Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

LBS - Từ chủ nghĩa xã hội bạo lực, nguyên nhân nào khiến Mác – Ănghen chuyển qua chủ nghĩa xã hội dân chủ?

Tư tưởng triết họcLịch sử

Bài của bác Hoàng Lại Giang thể hiện tâm huyết rất đáng quý của một người trí thức cộng sản trước hiện tình của đất nước, giữa lúc Đảng Cộng sản ngày càng băng hoại, cam tâm đầu hàng ngoại bang để giữ vững địa vị và quyền lợi của mình (Xem: Hoàng Lại Giang - Đừng tiếc nuối những gì mà loài người đã loại bỏ đi!).

Đáng tiếc là những gì bác viết về Mác, Ăng-ghen và Lênin lại không hoàn toàn chính xác. Các vị này không «sáng suốt », không tự nhận thức được sự sai lầm của mình như bác tưởng. Xin trả lời vài câu hỏi mà bác đặt ra:

- Vì sao ngày 17 tháng 11 năm 1852 Mác – Ăng-ghen giải tán “Đồng minh những người Cộng sản”?

Việc giải tán “Đồng minh những người Cộng sản” không có liên quan gì đến sự hình thành phong trào dân chủ - xã hội. Từ ngày 4 đến ngày 12 tháng 11 năm 1852, vụ án xét xử 11 thành viên của tổ chức này diễn ra tại thành phố Cologne ở Đức (tên trong tiếng Đức của thành phố này là Köln). Trong vụ án này, Chính phủ Phổ đã kết tội 7 người, với mức án từ 3 đến 6 năm. Việc giải tán “Đồng minh những người Cộng sản” chỉ nhằm để tránh khó khăn cho phong trào cộng sản nói chung. Hơn 10 năm sau đó (1864), Mác thành lập Quốc tế I. Như vậy “giai đoạn đầu của phong trào công nhân độc lập Đức” không hề kết thúc từ năm 1852 như bác đặt vấn đề,

- Và có phải chính Mác – Anghen đã thành lập Đảng dân chủ xã hội Đức – chính đảng xã hội chủ nghĩa vào tháng tám năm 1869?

Đảng thành lập vào năm 1869 có tên là Đảng Công nhân Dân chủ - Xã hội (SDAP). Lãnh tụ của đảng này là August Bebel và Wilhelm Liebknecht, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx. Đảng này được hình thành từ một số tổ chức chính trị của giai cấp công nhân ở vùng Saxony và miền Nam nước Đức. Nhưng đảng này không phải là nguồn gốc duy nhất của Đảng dân chủ - xã hội Đức.

Nguồn gốc thứ hai của Đảng DCXH Đức là Tổng hội Công nhân Đức do Fernidand Lassalle (1825-1864) sáng lập vào năm 1863. Đó là tổ chức chính trị có quy mô lớn đầu tiên của giai cấp công nhân ở Đức. Tổ chức này chịu ảnh hưởng của Lassalle, mà Mác lại rất “kỵ” Lassalle , thường xuyên phê phán ông này.

Hai trường phái mác-xít và Lassalle cạnh tranh nhau mãi cho đến năm 1875, khi hai phái này hợp nhất với nhau thành một đảng có tên gọi là Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa (SAP). Đến năm 1890, đảng này đổi tên thành Đảng Dân chủ - Xã hội Đức (SPD) và giữ tên đó đến tận ngày nay. Năm 1875, tức là thời điểm hợp nhất giữa hai phái mác-xít và Lassalle, được coi là thời điểm thành lập đảng.

Mác không hề ủng hộ Lassalle mà luôn luôn đả kích Lassalle, cho ông này là kẻ cơ hội, thỏa hiệp với giai cấp tư sản. Vì vậy ngay khi hai phái hợp nhất với nhau vào năm 1875, Mác đã viết bài phê phán Cương lĩnh của Đảng DCXH, về sau tác phẩm này được Ăng-ghen công bố dưới tên gọi là “Phê phán cương lĩnh Gotha”.

- Từ chủ nghĩa xã hội bạo lực, Mác – Anghen chuyển qua chủ nghĩa xã hội dân chủ xuất phát từ nguyên nhân nào?

Sự hình thành trào lưu dân chủ - xã hội không phải là công lao của Mác. Nếu có thể nói đến chút ít “công lao” đối với trào lưu dân chủ - xã hội thì chỉ có thể nói đến Ăng-ghen, người vào lúc cuối đời đã ủng hộ việc Đảng DCXH Đức tận dụng con đường hợp pháp (phổ thông đầu phiếu) để mở rộng ảnh hưởng.

Như trên đã nói, Đảng dân chủ - xã hội Đức là kết quả của hai dòng tư tưởng: Mác và Lassalle. Sự trỗi dậy của phái Lassalle (chủ trương đấu tranh ôn hòa trong khuôn khổ của chế độ dân chủ tư sản) mới là nguồn gốc của chủ nghĩa dân chủ - xã hội. Người đánh giá lại vai trò của Lassalle và vạch ra con đường sửa chữa chủ nghĩa Mác là Eduard Bernstein (1850-1932), một học trò của Ăng-ghen. Tác phẩm nổi tiếng của Bernstein gây sóng gió trong phong trào mác-xít ở Đức có tên là “Những tiền đề của chủ nghĩa xã hội và những nhiệm vụ của Đảng dân chủ - xã hội“ được xuất bản vào năm 1896, 3 năm sau khi Ăng-ghen qua đời.

Bác có thể tìm đọc bài viết “Dân chủ - xã hội là gì?" của tác giả Mai Thái Lĩnh để biết thêm chi tiết.

- Vai trò của Lê-nin:

Chính Lê-nin là người đi đầu trong việc “chống xét lại” trong lòng phong trào mác-xít, dẫn đến sự thành lập Quốc tế III (tức Quốc tế cộng sản). Nếu không có Lê-nin, nhân loại sẽ không phải gánh chịu tai họa của chủ nghĩa cộng sản.

Lê-nin chẳng bao giờ thấy được sự sai lầm của mình như bác tưởng. Mục đích của NEP chỉ nhằm cứu kinh tế nước Nga - lúc bấy giờ đang cực kỳ be bét. Nhưng Lê-nin chỉ chủ trương tạm lùi một bước để khôi phục kinh tế, sau đó sẽ lại tiến hành công hữu hóa để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Riêng về chính trị, ông ta chưa bao giờ từ bỏ chuyên chính vô sản. Chính Lê-nin là người đẻ ra quan niệm “dân chủ vô sản” mà thực chất là “chuyên chính vô sản” (tức là “độc tài vô sản”).

Đảng cộng sản Việt Nam muốn giải phóng dân tộc, giành độc lập mà lại chọn con đường của Lê-nin. Đó mới thật sự là “lỗi hệ thống” mà ngày nay dân tộc ta phải gánh chịu.

LBS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét