Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

Họ là những người rất sợ khi nói đến quá khứ!

Làm thất bại chiến lược "Diễn biến hòa bình"
Họ đã “bắn vào quá khứ”
QĐND - Thứ Hai, 18/04/2011, 9:48 (GMT+7)
QĐND - Viết, xuất bản hồi ký, hồi ức, tự truyện là công việc gắn với đời sống riêng của mỗi người, được thừa nhận và cho phép theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, những năm gần đây, đã xuất hiện một số cá nhân viết blog, đưa lên mạng internet hồi ký, hồi ức, tự truyện để thổi phồng những góc khuất, bất mãn cá nhân, xuyên tạc sự thật, chống phá, đi ngược lại con đường cách mạng của cả dân tộc. Cần nhìn nhận và xử lý những đối tượng theo “dòng nước ngược” này như thế nào?
Một trong những dẫn chứng điển hình của hiện tượng trên là một nhạc sĩ đã có nhiều tác phẩm được ghi nhận những năm kháng chiến. Tuy nhiên, sau đó, chỉ vì những vướng mắc cá nhân, nhạc sĩ này đã dần đánh mất sự tỉnh táo, lương tri cũng như lòng tự trọng, viết một cuốn hồi ký với nhiều nội dung tiêu cực, xuyên tạc sự thật, đi ngược lại với hiện thực và lý tưởng mà chính ông và bạn bè, đồng nghiệp từng theo đuổi, xây đắp. Ông đã nhờ các thế lực phản động ở nước ngoài xuất bản cuốn hồi ký trên. Không dừng lại ở đó, nhạc sĩ này còn kiêu ngạo tuyên bố cấm việc sử dụng các tác phẩm trước đó của ông ta trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đi cùng với đó, ông ta liên tục xuất hiện trên các đài, báo hải ngoại công kích, xuyên tạc lịch sử đấu tranh cách mạng cũng như công cuộc xây dựng CNXH hiện nay ở Việt Nam. Đây chỉ là một trong những dẫn chứng đáng buồn về những cá nhân vì mâu thuẫn, bức xúc cá nhân mà dẫn đến có những suy nghĩ, việc làm thiếu đúng đắn thông qua lợi dụng hồi ký, hồi ức, tự truyện. Một vài nhà văn, nhà thơ khác cũng vì định kiến hẹp hòi đã xuất bản, phát ngôn thiếu chín chắn, vô hình trung “đánh mất mình”. Đáng buồn hơn, đôi khi chủ nhân của những hồi ký, tự truyện dạng này lại là những nhà lãnh đạo, quản lý, những người đã kinh qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, có nhiều cống hiến trong quá khứ nhưng nay có cái nhìn thiên lệch, thiếu khách quan đối với các sự kiện, sự việc diễn ra trong quá khứ, chỉ vì định kiến hẹp hòi.
Câu chuyện về những hồi ký, hồi ức, tự truyện dạng “phản tỉnh”, "sám hối"... đặt ra cho chúng ta câu hỏi về cách hành xử của những tác giả trên. Đúng là có nhiều trường hợp đáng buồn, do thiếu bản lĩnh mà phản bội cả đức tin và lý tưởng, tự “bôi đen” và đánh mất chính mình, đi ngược với dòng chảy chung. Từ những tâm tư, bất mãn của cá nhân mà họ “quá mù ra mưa”, nói xấu, chụp mũ đồng đội, đồng nghiệp, lên án xã hội thậm chí xuyên tạc sự thật, bôi nhọ những cá nhân lịch sử và hình ảnh những anh hùng dân tộc. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp, tác giả hồi ký, hồi ức từ những suy nghĩ chủ quan ban đầu đã không lường hết việc bị kể xấu lợi dụng, phát tán thông tin không phù hợp nằm ngoài ý muốn của tác giả. Có thể kể ra trường hợp một đồng chí lão thành cách mạng, một cán bộ cao cấp, sau khi công bố cuốn hồi ký cá nhân, với một số nội dung chưa được biên tập, mặc dù chưa xuất bản nhưng đã bị kẻ xấu phát tán trên internet, đồng chí đã rất bất bình. Sau đó, đồng chí này kiên quyết giữ vững lập trường, thái độ với Đảng, không bị các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc thông tin. Trong cuộc sống, từ lời nói, việc làm, đồng chí đã thể hiện đúng bản lĩnh, nhân cách của mình và “sự cố” hồi ký đã trở thành một điều đáng tiếc và hình ảnh đồng chí đã được “lấy lại” trong suy nghĩ của đồng đội, đồng nghiệp và mọi người.
Từ tính chất, đặc điểm và yêu cầu của thể loại hồi ký đòi hỏi cả người viết, người đọc, người quản lý cần có cách nhìn, xử lý đúng đắn đối với thể loại này. Trước hết, đối với người viết, phải tôn trọng sự thật và tôn trọng bản thân, khi đặt bút viết hồi ký cũng là khi người ta thường nhìn lại cả một hành trình đã qua, không thể dễ dãi và tùy tiện trước quá khứ, trước danh dự của chính mình. Về cơ quan quản lý, đặc biệt là các nhà xuất bản, cần có đội ngũ đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm, đặc biệt là vốn kiến thức lịch sử, văn hóa, thực tế để thẩm định, gạn đục khơi trong những tác phẩm hồi ký, không để lọt những “hạt sạn”. Còn nhớ, cách đây ít lâu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chấn chỉnh việc viết và xuất bản hồi ký, tự truyện, đặc biệt là các tác phẩm liên quan đến các vấn đề lịch sử, bí mật công tác và bí mật quốc gia. Luật Xuất bản cũng quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản, trong đó có việc tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật an ninh, kinh tế, đối ngoại... Ở nhiều nước trên thế giới cũng quy định những hồi ký của các nhân vật cao cấp làm việc trong những lĩnh vực như Bộ Quốc phòng hoặc cơ quan nguyên tử sau một số năm mới được công bố để tránh lộ bí mật. Đối với bạn đọc, hơn ai hết, cần tìm hiểu và tiếp cận hồi ký với cách nhìn khách quan, tỉnh táo nhất, trên nền tảng tôn trọng sự thật và hiểu rõ sự thật, không bị “ảo giác”. Còn nếu ai đó cố tình “bắn vào quá khứ bằng súng trường, thì tương lai sẽ bắn vào họ bằng đại bác”.
Nguyễn Văn Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét