ĐỂ ĐƯỜNG LỐI CÁCH MẠNG
ĐÚNG ĐẮN HƠN:
CÁI NHÌN TỪ LỊCH SỬ *
Ths. Ngô Vương Anh
Báo Nhân dân
Đặt vấn đề
Lịch sử hiện đại của dân tộc Việt Nam kể từ khi Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) ra đời, năm 1930, đã chuyển hướng theo một dòng chảy mới. Những chặng đường đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước sau đó được định hướng theo lý tưởng cộng sản chủ nghiã (CSCN), thể hiện trong đường lối lãnh đạo cách mạng của ĐCSVN từ khi ra đời đến nay. Đường lối cách mạng có vai trò quyết định sự thành, bại của phong trào cách mạng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã có những giai đọan đường lối cách mạng chưa phù hợp với thực tiễn cách mạng. Những sự sai lệch trong đường lối và trong việc triển khai thực hiện đường lối đã gây ra những hệ quả không tốt cho phong trào cách mạng, gây ra những tổn thất cho lực lượng cách mạng. Từ nhận thức và qua những họat động thực tiễn, Hồ Chí Minh và ĐCSVN đã nhiều lần đấu tranh, điều chỉnh để đường lối cách mạng của Đảng trở lại đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển. Cho tới nay những bài học lịch sử quanh vấn đề này vẫn mang nhiều ý nghiã. 1. Đầu năm 1930, Hội nghị hợp nhất thành lập ĐCSVN do Nguyễn Ấi Quốc chủ trì đã thông qua Chánh cương vắn tắt; Sách lược vắn tắt; Điều lệ vắn tắt; Chương trình vắn tắt của ĐCSVN và Lời kêu gọi nhân ngày thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc sọan thảo. Tuy vắn tắt song những văn kiện này đã nêu được những vấn đề cơ bản về đường lối cách mạng Việt Nam, tuyên bố về sự lựa chọn con đường cách mạng từ khi Đảng mới ra đời. Chiến lược cách mạng của Đảng là tiến hành “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Con đường tiến lên của cách mạng Việt Nam là thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, dân chủ do một đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân lãnh đạo. Các nội dung dân tộc, dân chủ và xã hội chủ nghĩa không tách rời nhau và nằm trong một quá trình phát triển cách mạng.
Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng của Chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện thực tế Việt Nam khi nêu bật tinh thần: Tập trung vào nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc, đoàn kết tập hợp mọi lực lượng dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân để chống đế quốc đế quốc và tay sai. Trong cuộc đấu tranh này, Đảng cần tập hợp được khối lực lượng đông đảo nhất, huy động được sức mạnh đoàn kết to lớn nhất mới giành được thắng lợi. Nhiệm vụ giành độc lập, giải phóng nhân dân khỏi ách áp bức nô lệ được coi là nhiệm vụ có ý nghĩa cấp bách, sống còn, được đặt trước nhiệm vụ đấu tranh giai cấp. Trong khi xác định: “Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa c.m (cách mạng – NV) đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến”, Chánh cương… đưa ra mục tiêu “thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo” [2, 3 - 4]. Tuy nhiên, Luận cương chánh trị do Tổng bí thư Trần Phú mang về và được thông qua trong Hội nghị tháng 10/1930 của Đảng lại đặt mục tiêu: “tịch ký hết ruộng đất của bọn địa chủ ngoại quốc, bổn xứ và các giáo hội; giao ruộng đất ấy cho trung nông và bần nông, quyền sở hữu ruộng đất về chánh phủ công nông” [2, 95]. Hội nghị tháng 10/1930 coi những quan điểm nêu trong những văn kiện của Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng là “sai lầm chính trị và nguy hiểm” và ra Án nghị quyết thủ tiêu những văn kiện đó. Sự phê phán này dựa theo những quan điểm mang nặng khuynh hướng “tả” – nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản – trong việc chỉ đạo phong trào cách mạng thế giới của Quốc tế cộng sản (QTCS) sau Đại hội VI (1928) của tổ chức này – khi những tư tưởng cực đoan về đấu tranh giai cấp của Stalin chi phối đường lối của QTCS. Lãnh đạo ĐCSVN trong khỏang thời gian từ tháng 10/1930 đến tháng 3/1938 là những nhà cách mạng được QTCS đào tạo tại trường Đại học cộng sản Phương Đông và được cử về lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập. Sự chỉ đạo, giúp đỡ cách mạng Việt Nam cuả QTCS trong giai đoạn này khá tòan diện: về tổ chức và tư tưởng chính trị, về đào tạo cán bộ, hỗ trợ tài chính và thiết lập các đường dây liên lạc… Trần Phú và những Tổng Bí thư sau đó nhận trách nhiệm cao nhất với QTCS về việc thực hiện những Nghị quyết của QTCS trong phong trào cách mạng Đông Dương không thể làm trái những điều được QTCS chỉ dẫn. Tháng 11/1931, Hà Huy Tập trong bài viết Hoạt động của Đảng cộng sản Đông Dương, đã nhấn mạnh với các đồng chí trong Xứ ủy Bắc kỳ: “Tất cả các quyết định của quốc tế cộng sản có uy lực đối với tất cả mọi người cộng sản không trừ một ai, và chúng ta chỉ có việc thực hiện, trung thành, chứ không phải xuyên tạc chúng thành những giáo lý cơ hội chủ nghĩa”. [1, 39]
Luận cương tháng 10/1930 “coi địa chủ là cừu địch của nông dân mà đã thế thì phải đánh đổ và thâu hết ruộng đất của chúng nó” đã dẫn đến quan điểm cực đoan trong chỉ đạo đấu tranh ở Nghệ – Tĩnh những năm 1930 – 1931: “trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”. Phong trào nổi dậy của nông dân Xô viêt Nghệ – Tĩnh bị suy giảm sức mạnh và thất bại trước sự đàn áp khốc liệt của chính quyền thực dân và phong kiến tay sai. Mặc dù vậy, sự phê phán những sai lầm của Hội nghị hợp nhất và “đồng chí Quốc” khá nặng nề và còn kéo dài nhiều năm sau đó. Sự phê phán đó hiện rõ trong các văn kiện: Thư của Trung ương gửi cho các cấp đảng bộ (9/12/1930); Tư liệu bổ sung về nguồn gốc các tổ chức cộng sản ở Đông Dương; Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương (1933); Đảng cộng sản Đông Dương và sự phát triển của phong trào cộng sản trong thời ký từ Đại hội VI đến Đại hội VII (1934); Nghị quyết chính trị của Đại hội (congre‟s) lần thứ nhất Đảng cộng sản Đông Dương (28/3/1935); Thư của Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng cộng sản Đông Dương (ngày 31/3/35) gửi Quốc tế cộng sản (31/3/1935); Báo cáo của đồng chí Lê Hồng Phong gửi Quốc tế cộng sản (1935)…[1, 38 - 39] Trong giai đọan tư tưởng Hồ Chí Minh bị phê phán nặng nề vẫn có hai bản chỉ thị của Trung ương nội dung tỏ ra đồng nhất với quan điểm của Nguyễn Ái Quốc. Đó là Chỉ thị của Trung ương Thường vụ về vấn đề thành lập Hội “Phản đế đồng minh” (ngày 28/11/1930) và Chỉ thị của Trung ương gửi Xứ uỷ Trung kỳ về vấn đề thanh đảng Trung kỳ (20/5/1931). Về hai bản chỉ thị này còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu (về hòan cảnh ra đời, người chấp bút soạn thảo, việc phổ biến và triển khai thực hiện…) nhưng đây là sự điều chỉnh của Ban chấp hành Trung ương về quan điểm chủ trương sách lược đối với tầng lớp trên, phát triển đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở công nông là gốc. Sự điều chỉnh này xuất phát từ thực tiễn nóng bỏng của cách mạng Đông Dương trong cao trào 1930 – 1931. Tuy vậy sự điều chỉnh này chưa đủ để những luận điểm cách mạng sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc chiếm ưu thế với những quan điểm được coi như “chính thống” đang ngự trị trong Ban chấp hành Trung ương khi đó. (Xem thêm [1]) Sau Đại hội lần thứ VII QTCS (7/1935), trước nguy cơ phát xít và những biến chuyển nhanh chóng trên thế giới và Đông Dương, ĐCSVN có những điều chỉnh chiến lược cách mạng của mình. Những Nghị quyết của Hội nghị Trung ương tháng 11/1939 và sau đó là Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5/1941) ghi nhận sự trở lại tương đồng với những quan điểm đúng đắn trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt trên những vấn đề quan trọng nhất của cách mạng Việt Nam, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc lên trên hết. Đường lối đúng đắn đó đã đoàn kết được đông đảo quần chúng trong Mặt trận dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện mục tiêu cao nhất: giành độc lập dân tộc. Từ sau Hội nghị Trung ương 8 (5/1941) cho đến tháng 8/1945, ĐCSVN đã tập hợp được khối lực lượng quần chúng đông đảo và tích cực chuẩn bị về mọi mặt để khi thời cơ đến kịp thời lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, giành độc lập dân tộc, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Để khẳng định vững chắc chiến lược giải phóng dân tộc đúng đắn trong đường lối của mình và đi đến thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, ĐCSVN đã trải qua 10 năm (1931 – 1941) tự nhận thức và đổi mới trong những điều kiện ngặt nghèo của lịch sử. Để có bước phát triển trong lý luận và chỉ đạo thực tiễn cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, ĐCSVN đã trải qua cuộc đấu tranh giữa cái cũ “tả khuynh”, giáo điều, biệt lập… với cái mới mềm dẻo, đòan kết, sáng tạo… Cuộc đấu tranh này có thể đánh giá là sâu sắc cả ở cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương gửi Ban chấp hành QTCS (ngày 6/4/1938) viết: “Lúc trước đồng chí Sinitchekine (Bí danh của Hà Huy Tập – NV) làm Tổng thư ký, nhưng vì đồng chí có lầm lỗi về chính trị, vì Đảng chủ trương rằng các hộ quần chúng phải tổ chức theo lối công khai và bán công khai, còn đồng chí thì nói: “Tổ chức công khai và bán công khai là đúng, nhưng chỗ nào không có những điều kiện ấy, thì bất đắc dĩ có thể tạm thời tổ chức bí mật; Đảng cho đó là xu hướng thỏa hiệp với những phần tử cô độc tả khuynh nên không cử đồng chí làm Tổng thư ký nữa.” [3, 385]… Tổng thư ký mới được bầu là Nguyễn Văn Cừ – một người cộng sản trẻ tuổi trưởng thành từ thực tiễn đấu tranh và là một nhà lý luận xuất sắc của ĐCSVN. 2. Từ cuối năm 1953 đến năm 1956, ở nông thôn các tỉnh miền Bắc đã diễn ra 8 đợt phát động quần chúng và 5 đợt cải cách ruộng đất (CCRĐ). Trong tổng số 3314 xã, với khoảng 10 triệu dân, đã tịch thu hơn 70 vạn hecta bằng 44, 6% diện tích ruộng đất trong vùng chia cho gần 4 triệu nông dân. Những gì đã diễn ra trong 5 chiến dịch kéo dài tới hơn hai năm được ghi nhận như một cuộc vận động nông dân “long trời lở đất” – như các phương tiện thông tin tuyên truyền thời đó thường nhắc đến. CCRĐ được bắt đầu trước bước ngoặt lịch sử quan trọng của cuộc kháng chiến. Thời kỳ tổng phản công đòi hỏi huy động đến mức tối đa mọi nguồn lực trong nước – mà “nông dân là quân chủ lực” – và tranh thủ tối đa nguồn viện trợ vũ khí, quân trang, quân dụng của Liên Xô và Trung Quốc – hai trụ cột của phe XHCN khi đó. CCRĐ ở Việt Nam đã được xem như những tiêu chí biểu hiện cho tính cách mạng, cho tính cộng sản và cũng là điều kiện cho sự viện trợ… Tất cả tạo nên những áp lực để Luật Cải cách ruộng đất được Quốc hội thông qua tháng 12/1953, trước khi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ chỉ ít ngày. Khẩu hiệu đơn giản “Người cày có ruộng” – gói trọn mơ ước ngàn đời của những người nông dân – đã là ngọn cờ tập hợp đòan kết đông đảo nông dân ở tất cả các vùng nông thôn Việt Nam đấu tranh dưới ngọn cờ của ĐCSVN từ năm 1930. Sau khi giành được Chính quyền về tay nhân dân, khẩu hiệu “Người cày có ruộng” đã được hiện thực hóa từng bước với các mức độ khác nhau ở từng địa phương, đo bằng con số thống kê diện tích ruộng đất được cấp cho nông dân và số nông dân được chia ruộng ngày càng tăng. ĐCSVN đã thực hiện từng bước mục tiêu “Người cày có ruộng” trong từng giai đọan của cuộc kháng chiến. CCRĐ cũng có thể nhìn nhận như một nỗ lực của cách mạng Việt Nam để hòan tất mục tiêu “Người cày có ruộng” – nhưng đó là một bước hòan tất không trọn vẹn. Phong trào này cùng với phong trào “chỉnh đốn tổ chức Đảng và chính quyền” – được tiến hành kết hợp với CCRĐ từ đợt 4, đợt 5 – đã phạm sai lầm “tả khuynh” nghiêm trọng. Số người bị quy oan, bị xử lý sai chiếm tỷ lệ rất cao. Mức 5,68% địa chủ trong dân số địa phương là cao hơn rất nhiều so với thực tế. Tổng số người bị quy trong CCRĐ đã được thống kê là 172.008 người; số người bị oan sai là 123.266 người, chiếm tỷ lệ 71,66%.
Hơn 15 vạn đảng viên trong tổng số 17, 8 vạn đảng viên; 2876 chi bộ trong tổng số 3777 chi bộ, đã dự chỉnh đốn Đảng. Tổng số cán bộ, đảng viên bị xử lý, sau khi chỉnh đốn là 84000 người, chiếm tỷ lệ hơn 55%. Nhiều chi bộ tốt bị coi là chi bộ phản động, bí thư hoặc chi ủy viên chịu hình phạt nặng nề: tù hoặc bắn. Tình hình chỉnh đốn ở cấp huyện và cấp tỉnh cũng rất bi đát. Số cán bộ lãnh đạo các cấp này bị xử lý oan sai cũng chiếm tỷ lệ lớn. Hà Tĩnh là tỉnh cá biệt, có 19 cán bộ tỉnh ủy viên, công an, huyện đội dự chỉnh đốn đều bị xử lý. Gần đây ra soát lại cho kết quả: tất cả đều bị quy sai (!).[6, 10 - 13] Việc truy bức, dùng nhục hình rất phổ biến trong các cuộc đấu tố. Ông Tố Hữu – Trưởng Ban tuyên huấn Trung ương lúc đó – sau này nhớ lại: “Không thể kể hết những cảnh tượng bi thảm mà những người bị quy oan là địa chủ, ác bá (mà trong thực tế là trung nông) phải chịu đựng ở những nơi được phát động.”. (Nhớ lại một thời kỳ – Nxb Hội nhà văn; Hà Nội, 2000, tr 278 – 279). (Xem thêm [6]) Cũng cần phân biệt những sai lầm trong chủ trương đường lối với những sai lầm tự phát khi tiến hành tại cơ sở. Chủ trương “phóng tay phát động quần chúng” đã bị buông lỏng cho “đòan”, “đội” cải cách lộng quyền: truy bức để “đôn” tỷ lệ địa chủ cho đủ 5% dân số như một mức quy định bắt buộc; kích động, hù dọa quần chúng, khuyến khích họ tố oan cho nạn nhân; dùng nhục hình với đối tượng khi chưa có tòa án xét xử… Những điều này không hề có trong chủ trương chỉ đạo CCRĐ. Nội san Cải cách ruộng đất số 15 (ngày 19/2/1956) viết trong bài “Những điều cần chú ý trong việc vạch giai cấp”: “Tránh để xảy ra nhục hình, phải nắm vững chính sách phân hóa. Tránh gò cho đủ 5% địa chủ”. [6, 11]. Nhưng ở các cấp dưới, tình hình dường như đã không thể kiểm soát. Những biện pháp tàn ác tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi do những sai lầm nghiêm trọng và vô nguyên tắc: vi phạm những quyền tự do cá nhân; tô đậm đến mức tuyệt đối hóa yếu tố thành phần, thậm chí cho rằng quyền lãnh đạo nông thôn phải thuộc về bần cố nông. (Có nơi tăng tỷ lệ bần cố nông trong chi uỷ lên tới 97%); dùng quần chúng đã bị kích động để vạch tội đảng viên; xử lý tràn lan với thái độ hẹp hòi những đảng viên không phải là bần cố nông; cán bộ đội không phải là đảng viên được quyền xử lý đảng viên và cả kết nạp đảng viên; mang những biện pháp đấu tranh với địch để đấu tranh, xử lý nội bộ…. (xem thêm [5, 435 - 438]) Nhân dân sinh hoang mang và hòai nghi. Nội bộ Đảng mất đòan kết vì nghi kỵ lẫn nhau. Những sai lầm trong việc thực hiện CCRĐ và chỉnh đốn tổ chức mang đậm màu sắc tả khuynh đã để lại những tổn thất to lớn cho cách mạng về cả con người và tổ chức. Giai đoạn này đi qua để lại nhiều bài học lịch sử đa chiều và một vết hằn sâu trong ký ức. Bộ Chính trị đã xác nhận: “Tư tưởng thành phần chủ nghiã trong cải cách ruộng đất có tư tưởng nông dân, đặt bần cố nông lên trên tất cả, thậm chí đặt bần cố nông lên trên Đảng… Tư tưởng tả khuynh trong cải cách ruộng đất đã chớm nở lúc đầu; nó đã đưa đến chỗ học tập kinh nghiệm nước bạn một cách máy móc và không chiụ điều tra nghiên cứu đầy đủ tình hình xã hội ta để định chủ trương chính sách cụ thể cho thích hợp… Trong lúc thi hành thì một mực nhấn mạnh chống hữu khuynh trong khi những hiện tượng tả khuynh đã trở nên trầm trọng… từ khu trở xuống thì hệ thống cải cách ruộng đất trở nên một hệ thống ở trên cả Đảng và chính quyền. Tác phong độc đoán chuyên quyền, do đó mà trở nên phổ biến, không đi theo đường lối quần chúng, mà thực tế đã trấn áp quần chúng, nhẹ tuyên truyền giáo dục, buộc quần chúng làm những điều trái với ý muốn, với lương tâm của họ, có khi trái với chân lý và chính nghĩa.” [5, 430]. Bộ Chính trị cũng nhận thấy: “trong Đảng và ngoài nhân dân đang chờ những biện pháp sửa chữa gấp rút và kiên quyết của Trung ương và Chính phủ…” Những phản hồi từ thực tiễn đang ở giai đọan “nóng” nhất của CCRĐ và chỉnh đốn tổ chức, những ảnh hưởng sau Đại hội XX Đảng cộng sản Liên Xô đã làm những người lãnh đạo CCRĐ giật mình bừng tỉnh. Từ giữa năm 1956, nhiều Hội nghị Bộ chính trị, Ban bí thư và Ban chấp hành Trung ương liên tiếp họp với nội dung chủ yếu là bàn về việc sửa sai của CCRĐ và chỉnh đốn tổ chức. Đáng chú ý nhất là Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 10 (Khóa II) họp hai lần từ tháng 9 tới tháng 11/1956. Hội nghị đã vạch rõ những sai lầm, gọi đúng tên những sai lầm đã mắc phải là “tả khuynh”, phân tích những nguyên nhân và đưa ra những chủ trương, giải pháp khẩn trương để sửa sai. Hội nghị chủ trương nhanh chóng khôi phục lại danh dự và cương vị cho những người đã bị xử lý oan sai; công khai xin lỗi nhân dân và đền bù, chăm sóc thích đáng cho thân nhân những người đã tự sát hoặc bị xử bắn oan… Nhiều cán bộ cấp cao của Đảng đã phải chịu trách nhiệm vì những sai lầm đã xảy ra: Trường Chinh từ chức Tổng bí thư; Lê Văn Lương, Trưởng Ban tổ chức Trung ương, phụ trách công tác chỉnh đốn tổ chức, ra khỏi Bộ Chính trị và Ban Bí thư; Hồ Viết Thắng ra khỏi Ban chấp hành Trung ương và thôi giữ chức Thường trực Ủy ban CCRĐ Trung ương… Hội nghị Trung ương 10 cũng thông qua một loạt Nghị quyết chuyên đề về công tác tư tưởng, về dân chủ hóa bộ máy, về thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, về tăng cường chế độ pháp trị, về kiện tòan tổ chức và cải tiến lề lối làm việc… Thái độ thực sự cầu thị, thắng thắn, trung thực và quyết tâm sửa chữa sai lầm của ĐCSVN đã là những điều kiện quan trọng để việc sửa sai tiến hành đạt hiệu quả. Nhân dân đã công bằng và độ lượng khi nhận thấy Đảng đã trung thực truớc những khuyết điểm của mình và dũng cảm nói thẳng với dân, với cán bộ để cùng nhau quyết tâm sửa chữa. Và lòng dân yên nên Đảng còn giữ được chữ tín, chữ kính và dần dần ổn định tinh thần xã hội.… 3. Sau tháng 4/1975, tưởng chừng Việt Nam đã có thời cơ để cất cánh về kinh tế như đã xuất hiện thời cơ chiến thắng về quân sự. Cả dân tộc bước vào giai đọan lịch sử mới với tâm trạng phấn khởi, tự tin về sự tòan thắng của cách mạng Việt Nam. Bước ra từ vầng hào quang thắng lợi của cuộc chiến tra
nh với khí thế “ào ào xốc tới”, với tinh thần “một ngày bằng hai mươi năm”, tưởng chừng chỉ cần một khoảng thời gian ngắn là có thể xây dựng thành công “nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”. Đại hội IV của ĐSCVN (12/1976) đã kỳ vọng vào “khả năng” đó. Trong niềm say mê chiến thắng, không ai có thể tiên liệu tương lai thất bại. Sự nôn nóng muốn có ngay nền kinh tế thuần nhất xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã dẫn đến việc đẩy nhanh việc thực hiện cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và tập thể hóa nông nghiệp ở miền Nam một cách ồ ạt, vội vã ngay sau ngày giải phóng. Kết quả thu được lại ngược với mong muốn. Mô hình, cơ cấu kinh tế không phù hợp được đặt trên cái nền sản xuất xã hội nghèo nàn lạc hậu và bị chiến tranh tàn phá nặng nề đã dẫn Việt Nam đến cuộc khủng hỏang kinh tế – xã hội sâu sắc. Nguyên nhân chính của cuộc khủng hỏang này có thể nêu lên là: Duy trì quá lâu những cơ chế điều hành nền kinh tế đã tỏ ra mất sức sống: coi kế hoạch là đặc trưng quan trọng nhất của kinh tế XHCN, phân bố mọi nguồn lực theo kế hoạch, không thừa nhận sản xuất hàng hóa và cơ chế thị trường, coi thị trường chỉ là một công cụ thứ yếu bổ sung cho kế hoạch; không thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, coi kinh tế quốc doanh và tập thể là chủ yếu; muốn nhanh chóng xóa bỏ sở hữu tư nhân; xây dựng nền kinh tế khép kín, hướng nội theo hướng thiên về phát triển công nghiệp nặng; thi hành phân phối theo lao động trên danh nghĩa nhưng thực tế là bình quân cào bằng – điều này đã triệt tiêu các động lực kích thích sản xuất do ít quan tâm đến lợi ích cá nhân, bao cấp tràn lan gây tâm lý thụ động, ỷ lại… Số liệu thống kê cho thấy: Trong giai đọan 1976 – 1980, tốc độ tăng hàng năm của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ là 1,4%; và tổng thu nhập quốc dân (GNI) chỉ tăng 0,4% khi tốc độ tăng dân số hàng năm là 2,24%. Chỉ số giá tiêu dùng so sánh giữa các tháng 12 của các năm cho thấy một tốc độ lạm phát phi mã: Năm 1986 tăng 874,7%, năm 1987 tăng 323,1%, năm 1988 tăng 449,4%… Nhiều chỉ tiêu đầy tham vọng của kế hoạch 5 năm 1976 – 1980 thực hiện không đạt. Đáng chú ý nhất là chỉ tiêu về sản lượng lương thực: Kế hoạch đề ra là 21 triệu tấn, chỉ đạt 11,6 triệu tấn – gần bằng mức năm 1976; sản lượng thóc bình quân đầu người giảm từ 211kg năm 1976 xuống 157 kg năm 1980…[9,387 - 389] Nhưng nguyên nhân sâu sa hơn, nguyên nhân của các nguyên nhân, bắt nguồn từ nhận thức. Cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng những năm cuối thập kỷ 70 đến cuối thập kỷ 80 trong thế kỷ XX diễn ra ở Việt Nam là có thật và sâu sắc song vì những trở lực trong nhận thức – những “húy kỵ” – về những nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế cũ như chế độ công hữu về tư liệu sản xuất (nhất là đất đai), về lao động tập thể, độc quyền của nhà nước về thương nghiệp và giá cả; về kế hoạch hóa tập trung; về quan niệm rằng tư bản là bóc lột, là đối lập với chủ nghiã xã hội – mà kinh tế thị trường thì sản sinh ra chủ nghĩa tư bản… cùng với thói quen bao cấp đã hình thành lâu năm càng làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng. Cũng vì những sự ràng buộc về quan niệm, nhận thức, không phải thuật ngữ “khủng hỏang” đã được tiếp nhận ngay để có biện pháp ứng phó, để có “thuốc chữa đúng bệnh” mà thọat đầu mới chỉ là “rối ren”, “rối lọan”…, nên cuộc khủng hỏang đó không được dự báo kịp thời, dẫn đến việc khắc phục có nhiều khó khăn, lúng túng. Về tính chất, đây là cuộc khủng hỏang kinh tế – xã hội. Mặc dù không phải là khủng hoảng chính trị theo nghĩa sụp đổ thể chế, đổ vỡ hệ thống quyền lực hay đảo lộn nội các nhưng cuộc khủng hỏang này chứa đựng các nguy cơ làm mất ổn định chính trị không thể xem thường. Cuộc khủng hỏang này đặt ĐCSVN trước nhiệm vụ lịch sử hệ trọng và khó khăn: Phải tạo được bước ngoặt sửa sai cơ bản từ đường lối chính sách, trước hết trên lĩnh vực kinh tế, và cả với tổng thể đường lối, để đứng vững và phát triển
Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam diễn ra như một tất yếu, trong bối cảnh trên thế giới cùng diễn ra nhiều cuộc cải tổ, cải cách… ở Liên Xô, ở các nước XHCN Đông Âu và ở Trung Quốc đã diễn ra trước đó (từ năm 1978) vẫn còn đang tiếp tục. Ở tất cả những nước trong hệ thống XHCN lúc này đều đã hiện rõ những bất ổn của mô hình CNXH đã xây dựng, những biểu hiện trì trệ, khủng hoảng đều đã hiện rõ, báo hiệu nguy cơ sụp đổ đang hiện hữu rất gần. Cũng như các nước này, Đổi mới ở Việt Nam xuất phát từ những bức xúc bên trong. Việt Nam có tham khảo những bài học của các nước này song không áp dụng máy móc, cũng không có “cú hích” từ bên ngòai mà chính những khó khăn, bế tắc buộc các cơ sở phải trăn trở, bươn trải tìm lối thóat, phải “bung ra” để tự cứu. Công cuộc cải tổ ở Liên Xô bắt đầu từ tháng 4/1985, còn ở Việt Nam.thì việc “phá rào” tự cứu bắt đầu từ trước đó khá lâu. Ở tầm vĩ mô, sau nhiều cố gắng cải thiện mô hình cũ – với nhiều phong trào, nhiều chiến dịch, giương lên nhiều lá cờ… cả trong kinh tế và trên lĩnh vực tư tưởng – mà không có kết quả, tình hình ngày càng bế tắc, những bộ óc thực tế đã nhận ra rằng không thể tiếp tục duy ý chí. Họ bắt đầu nhận thấy cách nghĩ của những người đi trước là khả kính nhưng bất khả thi [Xem thêm [7]). Ở các cấp thấp hơn, hội chứng “kinh tế thiếu hụt” ngày càng trầm trọng, lâm vào khủng hoảng, cán bộ nhân dân ở một số địa phương đã tìm cách “phá rào”, luồn lách qua những “khe hở hẹp” của thể chế hiện hành để họat động có hiệu quả hơn. Nhìn tòan cục, ban đầu những cuộc “phá rào” từ cơ sở đều không có bài bản, chỉ là những giải pháp cụ thể trong thực tiễn, chưa có người chủ xướng tầm cỡ quốc gia. Nhưng sau một thời gian (từ năm 1979 đến năm 1986) thực tiễn chứng minh rằng cần thiết và có thể đổi mới tòan diện, đã tạo nên bước chuyển biến quyết định trong tư duy lãnh đạo từ những người giữ cương vị cao nhất của Đảng – đánh dấu chính thức và mạnh mẽ từ Đại hội Đảng VI (12/1986). Thực tiễn đã vượt trước chính sách. Chính thực tiễn sinh động đổi mới ở các cơ sở, các địa phương đã cung cấp tư liệu cho việc hình thành đường lối Đổi mới toàn diện của ĐCSVN. Từ những tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn đã tiến đến những bước tháo gỡ lớn về tư duy kinh tế. Nhiều quan điểm bảo thủ, sơ cứng, những định kiến và ngộ nhận về kinh tế hàng hóa, về tư sản; về ngoại bang, về bóc lột đã lùi bước trước cái nhìn thực tế và tự tin hơn về kinh tế thị trường về hợp tác đa phương và hội nhập, về một sự “cộng sinh” trong môi trường kinh tế mới. Sau khi “phá rào” thành công, nhiều “cái hàng rào” đã được xử lý thay vì xử lý “kẻ phá rào”, nhiều đối tượng có thể “bị thổi còi” lại được “cầm còi”. Đó là con đường ngọan mục từ “phá rào”, đột phá đến đổi mới, đến sự phát triển khởi sắc kinh tế.
Đặc biệt, một số trường hợp những người đã từng chỉ đạo quyết liệt những chiến dịch “thổi còi” trước đây lại khởi xướng và chỉ đạo việc tháo gỡ, giải thóat cho những người bị “thổi còi”. Đó là ông Trường Chinh: năm 1967 là người quyết định đình chỉ “khóan hộ” ở Vĩnh Phúc đến năm 1980 đã ủng hộ khoán ở Hải Phòng và những năm 1984 – 1985 là người đi đầu trong việc tìm tòi đổi mới tư duy. Ông Đỗ Mười – người chỉ huy hai cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc (1958 – 1960) và miền Nam (1978) – khi ở cương vị Thủ tướng (1988) rất ủng hộ Đổi mới và góp phần tạo ra “bước ngoặt” quyết định năm 1989. Cho đến hết nhiệm kỳ thứ VI Đại hội ĐCSCVN (1991), khi đường lối Đổi mới ở Việt Nam đã định hình tương đối rõ nét, công cuộc Đổi mới đã trải qua nhiều bước đột phá có hệ thống: Bước đột phá khai mở chấp nhận kinh tế tư hữu và thị trường tự do tồn tại bên cạnh và đồng hành với “thị trường có tổ chức” từ năm 1979 với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa IV). Bước đột phá chuyển hẳn sang chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần có sự điều tiết của Nhà nước và đổi mới tổng thể chính sách kinh tế từ Đại hội ĐCSVN lần thứ VI (12/1986). Hòan thiện chính sách kinh tế mới, chấm dứt chế độ thống nhất quản lý thu mua phân phối cũ, chuyển nền kinh tế vào cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước với Nghị quyết Trung ương 6, Khóa VI (1989). Đó là quá trình khai mở đường lối phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế, tự chủ mở rộng quan hệ kinh tế đa phương, từng bước hội nhập kinh tế thế giới và khu vực… Cùng với ba bước đột phá trên tổng thể nền kinh tế là những “vận động” mạnh mẽ về đường lối trên bốn lĩnh vực: – Nông nghiệp, sau Chỉ thị 100 của Ban Bí thư (1981) và Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (1988), người nông dân đã được giải phóng khỏi những ràng buộc của chế độ tập thể công hữu, chuyển sang chế độ hợp tác kiểu mới. Sức sản xuất trong nông nghiệp đã thật sự được giải phóng bằng việc thực thi chế độ tự chủ của kinh tế hộ nông dân. Năm 1986, Việt Nam phải nhập khẩu 534.000 tấn gạo, năm 1988 còn phải nhập 395.900 tấn nhưng chỉ những vụ thu hoạch đầu tiên sau “Khoán 10”, cũng những người nông dân Việt Nam đó, trên chính mảnh đất của họ đã từng canh tác lâu đời đã đưa sản lượng lương thực lên gần 20 triệu tấn và còn dành ra 1,4 triệu tấn để xuất khẩu. An ninh lương thực của đất nước được đảm bảo, số lượng gạo xuất khẩu những năm gần đây luôn giữ vững ở mức trên 4 triệu tấn/năm. – Công thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước không còn bị gò ép vào các hình thức “hợp tác”, “tập thể”. Các hộ cá thể được tự do sản xuất và buôn bán những mặt hàng tiêu dùng thông thường. Luật công ty TNHH và Công ty cổ phần được ban hành năm 1990 cho khu vực dân doanh đã xác lập vai trò hợp pháp của kinh tế tư nhân, là bước ngoặt giải phóng sức sản xuất của kinh tế, thương nghiệp ngoài quốc doanh. – Kinh tế đối ngọai với các nước “khu vực II” (ngòai khối SEV – “khu vực I”) được mở rộng. Họat động xuất nhập khẩu được nới rộng khỏi những độc quyền của Nhà nước đã tạo thêm nguồn vốn và thị trường tiêu thụ cho sản xuất trong nước. – Các xí nghiệp quốc doanh được tự chủ hơn với “kế hoạch ba thành phần” bắt đầu từ Quyết định 25 và 25 CP (1981). Các xí nghiệp kinh doanh năng động hơn và đã có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế thành thị, khai mở thị trường tự do. Năm 1989, Nhà nước xóa bỏ bao cấp qua giá với các xí nghiệp quốc doanh đã đẩy nhanh việc sàng lọc, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, giảm bớt gánh nặng bao cấp để giải “bài tóan” doanh nghiệp nhà nước theo hướng “cổ phần hóa”, “công ty hóa” trong giai đọan sau. Từ nhận thức đến hành động tháo gỡ những cơ chế ràng buộc, phá bỏ những rào cản để giải phóng sức sản xuất thực chất là sự trở lại với những nguyên lý đúng đắn về mối quan hệ biện chứng giữa sự phát triển của lực lượng sản xuất với trình độ của quan hệ sản xuất – mà một thời duy ý chí đã muốn đưa quan hệ sản xuất phát triển vượt trước và hy vọng nó sẽ kéo theo sự phát triển của lực lượng sản xuất. Giai đoạn lịch sử từ Đại hội IV (1976) đến hết nhiệm kỳ Đại hội VI của ĐCSVN (1991) ghi nhận một Đảng cộng sản cầm quyền từ chỗ vấp sai lầm, thất bại nặng nề, đã nhận thức được tình thế và có được giải pháp thuận theo quy luật để vượt qua khủng hỏang, chuyển nền kinh tế vào thế ổn định và phát triển đúng hướng, đạt nhiều thành tựu trong hòan cảnh khó khăn. Thành công đó đã được đánh giá là “kỳ diệu”, “bất ngờ”, “khó hiểu ngay cả với người trong cuộc”… Thành công này cũng được đánh giá là “cao nhất có thể đạt được xét theo những khả năng hiện thực trong điều kiện lịch sử”. Thành công này thuận với ý nguyện của nhân dân và hợp với xu hướng phát triển của thời đại.
Vài lời kết:
Nhìn lại những giai đọan lịch sử khi đường lối của ĐCSVN không phù hợp với thực tiễn cách mạng có thể thấy một điểm chung. Đó là sự sao chép những quan điểm chỉ đạo đường lối từ một “nơi khác” về áp dụng trong thực tiễn Việt Nam một cách máy móc. – Trong giai đọan đấu tranh giành độc lập dân tộc là sự sao chép rập khuôn những chỉ thị của QTCS khi thực tiễn cách mạng ở những nước thuộc địa phương Đông (như Việt Nam) hoàn toàn khác so với tình hình cách mạng ở những nước tư bản công nghiệp châu Âu. – Trong CCRĐ là sự sao chép công thức, cách làm từ các “nước bạn” và áp dụng một cách cực đoan trên diện rộng. – Sau tháng 4/1975 là công cuộc xây dựng mô hình CNXH dựa trên sự sao chép một mô hình có sẵn, duy ý chí để đạt mục đích.
Sự sao chép đó có căn nguyên từ lối tư duy giáo điều: Áp dụng những quan điểm, những nguyên lý bất biến; không tính đến những điều mới mẻ từ thực tiễn – và căn bệnh kinh nghiệm: Phóng đại vai trò của kinh nghiệm và nhận thức cảm tính, phủ nhận tính tích cực của tư duy sáng tạo. Hai “căn bệnh” trên thường thấy trong lối tư duy của những người sản xuất nhỏ, trong một nền sản xuất nhỏ. Ở đó lý luận khoa học chưa phát triển và không được coi trọng. Lối tư duy kinh nghiệm vụn vặt và những nhận thức sơ cứng trong vỏ bọc kinh nghiệm, được coi như “khuôn vàng thước ngọc”… và trích dẫn được thay thế cho suy nghĩ. Cũng nhìn từ những lần điều chỉnh đường lối, sửa sai, khắc phục những hậu quả do sai lầm để lại, có thể thấy ý nghĩa của thực tiễn, của những bài học thực tiễn, của quan điểm thực tiễn khi vận dụng lý luận để xây dựng đường lối lãnh đạo cách mạng của ĐCSVN. Thực tiễn cách mạng sinh động là căn cứ để điều chỉnh, sửa chữa những sai lầm khuyết điểm trong đường lối, để đường lối mới phù hợp hơn với thực tiễn và thúc đẩy thực tiễn phát triển đúng hướng, hợp quy luật. Khi đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn, tự nó đã mang tính khả thi.và bao hàm cả sức mạnh để thay đổi cái cũ, tạo lập cái mới, cách làm mới. Đường lối chỉ đúng đắn khi được xây dựng dựa trên sự am hiểu thực tiễn sâu sắc, bởi những người họat động thực tiễn năng động và có khả năng tổng kết thực tiễn. Nguyễn Ái Quốc trước khi đưa ra những luận điểm sáng tạo về cách mạng Việt Nam trong những văn kiện của Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng đã là một trong những nhà cách mạng có kinh nghiệm và hiểu biết nhất về tình hình các nước thuộc địa lúc đó. Hội nghị Trung ương ĐCSVN tháng 11/1939 và Hội nghị trung ương lần thứ 8 (5/1941) của Đảng đã quyết định điều chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc trên cơ sở nhận thức nhạy bén và đúng đắn tình hình thực tiễn, sau khi đã nhận ra những gì không phù hợp trong việc thực hiện những giáo điều được QTCS chỉ dẫn. Thực tiễn nghiệt ngã của những tổn thất nặng nề về cán bộ, về tổ chức trong CCRĐ đã buộc Đảng gấp rút sửa sai trong thời gian ngắn sau đó. Khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng trong những thập niên 70 – 80 của thế kỷ XX là một thực tế không mong muốn một lần nữa buộc ĐCSVN điều chỉnh đường lối lãnh đạo cách mạng của mình. Năng lực lãnh đạo của một Đảng cầm quyền trước hết và cơ bản nhất là năng lực tìm tòi xác lập đường lối, chính sách đúng đắn để phát triển đất nước. Trong lịch sử của mình, đã hơn một lần đường lối cách mạng của ĐCSVN tỏ ra không phù hợp với thực tiễn phong trào cách mạng. Nhờ phát hiện và sửa chữa kịp thời những sai lầm trong đường lối mà ĐCSVN đã đạt được những thành công. Đại hội X của ĐCSVN đã đặt lên hàng đầu nhiệm vụ “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”, coi đây là giải pháp mấu chốt để “phát huy sức mạnh dân tộc, đẩy mạnh tòan diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”. Nhiệm vụ đó bao hàm việc đổi mới nhất quán đường lối, chính sách trên nhiều vấn đề cơ bản, tòan diện của hệ thống thể chế kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị.
Đây là việc khó, luôn có nguy cơ sai lầm. Những nguy cơ, thách thức bên ngòai và cả bên trong (đã được Đảng xác định) vẫn hiện hữu do Đảng đã tự làm suy yếu năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình. Những đòi hỏi bức bách từ cuộc sống, thể hiện xu thế đổi mới tiến bộ, trong bối cảnh quốc tế mới cũng đang tạo những khả năng để sàng lọc, kiểm chứng tính đúng đắn của đường lối và cả phương pháp hoạch định đường lối, chính sách của ĐCSVN. Bài học thực tiễn trong lịch sử xây dựng và điều chỉnh để đường lối lãnh đạo cách mạng đúng đắn hơn vẫn cần được xem xét.
—————-
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ngô Vương Anh, Quá trình khẳng định chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc trong đường lối của Đảng giai đọan 1931 – 1941, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 2 (345), 2005. 2. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.1998, tập 2, 346 trang. 3. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tập 6, 782 trang. 4. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2001, tập 14, 713 trang. 5. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, tập 17, 922 trang. 6. Phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất, Tạp chí Xưa&Nay, Hà Nội, số 297, 2007, trang 10 – 15. 7. Đặng Phong, Duy tân và Đổi mới, Tạp chí Xưa&Nay, số 151, 2003, trang 13 – 15. 8. Dương Trung Quốc, Hơn nửa thế kỷ “Dân cày có ruộng”, Tạp chí Xưa&Nay, số 297, 2007, trang 4 – 9.
——-
* Tham luận tại HỘI THẢO QUỐC TẾ VIỆT NAM HỌC LẦN THỨ BA “Việt Nam: Hội nhập và Phát triển” .Mời xem thêm các bài viết về cuộc hội thảo này (riêng trang web của Hội thảo có lẽ đã bị hủy bỏ): “Việt Nam học trong thế kỷ 21“; “Thăm ban tổ chức hội thảo VN học lần ba“; “Nghiên cứu Việt học ‘không độc quyền‘”; ” Đánh giá lịch sử mở rộng lãnh thổ của Việt Nam“; ” Kiến giải của một người Nhật về ông Hồ“; ” Chủ tịch VN nói chuyện với học giả nước ngoài“;
21.133183 105.710724 Đăng trong Hồ Chí Minh, Hội thảo VN học-3, Lịch sử, Đảng/Nhà nước | 2 phản hồi »
91:Nghịch cảnh Hồ Chí Minh-Trần Phú qua văn kiện đầu tiên của ĐCSVN
Đăng bởi anhbasam on 13.03.2009
Từ Chính cương và sách lược vắn tắt
của Hồ Chí Minh
đến Luận cương Chính trị của Trần Phú
Một nghịch cảnh cần làm sáng tỏ
Đào Phan
Đã đến lúc có thể mở bức màn che ẩn một nghịch cảnh đầu tiên trên chương lịch sử của Đảng và của Hồ Chí Minh, mà cũng là một nghịch lý ít ai ngờ tới ngay trong thời đại mới của nước ta : Đó là việc bản “Chánh cương của Đảng” do Bác Hồ đưa ra Hội nghị thành lập Đảng tháng 2 năm 1930 đã bị Hội nghị Trung ương ngay tháng 10 cũng năm 1930 xoá bỏ và thay thế bằng “Luận cương chánh trị” của Trần Phú bấy giờ vừa trở về nước ! (1) Vậy thì giờ đây khi bàn về xây dựng Đảng, Đảng ta sẽ dựa vào “Chánh cương” từ lúc đầu của Bác Hồ, hay là vẫn theo “Luận cương” của Trần Phú viết ra sau đấy? Một vấn đề bật ra như thế hiển nhiên đang đòi hỏi những tư liệu được truy cứu rất xác thực trong các văn kiện qua sáu chục năm lịch sử của Đảng ta.
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2 năm 1930 được triệu tập dưới sự chủ toạ của Hồ Chí Minh, lúc đó mang tên Nguyễn Ái Quốc, là Uỷ viên Bộ phương Đông, phụ trách Cục phương Nam của Quốc tế cộng sản. Trong “Lời kêu gọi” sau khi Đảng ta được thành lập, do Bác ký tên “thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng cộng sản Việt Nam”, Bác đã viết rõ rằng: “Nhận chỉ thị của Quốc tế cộng sản giải quyết vấn đề cách mạng ở nước ta, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ” trong việc tổ chức ra Đảng ta với chính cương, sách lược, chương trình, điều lệ của Đảng (2).
Đảng ta vẫn trước sau khẳng định nhất quán việc Hội nghị thành lập Đảng đã : “Quyết định thống nhất ban tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành một Đảng lấy tên là Đảng cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt và điều lệ Đảng do Bác thảo ra”, Đảng cũng nhấn mạnh rằng : “Xuất phát từ tính chất xã hội Việt Nam vốn là nước thuộc địa và nửa phong kiến, trên cơ sở nội dung cuốn Đường cách mạng, chính cương và sách lược của Đảng” do Người khởi thảo là chính cương và sách lược được xác định cho cách mạng nước ta. Đảng đặc biệt nêu bật rằng : “Hội nghị thành lập Đảng có tầm quan trọng ngang một Đại hội, vì nó đề ra đường lối, chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam và những nguyên tắc cơ bản về xây dựng Đảng” (3).
Vậy thì phải chăng là điều trái nghịch “xây dựng Đảng” khi Trần Phú vừa tốt nghiệp trường Đại học ở Liên Xô, lại về triệu tập gấp một Hội nghị Trung ương Đảng trong tháng 10 cũng năm 1930, để ra nghị quyết xoá bỏ cả các văn kiện vừa được thông qua ngay tại “Hội nghị thành lập Đảng có tầm quan trọng ngang một Đại hội” và do “đại diện của Quốc tế cộng sản là Nguyễn Ái Quốc đã chủ tọa” ? Bản nghị quyết của Hội nghị Trung ương do Trần Phú về triệu tập đã nêu rõ hai quyết định quan trọng nhất là : “a) Thủ tiêu chánh cương, sách lược và điều lệ cũ của Đảng” do Bác Hồ biên soạn ; “b) Bỏ tên “Việt Nam cộng sản Đảng” mà lấy tên “Đông Dương cộng sản Đảng”. Và bản nghị quyết đó của Hội nghị Trung ương kia còn quy kết cả cho “Hội nghị hiệp nhất” là đã sai lầm về chính trị…, sai lầm về sách lược…, sai lầm về điều lệ và tên Đảng…, quên mất lợi ích giai cấp tranh đấu, ấy là một sự rất nguy hiểm” (4).
Trong lúc quyết định xoá bỏ “Chánh cương của Đảng” do Bác Hồ vừa khởi thảo, cuộc Hội nghị Trung ương này lại cũng đã thông qua bản “Luận cương chánh trị” của Trần Phú đưa ra thay thế. Vậy thì điều gì suốt trong sáu chục năm qua đã làm cho cả đảng viên và nhân dân vẫn cứ tưởng rằng “Luận cương” của Trần Phú là “Cương lĩnh” đầu tiên để xây dựng một Đảng do Bác Hồ đã sáng lập và đào luyện ? Mặc dầu các văn kiện quan trọng đó từ lâu vẫn được Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng cất giữ. Và mãi tới nay Tạp chí Lịch sử Đảng mới có thể đưa ra một lời kêu gọi là : “Đã đến lúc các nhà sử học phải hiệu chỉnh lại những đánh giá sai lầm về Chánh cương vắn tắt và sách lược vắn tắt (do Bác Hồ viết) và Luận cương chính trị (của Trần Phú)… Hãy trả về đúng chỗ đứng Lịch sử của bản Chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt của Đảng do Hồ Chí Minh khởi thảo là cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng ta” (5).
Hiển nhiên bấy giờ Trần Phú phải hành động theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản đã đặt dưới sự lãnh đạo của Stalin sau ngày Lênin qua đời. Thế nhưng vấn đề trước tiên cần được minh định hôm nay là trong thư gửi các cấp Đảng bộ tháng 12-1930, Trung ương của “Đảng cộng sản Đông Dương” vừa do Trần Phú về làm Tổng Bí thư cũng phải ghi nhận Hội nghị thành lập Đảng tháng 2 năm 1930 là “Đại hội hiệp nhứt” Đảng. Vậy thì dựa vào nguyên tắc tổ chức nào “Hội nghị Trung ương do Trần Phú về triệu tập ngay tháng 10 cũng trong năm đó lại cứ tự mình đổi tên “Đảng cộng sản Việt Nam” và xoá bỏ luôn “Chánh cương, sách lược, điều lệ” của Đảng vừa được thông qua ngay tại “Đại hội hiệp nhất” dưới sự chủ toạ của Bác là đại diện chính thức của Quốc tế Cộng sản ?
Phải chăng đây là một ngoại lệ khi một Hội nghị Trung ương có thể xoá bỏ cả các quyết định của một Đại hội toàn quốc ? Khi bản nghị quyết tháng 10 và tiếp liền đó là bức thư tháng 12 kia của Trung ương do Trần Phú làm Tổng Bí thư có thể tự mình quy kết thiếu chân thực rằng : “Hội nghị hiệp nhứt đã chủ trương các công việc rất sơ sài, mà có nhiều điều không đúng với chủ trương của Quốc tế”. Rồi cũng bức thư này còn viện cớ là “Lâm thời Trung ương cử ra sau lúc Hội nghị hiệp nhứt không nhóm một lần nào”, ‒ mặc dầu chỉ mới hơn nửa năm trong hoàn cảnh bị khủng bố ‒ mà xoá bỏ luôn Lâm thời Trung ương từ Hội nghị thành lập Đảng và biện bạch rằng : “Công việc nặng nề của Trung ương (mới) là phải làm cho rõ ràng những sự mập mờ, sửa đổi những sai lầm trong công việc “Hội nghị hiệp nhứt” (6). Tức là sửa đổi những sự “mập mờ” và những “sai lầm” trong công việc của Bác Hồ từ cuộc Hội nghị thành lập Đảng ta!
Hội nghị Trung ương tháng 10 năm 1930 đã quy kết cho “Đại hội hiệp nhất” một sai lầm to lớn trong việc đặt tên Đảng. Vậy thì quyết định bỏ tên “Đảng cộng sản Việt Nam” và thay đổi thành “Đảng cộng sản Đông Dương” phải chăng đã làm biến hoá ngược hẳn cả từ đường lối chiến lược cho đến đường lối tổ chức của Đảng ta ? Khi giải thích rằng “Đảng chúng ta phải lấy tên là Đảng cộng sản Đông Dương thì mới đúng”, bức thư đầu tháng 12 năm 1930 của Trung ương vừa thay thế cũng xác định rõ rằng: “Vấn đề “tên” Đảng nói qua thì tưởng là việc hình thức, việc nhỏ thôi, nhưng kỳ thực nó có quan hệ lớn vì nó có thể ảnh hưởng đến tư tưởng và hành động của Đảng”. Tờ truyền đơn của “Đông Dương cộng sản đảng” lúc đó “giải thích việc đổi tên Đảng “còn lập luận một cách nguỵ biện rằng “Ba xứ Việt Nam, Cao Miên, Lào, tuy thường gọi là ba nước nhưng kỳ thực chỉ thành một xứ mà thôi”. Rồi bức thư tháng 12 kể trên của Trung ương lại biện bạch cho việc phải đổi tên là Đảng cộng sản Đông Dương vì: “Ba xứ ấy đều bị một đế quốc Pháp áp bức, nằm dưới một chính phủ đế quốc thống nhất ở Đông dương” (7).
Lập luận nguỵ biện đó đã xoá cả “ba nước” vốn có tư cách là ba quốc gia dân tộc trải qua lịch sử lâu đời, để cố ghép thành “một xứ” mang tên Đông Dương. Chính thực dân Pháp cũng đã sáp nhập “ba nước” Việt Nam, Cao Miên, Lào thành “một xứ” để toan xoá mất bản sắc dân tộc và tư cách quốc gia của mỗi cộng đồng từng có chủ quyền riêng trên đất mình. Cách thôn tính rồi sáp nhập các dân tộc bị xâm lược vào chung một tên để xoá mất bản sắc dân tộc và tư cách quốc gia của họ như thế, vốn là một thủ đoạn của các triều đại phong kiến xâm lược xưa mà sử sách gọi bằng chữ “kiêm tính”, còn khi nói về “Sắc lệnh hoà bình” cuối năm 1917, thì chính Lênin đã lên án sự “kiêm tính của bọn Đại Nga”, và vạch rõ rằng đó là “thôn tính các lãnh thổ bên ngoài cho nên chính quyền Xô viết phải “tuyên bố xoá bỏ tức khắc” và không điều kiện” (8).
Thế nhưng tới ngày Lênin đã ốm nặng và không còn điều hành các việc quan trọng được nữa, thì Stalin lại đưa ra một cơ chế thống nhất các nước cộng hoà dân tộc họp thành Liên bang Xô viết, mà ngay bấy giờ Lênin liền phải phê phán nghiêm khắc rằng “vẫn chỉ là cái cơ chế của nước Nga” trước kia, và tóm lại là “vẫn mượn cơ chế cũ của Nga hoàng” rồi chỉ tìm các “phết nhẹ cho nó một lớp véc ni Xô viết” (9).
Phương án của Stalin bị Lênin bác bỏ phải chăng có thể làm sáng tỏ thêm vì sao Trần Phú được cử gấp trở về nước đổi tên “Đảng cộng sản Việt Nam” thành ra “Đảng cộng sản Đông Dương”, cũng đã tìm cách sáp nhập cả Lào và Cao Miên vào Đảng của Việt Nam bằng việc “làm cho Lào và Cao Miên có Đảng bộ”, mà hồi đó thực tế chỉ gồm người Việt Nam chứ chưa hề thấy ai là cộng sản người Lào hoặc Cao Miên.
Ngay từ đầu “định tên Đảng là Đảng cộng sản Việt Nam” Bác Hồ đã phân tích cụ thể với các đại biểu trong cuộc hội nghị hợp nhất rằng: “Cái từ Đông Dương rất rộng và theo nguyên lý chủ nghĩa Lênin, vấn đề dân tộc là một vấn đề rất nghiêm túc, người ta không thể bắt buộc các dân tộc khác gia nhập Đảng mình, làm như thế là trái với nguyên lý chủ nghĩa Lênin. Còn cái từ Việt Nam hợp với cả ba miền (Trung, Nam, Bắc) và không trái với nguyên lý chủ nghĩa Lênin về vấn đề dân tộc” (10).
Rõ ràng cũng là “nguyên lý chủ nghĩa Lênin” mà từ sau ngày Lênin qua đời, Bác Hồ đã hiểu và làm khác hẳn “nguyên lý chủ nghĩa Lênin” do Stalin từng diễn giải bằng một tác phẩm được áp dụng từ Liên Xô sang Việt Nam.
Trong việc đổi tên “Đảng cộng sản Việt Nam” thành ra “Đảng cộng sản Đông Dương” cuối năm 1930, phải chăng có mối liên hệ với việc Bác đã tuyên bố giải tán “Đảng cộng sản Đông Dương” cuối năm 1945, rồi tới đầu năm 1951, thì lại khôi phục không phải “Đảng cộng sản Đông Dương” mà là “Đảng lao động Việt Nam” ? Một khi Người đã có điều kiện để trả lại cho Lào và Cao Miên quyền dân tộc tự quyết đúng với nguyên lý chủ nghĩa Lênin, như Người từng giải thích trung thực tại Hội nghị thành lập Đảng ta. Thế nhưng hai chục năm trước thời điểm có thể khôi phục với tên “Đảng lao động Việt Nam”, ngay lúc “Đảng cộng sản Việt Nam” bị áp đặt làm cho Lào và Cao Miên có Đảng bộ để sáp nhập thành “Đảng cộng sản Đông Dương”, chính việc đổi tên Đảng cũng đã gặp phải những sự phản kháng không nhỏ ở trong Đảng bấy giờ.
Chính bức thư do Trung ương của “Đảng cộng sản Đông Dương” gửi cho các cấp Đảng bộ ngày 9 tháng 12 năm 1930 đã ghi nhận là : “Ở Bắc Kỳ thì giải thích rằng vì dân tộc tự quyết của Lênin nên không thể bắt vô sản Cao Miên và Lào vào Đảng với mình được. Ở Trung Kỳ thì nói rằng Đảng ta do sự hiệp nhất Tân Việt, Cộng sản Liên đoàn và An Nam cộng sản đảng mà ra, nên cái tên phải do sự liên kết chữ “Việt” và chữ “Nam” để biểu hiện sự hiệp nhứt của hai đoàn thể. Ở Nam Kỳ lại cho rằng lấy tên An Nam thì hẹp quá, còn lấy tên Đông Dương thì rộng quá, nên phải lấy tên Việt Nam”. Mỗi đảng bộ đã bày tỏ sự phản đối một cách khác nhau, song không đảng bộ nào muốn chấp nhận tên gọi “Đảng cộng sản Đông Dương”. Bức thư trên đây còn nêu thêm rằng :
“Đối với án nghị quyết và thư, chỉ thị của Quốc tế thì các Đảng bộ Trung, Nam, Bắc đều tỏ ra thái độ lãnh đạm. Những kế hoạch lập Đảng và nhiệm vụ hiện thời mà Quốc tế Cộng sản đã chỉ bảo rõ ta trong án nghị quyết và thư, chỉ thị đã gửi tới Trung, Nam, Bắc từ hồi tháng hai tháng ba năm nay, nghĩa là hai ba tháng sau khi hiệp nhứt, thế mà các Đảng bộ các kỳ đều bỏ xó, đến nay (là tháng chạp Tây năm 1930) không thừa nhận và không hết sức thi hành. Ở Nam Kỳ, vấn đề án nghị quyết và thư, chỉ thị của Quốc tế đã hai, ba lần đề nghị Lâm thời xứ uỷ nhưng bị đa số phản đối. Nhiều đồng chí lấy lẽ rằng Quốc tế đã tổ chức ra Đảng cộng sản Việt Nam, những kế hoạch của Đại hội hiệp nhứt đã định đều là của Quốc tế Cộng sản” (11).
Tiếp đến hai bức thư của Bác Hồ viết ngày 20 và 23 tháng 4 năm 1931 từ ngoài nước gửi Ban chấp hành Trung ương của “Đảng cộng sản Đông Dương” do Trần Phú làm Tổng Bí thư cũng nêu xác thực về các biểu hiện đó bấy giờ mà Bác nói rõ là việc “phản đối chỉ thị Quốc tế” từng diễn ra trong Đảng bộ Trung Kỳ và cả Đảng bộ Bắc Kỳ. Vì hai bức thư viết trong bí mật, Bác dùng những chữ tắt cần giải mã như : “T” tức là Trung kỳ, “B” tức là Bắc kỳ, “Đ” tức là Quốc tế Cộng sản, và “Hội nghị Octobre” tức là Hội nghị Trung ương tháng 10 năm 1930 bỏ tên “Đảng cộng sản Việt Nam”. Ở đoạn nói về “Vấn đề tên Đảng”, bức thư đề ngày 20 đã viết cụ thể : “Trung đề nghị chờ bao giờ Cao Miên và Lào có Đảng rồi sẽ nhập các Đảng lại và đổi tên. Thế là các đồng chí Trung không hiểu chỉ thị Quốc tế nói rằng Đảng phải gồm cả vô sản ở Đông Dương và không hiểu nhiệm vụ Đảng là phải làm cho Lào và Cao Miên có Đảng bộ. (Trung ương đã in và phát hành chỉ thị quốc tế chưa? Sao thấy trong nghị quyết Bắc có hỏi: Trung ương bảo thảo luận “chỉ thị” là chỉ thị nào?…” (12).
Rồi tới bức thư đề ngày 23, ở đoạn nói về “Vấn đề nhiệm vụ tới”, Bác Hồ cũng nhắc lại việc “B phản đối chỉ thị Quốc tế” tức là xứ uỷ Bắc kỳ phản đối. Và người còn nêu rõ mối quan hệ đã bị nhiễu loạn đối với người từ sau Hội nghị tháng 10 năm 1930, tới mức Trung ương mới do Trần Phú đứng đầu lại có thể xấc xược nhận xét nhà sáng lập của Đảng ta là “vô lý và lộn xộn”, khi Bác nhắc Trung ương gửi báo cáo cho người bấy giờ vẫn là uỷ viên Bộ phương Đông và phụ trách Cục Phương Nam của Quốc tế Cộng sản. Không chấp nhận việc gửi báo cáo sang cho người như trước đó nữa, phải chăng là ngầm phủ nhận cương vị của Bác mà chưa có thể làm sao cho Quốc tế Cộng sản gạt bỏ ngay được ? Bác đã phải nói rõ cảnh éo le của người trong thư gửi về Trung ương do Trần Phú làm Tổng Bí thư rằng Quốc tế : “Họ thường hỏi tôi vì sao mà bị lộ ? Vì sao mà bị ? Để suy nghĩ và tìm cách sửa đổi. Nhưng trong không báo cáo ra, cho nên tôi cũng ú ớ !…” Chính vì Trung ương không gửi báo cáo ra cho Bác nữa, khiến người phải nêu “Vấn đề nhiệm vụ tới” một cách minh bạch như sau :
a) Từ ngày Hội nghị Octobre, tôi nghĩ trong nước đã có Trung ương, ngoài đã có Đ (tức là Quốc tế Cộng sản), vậy nên công việc tôi chỉ là như “thùng thơ”. Vậy nên tôi xin Đ đổi chỗ, vì “thùng thơ” thì người khác cũng làm được. Vì thế mà Đ có thơ định trách nhiệm cho tôi (thơ đó tôi có gửi copie cho Trung ương) ‒ tức bản sao.
b) Nếu Trung ương báo cáo thường ‒ tức đều đặn ‒ và rõ ràng (détaillé) thì chúng tôi không đòi báo cáo các nơi làm gì, song từ ngày Hội nghị tháng 10 năm 1930 đến nay, Trung ương chưa có lần báo cáo nào tương tự hết. Như việc B phản đối chỉ thị Quốc tế mà cũng đến bây giờ ‒ tháng 4 năm 1931 ‒ người quen và Trung ương mới nói đến ! Vẫn biết hoàn cảnh khó khăn và Trung ương lắm việc, nhưng “họ” cũng cần phải biết tình hình rõ ràng và cũng vì vậy mà phải yêu cầu các nơi báo cáo. Nhờ hai tờ báo cáo Xứ hội nghị gửi ra, mới biết hơi rõ vì không thấy báo cáo nữa, và “họ” đương hỏi cho được báo cáo Nam kỳ. Vả lại khi trước (Octobre) chúng ta đã khẳng định rằng, hễ các nơi báo cáo thì làm hai bản, một gửi cho Trung ương, một gửi ra (cho Bác là đại diện của Quốc tế). Thế là đỡ việc cho Trung ương, và Quốc tế lại biết rõ tình hình, Đ cũng tán thành cách đó. Như vậy thì có gì là “vô lý” và “lộn xộn” ?
c) Tôi không trao kế hoạch gì riêng cho T và B (tức Trung kỳ và Bắc kỳ), chỉ có những thông báo gấp như về ngày 1-5, những chỉ thị đại khái như chỉ thị vừa rồi và những tài liệu nghiên cứu dịch ra thì tôi cứ vẫn gửi ba bản cho Trung ương và T và B (Trung ương lúc đó đóng tại Nam kỳ). Làm như thế là cho mau, cho tiện và cho chắc chắn (nếu chỗ này không tiếp được thì có chỗ khác tiếp).
d) Thơ vừa rồi Trung ương nói : “Chỉ có việc giao thông và báo chương thì tôi giao thiệp với “họ”, chứ báo cáo thì vô lý và “lộn xộn”. Nếu làm như đã nói trên, thì chẳng những không có gì là “vô lý” và “lộn xộn”, mà lại chạy việc lắm. Nếu không vậy thì tôi giao thiệp với T và B cũng không có tác dụng gì.
e) Thơ Trung ương tôi cứ vậy gửi đi rồi ‒ tức Bác gửi Quốc tế cả bức thơ của Trần Phú gửi ra nhận xét Bác là “vô lý” và “lộn xộn”, rồi quy định cho Bác từ đó chỉ làm “giao thông” và “báo chương”, khiến Bác phải nói rằng công việc ấy sẽ biến người chỉ còn như một “thùng thư” ! Tuy thế trong thư người cũng nói rõ với Trung ương là ngay sau đấy Quốc tế đã “có thư định trách nhiệm cho tôi”, chứ không phải chỉ làm một “thùng thư” như Bác còn viết tiếp rằng : “Nhiệm vụ tôi đã làm như thơ Đ đã định, cho nên khi có việc gì Đ cũng nói với tôi, mà khi tôi có ý kiến gì (như phê bình T và B mới đây) cũng có Đ đồng ý.
“Vậy nên khi Đảng nghị định hoặc yêu cầu gì thì tôi cũng nên biết. Nếu không biết gì cả, khi “họ” hỏi đến, tôi biết đường nào mà nói. Nếu chỉ biết truyền thơ qua, đưa thơ lại, nếu không tham gia ý kiến với Đ và với Trung ương, thì tôi ở đây cũng không ích gì lắm. Vì việc đưa thơ thì đồng chí khác cũng làm được…” (13).
Hai bức thư trên đây của Bác Hồ viết trong thời điểm tháng 4 năm 1931 đã có thể góp vào những bằng chứng về cái nghịch cảnh mà Người bị áp đặt ngay sau Hội nghị Trung ương tháng 10 năm 1930 do Trần Phú về triệu tập theo “chỉ thị và thư của Quốc tế”. Phải chăng nghịch cảnh ấy đối với nhà sáng lập của Đảng ta lại đã có nguyên do từ cái nghịch lý trong việc đổi tên Đảng và xoá bỏ cả chính cương và điều lệ của Đảng cộng sản Việt Nam do Bác Hồ vừa xác định tại Hội nghị thành lập Đảng tháng 2 năm 1930 ? Thật rõ ràng sự nhiễu loạn đối với Bác tới mức coi việc người nhắc hỏi báo cáo là điều “vô lý” và “lộn xộn”, đã có nguồn gốc gần nhất ở bản “Luận cương chính trị” và bản “Nghị quyết trung ương” của Trần Phú”, từng quy kết những “sai lầm rất nguy hiểm” cho cuộc “Đại hội hiệp nhứt”, kể từ “sai lầm chính trị” tiếp đến “sai lầm về điều lệ và tên Đảng”, để rồi đòi hỏi “làm cho Đảng bôn-sê-vích hoá” (14).
Phải chăng đó là một cách “bôn-sê-vích hoá” mà thực chất là “Stalin hoá” khác hẳn nguyên lý chủ nghĩa Lênin về xây dựng Đảng ? Một cách “bôn-sê-vích hoá” bắt đầu từ “vô hiệu hoá” nhà sáng lập của Đảng cộng sản đã kế thừa các tư tưởng của Lênin, các di sản của dân tộc và nhân loại được nhận thức từ học thuyết Mác !
Cách xử trí hết sức thô bạo đối với Bác Hồ bấy giờ rõ ràng cũng là một sự trấn áp vốn rất quyết liệt cả về tư tưởng và về tổ chức đối với Đảng cộng sản Việt Nam vừa được thành lập. Sự trấn áp thô bạo kia hiển nhiên bắt nguồn từ chỗ nghị quyết Trung ương tháng 10 năm 1930 đã quy kết rằng “Chính cương” và “sách lược” của Đảng cộng sản Việt Nam là “quên mất lợi ích giai cấp tranh đấu”, còn “điều lệ” và “tổ chức” của Đảng thì “mất cả ý nghĩa giai cấp tranh đấu” trong lúc “giai cấp tranh đấu của công nông chống đế quốc, tư bổn và địa chủ lại sâu sắc hơn và quan trọng nhứt, càng ngày càng có tánh chất kịch liệt” (15).
Những điều kết luận ấy do Trần Phú mang từ Liên Xô về Việt Nam hồi đó đã có liên hệ với các quan điểm của Stalin từng lập luận rằng “vấn đề dân tộc là một vấn đề thứ yếu”, và bên cạnh nó thì cuộc “đấu tranh giai cấp ngày càng diễn biến quyết liệt” ngay trong giai đoạn quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội là cho đấu tranh giai cấp trở thành vấn đề quan trọng bậc nhất !
Ngược lại, đứng trên lập trường giai cấp vô sản của Mác và Lênin để nhận thức vấn đề dân tộc, trong việc sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam bấy giờ Bác Hồ đã xét cả về mặt dân tộc chứ không chỉ riêng về giai cấp, khi Bác vạch rõ rằng “không thể bắt buộc các dân tộc khác gia nhập Đảng mình” một cách “trái với nguyên lý chủ nghĩa Lênin về vấn đề dân tộc”. Trên cương vị một nhà cách mạng phương Đông đi tìm con đường giải phóng dân tộc ngay trong thế giới hiện đại, từ năm 1925 Bác đã khẳng định một hiện thực mà các dân tộc bị áp bức đều có thể cùng nhìn nhận : “Lênin là người đầu tiên đã chỉ rõ rằng nếu không có sự tham gia của các dân tộc thuộc địa, thì cách mạng xã hội không thể có được… Việc Lênin giải quyết vấn đề dân tộc hết sức phức tạp ở nước Nga Xô viết là một thứ vũ khí tuyên truyền mạnh mẽ trong các nước thuộc địa ” (16).
Theo cách hiểu ngay từ đầu của Hồ Chí Minh về các nguyên lý cách mạng của Lênin, thì vấn đề dân tộc cũng có một tầm quan trọng chủ yếu, tới mức nếu không có sự tham gia tích cực của các dân tộc thuộc địa thì cách mạng xã hội không thể có được. Thế nhưng bàn về vấn đề dân tộc ở nước Nga, khi còn là một đế chế đã kiêm tính nhiều dân tộc bị thống trị, từ năm 1913 Stalin lại lập luận rằng: “Vấn đề dân tộc ở nước Nga chỉ là một vấn đề thứ yếu” (17).
Stalin vốn chỉ nhấn mạnh “đấu tranh giai cấp” mà rất coi nhẹ “vấn đề dân tộc” như Lênin nhận xét. Phải chăng đó cũng là sự trái nghịch do Trần Phú đã mang về để đối lập với Nguyễn Ái Quốc khi qui kết cho người là “quên mất lợi ích giai cấp tranh đấu”, khi cũng áp đặt ở nước Việt Nam một thứ quan điểm nêu bật “giai cấp tranh đấu là quan trọng nhất và ngày càng có tính chất kịch liệt” ?
Lập luận nhằm chống lại Nguyễn Ái Quốc không thể chỉ xuất phát từ một Trần Phú ‒ con trai của nhà nho Trần Văn Phổ quê ở Hà Tĩnh đã vào Quảng Ngãi ngồi ghế tri huyện, rồi tự thắt cổ để chống lệnh của công sứ thực dân ép buộc cướp bóc nông dân cơ cực ! Vậy thì bàn tay nào tận bên Liên Xô bấy giờ từng có thể áp đặt cho Bác một nghịch cảnh éo le hồi ấy, bằng cách dựa vào cái lẽ “giai cấp tranh đấu là quan trọng nhất và ngày càng có tính chất kịch liệt” ? Nhất là khi một cán bộ vừa tốt nghiệp trường đại học ở Liên Xô về Việt Nam năm 1930, từng được Nguyễn Ái Quốc dạy cho những bài đầu tiên từ quyển Đường Kách mệnh ngay tại Quảng Châu mới năm 1925 ! Bức thư của Bác viết từ Quảng Châu ngày 18 tháng 12 năm 1924 gửi Chủ tịch đoàn của Quốc tế Cộng sản đã nêu rằng :
“Tôi đến Quảng Châu vào giữa tháng 12. Tôi đã gặp tại đây vài ba nhà cách mạng quốc gia Việt Nam, trong số đó có một người đã xa rời xứ sở từ hai mươi năm nay. Trong cuộc thảo luận, tôi đã giải thích cho ông hiểu sự cần thiết của tổ chức và sự vô ích của những hành động không cơ sở. Ông đã đồng ý. Và đây là các việc mà chúng tôi đã bắt đầu cùng nhau tiến hành :
a) Tôi đã vạch ra một kế hoạch tổ chức và xin gửi kèm bản sao theo đây.
b) Sau khi tán thành kế hoạch này, ông ấy đã đưa cho tôi một bản danh sách của 14 người Việt Nam đã cùng ông hoạt động bấy lâu.
c) Tôi đã chọn 5 nguời quê ở 5 tỉnh khác nhau. Chúng tôi sẽ cử một người Việt Nam đưa họ tới Quảng Châu. Tôi sẽ huấn luyện cho họ về phương pháp tổ chức” (18).
“Người đi xa xứ sở” đó chính là nhà yêu nước Phan Bội Châu đã ra đi từ năm 1905. “Kế hoạch tổ chức” được chính nhà cách mạng tiền bối tán thành là quyết định thành lập ngay “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội” trong đó có nhiều thành viên của Đảng Phục Việt do Phan Bội Châu làm thủ lĩnh. Còn Trần Phú là một thanh niên trong bản “danh sách của 14 người Việt Nam” đã được cụ Phan chuyển cho Nguyễn Ái Quốc. Vậy thì sau khi được sang Liên Xô học tiếp mấy năm, tại sao đến ngày vừa nhận nhiệm vụ về nước hoạt động, Trần Phú đã có thể tự mình lập ra một Trung ương mới và làm Tổng Bí thư để xoá bỏ cả “Chính cương” và “Sách lược” của Đảng do Bác xây dựng “trên cơ sở nội dung cuốn Đường Kách mệnh” ?
Lúc Bác Hồ đứng ra thay mặt Quốc tế Cộng sản để triệu tập đại biểu các tổ chức cộng sản trong nước sang Hương Cảng họp dưới sự chủ trì của người, thì chỉ có Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu… tham gia Hội nghị thành lập đảng ngày 3 tháng 2, chứ Trần Phú thì vẫn đang học ở Liên Xô. Vậy mà chỉ nửa năm sau đấy trở về nước, Trần Phú liền lên án gay gắt rằng “Hội nghị hiệp nhứt” đã phạm sai lầm “rất nguy hiểm”, cả từ Chính cương và Sách lược cho đến điều lệ và tổ chức của Đảng cộng sản Việt Nam. Sự lên án gay gắt đó còn cứ tiếp tục mãi tới sau ngày Bác đã thoát khỏi ngục Hương Cảng và lại bí mật tìm sang Liên Xô qua bao gian nan, để rồi đầu năm 1934 được đưa “vào học” một lớp nghiên cứu sinh ! Trong bản báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 31 tháng 3 năm 1935, “Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng cộng sản Đông Dương” vẫn quy kết một cách xuyên tạc rằng: “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập mang hệ tư tưởng quốc gia cách mạng pha trộn với tư tưởng cải lương và duy tâm chủ nghĩa” (19).
Tiếp theo đòi hỏi “làm cho Đảng bôn-sê-vích hoá” mà thực chất là “Stalin hoá” do Trần Phú nêu thành nghị quyết, nhằm “vô hiệu hoá” quyển Đường Kách mệnh do Bác Hồ từng đem giảng dạy thành những “nguyên tắc cơ bản về xây dựng Đảng”, Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng cộng sản Đông Dương bấy giờ vẫn nhấn mạnh rằng: Tàn dư của tư tưởng quốc gia và chủ nghĩa cải lương còn rất nặng trong Đảng và gây trở ngại nghiêm trọng cho sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản. Ban lãnh đạo hải ngoại thấy rằng việc đấu tranh không khoan nhượng chống lại lý luận cơ hội chủ nghĩa của “Việt Nam Thanh niên đồng chí Hội” là cần thiết và yêu cầu Nguyễn Ái Quốc phải viết một cuốn sách nhỏ để “tự phê bình” những sai lầm đã mắc phải trong việc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam ! Phải chăng báo cáo đó do “Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng cộng sản Đông Dương” gửi Quốc tế Cộng sản tháng 3-1935 có liên quan tới Đại hội tháng 7 năm 1935 của Quốc tế Cộng sản, khi Nguyễn Ái Quốc chỉ được tham dự với tư cách là “đại biểu dự thính”, trong lúc Lê Hồng Phong trở thành Uỷ viên BCH của Quốc tế Cộng sản và hai đại biểu chính thức nữa của Đảng cộng sản Đông Dương bấy giờ lại là Nguyễn Thị Minh Khai và Hoàng Văn Nọn. Nghịch cảnh của Bác vẫn tiếp diễn : một lãnh tụ khai sáng của Đảng cộng sản Việt Nam năm 1930, lại còn được đưa “đi học” và giúp đỡ các “học sinh” trong trường, giữa lúc Quốc tế chẳng giao nhiệm vụ nào nữa, rồi tới Đại hội Quốc tế năm 1935 chỉ làm “đại biểu dự thính”!
Kể từ những ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, có một vấn đề hết sức trọng yếu trong việc Bác viết “Chính cương” và “Sách lược” để xây dựng Đảng, mà mãi tới năm 1955 tại Hà Nội, Hồ Chí Minh mới nhắc lại rằng : Trong lời “Kêu gọi các nhà cách mạng phương Đông” từ năm 1919, nhằm xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở châu Á, vạch cho các dân tộc “con đường đi tới một đời sống có đủ điều kiện xứng đáng với con người”, Lênin đã nhấn mạnh ở chỗ phải biết:
“Dựa vào lý luận và thực tiễn chung của chủ nghĩa cộng sản, áp dụng vào những điều kiện đặc biệt, không có ở các nước Châu Âu; phải biết vận dụng lý luận và thực tiễn ấy vào điều kiện, khi nông dân là quần chúng cơ bản, khi cần phải giải quyết nhiệm vụ đấu tranh không phải là chống tư bản, mà chống những tàn tích của thời trung cổ”.
Và Bác Hồ còn nêu bật rằng: “Đó là những chỉ thị đặc biệt quý báu đối với một nước như nước chúng tôi là nơi 90% dân số sống về nghề nông, là nơi còn tồn tại rất nhiều những tàn tích của chế độ phong kiến quan lại thối nát” (20).
Bác đã nhắc nhở một đòi hỏi của Lênin đối với “các nhà cách mạng phương Đông” là không thể rập khuôn theo phương Tây, “phải biết” vận dụng cả lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa cộng sản một cách không thể máy móc “vào những điều kiện đặc biệt, không có ở các nước Châu Âu”. Lênin còn nhấn mạnh với các nhà cách mạng phương Đông là phải: “Đem học thuyết cộng sản vốn được viết cho những người cộng sản ở các nước tiên tiến, mà dịch ra tiếng nói của mỗi dân tộc” chưa phát triển và bị nô dịch dưới ách thực dân. Chắc hẳn khi viết Chính cương và Sách lược của Đảng cộng sản Việt Nam đầu năm 1930, Hồ Chí Minh cũng phải đem học thuyết cộng sản “dịch ra tiếng nói” của chính dân tộc Việt Nam, chứ không rập khuôn hay bắt chước một cách giáo điều theo những công thức xơ cứng.
Cho nên trong lúc nhận thấy lời kêu gọi của Lênin mang những “chỉ thị đặc biệt quý báu” đối với một nước như nước Việt Nam, là nơi đang cần giải quyết một cuộc “đấu tranh không phải chống tư bản”, là nơi mà cuộc đấu tranh chủ yếu không phải là của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư bản trong nước, Bác Hồ đã sớm phòng ngừa cái tệ “một mực bắt chước” khi người nêu rằng: “Nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng” (21).
Chắc hẳn cũng vì vậy mà khi viết Chính cương và Sách lược của Đảng cộng sản Việt Nam, bấy giờ Bác Hồ đã đề ra một nguyên tắc trong cuộc cách mạng chống đế quốc và phong kiến ở nước ta là : “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, (thanh niên, Tân Việt, phái Nguyễn An Ninh v.v…) để kéo họ đi về phe giai cấp vô sản. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản Việt Nam thì phải lợi dụng, ít nữa làm cho họ trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (Đảng Lập hiến v.v…) thì phải đánh đổ. Trong khi liên lạc tạm thời với các giai cấp, phải rất cẩn thận, không khi nào nhượng bộ một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường lối thỏa hiệp” (22)
Thế nhưng đến Hội nghị Trung ương tháng 10 năm 1930 đổi thành “Đảng cộng sản Đông Dương” thì bản “Luận cương chính trị” của Trần Phú đã lật ngược rằng : “Trí thức, tiểu tư sản, học sinh v.v… là hạng có xu hướng quốc gia chủ nghĩa, chúng nó đại biểu cho quyền lợi cho tất cả giai cấp tư bổn bổn xứ, chứ không phải chỉ bênh vực quyền lợi riêng cho tiểu tư sản mà thôi. Trong thời kỳ chống đế quốc chủ nghĩa thì hạng ấy cũng hăng hái tham gia, nhưng chỉ lúc đầu mà thôi, chúng nó không thể binh vực quyền lợi cho dân cày được, vì chúng nó phần nhiều có giây giướng với bọn địa chủ…” Phủ nhận tất cả ảnh hưởng của các phong trào yêu nước trước năm 1930, Luận cương của Trần Phú còn lên án từ “bọn Huỳnh Thúc Kháng” cho đến “bọn Nguyễn An Ninh”, và đưa ra một quan điểm cực đoan về cuộc đấu tranh giai cấp là : “Sự tranh đấu của giai cấp ở Đông Dương ngày càng bành trướng. Điều đặc biệt và quan trọng nhứt trong phong trào cách mạng ở Đông Dương là sự đấu tranh của quần chúng công nông có tính chất độc lập rõ rệt, chứ không phải là chịu ảnh hưởng quốc gia chủ nghĩa như trước nữa” (23).
Rõ ràng đó là một thứ lập luận hết sức cô độc biệt phái do đã quan niệm sai về đấu tranh giai cấp.
Nghị quyết Trung ương tháng 10 năm 1930 dựa vào luận cương chính trị của Trần Phú còn quy kết cho “Chính cương” và “Sách lược” do Bác Hồ đề ra là phạm “sai lầm rất nguy hiểm” vì đã : “Chia địa chủ làm đại, trung và tiểu địa chủ ; đối với đại địa chủ thì tịch ký ruộng đất, và đối với tiểu, trung địa chủ thì chủ trương lợi dụng họ, ít ra cũng làm cho họ đứng trung lập. Như thế là sai lầm và nguy hiểm”. Bản nghị quyết này lại phê phán thêm rằng : “Trong sách lược nói phải lợi dụng bọn tư bổn mà chưa rõ mặt phản cách mạng, ít ra cũng phải làm cho chúng nó trung lập, tức là như biểu Đảng đừng chủ trương công nhận tranh đấu với tư bổn bổn xứ nữa” (24).
Trong khi nghị quyết đó nhấn mạnh rằng “giai cấp tranh đấu của công nông” là điều “quan trọng nhất” ngay ở Việt Nam, thì luận cương của Trần Phú cũng từ đầu chí cuối chỉ kêu gọi “mở rộng hàng trận công nông”, không hề nhắc tới “đoàn kết dân tộc” mà chỉ nêu bật “mâu thuẫn giai cấp”. Luận cương của Trần Phú đã vạch ra thành “hàng trận” giữa một phía là “thợ thuyền và dân cày” chống lại bên kia bao gồm tất cả “đế quốc, phong kiến, địa chủ, phú nông, tư bản bản xứ, tiểu tư sản, trí thức, học sinh v.v…” Sự trái ngược căn bản giữa “Luận cương” kia của Đảng cộng sản Đông Dương so với “Chánh cương” do Bác Hồ viết cho Đảng cộng sản Việt Nam vốn khởi thuỷ là ở điểm ấy : Luận cương của Trần Phú chỉ nhằm mở rộng “hàng trận công nông” và “đấu tranh giai cấp” một cách biệt phái cực đoan ; trong lúc chính cương của Bác Hồ lại nêu bật “mặt trận toàn dân” và “thống nhất dân tộc” nhờ sự tập hợp lực lượng rộng lớn nhất để đánh đổ đế quốc thực dân và chế độ phong kiến, như “Hội nghị hiệp nhất” của Đảng cộng sản Việt Nam đề ra việc lập “Đồng minh phản đế” tức mặt trận chống đế quốc (25).
Đáng chú ý là ngay sau khi vừa xoá “Chính cương” của Đảng do Bác Hồ đề ra, tự bản chỉ thị tháng 11-1930 của Trung ương do Trần Phú làm Tổng Bí thư vẫn phải ghi nhận trung thực về tình hình ở Nghệ Tĩnh bấy giờ : “Địa chủ, phú nông và một số quan lại nhỏ trong nông thôn đã phân hoá, và một số lớn đã nghiêng về cách mạng, họ đã tỏ ra trọng và phục Đảng cộng sản và phong trào công nông. Giai tầng tư sản nhỏ ở Nghệ Tĩnh như buôn bán đều có ý thức, xu hướng cách mạng” (26).
Thế nhưng mới sang đầu năm 1931 thì Xứ uỷ Trung kỳ của Đảng cộng sản Đông Dương đã vội “làm cho Đảng Bôn-sê-vích hoá” bằng một chỉ thị thanh Đảng viết rõ từng chữ “thanh trừ trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ” ! Rồi tiếp đấy chẳng bao lâu sau khi Trần Phú bị Pháp bắt ngày 18 tháng 4-1931, thì có chỉ thị Trung ương ngày 20 tháng 5-1931 gửi Xứ uỷ Trung kỳ để ngăn chặn việc “thanh trừ trí phú địa hào”, và lại nhấn mạnh tinh thần căn bản đúng như Đồng minh phản đế đã nêu : “Xuất phát từ chỗ giác ngộ phản đế, ghét Pháp từ trước tới nay, nên trong hàng ngũ Đảng có những thư gia đệ tử, cựu nho, trung, tiểu, địa chủ, phú nông, trung nông ở nông thôn, và một số giáo viên, học sinh chữ Pháp, một số tiểu thương, tiểu chủ hay con nhà tiểu thương, tiểu chủ ở thành thị, cùng với một số thợ xí nghiệp, một số công chức, tổ chức hỗn hợp lại trong một phong trào… Nhưng đa số đồng chí hết sức trung thành, đã hiến thân cho Đảng đến giọt máu cuối cùng” (27).
Hiện thực ấy của cách mạng nước ta và việc xây dựng Đảng ta, ngay cả sau khi đã bị áp đặt thành “Đảng cộng sản Đông Dương” và xuyên suốt đến ngày khôi phục lại “Đảng Lao động Việt Nam”, hiển nhiên đã bắt nguồn từ “Chánh cương” và “Sách lược” do Bác Hồ nêu ra đầu tiên chứ không phải từ “Luận cương” và “Nghị quyết” của Trần Phú mang về thay thế. Sau này khi nói về “Mặt trận dân tộc thống nhất”, người còn vạch rõ rằng: “Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Mặt trận dân tộc thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam” (28).
Bàn về vai trò của trí thức trong cuộc cách mạng của công nhân, từ năm 1921 khi còn ở nước ngoài Bác đã nhấn mạnh rằng : “Ở Ấn Độ, ở Nhật Bản, ở Trung Quốc, nhất là ở Trung Quốc, phần nhiều là các nhà trí thức trung thành với sự nghiệp của giai cấp công nhân đang lãnh đạo giai cấp này trong cuộc đấu tranh” (13). Nhận định rất trung thực đó của Bác Hồ từ năm 1924 cũng được xác minh đến khi thành lập Đảng cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 cho tới mãi sau này ở nước ta.
Cũng như nói về “tư bản” trong mặt trận chống “đế quốc”, thì Bác lại nêu bật một hiện thực lớn trên thế giới: “Ănghen dù là con nhà tư bản, ông đã trở nên một người thầy dạy chủ nghĩa cộng sản cho chúng ta”. Rồi nói luôn về “địa chủ” trong mặt trận chống đế quốc, chính Bác còn nhấn mạnh rằng: “Đồng chí Bành Bái ở Trung Quốc, gia đình đồng chí ấy là đại địa chủ, đại phong kiến, nhưng đồng chí ấy đã tổ chức và lãnh đạo nông dân đấu tranh rất quyết liệt chống địa chủ và phong kiến… Địa chủ cũng có đôi người làm cách mạng, nước ta cũng như các nước khác, ta cũng có vài đồng chí đại địa chủ mà làm cách mạng, hồi bí mật có bao nhiêu tiền của giúp cho Đảng hết, cam chịu tù đầy. Họ tuy là người trong giai cấp địa chủ, nhưng lập trường và tư tưởng đã đứng về phe vô sản, là người của giai cấp công nhân… Đồng chí xuất thân là địa chủ, nhưng họ tự nguyện hiến hết ruộng đất, để chia cho nông dân, như thế thì không có gì đáng xấu hổ. Dù mọc ở bùn thối lên nhưng hoa sen vẫn thơm đẹp. Địa chủ mà thật thà tiến bộ thì cũng như hoa sen vậy” (29).
Rõ ràng từ những tổng kết trên cả thế giới và qua các nhà yêu nước tiền bối của mình, Bác Hồ đã nêu rõ về “địa chủ” về “tư bản”, về “trí thức”, trong Chính cương và Sách lược để xây dựng Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1930 xuyên suốt cách mạng nước ta.
Chỉ sau mấy năm Đảng ta bị tan vỡ do cuộc khủng bố trắng hồi 1931-1932 của thực dân và phong kiến, tới khi có thể khôi phục tổ chức của Đảng và phong trào cách mạng trên cả đất nước, Bác lại tiếp tục chủ trương mặt trận thống nhất “Hoa Nam, Đông Dương, Thái Lan, Malaixia”, Bác Hồ đã tự thấy có “bổn phận bức thiết đối với các Đảng của chúng tôi là phải đề xuất” một số đề nghị trong đó có việc “thực hiện mặt trận thống nhất”. Nhờ đấy ngay từ những năm 1936-1939, “Mặt trận dân tộc dân chủ” theo đường lối của Bác lại khôi phục phong trào cách mạng rất rộng rãi sôi nổi khắp nước ta, bằng cách “kết hợp hoạt động bất hợp pháp và hoạt động hợp pháp” đúng như Bác đã nêu trong thư vừa kể (30).
“Mặt trận dân tộc dân chủ” bấy giờ quả nhiên đã bắc một nhịp cầu có vị trí quyết định đối với phong trào cứu quốc từ năm 1941, khi Bác về nước triệu tập ngay Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5 lập “Việt Nam độc lập đồng minh” tức “Mặt trận dân tộc thống nhất” giành độc lập của dân tộc. Trong bức thư ngày 6 tháng 6 năm 1941 ký Nguyễn Ái Quốc gửi toàn thể đồng bào, kêu gọi “các bậc phụ huynh, các hiền nhân và chí sĩ, các bạn sĩ, nông, công, thương, binh”, từ đấy Bác càng nêu bật là phải đặt “quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”, và càng nhấn mạnh “toàn dân đoàn kết” để ai nấy đều “hiệp lực đồng tâm” (31).
Từ đấy, rõ ràng “độc lập đồng minh” đã trở về đúng với cội nguồn là “phản đế đồng minh” từng được đề ra ngay trong Hội nghị thành lập Đảng tháng 2-1930, và tinh thần căn bản của “Chính cương” và “Sách lược” do Bác Hồ từng khởi thảo cho Đảng cộng sản Việt Nam lại được khôi phục hoàn toàn với “Mặt trận dân tộc thống nhất”, trở thành bí quyết thành công của cuộc khởi nghĩa tháng Tám 1945, tiếp đến các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thế nhưng phải chăng có những lúc khối “đoàn kết dân tộc” lại bị phá vỡ bởi cuộc “đấu tranh giai cấp” đã bị áp dụng một cách giáo điều sai với tư tưởng của Lênin và quan điểm của Bác Hồ ? Và phải chăng đó chính là những lúc mà trong Đảng ta có các quan điểm đối lập hẳn với Bác Hồ trong việc vận dụng lý luận của Lênin về “vấn đề dân tộc” và “vấn đề giai cấp” ?
Trong Đảng ta hơn một nửa thế kỷ vừa qua, rõ ràng chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo duy nhất nêu bật lời của Lênin “Kêu gọi các nhà cách mạng phương Đông”, khi Người nhắc phải vận dụng sáng tạo các lý luận cộng sản. Đây chính là mối quan tâm của Lênin về “vấn đề nông dân” do Bác tiếp thu như một “vấn đề giai cấp” gắn với “vấn đề dân tộc” mà Bác coi thực chất là “vấn đề nông dân”. Đứng trên quan điểm giai cấp công nhân của một chiến sĩ quốc tế cộng sản, cuối năm 1923 tại Đại hội quốc tế nông dân ở Mátxcơva, Bác đã xác định rằng “nông dân là quần chúng căn bản” có nghĩa như thế nào khi bản tham luận quan trọng của Người vạch rõ :
“Trong thời đại hiện nay, giai cấp công nhân là giai cấp độc nhất và duy nhất có sứ mệnh lịch sử phải lãnh đạo cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng, bằng cách liên minh với giai cấp nông dân. Những trào lưu cơ hội chủ nghĩa nịnh nông dân, coi nông dân là một lực lượng chủ yếu, là động lực duy nhất của cách mạng, là đội ngũ cách mạng nhất, đều chỉ đi tới chủ nghĩa phiêu lưu, chủ nghĩa cực đoan, vô chính phủ và đi tới chỗ phản bội chủ nghĩa Lênin mà thôi” (32).
Bấy giờ, mới cuối năm 1923, chưa xuất hiện “chủ nghĩa Mao” là thứ chủ nghĩa cơ hội “nịnh nông dân”, coi nông dân là một lực lượng chủ yếu của cách mạng và là đội ngũ cách mạng nhất. Song đến “Chỉ thị Trung ương” ngày 20 tháng 3 năm 1931 của Đảng cộng sản Đông Dương do Trần Phú làm Tổng Bí thư, thì lúc nêu bạn “đồng minh sinh tử của giai cấp công nhân”, lại nhấn mạnh rằng “giai cấp nông dân là một lực lượng chủ yếu của cách mạng” nước ta (33).
Phải chăng cũng do cái chủ nghĩa cơ hội “nịnh nông dân” ấy, mà ngay trong đầu năm 1931 Trần Phú vừa về nước đã có lệnh: “thanh trừ trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ” ? Rõ ràng chỉ thị kia đã đối lập hẳn với “yêu cầu giải quyết đúng đắn vấn đề nông dân” từng do Bác Hồ nêu lên khi vạch rõ rằng: “Trong điều kiện một nước nông nghiệp lạc hậu như nước ta thì vấn đề dân tộc lại thực chất là vấn đề nông dân, thì cách mạng dân tộc thực chất là cách mạng của nông dân do giai cấp công nhân lãnh đạo” (34).
Đứng trên lập trường giai cấp vô sản để giải quyết vấn đề dân tộc ở một nơi mà nông dân đông tới 90% dân số cả nước, Bác Hồ lại không hề mang tư tưởng biệt phái về giai cấp công nhân như nhiều Đảng cộng sản bên phương Tây bấy giờ, chỉ nêu “đấu tranh giai cấp” chứ không bàn tới “đoàn kết dân tộc” ở các thuộc địa là một yêu cầu to lớn. Bởi vậy, đến năm 1924 khi Lênin vừa qua đời, Bác vẫn thẳng thắn phê phán những tư tưởng biệt phái về giai cấp trong vấn đề dân tộc, khi nhân danh các dân tộc mà viết: “Nếu giai cấp vô sản phương Tây coi Lênin là một thủ lĩnh, một lãnh tụ, một bậc thầy, thì các dân tộc phương Đông lại thấy Lênin là một con người còn vĩ đại hơn nữa, cao quý hơn nữa” (35).
Bác không chỉ nhìn thấy giai cấp trong đấu tranh, mà rộng hơn nữa, còn nhìn thấy dân tộc và con người trong cách mạng. Cho nên tới năm 1925 lại nhắc đến Lênin trong lòng các dân tộc mất nước, Bác cũng vẫn thẳng thắn gạt bỏ tư tưởng biệt phái về giai cấp ở các Đảng cộng sản bên phương Tây bấy giờ đang rất coi thường vấn đề dân tộc, khi Bác có thể làm mếch lòng cả Stalin mà viết rõ ra rằng: “Lênin đã đặt cơ sở cho một kỷ nguyên mới, thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa. Lênin là người đầu tiên đã kiên quyết lên án một thành kiến về vấn đề này còn âm ỷ trong đầu óc của nhiều nhà cách mạng châu Âu và châu Mỹ” (36).
Dù là một nhà cách mạng phương Đông sinh ra từ Grudia, nhưng Stalin vẫn cứ cho rằng: “Vấn đề dân tộc ở nước Nga chỉ là một vấn đề thứ yếu”! Tư tưởng biệt phái coi nhẹ vấn đề dân tộc để chỉ nhấn mạnh vấn đề giai cấp, phải chăng còn có nguyên nhân cụ thể từ các quan niệm xuyên tạc về sự hình thành dân tộc ? Vận dụng lý luận của Mác trong vấn đề dân tộc, Stalin cũng đã trình bày sai về Mác, và sai lạc cả lịch sử của nhiều dân tộc khi lại cho rằng: “Quá trình tan rã của chế độ phong kiến và phát triển chủ nghĩa tư bản đã đồng thời là một quá trình của sự tập hợp những con người thành dân tộc… Không còn nghi ngờ gì nữa là chỉ đến những giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản thì các dân tộc mới được tập hợp” (37).
Quan điểm đó của Stalin rõ ràng không thể xác thực đối với Việt Nam mà sự hình thành dân tộc đã có quá trình lịch sử từ trước đây mấy ngàn năm, chứ không chờ tới ngày tan rã của chế độ phong kiến và ngày có mặt chủ nghĩa tư bản phương Tây kéo sang hơn một trăm năm vừa qua. Thế nhưng chính do quan niệm không xác thực ấy đối với cả Cao Miên và Lào vốn cũng hình thành quốc gia từ rất lâu đời, cho nên mới đem ghép hai nước đó vào một “Đảng cộng sản Đông Dương” trái với quan điểm của Lênin về “vấn đề dân tộc”, khi đã có một văn kiện từ Liên Xô “gửi cho những người cộng sản ở Đông Dương” lại coi Cao Miên và Lào chỉ là “dân tộc thiểu số”! (38).
Từ những lời của Lênin kêu gọi các nhà cách mạng phương Đông, đến “Chính cương” và “Sách lược” của Đảng cộng sản Việt Nam, Bác Hồ đã trải qua bao đoạn chống chọi với chủ nghĩa giáo điều và tư tưởng biệt phái ở phương Tây cả trong vấn đề giai cấp và trong vấn đề dân tộc. Rồi tới những năm Đảng ta từng bước đưa “Chính cương” và “Sách lược” của Bác vào thực tiễn, thì Bác lại trải qua bao đoạn chống chọi với luận điệu xuyên tạc và thủ đoạn áp đặt từ châu Âu sang châu Á cũng như chung quanh Người. Song các thành công và thất bại của Đảng trong sáu chục năm vừa qua phải chăng cũng đã chứng tỏ rằng: Chỉ có thực hiện và phát triển đúng “Chính cương” và “Sách lược” của Bác mới đạt được thành công và tránh được thất bại !
Khẳng định chân lý ấy giữa lúc đang có cuộc khủng hoảng tư tưởng trong đảng viên và đại chúng, càng đòi hỏi nhiều trí tuệ và tâm huyết để nói thẳng các sự thật to lớn và rất đau lòng ! Mỗi cán bộ tự thấy cần suy nghĩ về vận mệnh của đất nước đang vượt qua bao khó khăn chồng chất, ắt cũng tự hỏi rằng những khó khăn chồng chất ấy hiện nay phải chăng đã có một nguyên do hết sức nghiêm trọng. Bắt đầu thống nhất nước nhà, giành được độc lập trọn vẹn, thì lại làm sai “Chính cương” và “Sách lược” của Bác từng vạch ra để xây dựng Đảng ta suốt nửa thế kỷ vừa qua ?
Vậy thì để suy nghĩ về vấn đề to lớn của hơn một nửa thế kỷ sẽ tới, cũng cần hết sức nghiêm túc xem xét nguyên do từ đâu mà lúc bắt đầu đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội là việc gắn liền với nền độc lập dân tộc, lại đã toan đổi “Quốc ca” sau khi xoá bỏ tên nước “Việt Nam dân chủ cộng hòa” và đổi thành nước “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ? Liệu điều đó có liên quan như thế nào với sự kiện xoá bỏ “Chính cương” và “Sách lược” do Bác Hồ đã khởi thảo cho Đảng cộng sản Việt Nam, rồi áp đặt bản “Luận cương chính trị” của Trần Phú mà sáu chục năm vừa qua vẫn được coi là “Cương lĩnh cách mạng” đầu tiên của một Đảng do Bác từng sáng lập và đào luyện !
Thế nhưng trong lúc nêu bật các điều trên đây, thì bản báo cáo chính trị năm 1976 lại nhiều lần nhấn mạnh rằng sau khi đã thống nhất, trên đất nước ta vẫn diễn ra một “quá trình đấu tranh giai cấp gay go, phức tạp giữa hai giai cấp tư sản và vô sản”. Ngay lúc bắt đầu kế hoạch những năm 1976-1980 nhằm “hoàn thành về cơ bản cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam”, bản báo cáo đã khẳng định “cuộc đấu tranh giai cấp gay go, phức tạp nhằm giải quyết vấn đề “ai thắng ai” giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản” (39).
Phải chăng báo cáo chính trị của Đảng năm 1976 vẫn mang ảnh hưởng bản luận cương chính trị của Trần Phú năm 1930, chứ không căn cứ vào “Chính cương” và “Sách lược” do Bác Hồ vạch ra để giành độc lập dân tộc và để đi lên chủ nghĩa xã hội? Làm sao vừa nhờ “đoàn kết dân tộc” mà đánh bại được đế quốc và nguỵ quyền, lại liền quay ra “đấu tranh giai cấp” một cách quyết liệt để rồi đối đầu với các đồng minh cách mạng đã cùng giai cấp công nhân giành lấy độc lập dân tộc, chỉ vì muốn sớm áp đặt vào miền Nam một thứ quan liêu bao cấp từng bị thất bại ở miền Bắc!
Bác Hồ đã vượt qua bao giáo điều và áp đặt mới có thể dắt dẫn cả dân tộc đi tới được những đỉnh cao thắng lợi của đất nước trong thế kỷ XX này. Song phải chăng cũng do các giáo điều từng đem áp đặt khác hẳn “Chính cương” và “Sách lược” của Người, mà Đảng ta và đất nước phải gánh chịu những tổn thất nặng nề do để sai lầm nghiêm trọng như trong cải cách ruộng đất v.v…?
Tư liệu góp bàn về vấn đề “Xây dựng Đảng” ắt còn có thể kể ra nhiều nữa. Tôi chỉ xin nêu một phần, mong được cho thêm ý kiến, để kịp bổ khuyết và trình Đại hội với tất cả tấm lòng vì lợi ích của đất nước.
ĐÀO PHAN
NGUỒN : Xưa & Nay, số 327 (tháng 3.2009) và 329 (tháng 4.2009)
bản đầy đủ đăng trên talawas
(1) Lê Mậu Hãn, Tạp chí Lịch sử Đảng, tháng 5-1990, tr. 18.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Sự thật, H, 1981, tập 2, tr. 303.
(3) Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng biên soạn, Nxb Sự thật, H, tr. 38-39, và 40.
(4) Văn kiện Đảng, 1930-1945, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng xuất bản, Hà Nội, 1977, tr. 84-85 và 87.
(5) Tạp chí Lịch sử Đảng, bài đã dẫn, tr. 22.
(6) Văn kiện Đảng, sđd, tr. 189-190 (BCH Trung ương lâm thời tháng 2 năm 1930 gồm có : Trịnh Đình Cửu, Trần Lan, Nguyễn Hơi, Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao, Hạ Bá Cang, Phạm Hữu Lầu. -BCH Trung ương do Trần Phú về lập ra tháng 10 năm 1930 gồm có : Trần Phú, Trần Văn Lan, Lê Mao, Nguyễn Phong Sắc, Ngô Đức Trì, Nguyễn Trọng Nha, Lưu Lập Đạo).
(7) Văn kiện Đảng, sđd, tr. 187 và 191.
(8) V. Lênin, Toàn tập, bản tiếng Pháp, Nxb Ngoại văn, Moscou, T. 26, tr. 255 và 257.
(9) V. Lênin, Toàn tập, sđd, T. 36, tr. 609 và 613.
(10) Tạp chí Lịch sử Đảng, bài đã dẫn, tr. 20.
(11) Văn kiện Đảng, sđd, tr. 190-191 và 194.
(12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 3, tr. 45.
(13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 3, tr. 52-54.
(14) Văn kiện Đảng, sđd, tr. 87.
(15) Văn kiện Đảng, sđd, tr. 80 và 85.
(16) Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 2, tr. 1 và 2.
(17) J. Stalin, Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc, Nxb Ngoại văn, Moscou, 1954, bản tiếng Pháp, tr. 35.
(18) Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 1, tr. 314-315.
(19) Lê Mậu Hãn, Tạp chí Lịch sử đảng, tháng 5-1990, tr.19.
(20) Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 7 tr. 204 và 206 (xem thêm V.I. Lênin, Toàn tập, tập 39, bản tiếng Việt, tr. 372).
(21) Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 4, tr. 491.
(22) Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 2, tr. 297.
(23) Văn kiện Đảng, 1930-1945, Ban NCLSĐ xuất bản, H, 1977, tr.67 và 70.
(24) Văn kiện Đảng, sđd, tr. 84-85.
(25) Văn kiện Đảng, sđd, tr. 194.
(26) Văn kiện Đảng, sđd, tr. 175-176 và 178.
(27) Văn kiện Đảng, sđd, tr. 286-287
(28) Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 9, tr. 403.
(29) Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 1, tr. 250
(30) Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 6, tr. 357 và 396.
(31) Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 3, tr. 55, 58 và 114.
(32) Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 3, tr. 147 và 148.
(33) Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 1, tr. 157-158.
(34) Văn kiện Đảng, sđd. tr. 224.
(35) Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 8, tr. 604.
(36) Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 1, tr 232.
(37) Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 2, tr.1.
(38) J. Sta-lin, sđd, tr. 19 và 43.
(39) Văn kiện Đảng, sđd, tr. 43.
(Đây là bài viết đầy đủ được lấy từ trang Diễn Đàn, ngày 11-5-2009)
0.000000 0.000000
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét