Chi bộ hưu họp nghe Nghị Quyết đại hội và tình hình chính trị - xã hội
Chính trị - xã hội
Thành (sinh viên Kinh Tế QD)
Ông nội tôi 73 tuổi, đã sinh hoạt chi bộ hưu của phường được 13 năm. Bình thường cụ vẫn đi bộ gần 1km tới dự họp, nhưng lần này trời mưa, tôi đưa cụ đi bằng xe máy. Các cụ ông, cụ bà - cả thảy khoảng trên 4 chục - ngồi nghe hai nội dung:
1) Nghị Quyết đại hội XI: do cụ bí thư chi bộ trình bày;
2) Tình hình an ninh chính trị - xã hội: do một trung tá công an trình bày.
Do trời còn mưa, đồng thời xăng xái nhận việc “chè nước” phục vụ các cụ, tôi có cớ nán lại nghe lỏm. Nhiều chuyện thú vị ra phết!
Cụ bí thư gần 70 tuổi, tự giới thiệu đã được cử lên tận “quận” (hoặc lên tận “thành”?) trực tiếp nghe một ông tiến sĩ Mác-Lê ở trường Nguyễn Ái Quốc trung ương nói chuyện.
Cụ giở mấy trang ghi đặc chữ ra, vừa đọc vừa cắt nghĩa thêm cho mọi người cùng nghe. Tôi nhập tâm được một số nội dung như dưới đây:
Trên 80 năm tồn tại, “đảng ta” có 4 cương lĩnh. Các cương lĩnh đẻ ra được 11 nghị quyết đại hội. Từ nghị quyết đại hội, sẽ có những nghị quyết “con”, “cháu”... (của ban chấp hành trung ương, của bộ chính trị...). Ví dụ, đại hội lần trước nhấn mạnh tới xây dựng các giai cấp của hệ thống chính trị, do vậy ban chấp hành trung ương ra nghị quyết về:
- Thanh niên, Nông dân, Công nhân và Trí thức.
- Có cả một nghị quyết về chống tham nhũng - thay cho Sắc Lệnh, Nghị Định trước đây: vì chúng ít hiệu quả. (Một cụ bà “đế” vào: Càng chống, càng tăng).
Nghị quyết đại hội lần này quan trọng ở chỗ nó cụ thể hoá “Cương lĩnh 1992 - bổ sung và phát triển”. Chỉ cần một đại hội nữa là VN thành nước công nghiệp!
Trong 4 cương lĩnh thì riêng năm 1930 đã có hai cái, cái nọ phủ định cái kia. Đến năm 1952 lại có một cương lĩnh mới, với nội dung:
- Khẳng định cách mạng Việt Nam trước mắt là đuổi thực dân (luôn cả tư sản mại bản) và diệt phong kiến.
- Tiếp đó, đảng sẽ dẫn đường cho nhân dân (gồm 4 giai cấp: Công, Nông, Tiểu, Tư) đi lên CNXH sau khi “cải tạo tư sản”.
- Đến năm 1992, Liên Xô vừa mới sụp đổ, đảng ta vẫn khẳng định sẽ theo Trung Quốc tiếp tục xây dựng CHXN. Tuy vậy, Cương Lĩnh 1992 không thể nói sẽ xây dựng cái thứ CNXH vừa mới sụp đổ, mà mô hình mới thì chưa có. Cho nên đảng đã nói né thành... xây dựng một nước VN “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Mọi người sẽ hiểu ngầm: đó chính là CNXH.
Thời đó, các vị cãi nhau rất nhiều:
a) Phải có dân chủ thì mới có công bằng, do vậy đúng logic thì (trong câu trên) phải đặt “dân chủ” trước “công bằng”.
b) Chết nỗi, nếu như vậy thì câu trên sẽ thành “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Mọi người sẽ lầm tưởng “đảng ta” đã từ bỏ CNCS để mà chuyển thành “đảng xã hội dân chủ” – như một đảng tư sản (ví dụ, đảng ở Thuỵ Điển hiện nay, sinh ra từ thời Engels còn lãnh đạo CS quốc tế).
c) Do vậy, đảng ta đành đặt “dân chủ” sau “công bằng”.
Đại hội lần này không đề ra cương lĩnh mới, mà chỉ “bổ sung và phát triển” cương lĩnh 1992.
- Điều sáng tạo là cái câu trên được viết thành: Xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
- Tuy nhiên, từ báo cáo của vị tiến sĩ, mọi người có thể thấy: Đây là đại hội duy nhất mà các đại biểu dám bỏ phiếu phản đối một điều cốt lõi - thuộc bản chất CNXH - trong dự thảo cương lĩnh. Cụ thể là bỏ hẳn cái ý “sẽ công hữu hoá các tư liệu sản xuất”.
Cuối cùng, vị báo cáo viên (của trường đảng) nhấn mạnh mấy ý:
- Từ lâu đảng không còn nói “chuyên chính vô sản” nhưng vẫn kiên quyết thực hiện nó. Cụ thể là vụ trấn áp Cù Huy Hà Vũ để cảnh báo bọn trí thức “ăn phải bả tư sản”. Bọn này do chế độ ta đào tạo - nhưng vô ơn - khi giao lưu với xã hội và tài liệu tư sản, hoặc bị thế lực thù địch xúi giục, đã chống lại đảng và nhà nước ta. Có kẻ đã là uỷ viên trung ương, thậm chí uỷ viên bộ chính trị, làm đến phó thủ tướng, hoặc chủ tịch quốc hội... mà nay cũng “bất mãn” sinh ra chống đảng.
Đây là cuộc họp nội bộ, chúng ta có thể nói thẳng với nhau: Điều 88 là sự vận dụng sáng tạo CCVS vào pháp luật VN. Nó ghép bọn trí thức bất mãn vào tội hình sự, nói lên chế độ ta không có ai bất đồng chính kiến.
- Tới đây, hễ còn kẻ nào hoạt động như CHHV, kẻ đó vẫn đối đầu với điều 88 - vũ khí của giai cấp vô sản VN chống lại kẻ thù. Trong nhiệm kỳ 5 năm, quốc hội mới sẽ không bàn tới điều 88. Chúng đừng ảo tưởng.
- Gần đây nhất, Võ Thị Hảo và Nguyễn Văn Đài đã viết bài đăng ở BBC với nội dung rất phản động, đồng thời rất nguy hiểm.
Bọn trí thức và văn nghệ sĩ hoạt động công khai, tuy khá kín kẽ, ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng hồ sơ phạm tội của chúng đã đủ dày.
- Đảng ta phải nhấn mạnh hơn nữa một quan điểm “cốt tử”: Hồ Chí Minh là nhà Macxit-Leninit lỗi lạc và trung kiên... để chống lại một luận điệu của văn nghệ sĩ và trí thức phản động cố chứng minh rằng HCM là nhà yêu nước, yêu dân tộc... Cái đó mới nguy hiểm cho mục tiêu xây dựng CNXH hiện nay.
Chẳng thà, chúng cứ chửi bới bác Hồ, lại không nguy hiểm bằng...
Ông tôi vẫn gọi BBC là “đài địch”, nhưng chính do đi họp “quán triệt” Nghị Quyết XI mà cụ sinh ra tò mò muốn biết hai bài của Hảo, Đài nguy hiểm thế nào. Khi tôi lấy hai bài đó cho cụ đọc, cụ bảo: “Nguy hiểm thật! Chúng áp dụng “gậy ông đập lưng ông” thế này thì ta khó chống đỡ lắm”.
Đồng chí trung tá công an cho hội nghị biết:
- Công an phường ta gần đây có thành tích rất lớn: Bắt được nhiều kẻ trộm, gái điếm, dân nghiện. Trong 3 tháng vừa qua đưa ra toà được 4 thanh thiếu niên phạm tội và giáo dục 3 phụ nữ trong phường có hành vi bán dâm.
Tuy nhiên, các hiện tượng tiêu cực này vẫn có xu hướng phát triển.
Vốn xuất thân nông dân, đồng chí đã dùng hình ảnh: Chúng ta cật lực phát cỏ, nhưng cỏ dại mọc nhanh hơn tốc độ phát của chúng ta. Cụ bí thư “chêm” vào: Tiêu cực như quái vật đang lồng lộn xông lên, còn chúng ta cứ nắm đuôi nó kéo lại” (cụ phát âm lồng lộn, tôi nghe như “lông lồn”).
- Con luật sư Công Nhân từ ngày đi tù về, lấy chồng, thì... bất chấp quản chế. “Thích đi đâu là đi”, cản nó, nó chửi “bố” ngay. Lý lẽ với nó, chỉ có thua. Phát xít với nó, nó dám nói cho cả thế giới biết. Đến nhà nó, nó chặn từ cửa: Bác cần nói gì, cứ nói đi. Bác không hẹn trước và chưa được sự đồng ý của gia đình, xin bác chớ vào nhà... Có nản không cơ chứ?!
- Bọn công giáo mới đáng ngán chớ! Trước kia, mỗi lần hành lễ, chúng chỉ tập hợp đông lắm là một ngàn. Nay, là nhiều ngàn, có lần năm ngàn... Rất khó đối phó. Lôi thôi, chúng nó đưa tên, đưa ảnh của mình cho cả nước, cả thế giới biết.
- Đối phó với cái đám “tụ họp đông người” (để phản đối TQ) cũng rắc rối.
Mình chụp ảnh những tên cầm đầu “mới nổi lên” để theo dõi, khống chế, thì không khó. Nhưng đáng sợ nhất là chính họ cũng chụp ảnh và quay phim hành vi của mình. Không hoàn thành nhiệm vụ được giao cũng “chết”, mà cố hoàn thành thì phải có xô sát, bị ghi hình lại càng “chết”...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét