Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Chính khách, truyền thông và dân chủ

Mới nghe tưởng ba vấn đề này chẳng liên quan đến nhau nhưng quan sát cuộc sống bốn phương lại suy ngẫm thực trạng đất nước mình mới thấy hóa ra chúng có liên quan đến nhau thật.


Theo định nghĩa: chính khách là nhà hoạt động chính trị mang tính chuyên nghiệp. Với định nghĩa này thì không phải ai tham gia hoạt động chính trị đều là chính khách và cũng không phải bất cứ những ai cứ ngộ nhận mình là chính khách thì đã là chính khách với đúng nghĩa của nó. Thường thì các quốc gia dân chủ mới có chính khách thật sự. Tại các quốc gia tiên tiến hiện nay, sở dĩ người ta biết được nhà hoạt động chính trị là chính khách đích thực chính là nhờ các phương tiện truyền thông. Thông qua các phương tiện truyền thông, nhà hoạt động chính trị xuất hiện, phát biểu và hứa hẹn qua đó khẳng định mình mới có phải là chính khách hay không.


Truyền thông cũng là thước đo đo đếm trình độ dân chủ của các chế độ chính trị hiện nay. Các quốc gia dân chủ thường cho tự do truyền thông (không phải tự do vô chính phủ đâu nhá), còn các quốc gia độc tài lại xa lánh truyền thông hoặc biến truyền thông thành cỗ máy tuyên truyền một chiều. Cũng tương tự, các nhà hoạt động chính trị hợp pháp trong các quốc gia độc tài thường ngại xuất hiện trước giới truyền thông (vì họ sợ bị hớ hoặc sâu xa hơn là dễ bị "sếp" đì, v.v.). Chỉ có những người có quyền lực độc tài thì mới mạnh bạo xuất hiện trước giới truyền thông thì thường thấy: hoặc là họ phát biểu nhăng cuội, hoặc là thể hiện bệnh vĩ cuồng...


Tuy nhiên, một số quốc gia đang trên con đường tiến đến dân chủ thì yếu tố chính khách-truyền thông và dân chủ càng nổi bật. Ví dụ: để khẳng định chế độ chính trị mới sẽ tốt đẹp hơn chế độ chính trị cũ của Đại tá M. Gaddaffi, mới đây sau khi đã chiếm được Thủ đô Tripoli, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia lâm thời của phe nổi dậy của Li bi - cựu bộ trưởng tư pháp của chính quyền Gaddaffi cũ là ông Mustafa Abdel Jalin đã lên TV công khai quan điểm lãnh đạo đất nước với các ý rất đáng chú ý như: ông sẽ từ chức nếu cuộc cách mạng không đi theo hướng dân chủ, hoặc kêu gọi người dân đoàn kết, đồng thuận, không trả thù, báo thù tàn quân chế độ cũ, hoặc sẽ bắt Gaddafi để đưa ra xét xử chứ không bắn chết hoặc giết, v.v.. cho thấy ông ta là một chính khách thực sự của một xã hội dân chủ tương lai...

Libi sau khi chế độ Gaddaffi sụp đổ chắc chắn sẽ vươn đến một xã hội dân chủ vì các tín hiệu về truyền thông và chính khách chuyên nghiệp đã khá rõ ràng. Như thế vấn đề lúc đầu tưởng như xa lạ và phức tạp thì qua phân tích đã thấy dễ hiểu hơn rất nhiều.


Nhưng dân chủ là gì? Dân chủ hiểu theo nghĩa đen là người dân được làm chủ (Hồ Chí Minh từng nói: làm cho người dân mở miệng ra ấy là dân chủ). Còn theo nghĩa chính trị, dân chủ được hiểu như là một chế độ chính trị (chế độ dân chủ). Nhưng lưu ý là nhiều chế độ tự gọi mình là chế độ dân chủ song về thực chất vẫn là độc tài, phi dân chủ. Cho nên, một chế độ chính trị được coi là dân chủ thực sự khi xã hội được tổ chức theo cơ chế: tất cả quyền lực thuộc về số đông công dân (hoặc số đông những người có khả năng làm cho xã hội ngày càng tốt hơn, công bằng hơn). Muốn vậy, xã hội đó phải được điều hành bằng hệ thống pháp luật với đúng nghĩa của nó; Ở đó, đội ngũ trí thức, luật sư, thầy cãi, tòa án được độc lập và tôn trọng. Điều này chỉ thấy trong một số ít các quốc gia tiên tiến hiện nay.

Tất nhiên, quan niệm thế nào là dân chủ thực sự thì cũng tùy, tùy vào mỗi quốc gia, dân tộc, thời đại, thời điểm... nhưng một xã hội dân chủ nhất định sẽ không vắng bóng truyền thông và chính khách đích thực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét