Các Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc
Lê Mai
Mao Trạch Đông- Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc với thời gian dài nhất
Trong hệ thống quyền lực của TQ, Quân ủy Trung ương đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Đối với ba chức vụ đứng đầu đảng, chính quyền, quân đội thì chức Chủ tịch Đảng và Chủ tịch Quân ủy Trung ương là quan trọng nhất. Người nào nắm được Quân ủy Trung ương, người đó không chế được TQ. Chủ tịch Quân ủy Trung ương là chỉ huy tối cao của quân đội TQ.
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào
Để khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội, Tổng bí thư thường kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Ở VN sau năm 1975 cũng tương tự, Tổng bí thư kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương (VN không có chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương). Hiện nay, ba chức vụ đó đều do Hồ Cẩm Đào nắm giữ. Nói chung, sau Mao và Đặng, Chủ tịch Quân ủy Trung ương TQ là người thuộc phái dân sự, không phải là nhà quân sự chuyên nghiệp. Vấn đề là liệu họ có nắm được quân đội không?
Lịch sử ĐCS TQ cho thấy, cuộc đấu tranh nắm quyền lực quân sự diễn ra lâu dài, quyết liệt, đó cũng là quá trình xử lý mối quan hệ giữa “súng” và “đảng”. Theo nguyên lý, bao giờ “đảng” cũng chỉ huy “súng”, từ thời Mao đến nay đều như vậy. Nhưng, vấn đề là ở chỗ, họng sóng đẻ ra chính quyền, tức là chính quyền thoát thai từ nòng súng. Vậy “súng” có vai trò rất to lớn. Trên thực tế, nắm được “súng” mới có thể nắm được “đảng”, nhất là trong những thời khắc quyết định. Do đó, chúng ta hiểu, vì sao Đặng Tiểu Bình, sau khi hạ bệ bè lũ bốn tên, trở lại vũ đài chính trị, lại không giữ chức vụ cao nhất, mà chỉ nắm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương thôi.
Nắm quân đội, Đặng đã lần lượt phế truất hai Tổng bí thư là Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương trong cuộc đấu tranh chính trị. Đặng cảnh cáo Giang Trạch Dân, vừa được Đặng đưa lên Tổng bí thư – người chưa có bất kỳ kinh nghiệm quân sự nào: “Cứ năm ngày làm việc thì cần có bốn ngày làm việc với giới quân sự cao cấp”. Tất nhiên, Giang tuân theo chỉ thị của Đặng. Trong hai năm đầu cầm quyền, Giang đã thăm hơn 100 cơ sở quân sự, ba lần cải tổ Quân ủy Trung ương, phong cấp thượng tướng cho 79 người. Và Giang đã giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương 15 năm.
Vậy nên chúng ta cũng không có gì ngạc nhiên khi thấy VN, có thời điểm phong tướng cùng một lúc cho 60 người, lại có người chưa một ngày làm công an còn được phong Đại tướng nữa kia! Còn chuyện Đại tướng trẻ (con) 27 tuổi Kim Jong un của Bắc Triều Tiên thì có gì đáng nói?
Người giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương TQ lâu nhất là Mao Trạch Đông, tới 41 năm. Mao là người đã từng vào sinh ra tử, chỉ huy quân đội lão luyện, cả trước và sau ngày lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Mao đã phong Nguyên soái cho 10 người gồm Chu Đức, Bành Đức Hoài, Lâm Bưu, Lưu Bá Thừa, Hạ Long, Trần Nghị, La Vinh Hoàn, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vĩnh Trăn và Diệp Kiếm Anh.
Các nhà lãnh đạo TQ lúc đầu có ý định phong quân hàm Đại nguyên soái cho Mao Trạch Đông. Nhưng Mao nói, đại nguyên soái không cần đâu, cho tôi mặc quân phục đại nguyên soái có phải là phiền hà không. Đi xuống quần chúng nói chuyện, hoạt động thật bất tiện. Theo tôi, bây giờ công tác ở cơ sở không nên phong quân hàm. Mao nói với Lưu Thiếu Kỳ, anh đã công tác trong quân đội, anh cũng là nguyên soái. Lưu nói, không cần phải phong quân hàm cho tôi. Mao lại hỏi Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình, quân hàm nguyên soái cho các anh có cần xếp không? Cả Chu và Đặng đều đồng thanh đáp, không cần. Mao lại hỏi tiếp Đặng Tử Khôi và Trương Bỉnh Thừa, quân hàm đại tướng cho các anh có cần xếp không? Đặng, Trương đều nói, không cần đâu, không cần đâu! Mao đưa ra một nguyên tắc, các đồng chí không công tác trong quân đội không phong quân hàm.
Đối với mỗi nguyên soái công tích đầy mình, Mao đều có những đánh giá độc đáo. Trong chiến tranh, có lần Mao khiển trách Lâm Bưu, đồng chí là đứa trẻ con, biết gì. Chủ tịch hiểu thì tôi hiểu – Lâm Bưu đáp. Và Lâm Bưu thường đối đáp với Mao bằng câu nói cổ điển: Thưa Chủ tịch, không phải thế! Phải công nhận, Lâm Bưu nổi tiếng là người chỉ huy đánh trận giỏi. Trong Đại cách mạng văn hóa, Mao sử dụng Lâm Bưu không chế quân đội, đánh đổ hầu hết các nguyên lão, giữ đại quyền cho Mao. Song, kết cục số phận Lâm Bưu dưới tay Mao thế nào, chúng ta đều đã rõ.
Chủ tịch Đảng Hoa Quốc Phong
Sau khi Mao chết, tháng 3.1977, Hoa Quốc Phong trở thành Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Ông ta có ba “bảo bối” của Mao: “Bình tĩnh không nôn nóng”, “Làm theo phương châm trước đây”, “Chú làm việc, tôi yên tâm”. Thế nhưng, Hoa chỉ là nhân vật quá độ, bản thân ông ta chưa có chủ trương gì độc lập. Năm 1980, Bộ Chính trị họp liên tục chín lần. Trong hội nghị, Hồ Diệu Bang phê phán Hoa Quốc Phong nhiều vấn đề và nói: Tôi cảm thấy, nếu đồng chí Hoa Quốc Phong tiếp tục giữ chức Chủ tịch Đảng và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, xem ra đa số các đồng chí trong Đảng không tán thành. Vì vậy, đồng chí Hoa Quốc Phong tự xin rút hai chức vị trên là tốt, điều này có lợi cho đồng chí, cho Đảng. Tháng 6.1981, Hoa Quốc Phong chính thức rút khỏi chức Chủ tịch Đảng và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Nghe đồn đại, ông ta là con đầu của Mao. Thế giới cộng sản luôn đầy những câu chuyện thần bí, chẳng ai biết sự thực cả.
Tổng bí thư Hồ Diệu Bang
Mặc dù hoàn toàn có thể nắm chức vụ chóp bu trong Đảng, song Đặng đưa Hồ Diệu Bang lên làm Tổng bí thư, bản thân mình nắm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đủ biết Đặng coi trọng vai trò quân đội như thế nào. Cuộc chiến biên giới với VN năm 1979 đã bộc lộ rất nhiều điểm yếu, lạc hậu của quân đội TQ. Sau khi nhận chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, quyết sách lớn thứ nhất của Đặng là tổ chức cuộc diễn tập quân sự ở quân khu Hoa Bắc vào mùa thu năm 1981.
Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Đặng Tiểu Bình
Ba phương án diễn tập lớn, trung bình, nhỏ được Tổng tham mưu trưởng Dương Đắc Chí trình lên Chủ tịch Quân ủy.
Tướng Dương Đắc Chí.
Dương Đắc Chí nghĩ, theo kinh nghiệm chung về tư duy chính trị TQ, phương án giữa dễ được chấp nhận nhất. Nhưng lần này thì khác, Đặng vỗ bàn yêu cầu chọn phương án lớn nhất, phương án quy mô tập đoàn quân. Kết quả cuộc diễn tập rất thành công, Đặng cao hứng uống luôn một lúc 10 cốc rượu!
Đặng đã giải trừ hàng triệu quân và nói, ngay cả khi nổ ra chiến tranh, chúng ta vẫn phải thu nhỏ.
Tuy vậy, việc sử dụng quân đội đàn áp trong vụ Thiên An Môn tháng 6.1989 đã để lại một dấu hỏi lớn trong sự nghiệp của Đặng. Ba tháng sau, ông ta gửi thư cho Bộ Chính trị xin từ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Giang Trạch Dân.
Thời Giang Trạch Dân làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương, có hai sự kiện đáng nhớ. Thứ nhất, tháng 5.1999, NATO không kích nhầm vào sứ quán TQ làm 3 người chết, 20 người bị thương. Thứ hai, tháng 4.2001, chiếc máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ va chạm với máy bay TQ làm máy bay TQ bị rơi, phi công TQ mất tích. TQ đòi hỏi Hoa Kỳ rất nhiều về vụ này nhưng thái độ cứng rắn của ông Bush đã làm TQ chùn bước trong các yêu cầu của họ.
Với Chủ tịch Quân ủy Trung ương TQ đương nhiệm, ông ta có thể làm gì trên biển Đông, thế giới đang theo dõi sát sao. Thế giới ngày nay đã khác xưa và vì vậy, mọi hành động của TQ sẽ không hề dễ dàng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét