Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

K é m !

Theo Hiệu Minh Blog.
Dân ta chê ai làm cái gì không nên hồn là…kém. Từ chính trị gia đến người tù, từ ca sỹ đến khan giả, nam tới nữ, từ vợ chuyển sang chồng. Kém có nhiều loại, hơi kém, kém vừa, kém, quá kém, kém khó tả và kém tới mức thảm họa.

Hơi kém vì không tắt…micro
Bên lề hội nghị thượng đỉnh về an ninh nguyên tử tại Seul tuần qua, Tổng thống Obama nói chuyện riêng với người đồng nhiệm Medvedev sắp đuổi gà cho vợ, về quan hệ của hai siêu cường hạt nhân.
Obama nhờ Medvedev nói hộ với Putin rằng, “Hoa Kỳ cần thêm thời gian để giải quyết các chống đối với chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ”.
Ông thật thà tâm sự “Đây là cuộc tranh cử cuối cùng của tôi, nên sau bầu cử tôi sẽ thoải mái hơn”.
Medvedev thân ái trả lời bằng tiếng Anh: “Tôi hiểu,” và hứa sẽ “truyền tin đó cho Vladimir – I will transmit this information to Vladimir”.
Tất cả câu chuyện trên được cánh nhà báo ghi âm được bởi micro gắn trong áo véc của Obama không tắt sau cuộc họp. Tổng thống nói gì, làm gì, sột soạt to nhỏ được cả thế giới biết. May mà chỉ kéo dài vài phút.
Chỉ là sự cố nhỏ nhưng nói lên vài cái kém của Mỹ như sau: (1) Tổng thống một siêu cường quên tắt micro là không chấp nhận được khi bàn chuyện đại sự thế giới sau bức màn nhung; (2) Quân sư của Tổng thống càng kém vì không nhắc nhở lãnh đạo của mình. Kỹ thuật cao như thế thì an ninh phải biết remote control chuyện tắt mở. Sau vụ này thế nào cũng có người mất việc; và (3) Mỹ tỏ ra yếu đuối trước Nga, phải “xin gia hạn”, không như những lời hùng hổ trên tivi. Hơi kém tắm.
Người Nga cũng chả khác. Bầu lên Tổng thống Medvedev mà để ông này làm gì cũng phải transmit to Vladimir – nhất nhất phải hỏi Putin, chả còn ra thể thống gì nữa, chưa kể tiếng Anh của Med quá yếu. Cụng li Smirnov với đồng sự ngoài biên giới mà cũng phải hỏi bố. Quá kém.
Kém…khó tả vì không thi đua…trong tù
Đây mới là chuyện lạ. Hãng BBC vừa đưa tin, tại một nước kia, vợ của người bị tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” cho biết, chị đã nhận được thông báo của trại giam về tình hình “chấp hành án” của chồng. Người bị tù là một luật sư khá nổi tiếng ở quốc gia ấy.
Như chị nói với báo giới, trại giam đã xếp loại anh vào loại “kém thi đua chấp hành hình phạt tù”. Lãnh đạo trại còn khuyên bảo gia đình, cần quan tâm phối hợp, động viên giáo dục luật sư “học tập, rèn luyện tiến bộ”.
Không hiểu, trong trại thì thi đua với ai, thi đua cái gì. Suốt ngày trong song sắt, cả tháng gia đình mới được thăm nuôi một lần, thì “quan tâm, phối hợp” thế nào với quản giáo.
Giá mà cấp trên cho bạn bè vào thăm nom, rồi động viên vị luật sư trẻ yên tâm chịu hình phạt, hết hạn thì về, có phải hay không.
Người thăm đứng ngoài cổng trại thì giáo dục phạm nhân thế nào để khỏi có ý định chống phá. Người thăm thấy khó, người không được thăm càng khó hơn nếu muốn “rèn luyện và học tập tiến bộ” trong hoàn cảnh đó.
Nhưng nói gì thì nói, luật sư mà để bị tù là kém. Và còn nhiều cái kém khác liên quan nhưng không tiện bàn ở đây. Kém này thuộc loại…khó tả.
Kém thảm họa – phái mạnh bị chân dài chê…yếu
Đàn ông ngại nhất là để đàn bà chê yếu kém, từ cách đối nhân xử thế đến sự nghiệp, vai vế trong xã hội, cả ngoài đời lẫn trên giường. Hễ động đến chữ “yếu” hay “kém” là đám mày râu dễ nổi xung, thảm họa đến nơi.
Chả thế mà có bộ trưởng trẻ từng khuyên bà xã từng là hoa hậu cỡ trường, em đừng nói gì với tivi hay nhà báo, tránh phỏng vấn, không đọc blog hay xem báo chí lề trá kể cả lề phải. Không hay đâu. Có thể sợ bà xã chê ổng chăng.
Thế mà có ông làm tới Bộ trưởng để dân chê kém đấy, mà còn là kém cỏi nữa. Một người đẹp, ca sỹ yêu kiều, má môi phúng phính, lên tiếng trên báo chính thống hẳn hoi.
Chả là có tin, trước việc Bộ Giao thông vận tải đề xuất thu phí lưu hành ô tô, xe máy, ca sỹ Mỹ Linh cho rằng việc này là hết sức phi lý.
Ca sỹ nói thẳng tuột như đôi chân “dài” của nàng trên sân khấu “Chừng nào còn chưa rút ngắn được khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, chừng nào quy hoạch giao thông còn đầy rẫy những bất cập thì chừng đó, tai nạn giao thông vẫn còn là một vấn nạn nhức nhối mà trong đó, lỗi không thuộc về người dân.
Nên càng không thể giải quyết nó bằng một giải pháp đơn giản và phi lý hết sức là bắt dân đóng phí và phải “mua” một “mặt hàng” mà họ không ưng ý và không tự nguyện.
Đề xuất giải pháp đó, theo tôi, chứng tỏ anh Đinh La Thăng quá kém cỏi!”
Trong những show biểu diễn, có thể Diva Mỹ Linh từng ngân nga nốt nhạc A# (La Thăng) và hẳn nàng cũng yêu gam nhạc hơi phá cách này.
Nhưng hôm rồi, người đẹp đã phải cất cao giọng tới hai quãng tám (8) “La Thăng quá kém cỏi!”, chứng tỏ loại kém này đã tới mức…thảm họa.
HM. 28-03-2012

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Làm lãnh đạo thời nay, được khen chưa hẳn đã vui, nhưng bị chửi chưa hẳn đã dở

Điều này tưởng như vô lý nhưng thực tế lại đúng với rất nhiều trường hợp đối với người làm công tác lãnh đạo, quản lý trong hệ thống công quyền từ cấp trung ương đến cấp địa phương ở Việt Nam.
Không được tổ chức tin tưởng khi được quần chúng khen
Đó là trường hợp của đại biểu hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa VI Đặng Văn Khoa (còn gọi là ông Hội đồng Khoa). Được biết ông là một trong số ít các đại biểu của Hội đồng nhân dân TP HCM cùng khóa đã nỗ lực hết mình để chứng tỏ trách nhiệm của vị đại biểu đại diện cho nhân dân Thành phố HCM, với những phát biểu sắc sảo, đi vào từng việc cụ thể, bức xúc hàng ngày của người dân Thành phố. Ông cũng là một trong số ít vị đại biểu được nhân dân quý mến gọi ông với cái tên thân thương: ông Hội đồng Khoa. Tuy nhiên, khi ông có ý định ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII thì những khó khăn bắt đầu đến với ông. Thậm chí, người ta tìm mọi cách để ông không được ứng cử và kết quả là ông buộc phải viết đơn xin rút khỏi danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội nơi ông sinh sống (xem tại đây). Kể ra những trường hợp như ông Hội đồng Khoa ở nước ta những năm gần đây xuất hiện khá nhiều. Có lẽ, khi chứng kiến những trường hợp như thế, người ta chỉ thở dài: đúng là người tốt thì chẳng bao giờ gặp may.
Bị dân chửi, cộng đồng mạng "ném đá"... nhưng vẫn lên chức
Đó là trường hợp của ông Trần Gia Thái, Tổng giám đốc Đài truyền hình HN. Ông này bị cộng đồng mạng ném đá tưởng như bị "te tua", bị kiện lên, kiện xuống vì can tội "vu khống" quần chúng trong đợt biểu tình chống TQ hồi năm ngoái ở HN. Tưởng bị kiểm điểm, bị giáng chức nhưng không, ông vẫn ngồi vững. Thậm chí cách đây vài hôm, ông còn được bầu bổ sung làm Phó chủ tịch Hội nhà báo VN (Xem thêm trên trang Anhbasam:  Tội đồ Trần Gia Thái, “ Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam”). Ở VN hiện nay, những trường hợp quan chức bị dân chửi khi hành sự nhưng lại càng phất to hơn như ông Thái không hiếm. Có lẽ vì thế mà nhiều người tự rút ra những điều tưởng như vô lý nhưng hoàn toàn có thật ở VN hiện nay: Làm lãnh đạo thời nay, được khen chưa hẳn đã vui, nhưng bị chửi chưa hẳn đã dở. Điều đáng nói là trước đây, những hiện tượng như thế này không nhiều lắm. Nhưng thời gian gần đây, những hiện tượng lãnh đạo như thế xuất hiện ngày càng nhiều từ cấp TW tới cấp địa phương. ĐCSVN đang quyết tâm chỉnh đốn chống sự suy thoái của Đảng. Thiết nghĩ nên bắt đầu bằng sự khắc phục những hiện tượng như thế này. Còn nếu không nhận ra, hoặc giả nhận ra nhưng coi như không có thì hiệu quả của việc thực hiện NQ TW 4 khóa XI đang được TBT Nguyễn Phú Trọng hô hào chắc khó đạt được.

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Tôi nghĩ: Bộ trưởng Đinh La Thăng hoàn toàn đúng trong cách chỉ đạo như thế này

Dư luận ầm ĩ kể từ khi xuất hiện những lời nói và việc làm của một vị Bộ trưởng chuyên ngành nhưng chuyên môn vốn không phải từ ngành ấy. Vị Bộ trưởng ấy có tên là Đinh La Thăng. Kể ra, ông Thăng từ lời nói, đến việc làm kể từ khi nhậm chức Bộ trưởng đã gây ra khá nhiều các cuộc tranh luận, tranh cãi, thậm chí bị chỉ trích dữ dội. Đó cũng là lẽ tự nhiên bởi 2 lý do. Nếu ông Thăng đúng thì những ý kiến chỉ trích là những người có lợi ích bị đe dọa từ những quyết định của ông. Còn trong trường hợp ông sai thì đương nhiên những ý kiến chỉ trích thuộc về nhóm những người có các xem xét khách quan hơn. Nhưng theo tôi quan sát, do nôn nóng muốn làm một cái gì khác đi so với các vị Bộ trưởng tiền nhiệm hoặc thói làm chính khách chỉ quen "ngậm miệng ăn tiền" vốn phổ biến ở VN hiện nay nên những lời nói và việc làm của ông Thăng có lẽ có cả cái đúng và cái sai. Cái sai thì khá rõ, chẳng hạn như chuyện ông cấm quan chức ngành GTVT chơi gols hay buộc cán bộ công chức ngành GTVT mỗi tuần đi xe bus một lần, v.v.. Nhưng cái đúng mà ông nói cũng như làm nhiều khi không dễ nhận ra nếu người ta tiếp nhận với thứ văn hóa "sổ toẹt". Với tôi, khi xem cách điều hành cuộc họp của ông Thăng đối với cán bộ cấp dưới (kể cả cấp dưới là Thứ trưởng) thì tôi thấy ông là người nói và dám chịu trách nhiệm. Phẩm chất này có thể nói là khá hiếm trong đội ngũ các chính khách ở nước ta hiện nay. Về phương diện nay, tôi ủng hộ ông Thăng. Bài báo dưới đây đã mô tả phong cách làm việc của ông Thăng với tính cách như vậy.
Bộ trưởng Thăng “dọa”… cách chức Thứ trưởng
(Dân trí) - Liên tiếp trong các cuộc họp quan trọng về chất lượng công trình và tai nạn giao thông đường sắt diễn ra mới đây, từ “cách chức” đã được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh và nói sẽ thực hiện nếu Thứ trưởng phụ trách không làm tốt nhiệm vụ. 
Từ an toàn giao thông…
Câu chuyện về thực trạng tai nạn giao thông đường sắt và nỗi lo sập cầu chính là khởi nguồn cho câu nói đùa mà như thật của Bộ trưởng Đinh La Thăng rằng sẽ cách chức Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nếu để cầu sập là thảm họa khiến nhiều người chết.
Tại cuộc họp về an toàn giao thông đường sắt này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá, tình hình tai nạn đường sắt từ đầu năm tới nay có giảm so với cùng kỳ năm 2011, nhưng số vụ, số người chết và bị thương vẫn còn nhiều. Dù tai nạn có lý do khách quan hay chủ quan thì vẫn có trách nhiệm ngành đường sắt và đó là trách nhiệm của ngành giao thông vận tải.
“Hôm trước tôi đi làm việc với các địa phương, việc rào hộ lan đường sắt rất bất hợp lí, đáng lẽ phải rào đường ngang trái phép thì lại để lại, nhất là đoạn từ Phủ Lý về Nam Định rất nguy hiểm khi cứ 100m lại có 1 đường ngang. Tốn hàng trăm tỷ để làm hộ lan, mà như thế thì không ý nghĩa”- Bộ trưởng Đinh La Thăng nhìn nhận.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng


Để khắc phục hạn chế, giảm thiểu tai nạn, theo Bộ trưởng Thăng hiện vẫn may rủi là nhiều. Trước mắt trong khi hạ tầng vẫn chưa thay đổi được ngay, ý thức của người dân cũng phải cần thời gian, cần tập trung cái gì dễ, tốn ít kinh phí thì ưu tiên làm trước.


Người đứng đầu ngành giao thông cũng liên tục ngắt lời các vụ chức năng vì dùng từ “ủng hộ” thay vì dùng từ “phải làm”. Bộ trưởng Thăng chỉ đạo các Vụ, Cục, Tổng Công ty Đường sắt trực thuộc Bộ GTVT trong thời gian tới phải tập trung bổ sung văn bản quy phạp pháp luật liên quan đến an toàn giao thông đường sát; Lập dự an đảm bảo an toàn giao thông đường sắt giai đoạn 2012 - 2020, định hướng tới năm 2030, hoàn thành trong quý II/2012 để trình Chính phủ.


Đối với các dự án hộ lan đường sắt, Bộ trưởng Thăng yêu cầu phải có báo cáo đánh giá toàn bộ dự án, hoàn thiện hệ thống cảnh báo từ xa, tự động; Rà soát lại các đường ngang, cử người canh gác, làm việc với địa phương để giải quyết các đường ngang bất hợp pháp.


Đặc biệt, với vấn đề cầu chung giữa đường sắt với đường bộ, Bộ trưởng Thăng giao trực tiếp cho Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phụ trách và tiến hành rà soát lại toàn bộ cầu yếu trên cả nước để báo cáo Chính phủ có ưu tiên vốn đầu tư, tránh nguy cơ xảy ra tai nạn.
Nhận nhiệm vụ này, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông gợi ý ngành đường sắt nên bám theo các Sở GTVT địa phương để thuận lợi cho công việc. Tuy nhiên, khi Thứ trưởng Đông chưa dứt lời, Bộ trưởng GTVT nói: “Làm gì có chuyện bám theo, anh là Thứ trưởng thì chỉ cần ký lệnh triệu tập các Sở GTVT đến mà làm”.


“Cái này phải làm khẩn trương, nếu để xảy ra thảm họa sập cầu thì trước khi Bộ trưởng bị Quốc hội phế truất, Thứ trưởng Đông sẽ bị cách chức”- Bộ trưởng Thăng đùa mà như thật tại cuộc họp.


Ngoài ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đồng ý với đề xuất cho hợp nhất Thanh tra đường bộ và Thanh tra đường sắt làm 1 để thống nhất chỉ đạo và nâng cao hiệu quả xử phạt vi phạm.
… Đến chất lượng công trình
Tại Hội nghị Quản lý tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình giao thông, vừa diễn ra hôm 23/3, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức làm Tổng chỉ huy về chất lượng và tiến độ công trình, Thứ trưởng Đức phải chịu trách nhiệm số 1 về vấn đề này.
Bộ trưởng Thăng "dọa" cách chức Thứ trưởng phụ trách nếu chất lượng công trình có vấn đề
Nói về chất lượng công trình giao thông trong năm qua, Bộ trưởng Thăng thẳng thắn: “Chất lượng và tiến độ công trình giao thông đã nói rất nhiều, nhưng chưa chuyển biến được bao nhiêu. Có nhiều người nghĩ rằng đã là công trình giao thông phải chậm tiên độ, chất lượng kém… Năm ngoái kiểm tra 9 dự án, thì cả 9 đều có vấn đề”.
Để đảm bảo tến độ và nâng cao chất lượng công trình giao thông trong thời gian tới, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu phải có quy chế quy định trách nhiệm người đứng đầu, người đứng đầu phải có trách nhiệm với dân, vì đường được làm từ thuế của dân, vốn ODA thì sau này người dân cũng phải nộp thuế để trả nợ, không thể để người dân bức xúc như hiện nay được. Từng đơn vị, từng chủ thể phải nâng cao năng lực và trách nhiệm, trước hết là từ lãnh đạo Bộ, có dám xử lý sai phạm không.
“Thứ trưởng có quyền chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền, cái gì khó khăn quá không xử lý được thì báo cáo lên Bộ trưởng, tập thể Đảng để giải quyết. Nếu không báo cáo mà vẫn xảy ra tình trạng chất lượng công trình kém thì Thứ trưởng phụ trách phải chịu trách nhiệm” - Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Thăng khằng định: “Trước khi tôi bị mất chức về chất lượng công trình, thì anh Đức phải mất chức trước, vì tôi đã giao anh Đức làm tổng chỉ huy về chất lượng và tiến độ công trình”.
Tại hội nghị, vị Bộ trưởng này cũng không quên nhắc tới Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình rằng: “Anh giúp tôi quản lý chuyên ngành về chất lượng, nếu năm nay mà không có chuyển biến về chất lượng công trình, thì Cục quản lý chất lượng công trình giao thông đi làm việc khác”.
Quỳnh Anh

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Sự tích tết Hàn Thực (hay tết báy trôi, bánh chay)

Hôm nay, ngày 3-3 âm lịch là Ngày "bánh trôi, bánh chay" đấy các bạn ạ!
Đầu tiên, chúng mình cùng tìm hiểu gốc tích Tết Hàn thực:






Tới khi "xuất cảnh" sang Việt Nam:




Cùng "zoom" tới 2 loại thức ăn nguội đặc trưng:




Và "nhắc khéo" bạn về một sự thật chắc chắn ai cũng biết!



Các bạn có muốn tự làm bánh trôi không? Click vào link này để xem chi tiết nhá!

Bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm với các chức danh do Quốc hội bầu liệu có khả thi?

Theo một đề án do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất (3/2012), sau khi thảo luận đã đi đến nhất trí hằng năm sẽ tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm với đối với Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và các chức danh khác do Quốc hội bầu. Đối với nhiều người thì đây có thể là thông tin đáng ngạc nhiên, song cũng không có gì là ghê ghớm. Vì cái trò này, ở các nước tư bổn họ vẫn làm thường xuyên và làm thực chất. Ở các quốc gia này việc Quốc hội họp và tổ chức phiếu tín nhiệm đối với một chức danh nào đó của Chính phủ, thậm chí cả bản thân các chức danh to đùng như Tổng thống, Chủ tịch Quốc hôi cũng là hình thức đấu tranh nghị trường (thường chủ yếu là do phie đối lập đề xuất). Còn ở Việt Nam  hiện nay, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu không phải là sáng kiến của Quốc hội, cũng không phải là do "phe đối lập" đề xuất (vì cái gọi là "phe đối lập" ở VN căn bản không tồn tại) mà có lẽ là một bước để cụ thể hóa nghị quyết Hội nghị TW 4 khóa XI về công tác chỉnh đốn Đảng do Bộ chính trị, BCHTW ĐCSVN mới ban hành.

Bỏ phiếu các chức danh do Quốc hội bầu thực chất là một việc làm dân chủ. Tuy nhiên, tại Việt Nam việc bỏ phiếu tín nhiệm này liệu có thực chất? Cố nhiên, không ai nghĩ rằng những lá phiếu Yes hoặc No là do gian lận hay khai vống mà có thể là thật 100%. Nhưng cái người ta nghi ngờ là đối tượng tham gia bỏ phiếu tín nhiệm là các quan chức do tâm lý nể nang, "dĩ hòa vi quý" hoặc tâm lý không quen phản đối cái chưa hoàn thiện nên rất có thể vẫn chọn phương án "Yes" cho mọi chức danh, kể cả các chức danh đáng dành cho sự lựa chọn phương án "No" vì bất tài, tham nhũng.

Có lẽ vì thế nên tâm lý kỳ vọng nhất hiện nay vẫn là cần có một cơ chế mạnh mẽ để có thể không chỉ kiểm soát được hành vi và đạo đức của giới quan chức mà quan trọng hơn là tự nó có thể tạo nên người tài và liêm trong bộ máy nhà nước. Nếu không có những cơ chế như thể thì cách tổ chức lấy phiếu tín nhiệm có tính hình thức như trên sẽ không tạo ra được bộ máy nhà nước hiệu quả, trong sạch mà nguy cơ các quan chức là đối tượng để lấy phiếu tín nhiệm rất có thể có những biện pháp đối phó trước khi lấy phiếu tín nhiệm, còn sau đó đâu sẽ vào đấy, mèo vẫn hoàn mèo mà thôi.

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Xem video bài giảng TS. Lê Thẩm Dương - đáng chê hay đáng khen?


 

Dư luận trong cộng đồng mạng một tháng trở lại đây ồn ào với sự cố bài giảng (đúng hơn là bài thuyết trình) của TS. Lê Thẩm Dương (trưởng khoa QTKD- Trường ĐH Tài chính Ngân hàng - TP HCM) được học viên lớp cao học thuộc học viện Quản trị kinh doanh FSB - ĐH FPT  quay thành video clip đưa lên Youtube (xem tại đây). Video này được chia thành 16 phần (16 part), có lẽ là tổng hợp của toàn bộ 3 buổi thuyết trình (2 buổi ban ngày và 1 buổi buổi tối) của TS. Lê Thẩm Dương với học viên lớp cao học học viện Quản trị kinh doanh FSB - ĐH FPT. Nội dung buổi thuyết trình (qua 16 phần) chủ yếu bàn về vấn đề quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh của nền kinh tế VN trong quá trình toàn cầu hóa, khủng hoảng tài chính và đang nằm trong chủ trương thực hiện các lộ trình tái cơ cấu các doanh nghiệp lớn ở VN. 
Đây là một chủ đề khó (một vấn đề khoa học hóc búa nhưng cần thiết) lại phải giảng cho đối tượng nghe chắc phải nộp tiền rất nhiều để được nghe (đối tượng nghe là học viên đang trực tiếp hoặc gián tiếp thực hành kinh doanh hay quản trị doanh nghiệp) nên để đưa nội dung cần nói chuyện cho người nghe hiểu và chấp nhận được chắc không phải là điều dễ dàng. Vả lại trong bối cảnh các trường đại học ở VN hiện nay, ngoại trừ một số bài giảng hấp dẫn thì phần lớn các bài giảng còn khô khan, ít hấp dẫn người nghe. Với bối cảnh như vậy nên TS. Lê Thẩm Dương đã chọn cách thuyết trình "không giống ai" là "đời thường hóa" hoặc đôi khi "dung tục hóa" bài giảng  trước đám đông học viên lắm tiền nhưng cũng kén giảng viên. Có lẽ đây chính là sai lầm của ông khi chọn phương pháp này để lên lớp cho học viên (tôi nói sai lầm vì ông không ngờ bài giảng của mình lại được nhà trường vô tình hay cố ý đưa lên mạng youtube) và là nguyên nhân của nguồn cơn của một cuộc tranh luận trái chiều của cư dân mạng. Thậm chí kéo theo của không ít ý kiên của các nhà khoa học có tên tuổi tham gian bình luận nhận xét, khen chê, v.v...
Tuy nhiên, đánh giá một cách công bằng là bài thuyết trình của TS. Lê Thẩm Dương khá thành công trên cả phương diện chuyên môn và hiệu ứng người nghe.
Về phương diện chuyên môn: TS. Lê Thẩm Dương nắm khá chắc vấn đề mình định trình bày phù hợp với chuyên ngành quản trị kinh doanh (tôi không thấy ông nói nhiều đề chủ đề tài chính ngân hàng trong buổi thuyết trình này). Nhưng cũng phải nói thật, do chọn cách nói chuyện không phụ thuộc vào giáo án viết sẵn nên đôi khi thông tin ông đưa ra tôi thấy chưa chuẩn xác hoặc có lúc hình như ông bịa về số liệu chuyên ngành, nhưng về căn bản không ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng của ông. Với cách thuyết trình khá thoải mái (thậm chí có phần tếu táo) nên nhiều nội dung phức tạp của chuyên môn đã được ông diễn đạt đơn giản, dễ hiểu. Đây là điều mà mà không dễ giảng viên nào khi giảng bài cũng làm được.
Về phương diện hiệu ứng người nghe, tôi thấy người nghe rất hào hứng nghe ông thuyết trình. Tất nhiên, có đôi lúc ông lấy ví dụ cho phần giảng hơi dung tục (thậm chí liên hệ ngay với một vài học viên nữ đang ngồi trong lớp) nên tôi dám chắc đã làm cho các học viên này có hơi xấu hổ nhưng căn bản sau đó thì cảm thấy thích thú chứ không ghét thầy hoặc oán thầy. Khi các đoạn video này được đưa lên mạng internet thì nhìn chung phản ứng của cộng đồng là bao dung, có khi thích thú là đằng khác với các lý do:
- Chủ đề thầy giảng rất hấp dẫn
- Phương pháp thầy sử dụng để giảng bài ít giống ai
- Trong bài giảng của thầy có nhiều khái niệm dễ gây ấn tượng cho người nghe...
- v.v..
Về chuyện gọi là "văn tục" trong bài giảng của TS. Lê Thẩm Dương tôi cho rằng: cộng đồng mạng cần bao dung với phương pháp giảng bài của thầy. Cũng cần nhớ rằng, nếu đánh giá toàn diện, tôi có thể học được ở thầy nhiều thứ về cách "văng tục" trong bài giảng. Tuy nhiên, nếu thầy Dương bớt đi tần suất và tránh sử dụng các khái niệm được coi là "nhạy cảm" về mặt tâm lý khi sử dụng để truyền tải nội dung thông tin bài giảng thì theo tôi vẫn là hay hơn. Trên thực tế, cũng có rất nhiều các diễn giả không dùng phương pháp nói tục mà giảng bài cũng khá thành công được người học đánh giá rất cao. Ví dụ như bài giảng của các thầy như cố GS. Trần Quốc Vượng (sử học), GS.TS. Nguyễn Lân Dũng (sinh học) hay của TS. Chu Văn Sơn (văn học), v.v..
Nhìn chung, đây là một bài thuyết trình hấp dẫn, có nhiều điểm mới, đáng khen hơn là đáng chê.

Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

Về Tiên Lãng, thăm khu đầm nổi tiếng của ông Đoàn Văn Vươn

Ngày 17/3/2012, nhân chuyến công tác ở Hải Phòng, mình dẫn đoàn học viên lớp cao học QLGD về Tiên Lãng và đã có một chuyến tham quan thực tế thú vị.
Về Tiên Lãng (Hải Phòng) vào một chiều cuối xuân mưa phùn ẩm ướt, ghé thăm khu đầm nổi tiếng của ông Đoàn Văn Vươn. Nhiều hình ảnh bất ngờ trong suốt chuyến đi. Xin tải lên blog này những hình ảnh đó như một chút kỷ niệm trong đời dạy học đầy thú vị của mình.


Xe qua quận Kiến An, đi về phía huyện An Lão. Từ An Lão qua cầu Khuể để sang vùng đất Tiên Lãng - một huyện vùng biển Hải Phòng.

Đến thị trấn Tiên Lãng, đoàn không dừng lại mà thẳng xuống xã Vinh Quang.Con đường từ Thị trấn Tiên Lãng đến xã Vinh Quang khá hiện đại. Đường nhựa kẻ sơn đủ cho 2 làn xe chạy song song với tốc độ cao. Con đường chạy dọc theo con kênh tưới tiêu huyện Tiên Lãng khá thơ mộng.


 Trên đường đi, em Thu điện cho người quen ở xã Vinh Quang ra đón và hướng dẫn đoàn tham quan (người đàn ông quay mặt là anh Nghĩa- một chủ đầm tôm ở xã Vinh Quang, người cũng có mặt và chứng kiến vụ cưỡng chế ông Vươn, hôm nay tự nguyện làm hướng dẫn viên cho đoàn). Bờ đê xã Vinh Quang, nơi diễn ra sự kiện anh em ông Đoàn Vân Vươn, Đoàn Văn Quý dùng súng hoa cải phản kháng lại đoàn cán bộ cưỡng chế do ông Nguyễn Văn Khanh - Phó chủ tịch huyện Tiên Lãng cầm đầu. Ở đây vào ngày thường cũng thấy rất đông những người đến thu mua thủy sản từ trong đầm của ông Vươn.

Con đường nối bờ đê xã Vinh Quang dẫn xuống khu đầm nuôi thủy sản của ông Vươn. Qua điếm canh đầm của xã Quang Vinh là đến khu nhà công vụ của Tổng đội Thanh niên xung phong từng được báo chí nhắc nhiều trong vụ việc của ông Vương.

Đầm ông Vươn là một khu đất bồi  ven biển được ông Vươn quai đất khoanh vùng qua nhiều năm và được chia thành nhiều ô (mỗi ô rộng khoảng từ 5-6 sào bắc bộ cho tiện nuôi trồng thủy sản).
Khu rừng bầu chắn sóng ở xã Vinh Quang. Rừng này chỉ xuất hiện sau khi ông Vươn thực hiện thành công việc quai đê, lấn biển, biến vùng nước chết trở thành vùng đầm nuôi thủy sản có ích.



 
Căn  nhà công vụ của Tổng đội Thanh niên xung phong  xã Quang Vinh (hầu như đã bị bỏ hoang kể từ khi dự án quai đê, lấn biển và nuôi trồng thủy sản của xí nghiệp này thất bại).



Đường vào căn nhà 2 tầng của ông Đoàn Văn Quý (em trai ông Đoàn Văn Vươn)

Những khu đầm đã được cải tạo đã sẵn sàng cho các vụ nuôi thả thủy sản
Anh Nghĩa- một chủ đầm tôm ở Vinh Quang (người đã trực tiếp chứng kiến vụ cưỡng chế khu đầm anh Vươn)  đang làm hướng dẫn viên cho chuyến tham quan của đoàn
Dấu vết ngôi "nhà chòi" của 2 anh em Vươn, Quý bị chính quyền xã phá

Chụp ảnh cùng với hai hoa khôi của Đoàn tham quan


Em Vũ Thị Thanh Nga là thành viên nữ trẻ nhất của đoàn.
Cô học trò người gốc huyện An Lão (giáp huyện Tiên Lãng) này lại có vẻ khá thích thú với chuyến tham quan
Dưới đầm rất nhiều cá. Đứng trên bờ có thể thấy hàng đàn cán lớn nhỏ (chủ yếu là cá rôphi, cá chuối, có cả nhiều loại cá đặc sản nữa...). Cá nhiều, song hình như người ta ít đánh bắt vì cho rằng những loại cá này ít giá trị.

Dấu tích ngôi nhà của ông Đoàn Văn Quý bị đoàn cưỡng chế huyện Tiên Lãng phá nát



Nghe ông chủ đầm tôm này kể lại quá trình "cưỡng chế" khu đầm anh Vươn


Nghĩ miên man về công sức cực nhọc quai đê, lấn biển thậm chí bỏ cả mạng người thân của gia đình anh Vươn bỗng nhiên bị người ta cướp trắng


Chụp ảnh làm kỷ niệm chuyến đi
Chụp chùng với Hương, Nga và Thu

Thấp thoáng một chủ đầm tôm khác đi ngang qua khu đầm bị phá của anh Vương


Khá bất ngờ khi đoàn tình cờ gặp chị Thương (vợ anh Vươn) đang đứng bên kia bờ mương thu hoạch chuối trong đầm bán cho tiểu thương thu gom. Ngoài đời, nhìn chị Thương có vẻ trẻ nhiều hơn so với trong ảnh hoặc trên TV.
Mình hỏi chị Thương về tình hình 2 anh em Vươn, Quý. Mình cũng khá bất ngờ khi thấy chị Thương vui vẻ trả lời các câu hỏi của mình.


Mua bán các sản vật từ khu đầm ngay trên bờ đê vào các buổi chiều trong ngày





Chụp bức ảnh kỷ niệm chung của Đoàn trước khi rời Vinh Quang. Từ trái qua phải: Nga, Thu, Phong, Thầy, Nguyên và Hương
Phố xá Tiên Lãng vào một chiều mưa phùn nhếch nhác

Phố huyện song cũng có vẻ quy củ ra phết. Tấm biển: "Đặc sản gia truyền thịt chó" gợi nhớ nhiều điều về vùng đất được coi như ốc đảo ở Hải Phòng này.
Thuốc lào từ lâu cũng là đặc sản của vùng Tiên Lãng.






Ăn bữa thịt chó Tiên Lãng trước khi kết thúc chuyến tham quan thực tế.
Em Phạm Xuân Hòa- một thành viên của lớp cao học (người ngồi ngoài cùng) là thổ dân chính cống của Thị trấn Tiên Lãng.
Kết thúc buổi tham quan. Cả đoàn vui vẻ làm bữa thịt chó trước khi chia tay. Hi hi...