Thomas Y. Crowell Company, New York 1968, tr. 226-227.
[3]"Proudhon, Pierre Joseph", “Anarchism”; Microsoft® Encarta® Encyclopedia 2001, © 1993-2000.
[4]“Proudhon, Pierre-Joseph”, Encyclopaedia Britannica 2000, 1994-2000.
[5]“Bakunin, Mikhail Aleksandrovich”, Encyclopaedia Britannica 2000, 1994-2000.
[6]“Russian anarchist thought”, Encyclopædia Britannica 2000; “Anarchism”, Microsoft® Encarta® Encyclopedia 2001.
[7]Trong bản dịch tiếng Pháp: fonctionnaires (công chức). Xem: Fr. Engels, L’origine de la famille, de la propriété et de l’Etat, traduit par Bracke (A.M. Desrousseaux, Alfred Costes, Paris 1946, tr. 225).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét