Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Xem video bài giảng TS. Lê Thẩm Dương - đáng chê hay đáng khen?


 

Dư luận trong cộng đồng mạng một tháng trở lại đây ồn ào với sự cố bài giảng (đúng hơn là bài thuyết trình) của TS. Lê Thẩm Dương (trưởng khoa QTKD- Trường ĐH Tài chính Ngân hàng - TP HCM) được học viên lớp cao học thuộc học viện Quản trị kinh doanh FSB - ĐH FPT  quay thành video clip đưa lên Youtube (xem tại đây). Video này được chia thành 16 phần (16 part), có lẽ là tổng hợp của toàn bộ 3 buổi thuyết trình (2 buổi ban ngày và 1 buổi buổi tối) của TS. Lê Thẩm Dương với học viên lớp cao học học viện Quản trị kinh doanh FSB - ĐH FPT. Nội dung buổi thuyết trình (qua 16 phần) chủ yếu bàn về vấn đề quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh của nền kinh tế VN trong quá trình toàn cầu hóa, khủng hoảng tài chính và đang nằm trong chủ trương thực hiện các lộ trình tái cơ cấu các doanh nghiệp lớn ở VN. 
Đây là một chủ đề khó (một vấn đề khoa học hóc búa nhưng cần thiết) lại phải giảng cho đối tượng nghe chắc phải nộp tiền rất nhiều để được nghe (đối tượng nghe là học viên đang trực tiếp hoặc gián tiếp thực hành kinh doanh hay quản trị doanh nghiệp) nên để đưa nội dung cần nói chuyện cho người nghe hiểu và chấp nhận được chắc không phải là điều dễ dàng. Vả lại trong bối cảnh các trường đại học ở VN hiện nay, ngoại trừ một số bài giảng hấp dẫn thì phần lớn các bài giảng còn khô khan, ít hấp dẫn người nghe. Với bối cảnh như vậy nên TS. Lê Thẩm Dương đã chọn cách thuyết trình "không giống ai" là "đời thường hóa" hoặc đôi khi "dung tục hóa" bài giảng  trước đám đông học viên lắm tiền nhưng cũng kén giảng viên. Có lẽ đây chính là sai lầm của ông khi chọn phương pháp này để lên lớp cho học viên (tôi nói sai lầm vì ông không ngờ bài giảng của mình lại được nhà trường vô tình hay cố ý đưa lên mạng youtube) và là nguyên nhân của nguồn cơn của một cuộc tranh luận trái chiều của cư dân mạng. Thậm chí kéo theo của không ít ý kiên của các nhà khoa học có tên tuổi tham gian bình luận nhận xét, khen chê, v.v...
Tuy nhiên, đánh giá một cách công bằng là bài thuyết trình của TS. Lê Thẩm Dương khá thành công trên cả phương diện chuyên môn và hiệu ứng người nghe.
Về phương diện chuyên môn: TS. Lê Thẩm Dương nắm khá chắc vấn đề mình định trình bày phù hợp với chuyên ngành quản trị kinh doanh (tôi không thấy ông nói nhiều đề chủ đề tài chính ngân hàng trong buổi thuyết trình này). Nhưng cũng phải nói thật, do chọn cách nói chuyện không phụ thuộc vào giáo án viết sẵn nên đôi khi thông tin ông đưa ra tôi thấy chưa chuẩn xác hoặc có lúc hình như ông bịa về số liệu chuyên ngành, nhưng về căn bản không ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng của ông. Với cách thuyết trình khá thoải mái (thậm chí có phần tếu táo) nên nhiều nội dung phức tạp của chuyên môn đã được ông diễn đạt đơn giản, dễ hiểu. Đây là điều mà mà không dễ giảng viên nào khi giảng bài cũng làm được.
Về phương diện hiệu ứng người nghe, tôi thấy người nghe rất hào hứng nghe ông thuyết trình. Tất nhiên, có đôi lúc ông lấy ví dụ cho phần giảng hơi dung tục (thậm chí liên hệ ngay với một vài học viên nữ đang ngồi trong lớp) nên tôi dám chắc đã làm cho các học viên này có hơi xấu hổ nhưng căn bản sau đó thì cảm thấy thích thú chứ không ghét thầy hoặc oán thầy. Khi các đoạn video này được đưa lên mạng internet thì nhìn chung phản ứng của cộng đồng là bao dung, có khi thích thú là đằng khác với các lý do:
- Chủ đề thầy giảng rất hấp dẫn
- Phương pháp thầy sử dụng để giảng bài ít giống ai
- Trong bài giảng của thầy có nhiều khái niệm dễ gây ấn tượng cho người nghe...
- v.v..
Về chuyện gọi là "văn tục" trong bài giảng của TS. Lê Thẩm Dương tôi cho rằng: cộng đồng mạng cần bao dung với phương pháp giảng bài của thầy. Cũng cần nhớ rằng, nếu đánh giá toàn diện, tôi có thể học được ở thầy nhiều thứ về cách "văng tục" trong bài giảng. Tuy nhiên, nếu thầy Dương bớt đi tần suất và tránh sử dụng các khái niệm được coi là "nhạy cảm" về mặt tâm lý khi sử dụng để truyền tải nội dung thông tin bài giảng thì theo tôi vẫn là hay hơn. Trên thực tế, cũng có rất nhiều các diễn giả không dùng phương pháp nói tục mà giảng bài cũng khá thành công được người học đánh giá rất cao. Ví dụ như bài giảng của các thầy như cố GS. Trần Quốc Vượng (sử học), GS.TS. Nguyễn Lân Dũng (sinh học) hay của TS. Chu Văn Sơn (văn học), v.v..
Nhìn chung, đây là một bài thuyết trình hấp dẫn, có nhiều điểm mới, đáng khen hơn là đáng chê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét