Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Hiệu ứng bài phát biểu đình đám của "Bầu Kiên" nhìn từ góc độ tâm lý và dư luận xã hội


Tuần qua, nổi lên sự kiện khá đình đám và đã trở thành một hiệu ứng khá sôi nổi trên các phương tiện thông tin (cả lề trái và lề phải)đó là phát biểu được coi là "thẳng thắn" của Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội ACB (HN ACB) Nguyễn Đức Kiên (thường gọi là bầu Kiên)tại hội nghị tổng kết mùa giải 2011 của Liên Đoàn Bóng Đá Việt Nam (VFF) tại Hà Nội ngày 8/9/2911. Bài phát biểu có vẻ là khá bất ngờ với giới truyền thông lại càng bất ngờ hơn đối với Hội nghị này nói chung và bản thân Lãnh đạo VFF bởi nó không được thông báo trước về nội dung cũng như những hé lộ về dự định phát biểu của ông Kiên đối với giới báo chí trước đó nên khi nghe ông Kiên phát biểu ngay lập tức đã làm cho Hội nghị nóng lên, còn bản thân những quan chức của Liên đoàn thì có lẽ thật sự bị "sốc", nhiều quan chức bị phê phán, nhắc tên trực tiếp ngay tại Hội nghị có lẽ càng "sốc hơn" do quá bất ngờ nên "không kịp trở tay thay quần áo"!
Xung quanh bài phát biểu của bầu Kiên nếu nghe kỹ thì nội dung không có gì là sốc, nhưng lại thực sự sốc bởi ông dám nói ra sự thật ngay trong một hội nghị mà có lẽ ít người có gan nói được như vậy(mặc dù giới làm bóng đá mang tâm hồn nửa nghệ sĩ, nửa cơ bắp thể thao nên cũng không thiếu gì cái đầu nóng nhưng lại thiếu một lá gan đủ lớn để dám nói thật như ông Kiên). Trong bài phát biểu của mình, với một thái độ bức xúc song hình như có sự chuẩn bị và cân nhắc sẵn nên ông Kiên phát biểu khá rành rọt. Đầu tiên là chuyện lùm xùm trong việc ký hợp đồng tài trợ của Liên đoàn với các nhà tài trợ tới 20 năm (trong khi nhiệm kỳ của "mấy ổng" chỉ 3 - hoặc 4 năm), do đó theo ông Kiên với việc ký kết hợp đồng như vậy đã để lại hệ lụy lâu dài và nặng nề đối với VFF sau này nên cần phải bàn lại hợp đồng. Thứ đến là vấn đề tổ chức hoạt động của VFF, tổ chức điều hành của Ban tổ chức giải "Vilic" đã gây bức xúc cho các câu lạc bộ từ lịch thi đấu, đến việc thực thi khen thưởng, kỷ luật, luật lệ, v.v.. Và cuối cùng, vấn đề bức xúc nhất là vấn đề trọng tài. Thậm chí, theo ông Kiên chính vấn nạn trọng tài đã làm hỏng nền bóng đá chuyên nghiệp non trẻ của VN. Nguyên nhân ư? Theo ông Kiên là do cách tổ chức, chi trả của VFF. Với hơn 30 tỷ đồng tài trợ V bank và ACB ông Kiên nói không rõ VFF chi ra bao nhiêu, giữ lại bao nhiêu mà tiền cho trọng tài ít thế để dẫn đến trọng tài tiêu cực?, v.v..

Phát biểu của ông Kiên được coi là khá thẳng thắn và có uy vì ông là doanh nghiệp tài trợ cho giải đấu. Theo dõi bài phát biểu của ông Kiên tôi thấy không dưới 4 lần ông dọa rút lui hoặc đề nghị đối tác rút lui tài trợ cho giải. Đúng là tiếng nói của kẻ có tiền nên trọng lượng cũng thật ghê gớm! Các quan chức VFF phần lớn là những người cộng sản vốn bất tài nhưng hợm hĩnh, khinh người, kiêu ngạo là thế mà khi nghe bài phát biểu của ông Kiên cũng chờn. Tất nhiên, họ cũng có phản ứng nhưng yếu ớt và thậm chí là nước đôi. Nghe nói, ông Nguyễn Trọng Hỷ sau đó có nói lại với báo chí là xin các doanh nghiệp đừng rút lui tài trợ cho giải. Như vậy có thể nói, sức nặng trong bài phát biểu của "bầu Kiên" không chỉ đơn thuần là nói thật mà còn là sức nặng của lời nói của anh nhà giàu đối với giới quan chức. Khi mà lợi ích nhóm đan xen nhau thì tiếng nói của mỗi bên vô cùng quan trọng. Chẳng thế mà ngay sau đó, ông Lê Hùng Dũng, Phó chủ tịch LĐBĐVN cũng là một trong những doanh nhân tại trợ chính cho giải đấu đã nói huỵch toẹt là cần để ai, thay ai trong mùa giải tới thậm chí theo ông nếu cần có thể thay cả tổng thư ký VFF...
Quan sát giới truyền thông thì thấy sự phản ứng cũng khác nhau. Tuy nhiên, có điểm khá thống nhất là một không khí hoan hỉ sau khi nghe bài phát biểu của bầu Kiên. Nhiều bài báo ca ngợi ông Kiên hết lời. Thậm chí có Blogger còn đề nghị ông Kiên nên ứng cử đại biểu Quốc hội để nếu cần thì cũng phát biểu như thế trước Quốc hội. Đến đây thì vấn đề lại đi xa rồi. Hóa ra là một bộ phận "quần chúng nhân dân" cảm thấy mình quá thấp cổ bé họng trước giới quan chức. Giá có đại biểu Quốc hội nào đó mà đại diện cho mình cũng nói hăng như thế trước Quốc hội thì đội ơn, chúng con nhớ bác nhiều nhiều. Lâu nay, xã hội băng hoại nhưng hình như người ta nhẫn nhục, người ta im lặng, thậm chí người ta cố ý hay vô tình đồng lõa trước cái xấu, cái tiêu cực mà ít ai dám nói thẳng với tâm lý ngại va chạm, sợ cường quyền...Bây giờ nghe ông Kiên nói mà cảm thấy phần nào hả dạ. Họ ước mơ, họ mong ước có ngày xã hội mình có nhiều người như ông Kiên thì tốt biết bao.
Nhưng họ cũng phải biết một thực tế là ông Kiên không phải đại diện cho "quần chúng nhân dân thấp cổ bé họng", mà tiếng nói của ông là đại diện cho giới kinh doanh, những người bỏ tiền để đi buôn nên họ muốn thấy đồng tiền của mình sinh lãi. Họ không muốn chơi trò ú tim với quyền lực để mất dấu đồng tiền của mình. Thế cho nên, ước mơ thì chính đáng, nhưng thực hiện ước mơ dù bé nhỏ thì cũng khó lắm thay!

1 nhận xét:

  1. Bài viết khá hay, song tôi thấy hình như bác chưa nói hết ý bác định nói thì phải. Cám ơn

    Trả lờiXóa