Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

Âm mưu "tự diễn biến" từ lĩnh vực báo chí

Báo Quân đội Nhân dân (QĐND)(kể cả bản in và bản điện tử)lâu nay có mục: "Làm thất bại âm mưu diễn biến hoà bình". Đây là một loại mục mà hầu như báo chí "lề phải" nào của ta cũng thường hay có, đại loại như "Diễn đàn đấu tranh tư tưởng", "Đấu tranh chống các quan điểm sai trái", hay phổ biến hơn cả là "Xã luận". Tuy nhiên,khi đọc các bài trong mục "Làm thất bại âm mưu diễn biến hoà bình". của báo QĐND những năm gần đây tôi lại thấy các bài viết trong mục này thường thiếu thuyết phục, nặng về lý sự cùn, nói lấy được (dân gian gọi là lý của người Mèo), thậm chí với khẩu khí răn đe theo kiểu báo chí thời "Cải cách ruộng đất", hay thời kỳ chống phong trào "Nhân văn giai phẩm" thập niên những năm 50-60 của thế kỷ 20 trước đây. Cách làm báo kiểu này chỉ phù hợp với một xã hội khép kín bị hạn chế thông tin, dân trí thấp, hoặc thời kỳ chiến tranh lạnh... Tuy nhiên, cách tiếp cận này trong bối cảnh hiện nay ở nước ta đã trở nên lạc hậu, thậm chí phản tác dụng. Bằng chứng là phần lớn các bài viết trong mục "Làm thất bại âm mưu diễn biến hoà bình" của QĐND khi đăng lên đều bị phản ứng của dư luận, nhất là cộng đồng mạng. Nói như thế đừng vội quy cho chúng mình là phản động hay "các thế lực thù địch" nhé. Bởi Internet là mạng toàn cầu, khi đăng tải lên báo mạng nó đập vào mắt độc giả, làm cho độc giả có thể có phản ứng ngay (dù tốt hay xấu). Nhưng theo cảm nhận của mình, những bài báo của QĐND đều thiếu tính thuyết phục. Ngay như bài báo của tác giả Thanh Tuyền (Vâng bên cạnh các tên tuổi như Nguyễn Văn Minh, Quý Thanh bây gìơ lại có thêm nhà báo Thanh Tuyền)mà mình giới thiệu dưới đây, bạn đọc chắc cùng có ý nghĩ như mình: viết như vậy không biết có "Làm thất bại âm mưu diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch hay không hay các vị đang thể hiện sự "tự diễn biến" đấy.

MỘT SỰ NGỘ NHẬN TAI HẠI VỀ TỰ DO NGÔN LUẬN

Thanh Tuyền.
QĐND - Chiều ngày 2-8-2011, sau 6 giờ làm việc, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã bác toàn bộ đơn chống án của Cù Huy Hà Vũ, đồng thời tuyên phạt Vũ 7 năm tù và 3 năm quản chế tại địa phương. Thật là đáng tiếc cho một trí thức đã để mất đi 10 năm trong cuộc đời ngắn ngủi của một con người vì một sai lầm không đáng có bởi một sự ngộ nhận về quyền tự do ngôn luận!

Trên phạm vi lịch sử nhân loại và ở cấp độ đặc trưng cơ bản, phân biệt giữa con người với phần còn lại của thế giới, nhu cầu về tự do được xem là một thuộc tính của loài người, là một quyền tự nhiên (natural rights) của con người. Không có tự do thì không có khám phá, không có phát minh sáng chế, không có phát triển... Nhưng ở bình diện cá nhân trong cộng đồng thì nhu cầu về tự do không thể không bị hạn chế vì những lợi ích nhiều mặt của quốc gia, dân tộc, trước hết là ở sự ổn định xã hội – mà thiếu nó thì mọi phát minh, sáng tạo đều trở nên vô nghĩa. Cuộc sống còn chỉ ra rằng, quyền tự do của người này nếu không có những hạn chế nhất định thì có thể xâm hại đến quyền, lợi ích của người khác, trước hết đó là nhân phẩm, danh dự của họ.


Sự kiện khủng hoảng xã hội dẫn đến bạo động ở Đan Mạch bởi họa sĩ Kút (Kurt Westergaard) vẽ tranh châm biếm nhà Tiên tri Mohammed của Hồi giáo và vụ việc Mục sư Giôn (Tery Jones) ở bang Phlo-ri-đa (Florida), Mỹ có ý định đốt kinh Cô-ran ở Mỹ là những ví dụ về hậu quả tai hại đối với xã hội khi người ta (và cả pháp luật quốc gia) đã quan niệm không đúng quyền tự do của cá nhân. Tất nhiên những người có hành vi xúc phạm đạo Hồi ở Đan Mạch và ở Mỹ nói rằng họ có cơ sở pháp lý để làm việc đó. Đó là “quyền tự do của cá nhân được pháp luật bảo vệ”. Tất nhiên pháp luật của một quốc gia quy định như thế nào là quyền của cơ quan lập pháp nước đó, không ai có quyền phê phán.
Ở Việt Nam từ sau khi cách mạng thành công, quyền tự do ngôn luận đã được quy định nhất quán trong các Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước CHXHCN Việt Nam (các Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992). Điều 69 - Hiến pháp 1992 quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…”. Để bảo đảm quyền này nhiều bộ luật và luật đã có những quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ cá nhân, trong đó có Bộ luật Hình sự, Luật Báo chí.
Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (Việt Nam đã gia nhập năm 1982) cũng đã quy định về quyền này tại Điều 19 “1: Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không ai được can thiệp; 2: Mọi người có quyền tự do ngôn luận…”.
Cù Huy Hà Vũ và nhiều luật sư bào chữa cho ông ta nói rằng, Cù Huy Hà Vũ không phạm luật vì ông ta đã sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình - mà quyền này đã được pháp luật (quốc gia và quốc tế ) bảo vệ. Phải chăng đây là một lập luận đúng đắn?
Vấn đề là ở chỗ, trong luật quốc gia và luật quốc tế, quyền tự do ngôn luận (và nhiều quyền khác) không phải là quyền “tuyệt đối” mà là những quyền có giới hạn, nói cách khác là những quyền bị hạn chế. Trong Công ước quốc tế về quyền con người, tại khoản 3, Điều 19 quy định “Việc thực hiện những quy định tại mục 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể phải chịu một số hạn chế nhất định… để: Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng).
Như vậy là việc Cù Huy Hà Vũ dựa vào Luật quốc tế về Quyền con người để biện hộ cho mình là sai, vì ông ta đã “quên” hay "cố tình quên" khoản 3, Điều 19.
Liên quan đến tội lợi dụng quyền tự do ngôn luận của Cù Huy Hà Vũ, Điều 88, Bộ luật Hình sự 1999 quy định: “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến 12 năm:
a. Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;…
c. Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm”.
Việc Cù Huy Hà Vũ và luật sư cho rằng không có bằng chứng về hậu quả của hành vị phạm tội của Vũ là không có cơ sở pháp lý. Tội “tuyên truyền” vốn là tội phạm mang tính chất “bất bạo động” theo cách nói của mấy nhà luật học “lề trái”. Bằng chứng về hậu quả của tội phạm này ư? - Đó chính là bạo loạn, là nội chiến, là sự sụp đổ chính quyền hiện hữu, thậm chí là sự can thiệp, tấn công bằng quân sự của nước ngoài như ở Trung Đông, Bắc Phi… Như có người đã nói “chẳng lẽ chờ đến khi có “cách mạng hoa sen” mới kết tội Cù Huy Hà Vũ hay sao?
Trên thế giới không có một quốc gia nào quy định chứng cứ về hậu quả xã hội của loại tội phạm này. Còn nhớ, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia phương Tây đòi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông chủ mạng WikiLeaks cũng chỉ cho rằng với những thông tin của mạng này “có thể” gây nguy hiểm cho quân đội Hoa Kỳ. Như vậy là chỉ với chứng cứ Cù Huy Hà Vũ “Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu… có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã đủ cấu thành tội phạm.
Với các chứng cứ Cù Huy Hà Vũ đã có một số bài viết, bài trả lời phỏng vấn và nhiều tài liệu lưu giữ tại máy tính xách tay và USB có nội dung đòi xóa bỏ Điều 4, Hiến pháp 1992; xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, phỉ báng Quốc hội, Chính phủ, Cơ quan tư pháp – xem những tổ chức này “chỉ là tay sai của Đảng”; pháp luật quốc gia chỉ là một “quái trạng pháp luật”… bản án dành cho Cù Huy Hà Vũ là đích đáng. Đây còn là một bài học đắt giá cho những ai ngộ nhận pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế, ngộ nhận về quyền tự do nói chung, tự do ngôn luận, báo chí nói riêng và cả sự ngộ nhận về mối quan hệ quốc tế nào đó có thể đóng vai trò bảo kê cho những hành vi vi phạm pháp luật của mình.
( QĐND - Thứ Tư, 10/08/2011, 23:2 (GMT+7))
Nguồn: Blog Phạm Viết Đào

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét