28-04-2011
ÔNG NGUYỄN PHÚC GIÁC HẢI NÓI VỚI BBC (Theo Blog Nguyễn Xuân Diện)
BBC: Người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khiếu nại
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải thuộc Viện Nghiên cứu Tiềm năng Con người [tên đúng là Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người - NXD chú] nói quá trình lấy ý kiến cử tri đối với ông đã có nhiều sai phạm.
Ông Hải, 77 tuổi, là người tự ứng cử trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII sắp tới.
Được biết ông qua các vòng Hiệp thương lần thứ nhất và lấy ý kiến cử tri tại nơi làm việc một cách suôn sẻ, với bề dày kinh nghiệm công tác và đóng góp xã hội của mình.
Thế nhưng, tại cuộc họp lấy ý kiến cử tri tại nơi sinh sống do Mặt trận Tổ quốc phường Chương Dương, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tổ chứcsau đó, theo ông Hải, đã có nhiều sự bất cập xảy ra khiến ông chỉ được số phiếu ít ỏi và không lọt vào danh sách cuối.
Một số đồng nghiệp và bạn bè của ông đã gửi đơn khiếu nại lên ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN, người đồng thời là Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng Bầu cử khóa XIII.
Đài BBC đã hỏi chuyện ông Nguyễn Phúc Giác Hải về nội dung khiếu nại mà cho tới cuối ngày 25/04 vẫn chưa có phản hồi từ phía người có trách nhiệm.
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải: Hiện chưa có phản hồi gì cả, và tôi cũng nghĩ là sẽ không có gì sớm, vì cái nguyên tắc làm việc của chúng ta xưa nay là phải có ý kiến tập thể, trao đi đổi lại rất nhiều nên rất mất thời gian.
Tôi cũng cố gắng kiên trì chờ đợi, nhưng nếu mãi không có trả lời khiếu nại thì chúng tôi sẽ phải có ý kiến chính thức cho mọi người cùng được biết, vì mục đích của chúng tôi chỉ là làm thế nào để mọi người chúng ta cùng sống theo pháp luật.
BBC: Thưa ông, được biết khi lấy ý kiến cử tri nơi làm việc, ông đạt tỷ lệ bầu 100%, thế nhưng tại vòng lấy ý kiến cử tri khu phố thì lại xảy ra nhiều điều bất cập. Ông có thể cho biết rõ hơn ạ?
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải: Vâng, thí dụ thế này. Trong tổ dân phố của tôi, tổ trưởng cho biết là chỉ có 30 giấy mời (tham dự cuộc họp lấy ý kiến) thôi. Thế nhưng trong 30 giấy mời đó, họ không mời các cử tri có hộ liền kề với gia đình chúng tôi.
Các hộ đó, họ đều viết giấy ủng hộ tôi.
Trong khi đó, lại có 50 giấy mời khác cho những người không liên quan tới nơi tôi ở. Thế thì làm sao họ biết được tôi để mà cho ý kiến?
Rồi trong cuộc họp, những người này đã xuyên tạc công việc của tôi.
Thí dụ, tôi là người tìm ra nguồn gốc tên nước Việt Nam (ông Nguyễn Phúc Giác Hải đã chứng minh tên nước Việt Nam không phải là do phong kiến Trung Quốc nhà Thanh đặt cho nhà Nguyễn Gia Long vào năm 1804). [Ngày 11 tháng 4 năm 1994, Ông Nguyễn Phúc Giác Hải đã đến thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm để tìm ra tài liệu có hai chữ Việt Nam, vào năm 1804 , ảnh dưới - Nguyễn Xuân Diện chú].
Thì họ nói: "Ông Hải là cái ông tự kiêu tự đại, ông tự nói ông đặt ra tên nước Việt Nam. Đặt tên nước Việt Nam phải do Quốc hội phối hợp với các nhà sử học làm, chứ sao ông dám nói ông đặt ra tên nước Việt Nam?!"
Thế đó là họ xuyên tạc công việc của tôi. Mà tôi lại không được phép trả lời.
Rồi trong lý lịch, tôi đề là 'Nghiên cứu viên chính', thì họ vặn: "Làm gì có ngạch Nghiên cứu viên chính trong tổ chức cán bộ". Trong khi trong lý lịch của tôi có văn bản chứng nhận tôi là nghiên cứu viên chính.
Họ cứ nói, mà tôi không được trả lời. Có khác gì họ trói tôi rồi đấm vào miệng tôi? Cái đó là không dân chủ, và các đồng nghiệp cơ quan tôi đã khiếu nại những điều đó.
'Như đấu tố '
BBC: Thưa, ai đưa ra những điều mà ông gọi là 'xuyên tạc' đó ạ?
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải: Những người họ gọi là cử tri trong cuộc họp đó. Đầu tiên sáu người giơ tay phát biểu thì đều chống tôi cả. Mà họ không cho tôi trả lời, hết sức mất dân chủ.
Họ quên mất một điều, rằng tại cơ quan tôi cũng có người tham dự, như ông Giám đốc Trung tâm GS-TS Phan Anh và Trưởng phòng Hành chính-Tổng hợp TS Bùi Thị Ngọc Quyên [PGS. TS Nguyễn Thị Ngọc Quyên], đã rất bất bình và họ đã làm kháng thư gửi lên Quốc hội.
BBC: Sáu người mà ông vừa nhắc tới, ông có biết người nào không ạ?
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải: Không, tôi không thể biết được vì họ không thông báo danh sách người tham dự cho tôi. Còn sống chung với nhau trong khu phố, thì tôi chỉ biết các hộ lân cận với nhà tôi, nhưng họ lại không được mời.
BBC: Không khí buổi lấy ý kiến theo ông thì như thế nào?
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải: Căng thẳng lắm. Người ta cứ việc lên tố tôi những điều không có. Tôi thì không được phép trả lời.
Mãi về sau, khi Giám đốc Trung tâm (Nghiên cứu Tiềm năng Con người) can thiệp thì chủ tọa mới cho tôi cầm micro và dặn "bác nói ngắn thôi". Tôi mới nói mấy câu thì ông ấy bảo tôi dừng, tôi chưa dừng thì cắt luôn micro.
Có người có mặt ở đó bình luận là thật chẳng khác gì đấu tố địa chủ hồi xưa.
BBC: Thưa, xin tò mò hỏi ông có phải Đảng viên ĐCS không ạ?
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải: Không, tôi không phải Đảng viên.
BBC: Ông nghĩ thế nào về cơ hội của mình trong việc tự ứng cử ạ?
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải: Tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình đã làm quá nhiều việc cho Nhà nước, với tuổi của tôi, thì đây chắc cũng là lần cuối cùng tôi có thể ra tự ứng cử, không có lần thứ hai.
Hỏi có quan ngại tuổi tác hay không, thì tôi trả lời thế này: con người ta có ba loại tuổi là tuổi khai sinh, tuổi sinh học và tuổi tâm lý.
Tuổi khai sinh thì rõ rồi, tuổi sinh học thì mỗi người có một bộ máy sinh học khác nhau, không thể bình quân sức khỏe, độ minh mẫn của mọi người được.
Mà đã là bộ máy thì "của bền tại người", anh biết giữ gìn thì máy anh bền, khỏe lâu.
Còn về tuổi tâm lý, thì anh sống chan hòa, yêu đời, năng động làm việc thì tuổi thanh xuân của anh kéo dài ra.
Nguồn: BBC Việt ngữ.
Nguyễn Xuân Diện:
Ngày 11 tháng 4 năm 1994, Ông Nguyễn Phúc Giác Hải đến thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm để tìm đọc tài liệu Dụ Am văn tập (A.604/1-3) trong có bài Tuyên cáo về việc đổi quốc hiệu An Nam thành Việt Nam. Ông nhờ tôi lấy sách và tìm đến trang tài liệu này, đọc và dịch cho ông. Xong việc, ông chụp một tấm hình làm kỷ niệm, tặng tôi với lời đề tặng, chữ ký và năm tháng cụ thể.Ảnh: Nguyễn Phúc Giác Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét