Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Tống Văn Công - Bản điều trần cứu nước

Kính gửi Đồng bào kính yêu và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam

Năm 17 tuổi tôi thoát ly gia đình làm nhân viên Ty Giáo dục kháng chiến tỉnh Bến Tre, 19 tuổi vào bộ đôi Cụ Hồ, có tên Vệ quốc đoàn, nghĩa là đoàn giữ nước. Trên con đường ấy, tôi trở thành đảng viên cộng sản, “không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (Hồ Chí Minh). Tư tưởng “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do” đã củng cố niềm tin cho tôi suốt đời. Mang niềm tin ấy, tôi đã xem mọi sai lầm của Đảng, chỉ là do ấu trĩ, rồi sẽ vượt qua trên bước trưởng thành.

Năm 2009, trong tâm trạng vô cùng bức xúc, tôi viết bài “Đổi mới Đảng, tránh nguy cơ sụp đổ”, nhấn mạnh hai hiểm họa trước Tổ quốc: giặc ngoại xâm và giặc nội xâm. Từ đó cho đến Đại hội 11, rất nhiều cán bộ đảng viên, có cả nguyên ủy viên Bộ Chính trị, rất đông đảo trí thức trong và ngoài nước góp nhiều ý kiến sâu sắc để đổi mới toàn diện, đổi mới chính trị tương ứng với đổi mới kinh tế, đổi mới kinh tế không bị kiềm hãm bởi ý thức hệ. Tiếc thay, Đại Hội 11 không tiếp thu xác đáng. Những người góp ý trung thực, thẳng thắn, bị nghi ngờ là có dụng ý xấu, thậm chí là phản động, chống đường lối của Đảng.

Nay, giặc ngoại xâm lăm le ngoài ngõ, láo xược lấn lướt gấp bội phần năm 2009. Thời báo Hoàn Cầu, tiếng nói chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết: “Phải sẵn sàng hai kế hoạch: Thương lượng với Việt Nam về giải pháp hòa bình; hoặc đánh trả bằng chính trị, kinh tế, thậm chí cả quân sự”. Báo điện tử Trung Quốc Binh khí đại toàn kêu gọi: “Hãy giết bọn giặc Việt Nam làm vật tế cờ cho trận chiến Nam Sa!”. Hơn nửa thế kỷ trước, cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã nhận định: “Bắc kinh từ lâu có âm mưu bành trướng về hướng Đông Nam Á, xâm chiếm nước ta”. Tháng 9 năm 1975, trong chuyến sang Trung Quốc, ông đã nói thẳng với Trung Quốc phải trả lại Hoàng Sa của Việt Nam. Tiếc thay, chúng ta đã vội quên những điều ấy!

Giặc tham nhũng cũng lớn lên rất nhanh, từ một vài “con sâu” đã sinh sôi cả “bầy sâu” (Thường trực Bộ Chính trị Trương Tấn Sang). Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, tham nhũng là “kẻ thù của nhân dân” là do ”không dân chủ”, cho nên “muốn chống tham ô, lãng phí, quan liêu thì phải dân chủ”.

Nhìn lại lịch sử chúng ta thấy hai thứ giặc ngoại xâm và tham nhũng luôn luôn đồng hành cùng nhau, câu kết với nhau.

Mặc dù, lần này Chính phủ Việt Nam phản ứng cuộc gây hấn của Bắc Kinh có mạnh mẽ hơn trước, tuy nhiên, chưa có sự thay đổi về bản chất, tức là chưa có tiền đề để Đảng với Dân một ý chí. Thật đau lòng và hổ thẹn xiết bao khi phải chứng kiến lực lượng cảnh sát săn đuổi, tóm cổ, kéo lê những sinh viên như Phan Nguyên như bắt con thú hoang, chỉ vì dám đi biểu tình chống người bạn vàng Trung Quốc xâm lược!

Nhân dân đã bắt đầu căm giận. Làn sóng ngầm đang hình thành. Hãy nghe tiếng nói khách quan nhất của André Menras – Hồ Cương Quyết, một người Pháp tha thiết yêu chính nghĩa Việt Nam, tự nguyện trở thành người Việt Nam, từng bị chính quyền Sài Gòn bỏ tù vì đấu tranh cho Việt Nam, nay đã căm phẫn kêu lên: “Nói ngắn gọn, họ chỉ có thể là bọn xâm lược Việt Nam và những tay sai. Họ sử dụng từ ngữ dối trá, họ đúng là bọn phản động, chống minh bạch, sợ sự thật, sợ nhân dân, vì họ chỉ biết cái túi và cái ghế tạm thời của họ”. Phải nói như vậy chắc rằng ông ấy đau lòng lắm, và tôi cũng rất đau lòng lại phải nói ra đây!

Tổ quốc đang cần một Hội nghị Diên Hồng thời đại nhưng chưa được tổ chức. Trong nỗi niềm “quốc gia hưng vong”, học người xưa, tôi mạnh dạn viết Bản điều trần này, dù chắc chắn chưa đạt được chữ Trí, xin được coi đây là một tiếng nói trong triệu triệu tấm lòng của con dân nước Việt.

THỜI ĐẠI CHÚNG TA ĐANG SỐNG
Hơn hai trăm năm qua, dù trải qua nhiều khúc khuỷu, nhân loại vẫn tiến bước theo xu thế xóa bỏ độc tài, thực hiện Tự do, Dân chủ, Nhân quyền. Theo S. P. Huntington, sự sụp đổ phe xã hội chủ nghĩa gồm Liên Xô và các nước Đông Âu vào cuối thập kỷ 80 là đợt dân chủ hóa thứ 3 của nhân loại. Ông qua đời năm 2008, không được chứng kiến Mùa Xuân Nhân dân khởi đầu từ Bắc Phi, là đợt dân chủ hóa thứ 4, để góp thêm nhận định: Những chế độ độc tài tưởng như rất vững mạnh vẫn có thể đổ nhào khi nhân dân bừng tỉnh!

Do thiếu thông tin, những người cộng sản Việt Nam không biết rằng chủ nghĩa tư bản hoang dã mà Marx, Engels quan sát đầu thế kỷ 19 đã thay đổi đến mức có học giả cho rằng nó gần như không còn là nó nữa. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 đã đưa nhân loại vào nền văn minh hậu công nghiệp, với nền kinh tế tri thức, người lao động có tri thức khoa học công nghệ cao hơn người quản lý công ty. Những cải cách liên tục của chủ nghĩa tư bản đã biến công nhân từ người làm thuê thành người có cổ phần và là người tiêu dùng; xã hội đạt tới sự cân bằng giữa phát triển với bình đẳng; những nhà nước phúc lợi ra đời. làm cho những thân phận cơ nhỡ nhất cũng sống được, khiến các nhà nghiên cứu xô viết phải kinh ngạc kêu lên “Nhân dân nước họ được hưởng nhiều xã hội chủ nghĩa hơn ở Liên xô!”. Sau cơn choáng, nhiều đảng viên cộng sản Việt Nam ở cấp cao cũng đã nhìn nhận rằng nguyên nhân sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa là do nhân dân và cả đảng viên chán ghét chế độ thiếu tự do, dân chủ, đưa tới quan liêu, tham nhũng, kiềm hãm phát triển. Sau khi thay đổi thể chế, các nước Đông Âu đã đạt được tốc độ phát triển nhanh gấp hằng chục lần thời xã hội chủ nghĩa.

Thế giới chỉ còn 5 nước do Đảng Cộng sản cầm quyền, ba nước đổi mới kinh tế là Trung Quốc, Việt Nam, Lào đã phát triển khá nhanh, nhưng nay đã bắt đầu lộ ra sự không tương thích giữa cơ sở kinh tế với chế độ chính trị, tiêu cực nảy sinh ngày càng lớn. Cu Ba và Bắc Triều Tiên kiên trì mô hình xã hội chủ nghĩa xô viết, cho nên vẫn tiếp tục nghèo đói. Gần đây lãnh tụ Fidel đã phải kêu lên “Mô hình Cuba không còn thích hợp nữa” và họ cũng đã bắt đầu cho tư nhân hóa nền kinh tế.

Thế giới diễn biến phức tạp, nhưng không phải là không thể lường trước, nếu như nắm vững quy luật, xu thế của thời đại, là Tự do, Dân chủ, Nhân quyền. Đấu tranh sắc tộc, mâu thuẫn tôn giáo vẫn còn, nhưng cái gọi là “đấu tranh giai cấp” đã nhường chỗ cho những đòi hỏi nhân quyền, như biểu tình, đình công. Qua dự thảo văn kiện Đại hội 11, và cuộc giao lưu trực tuyến mới đây, thấy các nhà tuyên giáo cao cấp của Đảng không hiểu điều này, coi biểu tình là hình thức bạo động quá khích!

Theo quan điểm dân chủ, nhân quyền, thì khái niệm độc lập, chủ quyền phải được xác định sau câu hỏi: “Người dân ở quốc gia nào đó đã có được một thể chế dân chủ, để người dân thực sự nắm được chủ quyền hay chưa?”. Đó là cơ sở lý luận để các nước dân chủ yểm trợ lực lượng nổi dậy gần đây. Hồ Chí Minh cũng đã có quan điểm như vậy khi ông nói: “Nếu nước được độc lập mà dân không được tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì.”

Sự xuất hiện một siêu cường Trung Quốc đang là mối lo của thế giới. Bởi vì lịch sử đã chứng minh rằng một quốc gia hùng mạnh nằm trong tay bọn cầm đầu độc tài thì tất yếu chúng sẽ gây chiến tranh. Bắc kinh đã vứt bỏ chiến lược “Thao quang dưỡng hối” (che ánh sáng, nuôi bóng tối) của Đặng Tiểu Bình, đang khua vang binh khí, lên giọng bá quyền. Thế giới lo một thì Việt Nam phải lo mười, bởi vì Bắc Kinh bên ngoài thì đưa “16 chữ vàng” phỉnh phờ lãnh đạo Việt Nam, bên trong không ngớt tuyên truyền kích động chủ nghĩa Đại Hán, lớn tiếng hò hét: “Kẻ cản đường phát triển của Trung quốc về phía Nam chính là tiểu bá Việt Nam, đang xâm chiếm biển đảo của Trung Quốc”.

TRUNG QUỐC CÓ ĐÁNG SỢ HAY KHÔNG?
Sau Mao, Đặng Tiểu Bình tuyên bố xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, đưa ra thuyết “mèo trắng, mèo đen không quan trọng, miễn bắt được chuột”, thực chất là đưa Trung Quốc vào con đường phát triển tư bản hoang dã, nhưng vẫn giữ mô hình chính trị xô viết kiểu Stalin, bỏ hình thức độc tài cá nhân kiểu Mao, giữ chế độ độc tài một Đảng, tên gọi là Cộng sản, nhưng vứt hẳn những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa cộng sản như “sứ mệnh lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua đội tham mưu…”. Tuy kinh tế phát triển nhanh chóng, nhưng trong nước công nhân và nông dân bị bần cùng, còn bên ngoài thì thực hiện chủ nghĩa thực dân mới, câu kết với các thế lực cầm quyền độc tài tham nhũng ở Á, Phi, Mỹ La tinh, hòng vơ vét tài nguyên, xuất siêu hàng tiêu dùng rẻ tiền giá trị thấp, bán công nghệ lạc hậu, đưa lao động giản đơn định cư lâu dài khắp các nước. Việt Nam là một trong những nạn nhân của các mục tiêu thực dân ấy.

Từ năm 2009, thấy Mỹ sa lầy ở Iraq, Afganistan, lại lâm vào khủng hoảng kinh tế, thành con nợ lớn của Bắc Kinh, chúng nghĩ rằng thời cơ giành vị trí chúa tể khu vực đã tới. Chúng dùng ngay phép thử: Cho tàu hải quân vây sát tàu Impeccable của hải quân Mỹ. Mỹ phản ứng ôn hòa, chúng tin rằng đã nắm được thóp, ba tháng sau lấn thêm, cho tàu ngầm làm đứt cáp thiết bị định vị của tàu hải quân Mỹ. Mỹ vẫn cho rằng tàu Trung quốc không cố ý. Bắc Kinh càng tin chắc rằng Mỹ đã quá yếu nên phải nhún nhường, chúng liền cho Bộ Ngoại giao ra tuyên bố đòi các tàu hải quân Mỹ phải xin phép trước khi đi vào khu đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.

Dằn mặt được Mỹ, Bắc Kinh liền thực hiện mưu đồ bành trướng xuống phương Nam mà cái gai phải nhổ là Việt Nam. Chúng cho tàu hải quân đâm chìm tàu ngư dân ta, bắt ngư dân nộp tiền chuộc, khiến nhiều chủ tàu tán gia bại sản, chúng ra lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển của ta, để ngư dân của chúng tràn vào.

Nhiều năm nay dư luận cho rằng Việt Nam quá nhu nhược trước sự áp chế của Trung Quốc mà nguyên nhân chỉ vì lãnh đạo Việt Nam ở trong thế kẹt. Từ tháng 10 năm 2010, sau khi ngọai trưởng Mỹ H. Clinton tuyên bố tại Hà Nội rằng Hoa Kỳ có quyền lợi và trách nhiệm đối với an ninh Biển Đông thì Việt Nam và các nước trong vùng mới bắt đầu có tiếng nói tự tin hơn. Tuy nhiên so với cách ứng xử của một số quốc gia khác như Nhật, Philippines, Hàn Quốc… thì chúng ta vẫn còn quá nhu nhược, thiếu minh bạch, và nguy hiểm nhất là gây ra khoảng cách ngày càng xa giữa nhân dân với Đảng, Chính phủ.

Vậy hãy xem gót chân Achille của con ngoáo ộp Trung Quốc là đâu, để xác định rằng chúng có đáng sợ hay không.

1- Điểm yếu nhất của anh to xác Trung Hoa chính là chế độ độc tài khiến hắn mang sẵn trong cơ thể chứng bệnh nan y. Theo xu thế thời đại, sự sụp đổ của các chế độ độc tài chỉ là vấn đề thời gian. Mỗi năm Trung Quốc phải chống đỡ hằng trăm ngàn cuộc biểu tình và bạo động của nông dân mất đất nghèo đói. Nhân dân các vùng Nội Mông, Tây Tạng, Tân Cương chỉ chờ dịp Bắc Kinh bị lôi vào cuộc chiến với bên ngoài sẽ vùng lên đòi tự do. Tháng 5-2011, hàng ngàn người Mông Cổ biểu tình làm rung chuyển Tích Lâm và các huyện gần đấy. Nhiều vụ đánh bom liên tục xảy ra ở các tỉnh Giang Tây, Sơn Đông, Thành Đô, Hắc Long Giang, Thiểm Tây, thành phố Phúc Châu… Nhiểu cuộc biểu tình gây ra đụng độ giữa dân chúng và cảnh sát ở Quảng Châu, Hồ Bắc, Hà Nam, Quảng Đông, Tây Tạng, Lan Châu, Liêu Ninh, Bắc Kinh, Thượng Hải…

Nhiều nguồn tin cho rằng, bọn cầm quyền Bắc Kinh gây hấn với Viêt Nam vừa qua còn có mục đích kích động chủ nghĩa Đại Hán làm giảm áp lực chống đối ở trong nước. Tuy nhiên, chúng không lường được là gây chiến sẽ tạo thời cơ cho sự nổi dậy của quần chúng đang sục sôi chờ cơ hội.

2- Nền kinh tế Trung Quốc hiện nay chủ yếu dựa vào sản xuất hàng tiêu dùng, sử dụng lao động giản đơn, có giá trị thấp, giá nhân công rẻ, xuất khẩu ra toàn thế giới. Riêng Việt Nam hàng năm nhập siêu loại hàng này của họ khoảng 12 tỉ USD.

Gây chiến với Việt Nam, chúng nhằm chiếm trọn Biển Đông. Điều ấy xâm phạm lợi ích và an ninh toàn khu vực Đông Nam Á và cả Châu Á - Thái Bình Dương. Chẳng những Việt Nam bị nhốt, không có lối ra mà cả khu vực cũng bị nhốt. Trung Quốc sẽ trở thành lực lượng thao túng thế giới chà đạp lên luật pháp quốc tế. Phản ứng tối thiểu đầu tiên của khu vực, rồi loan ra toàn thế giới sẽ là tẩy chay hàng Trung Quốc. Hậu quả sẽ là đánh sập nền kinh tế xuất khẩu của cái “công xưởng thế giới” Trung Quốc, sẽ gây thất nghiệp đối với hàng triệu lao động giản đơn nghèo đói, sẵn sàng nổi loạn. Vấn đề kinh tế nhanh chóng trở thành chính trị có thể làm sụp đổ chế độ.

3- Nền kinh tế của chúng đang rất khát năng lượng. Đường vận chuyển dầu từ Trung Đông về Trung Quốc phải qua eo biển Malacca, qua Biển Đông. Nếu chiến tranh nổ ra, các đối thủ của Bắc Kinh sẽ không quá khó tìm cách triệt phá con đường tiếp vận mạch máu năng lượng nuôi sống nền công nghiệp có thiết bị lạc hậu tiêu hao năng lượng lớn thứ 2 thế giới. Khi đó lực lượng đặc công biển của Việt Nam sẽ có dịp trổ tài biến những tàu chiến Trung Quốc thành những quan tài thủy táng.

4- Nửa thế kỷ qua, với chính sách hiếu chiến, tham lam, Trung Quốc biến mình thành kẻ thù của nhiều nước – Liên Xô (nay là Nga), Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam, mới đây là Philippines, Brunei, Indonesia, Malaysia… Điều quan trọng là chế độ độc tài Bắc Kinh trong vị thế bị bao vây giữa các quốc gia dân chủ, đang là những tấm gương soi cho nhân dân Trung Quốc so sánh, căm giận và thêm khao khát tự do… Nếu tấn công Việt Nam, chúng nó không chỉ gặp lưỡng đầu mà sẽ là thập đầu thọ địch! Toàn khu vực, toàn thế giới sẽ bùng lên một phong trào ủng hộ và bảo vệ Việt Nam như những năm xưa.

Có lẽ bọn lãnh đạo Bắc Kinh không đến nỗi quá ngu muội không nhận ra những chỗ yếu đó, cho nên chúng chưa vội ra tay. Đừng sợ chúng, nhưng cũng đừng ảo tưởng vào thiện chí của chúng. Chúng sẽ ra tay khi tự cho rằng đã hóa giải được những “yếu huyệt” kể trên và ViệtNam chưa xử lý được những điểm yếu của mình. Chúng ta cần có ngay những quyết sách dũng cảm, sáng suốt để chạy đua với thời gian, trở thành vô địch trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Được như vậy, Bắc Kinh không còn dám khinh nhờn, đành phải chấp nhận Trung – Việt hòa bình, hữu nghị, và khi đó, “16 chữ vàng” mới có cơ may được thực hiện một cách bình đẳng.

ĐỂ VIỆT NAM TRỞ THÀNH “MỘT NHÂN VẬT QUAN TRỌNG CỦA THẾ GIỚI”!
Vấn đề là chúng ta có thể hiện được mình là một quốc gia đáng được trân trọng bảo vệ trước nhân loại tiến bộ ngày nay như đã từng được vinh danh là ”lương tâm nhân loại” như xưa kia hay không? Lịch sử đã ghi nhận công lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp giành độc lập dân tộc. Tuy nhiên, Đảng chưa nhận ra đúng nguyên nhân cốt lõi đưa tới thắng lợi chính là tinh thần yêu nước của dân tộc. Lịch sử cũng đã ghi nhận nhiều sai lầm của Đảng Cộng sản Việt Nam do những chính sách xuất phát từ ý thức hệ, gây tác hại nghiêm trọng, kiềm hãm phát triển, để lại nhiều di hại, trong đó có hai hiểm họa là giặc ngoại xâm và giặc nội xâm! Ý thức hệ đã trói buộc Đổi mới với những khẩu hiệu chống diễn biến hòa bình, chống tự diễn biến, hòng tiếp tục duy trì tình trạng mà đồng chí Nguyễn Văn An đã sáng suốt chỉ tên là “lỗi hệ thống”. Những người bảo thủ không biết rằng chính Marx, Engels sau 25 năm công bố Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, đến năm 1873 đã viết: “Những biện pháp cách mạng nêu cuối Chương 2, nếu ngày nay viết lại thì về nhiều mặt phải viết khác đi. Bởi vì nền đại công nghiệp đã có những tiến bộ hết sức lớn trong 25 năm qua” và “Chương 4: có những nhận định đã cũ rồi, vì tình hình chính trị đã hoàn toàn thay đổi” (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nhà XB Sự Thật, Hà Nội, 1974, trang 8, 9). Từ năm 1866 trở đi hai ông chủ trương không tiếp tục xây dựng Đảng Cộng sản, mà bắt đầu xây dựng Đảng Xã hội dân chủ. Nhiều Đảng Cộng sản châu Âu theo chủ trương này đã đổi mới triệt để (Thụy Điển, Na Uy, v.v.) được nhân dân tin theo, xây dựng thành công dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh. Chẳng lẽ chúng ta không chịu tiếp thu bài học “tự diễn biến” vô cùng sáng suốt của Marx, Engel? Đã quá muộn để chúng ta quyết định chia tay với Marx, Engels cộng sản, và mạnh dạn đi theo Marx, Engels xã hội dân chủ!

Giáo sư Dương Phú Hiệp, nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương góp ý văn kiện Đại Hội 11: “Nên bỏ cụm từ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta vì nó đã khốn khổ”. Đúng vậy, không chỉ nhân dân ta vì nó đã khốn khổ mà hằng ngàn đảng viên cộng sản chết oan vì nó trong cải cách ruộng đất; bị tù tội vì nó trong những vụ chống xét lại; những trí thức, văn nghệ sĩ ưu tú nhất vì nó mà bị hành hạ trong vụ Nhân văn Giai phẩm. Hằng triệu người vì nó, bỏ xứ di cư vào Nam; rồi hằng triệu người khác vì nó bỏ nước chạy ra nước ngoài. Nhân dân ta khát vọng Độc lập Tự do, chứ không hề khát vọng chủ nghĩa xã hội. Những lời kêu gọi của Hồ Chí Minh khi chuẩn bị khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và Đồng khởi ở miền Nam năm 1960 đều không có từ xã hội chủ nghĩa. Và điều mong ước cuối cùng của Cụ Hồ cũng là “Một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Nhiều nhà bình luận về sự kiện Trung Quốc gây hấn với ta mới đây, như Ernest Bower, giám đốc chương trình Đông Nam Á (của CSIS) trả lời phóng viên Hoài Hương của VOA đã cho rằng: “Nhưng dù sao họ cũng là hai nước cộng sản anh em” (!). Ông Richard Pearson, nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Việt Nam và Biển Đông, nhận định: “Sự cởi mở của chính quyền Obama đối với Việt Nam đã đạt tới ranh giới buộc phải chấp nhận trong xã hội dân sự và những giá trị Mỹ. Giờ đây đã đến lúc Hà Nội phải thực hiện hành động tiếp theo.” Mặc dù Philippines không bị Trung Quốc đe dọa láo xược như đối với Việt Nam, nhưng ngoại trưởng Clinton nhiều lần lên tiếng: Chúng tôi muốn nhấn mạnh cam kết của chúng tôi trong việc bảo vệ Philippines”. Ông Greg Autry, đồng tác giả quyển Thần chết Trung Quốc, cho rằng Việt Nam cần thoát khỏi sự ràng buộc làm đồng minh thể chế với Trung Quốc, để có được một vị thế mới trong lòng nhân loại: “Nếu Việt Nam có thể thay đổi chế độ chính trị một cách đáng tin cậy thì Việt Nam gần hơn với Hoa Kỳ và Châu Âu, và có thể lúc đó Hà Nội lại đi bước trước Bắc Kinh trong việc trở thành một nhân vât quan trọng trên thế giới”.

Trước họa xâm lăng nhãn tiền, lịch sử đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam sáng suốt đứng hẳn với dân tộc, không vấn vương ý thức hệ lỗi thời, chọn những giải pháp cứu nước tốt nhất. Xin chỉ nêu ra dưới đây những điều thật cấp thiết.

MỘT CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ ĐÚNG NHƯ LỜI HỨA CỦA CỤ HỒ
Bản Tuyên ngôn Độc lập 1945 không chỉ là lời hứa mà đúng ra phải gọi là Lời thề của Cụ Hồ trước quốc dân Việt Nam và nhân dân thế giới. Nhân dân Việt Nam nhất tề hưởng ứng và trung thành với Lời thề ấy suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh. Hai câu mở đầu trích từ Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền của Pháp đã chứng minh dứt khoát rằng Cụ Hồ đã chọn cho nhân dân mình nền Tự do Dân chủ từ tư tưởng của các bậc khai sáng vĩ đại của Pháp và phương Tây thế kỷ 18. Trong kho tàng lý luận của chủ nghĩa Marx, Lenin không có khái niệm “dân chủ xã hội chủ nghĩa” và “pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Phải nói đó là những ngụy ngôn, nhằm hồi sinh cho một khái niệm đã chết. Cái mà Lenin gọi là “dân chủ gấp triệu lần hơn” chính là nền chuyên chính vô sản, bản chất “dân chủ triệu lần” của nó được biện hộ rằng nó đại diện cho một xã hội trải qua cải tạo giai cấp triệt để chỉ còn duy nhất một giai cấp công nhân.

Ngoài việc tự tay soạn bản Tuyên ngôn Độc lập đúng tầm thời đại, Hồ Chí Minh còn có nhiều danh ngôn về tự do dân chủ trong hằng trăm bài viết. Nếu nhìn vào hệ thống chính trị của chúng ta hiện nay và nhận xét một cách trung thực thì chẳng có gì giống với những điều Hồ Chí Minh đã nói, đã hứa hẹn, đã thề bồi! Có người cho rằng lý tưởng cao đẹp từ cách mạng Tháng Tám đã bị phản bội! Tôi không hoàn toàn đồng ý với nhận xét đó. Hồ Chí Minh nhiều lần công khai trả lời rằng mình chỉ xem chủ nghĩa Marx, Lenin là một phương tiện để giành độc lập dân tộc, chứ không phải là mục đích. Ông đã có nhiều hành động chứng tỏ điều ấy, cho nên đã bị Stalin trù dập và bị Trần Phú, Hà Huy Tập… công kích gay gắt. Ông không thể đưa con thuyền cách mạng Viêt Nam cặp bến dân chủ, điều đó phải xét tới trách nhiệm của các thế lực hiếu chiến Pháp, Mỹ, buộc ông phải tìm liên minh với phe xã hội chủ nghĩa.

Trước họa xâm lăng hiện nay, lão anh hùng Nguyễn Trọng Vĩnh cho rằng cần thực hiện dân chủ trong Đảng và ngoài xã hội để tạo ra sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Phải thẳng thắn thưa rằng, kinh nghiệm lịch sử cho thấy, với thể chế toàn trị xã hội chủ nghĩa thì không thể nào làm được điều mong ước dân chủ tốt đẹp ấy!

Vậy nền dân chủ mà nhân loại đòi hỏi là gì? Dân chủ là thể chế hóa quyền tự do của nhân dân. Điều 1 Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền của Pháp viết: “Mọi người sinh ra sống tự do và bình đẳng về các quyền…”; Điều 4: “Tự do bao gồm quyền có thể làm mọi điều không gây hại cho người khác…”. Để giới hạn những điều không gây hại cho người khác, J. J. Rousseau cho rằng cần có “Khế ước xã hội”, hạn chế cái tự do thiên nhiên, quy định những điều được làm trong quyền tự do dân sự. Trong trạng thái dân sự, con người có quyền tự do tinh thần, và “tuân theo quy tắc do mình tự đặt ra”. Thể chế dân chủ, nhà nước pháp quyền là định hình của Tự do.

Để có một nhà nước dân chủ, thực sự của dân, do dân, vì dân, phải thực hiện cuộc bầu cử có đủ các yếu tố:

•Bình đẳng, tức là không phân biệt giai cấp, gái trai, chủng tộc;
•Phổ thông tức là mọi người dân đã trưởng thành đều có quyền ứng cử, bầu cử;
•Tự do, tức là tôn trọng mọi quan điểm chính trị khác nhau;
•Cạnh tranh, tức là công khai cương lĩnh tranh cử để người dân chọn lựa; và theo định kỳ mấy năm bầu lại một lần.
Nhà nước dân chủ là nhà nước pháp quyền, chứ không phải “pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, một sản phẩm của TBT Đỗ Mười ra đời 29 tháng 11 năm 1991 nhằm duy trì ý thức hệ với nội dung “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN VỚI TAM QUYỀN PHÂN LẬP
Sau 18 năm thực hiện “tam quyền được phân công và phối hợp” của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tiến sĩ Hồ Bá Thâm dù hết sức e dè vẫn phải nói: “Kéo dài ngày càng trầm trọng tệ tham nhũng, cửa quyền, quan liêu, lãng phí hiện nay trong hệ thống chính trị và trong xã hội ta, càng thấy thiếu sót lớn trong một cơ chế thiếu giám sát và kiềm chế quyền lực tệ hại như thế nào. Đó là chỗ hổng và yếu kém nhất trong cơ chế tam quyền của nhà nước, phải được khắc phục sớm”.

Tuy nhiên văn kiện Đại hội 11 vẫn viết na ná như cũ, chỉ thêm “cơ chế kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện ba quyền đó”. Vấn đề không phải là “kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện” mà là ba quyền phân lập, để quyền lực này kiềm chế, giám sát quyền lực kia, chống sự lạm quyền. Chính phủ phải bị kiểm soát bởi luật pháp thì mới không là cấp trên, là cha mẹ của dân, mới thành tâm làm đầy tớ của dân. Một thể chế không hạn chế được quyền lực thì bao nhiên cơ quan thanh tra, kiểm tra cũng vô hiệu. Chỉ một tập đoàn kinh tế như Vinashin chứ không phải cơ quan quyền lực nhà nước, thế mà qua 11 cuộc thanh tra cấp nhà nước vẫn không thể phát hiện được là nó dã thâm thủng ngót trăm ngàn tỉ đồng, và sắp sụp đổ!

Cả ba quyền của Nhà nước Việt Nam đều yếu kém, nhưng có lẽ tệ nhất là quyền tư pháp, nó không dám nói một lời nào trước những bộ luật vi hiến rất nghiêm trọng, tước mất mọi quyền tự do của nhân dân, nó sợ quan chức ở tất cả các cấp, nó luôn chờ ý kiến chỉ đạo của cấp ủy Đảng trước khi mở phiên tòa!

2500 năm trước nhà hiền triết Platon đã có lời răn: “Tôi nhìn thấy sự sụp đổ nhanh chóng của nhà nước ở nơi nào pháp luật không có hiệu lực và nằm dưới quyền lực của một ai đó. Còn nơi nào pháp luật đứng trên nhà cầm quyền và các nhà cầm quyền chỉ là nô lệ cho pháp luật thì ở đó có sự cứu thoát cho nhà nước”.

Chấp nhận tam quyền phân lập không chỉ nhân dân được lợi mà chính là sự cứu rỗi cho Đảng Cộng sản Việt Nam có cơ hội thoát khỏi vũng bùn tham nhũng ô nhục đang gây đau nhức lương tâm của hàng triệu đảng viên chân chính và công nhân, nông dân nghèo khổ.

TỰ DO, NHÂN QUYỀN ĐÚNG NỘI DUNG CỦA CÁC CÔNG ƯỚC LIÊN HIỆP QUỐC
Hiến pháp 1992 ghi nhận đủ mọi quyền tự do, nhân quyền nhưng các bộ luật vô hiệu hóa tất cả! Có hai lý lẽ bào chữa cho sự đánh tráo khái niệm này là: Vì đảm bảo an ninh; vì truyền thống văn hóa.

Chỉ cần nhắc lại ý kiến Marx, Engels 160 năm trước trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản cũng đủ thấy lập luận trên là sai trái, thậm chí là phản động: “Những thành quả hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất hẹp hòi phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa” (sách đã dẫn, trang 50). Hội nghị nhân quyền ở Vienna 1993 nhắc nhở: “Tất cả các quyền con người đều mang tính phổ cập, không thể chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan đến nhau. Cộng đồng quốc tế phải xử lý các quyền con người theo phạm vi toàn cầu một cách công bằng và bình đẳng và được coi trọng như nhau”, và “Trong khi công cuộc phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho việc hưởng thụ mọi quyền con người, không viện dẫn sự kém phát triển để biện minh cho việc cắt xén các quyền con người đã được quốc tế thừa nhận”. Chính vì không chịu làm như thế cho nên các tổ chức quốc tế và Bộ Ngoại giao Mỹ luôn luôn xếp Việt Nam thuộc những quốc gia tồi tệ nhất trong việc thực hiện các quyền tự do, dân chủ, nhân quyền.

Công ước quốc về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện từ năm 1982, nay đã qua 29 năm lẽ nào cứ khất lần mãi?

QUYỀN TỰ DO CHÍNH TRỊ
Lời nói đầu ICCPR viết:

“Chỉ có thể đạt được lý tưởng của con người tự do được tận hưởng tự do về dân sự và chính trị, không bị sợ hãi và thiếu thốn nếu tạo được những điều kiện để mỗi người có thể hưởng các quyền dân sự và chính trị cũng như các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa của mình”.

Và Điều 2: “Mỗi quốc gia thành viên của Công ước này cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền pháp lý của mình, các quyền đã được công nhận trong Công ước này, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, CHÍNH KIẾN (tôi nhấn mạnh) hoặc mọi quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc và xã hội, tài sản, dòng dõi hoặc các điều kiện khác”.

Hàng chục năm qua, những người nói lên chính kiến khác của mình, tức là khác với chủ nghĩa Marx-Lenin hoặc khác với đường lối chính trị của Đảng đã bị bắt, bị tù, nhưng không gọi là tù chính trị mà là tội phạm luật hình!

Gần một thế kỷ trước lãnh tụ vĩ đại của Đảng Cộng sản Đức Rosa Luxemburg đã nói “Tự do không phải dành riêng cho đảng viên của một Đảng, dù Đảng ấy đông đảo đến đâu đi nữa. Tự do luôn luôn phải là tự do của những người bất đồng chính kiến”.

QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN
Điều 19 của ICCPR:

“1-Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp vào.

“2- Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bảng viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tùy theo sự lựa chọn của họ.

“3- Việc thực hiện những điều quy định tại Khoản 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định, tuy nhiên những hạn chế này phải được pháp luật quy định là cần thiết để:

a/ Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác;

b/ Bảo vệ an ninh quốc gia, hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”( Điều 19 ).

Quyền tự do ngôn luận đã được các Hiến pháp nước ta từ 1945 đến 1992 ghi nhận, nhưng chỉ được thực hiện những năm 1945-1955. Các Luật báo chí sau này chỉ công nhận quyền tự do ngôn luận của tập thể, cắt bỏ hầu hết quyền tự do ngôn luận của mỗi công dân. Khi bị chỉ trích thì vin vào việc phải “bảo vệ an ninh quốc gia” chưa thể thực hiện cho mỗi người. Chẳng những thế, Luật hình sự Việt Nam đã chế biến nội dung điều 19 của ICCPR thành nội dung Điều 88, với mức án phạt nhiều năm tù!

Trong khi đó, Tổng thống Obama, sau khi đắc cử đã tuyên bố với báo chí rằng: “Một chính phủ lấn lướt báo chí, một chính quyền không bị đối mặt với hệ thống truyền thông cương trực và mạnh mẽ, đó không phải là sự lựa chọn của nước Mỹ!”. Ông Obama liên tục bị hệ thống truyền thông Mỹ công kích, thế nhưng cho đến nay chưa có ứng cử viên nào sáng giá hơn ông trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2012.

Chúng ta đều biết rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì đòi quyền tự do báo chí cho nhân dân Việt Nam từ năm 1919 khi đưa Bản yêu sách tới Hội nghị Versailles. Từ đó về sau Cụ liên tục nhắc lại đòi hỏi này: “Mãi tới bây giờ vẫn chưa có một người Việt Nam nào được cho phép xuất bản một tờ báo. Tôi muốn nói về những tờ báo về chính trị, kinh tế, hay văn học của người dân lập ra như chúng ta từng thấy ở châu Âu, hoặc các nước châu Á khác, chứ không phải tờ báo do chính quyền thành lập” (1921-1926).

Sau Cách mạng tháng Tám, trong tình hình chính trị phức tạp, ngày 21 tháng 3 năm 1946, Phó Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đã ký sắc lệnh “Cho phép báo chí xuất bản không phải xin phép mà chỉ cần thông báo cho nhà chức trách biết.” Cũng cần nhắc lại rằng năm 1938, báo Dân chúng của Đảng Cộng sản (ở số 43 Đường Hamelin, nay là Lê Thị Hồng Gấm Q1, TP HCM) xuất bản không xin phép và được Chính quyền thực dân Pháp chấp nhận, sự kiện này mở đầu cho quyền tự do báo chí ở nước Việt Nam thuộc địa. Chẳng lẽ sau hơn 60 năm cách mạng, quyền tự do ngôn luân, tự do báo chí, bị lùi lại so với chế độ thực dân Pháp?! Chẳng lẽ thực dân Pháp không sợ ngôn luận của Đảng và nhân dân Việt Nam công kích chúng, mà ngày nay Đảng lại sợ ngôn luận tự do của chính nhân dân mình?

QUYỀN TỰ DO HỘI HỌP, LẬP HỘI
Hiện nay, Việt Nam có hơn 300 hội đoàn hoạt động trong phạm vi cả nước và khoảng 2000 hội đoàn hoạt động trong nội bộ các tỉnh thành. Trung bình mỗi người có chân trong hơn 2 hộị đoàn. Các đoàn thể lớn như Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, ở cấp Trung ương đều do Ủy viên Trung ương Đảng làm chủ tịch. Ở các cấp dưới thì do Ủy viên Thường vụ Đảng làm chủ tịch. Các đoàn thể này và cả các đoàn thể nhỏ hơn như Hội Cựu chiến binh, Hội Nhà báo, Hội Nhà văn, Hội Khoa học Kỹ thuật… đều ăn lương Nhà nước. Các đoàn thể là cánh tay nối dài của Đảng. Các hội đoàn kể trên, dù hội viên không tín nhiệm cũng cứ phải vào, không ai được phép đứng ra lập một hộị đoàn thứ hai, dù xin tự nguyện hoạt động không ăn lương Nhà nước.

Các hội đoàn đều có trường huấn luyện cán bộ. Công đoàn có trường đại học và nhiều trường cấp tỉnh thành. Tuy nhiên hiệu quả hoạt động của tất cả các đoàn thể đều rất kém, thường bị chỉ trích là “hành chính hóa” các hoạt động. Ví dụ như Công đoàn, mấy năm nay đã có hằng ngàn cuộc đình công tự phát, tức là công nhân đình công không có chỉ đạo của Công đoàn (như vậy bị coi là không hợp pháp!). Có những cuộc đình công từ 5.000 đến 10.000 công nhân tham gia. Năm 2010 có 424 vụ đình công, quý 1 năm 2011 có 220 vụ đình công. Trước tính trạng đó, những người soạn thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động, đã đề nghị cho phép thành lập “đại diện tập thể lao động ở những doanh nghiệp chưa thành lập Công đoàn”. Trong cuộc họp do Tổng Liên đoàn Lao động tổ chức để góp ý Dự thảo này, các cán bộ công đoàn đã phê phán rất mạnh mẽ đề nghị nói trên với hai lý do:

1- Sự hiện diện của một tổ chức không phải là công đoàn mà làm thay chức năng của công đoàn, tạo tiền lệ hết sức nguy hiểm, nếu không nói là cổ xúy và thừa nhận “đa nguyên công đoàn”.

2- Nhiều đại biểu cho rằng đây là một bước lùi: Bởi phần lớn các cuộc đình công đã qua là đình công về quyền chứ không phải đình công vì lợi ích (!) Do đó nếu không điều chỉnh kịp thời thì sẽ còn tiếp tục có những cuộc đình công không tuân theo quy định của pháp luật.

Ở các quốc gia dân chủ người ta sẽ khó hiểu câu chuyện kể trên. Đã bao nhiêu năm tổ chức Công đoàn không làm được trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho công nhân, nay chỉ vì để chữa cháy mà người ta đề ra biện pháp tạm thời cho công nhân bấu víu khi chưa lập được công đoàn thì lại quy chụp một tội tày đình, có thể đi tù! Người công nhân đi làm chỉ mong có lương, có phụ cấp, thậm chí vài nghìn đồng cho bữa ăn giữa ca, ai cũng thấy vậy, họ đâu có đòi làm vương làm tướng gì để có thể chịu rủi ro mất việc?

Quyền tự do hội họp, và lập hội như trên thì rõ ràng là điều Cụ Hồ đòi từ năm 1919 đến nay người Việt Nam vẫn chưa có.

CẦN CÓ MỘT XÃ HỘI CÔNG DÂN!
Thực hiện những điều kể trên là tạo điều kiện để tái lập xã hội công dân (cũng gọi là xã hội dân sự) đã bị mất đi từ khi thiết lập thể chế xã hôi chủ nghĩa toàn trị. Người ta coi nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, xã hội công dân là ba chân kiềng của chế độ dân chủ. Vì sao?

Khái niệm xã hội công dân (cũng gọi là xã hội dân sự) có từ thời thượng cổ, nó đáp ứng sự cần thiết của người dân tự nguyện liên kết với nhau ngoài chính trị, ngoài nhà nước, bảo vệ những lợi ích, những giá trị sống, vừa xây dựng vừa chống lại xu hướng độc tài, quan liêu của nhà nước.

Nhà nước luôn luôn có xu hướng lạm quyền. Ở các nước dân chủ, vẫn còn những tiêu cực, các Đảng ra tranh cử đôi khi đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích của dân. Nhà nước không xử lý thỏa đáng các vấn đề như thuế má, phúc lợi xã hội, can thiệp bằng chiến tranh với bên ngoài… Trong chế độ dân chủ, mỗi người dân có lợi ích và xu hướng khác nhau, họ tìm đến nhau thành những nhóm, những hội, rồi những nhóm những hội này tìm sự đồng thuận với những nhóm những hội khác. Xã hội công dân đấu tranh ôn hòa bảo vệ tự do của con người trong xã hội hiện đại. Nhà nước pháp quyền điều tiết sự khác nhau giữa các nhóm, các hội bằng pháp luật, khi cần thì điều chỉnh pháp luật trên cơ sở của một chế độ mọi quyền lực thuộc vế nhân dân.

Ở các nước xã hội chủ nghĩa theo mô hình xô viết thì trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội đều bị chính trị hóa. Mọi quyền sở hữu, về tư liệu sản xuất, cả sở hữu sức lao dộng của mình cũng không còn, tất cả đều là của tập thể. Xã hội công dân bị buộc phải nhường chỗ cho xã hội toàn trị. Cuộc dân chủ hóa ở Liên xô và Đông Âu là quá trình hình thành và lớn lên của xã hội công dân, đưa tới sức mạnh chuyển quyền lực chính trị từ nhà nước chuyên chính sang nhân dân.

Việt Nam ta đến nay vẫn chưa có một xã hội công dân đúng nghĩa.

Cuộc Đổi mới chính trị quá chậm so với đổi mới kinh tế, sau 25 năm vẫn chưa có một nhà nước thực sự dân chủ, các quyền tự do dân sự và chính trị không được thực hiện, do đó chưa hình thành một xã hôi công dân. Tình hình đó làm tích tụ dông bão rất nguy hiểm đối với Đảng cầm quyền và có thể làm tiêu hao sinh lực của dân tộc, trước giặc ngoại xâm.

XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA HIỆN ĐẠI
Tổ tiên chúng ta đã để lại một đất nước nghìn năm văn hiến mà cốt lõi là tư tưởng nhân văn cao cả “Thương người như thể thương thân”. Hơn một trăm năm qua, chúng ta cũng có nhiều thành công trong việc Việt Nam hóa những tinh hoa văn hóa của nhân loại, đặc biệt là từ văn hóa Pháp và phương Tây. Vào thời xây dựng chủ nghĩa xã hội chúng ta du nhập tư tưởng “người với người là bạn”, “mình vì mọi người, mọi người vì mình” rất đẹp, nhưng không làm được bao nhiêu, đến nay thì không còn gì.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng văn hóa Việt Nam đang lâm vào bất ổn, nổi bật là đạo đức xã hội xuống cấp, dối trá, lừa đảo, bạo lực đang thay cho trung thực, minh bạch, nhân hậu.

Chúng tôi cho rằng sự đảo điên nhân tình bắt nguồn từ sự đảo điên của thể chế: Nói quyền lực cao nhất thuộc về nhân dân, nhưng nhân dân không có quyền gì cả; nói cán bộ đảng viên là đầy tớ của nhân dân, nhưng thực tế họ như là cha mẹ nhân dân; nói công nhân là giai cấp lãnh đạo, nhưng thực tế họ làm tăng ca, tăng kíp vẫn lương không đủ ăn, đi biểu tình thì bị coi là bất hợp pháp… Cuộc sống đẩy con người phải phản ứng, nhưng không được luật pháp bảo vệ, hướng dẫn sự phản ứng bằng hành động ôn hòa, khiến nảy sinh những manh động mất lý trí, rồi sự lặp đi lặp lại tình trạng ấy của số đông lâu ngày trở thành một nếp văn hóa tiêu cực.

Chế độ xã hội chủ nghĩa áp đặt quan điểm chính trị lên sinh hoạt văn hóa, đặt ý thức hệ lên trên đạo đức truyền thống, lấy chủ nghĩa Marx, Lenin làm chân lý độc tôn, đề cao tuyệt đối chủ nghĩa tập thể, đồng nhất chủ nghĩa cá nhân với chủ nghĩa vị kỷ, buộc văn học, nghệ thuật phải minh họa đường lối chính trị, phục vụ chính trị. Đó là những nguyên nhân làm cho văn hóa thui chột và méo mó.

Phải để cho văn hóa phát triển tự nhiên trong cuộc sống tự do dân chủ, lao động sáng tạo, giữ lại cái đẹp của dân mình và du nhập cái tinh hoa của người, nước ngoài, sàng lọc và thải loại những gì không phù hợp với thể trạng tinh thần của người Việt Nam trong cuộc sống luôn luôn đổi mới.

CẢI CÁCH GIÁO DỤC
Giáo dục Việt Nam cũng đang bị khủng hoảng hàng nửa thế kỷ vẫn không tìm thấy lối ra. Nhà sử học Dương Trung Quốc nói: “Thế hệ chúng ta mất gốc hoàn toàn”. Câu nói ấy cho ta hiểu là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa đã đem tới sự mất gốc đó. Cụ giáo sư đáng kính Hoàng Tụy đã bỏ ra bao tâm trí để “Giáo dục, xin cho tôi nói thẳng”. Cụ đã nói thẳng và nói với kiến thức sâu sắc của một vị giáo sư, với kinh nghiệm cả đời. Về nguyên nhân từ thể chế thì tuy Cụ đã có cách nói khéo léo, mềm mỏng, vậy mà cũng bị thổi còi. Tôi nghĩ, giáo dục cũng giống như văn hóa, đã bị kiềm hãm bởi ý thức hệ, không thoát ra khỏi ràng buộc của chính trị của triết lý giáo dục cộng sản. Điều này thể hiện cả trong biên soạn sách giáo khoa, trong phương pháp giảng dạy, trong cung cách đào tạo và sử dụng người thầy…

Ngày nay người ta đòi hỏi giáo dục trước hết là đào tạo ra con người tự do, con người dám khác với những người khác dù đó là vĩ nhân, con người luôn luôn đầy ắp ý kiến phản biện. Triết lý giáo dục đó hoàn toàn trái với triết lý tôn thờ chân lý độc tôn, chân lý vĩnh cửu, không chấp nhận diễn biến hòa bình, không cho phép tự diễn biến; Lãnh tụ vĩ đại, Đảng quang vinh đã bao cấp đủ mọi chân lý lớn nhất, hãy cứ thế mà làm theo. Triết lý giáo dục chính thống như thế phải đẻ ra sách giáo khoa dành 30-40% cho các nội dung phục vụ chính trị; dành cho vô số sách tham khảo bài văn mẫu, bài giải toán mẫu. Phương pháp dạy cứ là thầy đọc, trò chép. Luận văn tốt nghiệp, luận án tiến sĩ là những sao chép, xào lại.

Giáo sư Pierre Darriulat đã tóm tắt bài viết của đại tướng Võ Nguyên Giáp và cuốn sách của giáo sư Hoàng Tụy thành 4 câu súc tích: Chúng ta phải dừng lại việc nói một đằng làm một nẻo; chúng ta phải khôi phục phẩm giá cho giới trí thức và học giả; chúng ta phải có kế hoạch rõ ràng cho nghiên cứu và giáo dục cho tương lai; chúng ta phải chấm dứt nạn chảy máu chất xám. Tôi xin bổ sung một ý kiến của ông Nguyễn Trần Bạt: “Chúng ta phải khôi phục lại tính chất phi chính trị của nhà trường để ở đấy học sinh không còn phải nói dối”.

XÂY DỰNG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
Chúng ta bắt đầu đổi mới từ kinh tế và đã đạt được thành tựu trong những năm đầu khá ngoạn mục, khiến nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài hy vọng sự xuất hiện con rồng con hổ Việt Nam trong tương lai không xa. Tiếc thay, những thế lực bảo thủ (trong đó có cả giả vờ bảo thủ, kỳ thực là tìm cách duy trì môi trường để tham nhũng!) đề cao cái tính từ xã hội chủ nghĩa, làm biến dạng nền kinh tế thị trường, mỗi lần gây ra đổ vỡ thì bào chữa bằng lập luận “chúng ta sáng tạo con đường kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa chưa từng có tiền lệ!”. Dự thảo văn kiện Đại hội 11 là một bước lùi so với Đại hội 10, khi người ta đưa thêm “Chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu”. Mãi đến trước ngày bế mạc mới có quyết định bỏ điều sai trái này, nhưng vẫn giữ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” dù cho nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu của đất nước khuyên nên bỏ.

Nếu nói trên quan điểm về kinh tế thì có thể lý giải sự sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa là: Nền kinh tế tư nhân đã đánh bại nền kinh tế nhà nước! Nền kinh tế sở hữu tư nhân đã đánh bại nền kinh tế công hữu. Nhìn ra thế giới sẽ thấy, nước nào đi vào con đường xã hội chủ nghĩa thì nghèo đói; nước nào đi vào kinh tế thị trường thì dân giàu, nước mạnh. Nhìn lại nước ta, kinh tế nhà nước hủy hoại không biết bao nhiêu vốn liếng. của nhân dân ky cóp. Cái đuôi xã hội chủ nghĩa đã làm biến dạng kinh tế thị trường nước ta gây nhiều hậu quả: Kinh tế Việt Nam bắt đầu lâm vào khủng hoảng trước khủng hoảng của thế giới một năm, từ 2008 lạm phát đã tăng lên 20%, chỉ số ICOR từ 5 lên 6, 9, nhập siêu tăng, và có nhiều biểu hiện lọt vào vòng tay Trung Quốc.

Kinh tế Việt Nam năm 2011, được nhiều cơ quan thẩm định quốc tế gọi là “đã rơi tới đáy”. Nguy hiểm nhất là lệ thuộc Trung Quốc. Trong 4 tháng đầu 2011 nhập siêu từ Trung Quốc 4 tỉ USD, 5% hàng tiêu dùng, 55% nguyên, phụ liệu, 25% thiết bị loại kỹ thuật lạc hậu rẻ tiền. Có 41 dự án trọng điểm quốc gia do 30 công ty Trung Quốc thắng thầu. Có đến 90% các dự án trọng điểm về điện, dầu khí, viễn thông, cơ khí, hóa chất và 100% dự án khai khoáng đều do các công ty Trung Quốc trúng thầu! Ôi gỡ sao cho khỏi tình trạng lệ thuộc đây! Có người cho rằng nếu chống lại sự hợp tác kinh tế với Trung Quốc coi chừng sẽ gây ra thiệt hại về phía Việt Nam. Không! Chúng ta không bao giờ chống sự hợp tác kinh tế bình đẳng với Trung Quốc. Chúng chỉ nên xem lại những sơ hở đang làm cho nước ta nhận thiết bị lỗi thời, mua rác rưởi của họ thải loại, tạo điều kiện để họ đưa lao động giản đơn vào sinh cơ lập nghiệp khắp nơi, lấy vợ đẻ con, lẫn trong đó chắc chắn có những âm binh, gián điệp vô cùng nguy hiểm!

Hãy vì lợi ích của nhân dân và Tổ Quốc cắt bỏ cái đuôi”xã hội chủ nghĩa” cho cơ chế thị trường lành mạnh. Mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không coi kinh tế nhà nước là chủ đạo, không ưu đãi, giải cứu những công ty nhà nước thua lỗ.

Phải đặt thời hạn để giảm dần và chấm dứt mô hình phát triển kinh tế theo chiều rộng là: khai thác lao động giá rẻ, giá trị thấp; khai thác tài nguyên xuất thô; đầu tư thiết bị lỗi thời dùng nhiều lao động cơ bắp, tiêu hao nhiều năng lượng, nguyên liệu; sử dụng lãng phí đất đai; gây ô nhiễm môi trường.

Mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chỉ có thể thực hiện được khi có một thể chế dân chủ và thoát khỏ vòng tay o ép của Trung Quốc.

AI LÀ BẠN CHÍ THIẾT CỦA VIỆT NAM?
Chúng ta đã có nhiều thành công khi tuyên bố Việt Nam là bạn của tất cả các nước. Một thành công quan trọng nữa là trở thành đối tác chiến lược với Mỹ, kẻ thù cũ. Tuy nhiên cũng có bạn thân và bạn sơ. Hơn 20 năm nay nêu hỏi cả năm châu xem ho nghĩ rằng ai là bạn thiết cốt của Việt Nam thì sẽ dễ dàng nhận được câu trả lời: Trung Quốc!

Người Pháp có câu, hãy nói bạn thân của anh là ai, tôi sẽ nói anh là người thế nào! Chà, đến đây chúng ta sẽ thấy cái khó cho mình trên bàn cờ khu vực và thế giới hôm nay. Một lần nữa lại muốn so sánh ta với Nhật Bản và cả nước Đức nữa. Ngay sau khi bại trận hai nước này kịp hiểu nguyên nhân bại trận của nước họ, và nhìn nhận đúng bản chất kẻ thù của mình và lập tức đổi thù ra bạn, mà còn là bạn thiết cốt nữa! Hơn nữa thế kỷ đã qua, thực tế đã xác nhận hai nước Đức, Nhật hoàn toàn đúng trong việc chon bạn, nhờ đó mà trở thành giàu mạnh nhất nhì thế giới.

Rất tiếc chúng ta không hiểu kẻ thù cũ của mình cũng không biết kẻ thù mới của mình. Mỹ sai lầm vì cho rằng đánh ta là đánh vào tiền đồn cộng sản, không ngờ rằng khi đó người Việt Nam kể cả đảng viên không hề nghĩ mình chiến đấu vì chủ nghĩa cộng sản mà chỉ vì Tổ Quốc bị xâm lược. Sau khi bị thua, Mỹ mau chóng hiểu ra vấn đề và muốn làm lành với ta. Nhưng chúng ta lại không hiểu, nên cứ tiếp tục thù dai. Ta không hiểu Mỹ, còn có nguyên nhân là vì chưa dám cởi bỏ ý thức hệ, sợ bị mất quyền lãnh đạo. Trong khi đó, cũng vì ý thức hệ, chúng ta vấp một lầm lẫn nguy hiểm là đổi kẻ thù bành trướng tàn bạo thành bạn chí thiết, còn hơn cả chí thiết, vì là đổng chí “16 chữ vàng” và “bốn tốt”.

Cái thế của đất nước đòi hỏi Đảng Cộng sản thực hiện lời hứa của mình “không có lợi ích nào ngoài lợi ích của nhân dân và Tổ quốc”. Vì lợi ích nhân dân và Tổ quốc, Đảng cần nhanh chóng và triệt để đổi mới, đổi mới toàn diện, thực hiện những yêu cầu đã kể ở trên, để có thể trở thành bạn thân thiết của thế giới dân chủ và có thể trở thành đồng minh chiến lược với Mỹ. Có thể sẽ có ý kiến cho rằng: Bất cứ nước nào cũng lấy lợi ích của họ làm cơ sở khi cam kết với đồng minh, và khi có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho họ thì họ vẫn có thể vứt bỏ đồng minh để tự cứu. Điều đó không sai, mỗi quốc gia phải tự vươn lên hùng mạnh, bằng đường lối khôn ngoan và dũng cảm của mình, không bao giờ được ỷ lại bên ngoài. Không ai muốn làm bạn với kẻ yếu, lại không có kế sách để mạnh lên và không có gì để trao qua đổi lại. Có thể lại có ý kiến: Trung Quốc có nhiều thế mạnh để mặc cả, thương lượng với Mỹ hơn ta? Không đúng! Vì trong cuộc đấu tranh này chúng ta có chính nghĩa, chúng ta được luật pháp quốc tế bảo trợ, lợi ích của chúng ta phù hợp với lợi ích của các quốc gia trong khu vực và cả thế giới. Nước ta có vị trí cực kỳ quan trọng trong giao thương hàng hải, đặc biệt còn có vịnh Cam Ranh ở vị thế chiến lược để làm chủ cả Biển Đông. Nếu dân chủ hóa thành công thì cán cân thế và lực hoàn toàn nghiêng về chúng ta trong cuộc đấu tranh ngoại giao, mở rộng bè bạn, giao kết đồng minh.

Tổ quốc đang kêu gọi: Tất cả để cứu nước! Tất cả để chiến thắng!

Viết trong những ngày sôi sục cả tim gan.

T. V. C.
Theo Bauxite Việt Nam

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Bài toán Trung Quốc! không dễ giải nếu tâm không sáng.

Nghịch lửa
Hà Văn Thịnh
Chỉ trong vòng một tuần qua, tình hình Biển Đông ngày càng trở nên căng thẳng hơn bởi các phát ngôn vừa vô trách nhiệm, vừa ngang ngược – thậm chí rất thiếu văn hóa, của các cơ quan ngôn luận và những quan chức cao cấp Trung Quốc. Đây là những động thái hàm chứa rất nhiều hệ lụy nguy hiểm mà, dù muốn hay không, chúng ta phải đối mặt với chúng trên tinh thần khách quan, bình tĩnh, tỉnh táo.

Đầu tiên là tờ Thời báo Hoàn Cầu – cơ quan đối ngoại chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công khai đe dọa Việt Nam bằng những từ ngữ hết sức láo xược, trong đó có câu rất trịch thượng và đậm mùi phát xít: “Các ngươi hãy xem lại lịch sử đi” – hàm ý rất rõ ràng về việc trước đây những kẻ bành trướng hiểm độc và tàn nhẫn đã từng “dạy cho Việt Nam một bài học”!. Sự đe dọa trắng trợn đó đã được tướng Bành Quang Khiêm lặp lại, cụ thể hóa và không hề che dấu ý đồ dùng vũ lực: “Trung Quốc từng dạy cho Việt Nam một bài học, nếu Việt Nam không chân thành sẽ còn nhận được bài học lớn hơn” (Báo Đà Nẵng, 26.6.2011). Mới đây nhất, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải (Cui Jiankai) đã công khai đe dọa cả Việt Nam và Hoa Kỳ khi tuyên bố: “Tôi tin rằng một số nước đang nghịch lửa. Và tôi hy vọng rằng Mỹ không bị bỏng vì ngọn lửa đó” (Wall Street Journal, dẫn lại theo VNN, 26.6.2011).


Những dẫn chứng trên đây cho biết rất nhiều điều, dù xét trên góc độ quân sự, ngoại giao hay cả những ý đồ trong bóng tối thì chúng đều phản ánh một sự thật: Sự cảnh giác của toàn thể dân tộc Việt Nam phải được đặt ở cấp độ cao nhất.

Những mong đợi về sự xuống thang, lùi bước hay nhân nhượng từ phía Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông chỉ là ảo tưởng – thậm chí, đó là sai lầm tệ hại nhất. Trung Quốc liên tục khiêu khích và ngày càng trơ lỳ hơn khi luôn vu khống cho các nước láng giềng khiêu khích. Cách hành xử đó lịch sử đã từng chứng kiến bởi Adolf Hitler theo nguyên tắc “nói dối vụ lớn” – càng trắng trợn và trơ trẽn thì dư luận càng dễ tin vì “đại đa số người dân không nghĩ rằng trên đời lại có kẻ trơ tráo đến mức bịa đặt ghê gớm đến thế”. Nói một cách khác, một khi dự lừa dối dư luận bị đẩy đến mức tột cùng của dối trá thì những kẻ bịa đặt đó sẵn sàng hành động bất chấp nguyên tắc lý lẽ thông thường miễn là đạt được mục đích.

Cách dùng từ “nghịch lửa” của Thôi Thiên Khải thể hiện rất rõ sự ngạo mạn và coi thường dư luận. Tướng Bùi Quang Khiêm cũng giọng điệu ấy khi ông ta cho rằng “Việt Nam đang múa trên lưỡi dao và sẽ có lúc ngã trên dao”! Vấn đề càng tệ hại hơn nữa khi Trung Quốc đã đưa cả Việt Nam và Hoa Kỳ vào trong một “giỏ” đùa với lửa, chứng tỏ rằng Trung Quốc sẽ không từ bất kỳ một thủ đoạn nào và dám thách thức bất kỳ đối thủ nào cản đường nó trên con đường bá quyền tham lam, tàn ác. Một khi điều trên là sự thực hiển nhiên thì việc vãn hồi lại “tình hữu nghị” là một việc làm xa xỉ, đó là chưa nói rằng Trung Quốc đã bao giờ hữu nghị với Việt Nam đâu mà chúng ta tìm kiếm ảo tưởng đó? Nếu hữu nghị thì đã không có Hoàng Sa năm 1956, 1974; không có Trường Sa năm 1988 và chắc chắn là không có cả những gì đã và đang diễn ra.

“Bài toán Biển Đông” là bài toán khó nhất mà dân tộc Việt Nam đang phải (nhất định phải) tìm ra lời giải. Không tìm ra có nghĩa là thảm họa. Đây là sự thực hiển nhiên. Chúng ta không còn đường để lùi. Mọi sự nhân nhượng đều có giới hạn và, phải có nguyên tắc. Lênin từng dạy rằng nếu có lợi cho cách mạng thì có thể làm bạn với người bạn đường dẫu chỉ trong một phút. Nhưng Lênin cũng nhấn mạnh rằng “làm bạn” với điều kiện không vi phạm tính nguyên tắc của vấn đề – trong trường hợp của Việt Nam hiện nay là độc lập, chủ quyền, điều chúng ta không bao giờ được phép đánh mất.

Một khi đã hiểu rõ vấn đề có tính nguyên tắc trên đây thì điều còn lại chỉ là giải quyết như thế nào quyền lợi của dân tộc trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc? Bài học lịch sử thì đã có rồi: Đài Loan chỉ cách thành phố Hạ Môn của Trung Quốc có 200km, quần đảo Ryukyu (Trung Quốc gọi là Lưu Cầu) Nhật Bản thu hồi năm 1876, những vùng biển chồng lấn của Hàn Quốc đến bây giờ vẫn không hề bị xâm phạm..., đều là những hiện thực lịch sử chứng minh rằng nếu có liên minh chính trị - quân sự bền vững, hiệu quả thì Trung Quốc không thể làm gì được. Người ta thế, tại sao mình lại không thể? Đây là lúc mọi lợi ích nhóm, mọi tính toán cá nhân phải lùi bước trước quyền lợi – vận mệnh dân tộc. Còn băn khoăn giữa mê và tỉnh, cần và không, nên hay không nên là có tội với tổ tiên, dân tộc, giống nòi. “Chờ đợi là mất hết, thậm chí mất tất cả” là một trong những câu nói nổi tiếng của Lênin. “Họa đấy, phúc đấy” chỉ trở thành hiện thực khi ta nghĩ phúc cho đất nước là phúc lộc thiêng liêng và cao cả nhất.

Một khi sức mạnh của dân tộc Việt Nam kết thành một khối thì chúng ta không sợ bất kỳ lời đe dọa nào, bất kỳ kẻ thù nào. Những tính toán chẳng hạn như nếu quan hệ xấu đi thì 18 tỷ USD nguyên liệu cho ngành dệt may, giày da sẽ gặp khó khăn vì không tìm ra sự thay thế hữu ích chỉ là cách tính một chiều. Không có gì không thể thay thế được. 18 tỷ USD hay 180 tỷ đi nữa thì vẫn chỉ là bọt bèo nếu chúng ta để mất Biển Đông. Đó là chưa nói đến chuyện ta có thể mua nguyên liệu từ nước khác, đắt hơn một chút, có sao đâu. Biết đâu nhờ thế mà tránh được cái họa nhập siêu mỗi năm 13 tỷ USD. Hãy thử hình dung một ngày nào đó (lạy trời lạy phật cho nó không xảy ra), tàu nước ngoài muốn vào Hải Phòng phải quá cảnh đi nhờ qua vùng biển của “nước khác”!!! Nếu nhân nhượng mãi hoài, thảm cảnh đó không phải là điều xa xôi.

Có một bài học nữa của lịch sử cần phải nhắc lại: Năm 1978, Đặng Tiểu Bình đề ra đường lối đổi mới. Hàng triệu người phản đối. Đặng đã “chọn” cách đẩy tất cả mâu thuẫn trong nước ra bên ngoài bằng cách phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam đầu năm 1979 (dĩ nhiên là còn những nguyên nhân khác liên quan đến cuộc chiến tranh này, nhưng mâu thuẫn 1978 là nguyên nhân trực tiếp)! Trong một vài năm tới, Trung Quốc sẽ phải đối đầu với rất nhiều thách thức từ trong nước – trong đó mâu thuẫn thể chế với cơ cấu kinh tế là lớn nhất (xem bài của H. Kissinger, VNN, 26.6.2011). Ai có thể nói rằng Trung Quốc sẽ không một lần nữa tìm cách đẩy mâu thuẫn ra bên ngoài bằng một cuộc chiến tranh? Lịch sử Trung Quốc hàng ngàn năm nay có rất nhiều dân chứng: Một trong số đó là năm 1076, để lấy uy thế với các dân tộc “man di” phương Bắc, nhà Tống đã phát động chiến tranh xâm lược Đại Việt. Âm mưu đó thất bại, kết quả là “vua Liêu gọi vua Tống bằng anh. Mỗi năm, vua anh phải “tặng” vua em hàng chục vạn lạng bạc, hàng vạn tấm lụa...”!

Những sự thật trên đây không có gì mới, chỉ có cái mới đau đớn nhất là quan điểm chính thống của Việt Nam hiện nay, cho đến tận lúc này vẫn kiên trì theo đuổi “16 chữ vàng”, “4 tốt” (xem tin từ TTXVN về cuộc gặp giữa Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn và Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc tại Bắc Kinh ngày 25.6). Xem ra, cơn mê và ảo tưởng vẫn còn dài và khó rời bỏ lắm! Nếu cứ tiếp tục như thế, Trung Quốc không dọa dùng lửa để trị bất cứ ai mà Trung Quốc cho rằng đang “nghịch lửa” mới là chuyện lạ. Đấy cũng cách ứng xử không khác gì bật đèn xanh, lùi mãi đến chân tường cho chủ nghĩa bá Hán mặc sức tung hoành!

Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Cha ông ta đã dạy như thế tự lâu đời. Một khi sức mạnh của Nhà nước, của các vị lãnh đạo đồng nhất, đồng thuận trong niềm tự hào thiêng liêng của toàn thể dân tộc, mạnh mẽ vô cùng trong tinh thần bất khuất được thử thách hàng ngàn năm, thì, lời giải của bài toán khó, thực ra đang nằm ngay trong đầu của các nhà lãnh đạo. Lựa chọn đúng bao giờ cũng là giải pháp tốt nhất. Chỉ có thể có được sự đúng đắn ấy nếu tin rằng TỔ QUỐC là trên hết!

H. V. T.
Nguồn: Bauxite VietNam

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của TS. Vũ Cao Phan trong bài phỏng vấn này

Truyền hình Trung Quốc phỏng vấn học giả Việt về tranh chấp Biển Đông
Tiến sĩ Vũ Cao Phan , nhà nghiên cứu quan hệ Việt - Trung, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc đã có buổi trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Phượng Hoàng (Hồng Kông, Trung Quốc) trong tư cách Cố vấn khoa học Viện nghiên cứu Trung Quốc (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam). Một phần của bài trả lời phỏng vấn này đã được phát trong Chương trình liên tuyến "Nhất hổ nhất tịch đàm" được truyền phát đến hơn 150 quốc gia trên thế giới tối thứ bảy, 25 /6/2011.

Phía Trung Quốc luôn leo lên trước

Sự thể hiện cứng rắn gần đây của Việt Nam ở Nam Hải (Biển Đông) biểu thị một thái độ gì ?

Trả lời : Nếu chỉ nhìn vào riêng biệt các sự kiện xảy ra gần đây để đánh giá phản ứng và thái độ của Việt Nam thì sẽ không chính xác. Phải nhìn rộng ra một chút, nhìn xa ra một chút. Vài năm gần đây ngày càng có nhiều các tàu đánh cá của phía Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu hết lưới cụ rồi đòi tiền chuộc. Như năm ngoái chẳng hạn, hàng chục tàu thuyền, hàng trăm ngư dân khu vực miền Trung bị bắt giữ. Đây vốn là vùng đánh cá truyền thống lâu đời và yên lành của ngư dân Việt Nam, bây giờ bỗng nhiên liên tục xảy ra những sự việc như vậy. Có lần tivi Việt Nam chiếu cảnh hàng trăm thân nhân của những người đánh cá đứng, ngồi lam lũ trên bờ biển khóc lóc ngóng lo chồng con trở về đã gây ra rất nhiều bức xúc trong dư luận xã hội (điều này chắc các bạn Trung Quốc không biết).

Nhà đương cục Việt Nam đã nhiều lần tiếp xúc với phía Trung Quốc về vấn đề đó nhưng hầu như không được đáp ứng. Lần này Trung Quốc hành động mạnh hơn thì phản ứng của Việt Nam cũng buộc phải mạnh hơn, không có gì quá bất thường.


Tàu hải giám Trung Quốc, đội tàu thường xuyên quấy nhiễu vùng biển Việt Nam

Trong tinh thần ấy, tôi nghĩ, phát biểu của lãnh đạo Việt Nam cũng chỉ là những phản ứng tự vệ, đâu có phải là lời lẽ đe dọa chiến tranh như các bạn vừa suy luận. Nếu người dân Trung Quốc thấy bất thường thì có lẽ là vì các bạn không biết đến các sự kiện trước đó như tôi vừa nói. Còn nếu gọi đây là một sự leo thang thì phải thấy là Việt Nam leo theo các bạn Trung Quốc. Đúng thế đấy, phía Trung Quốc luôn luôn leo lên trước.

Theo ông, tranh chấp trên Nam Hải (Biển Đông) sẽ được giải quyết bằng vũ lực hay đàm phán ?

Ở Việt Nam loại câu hỏi như thế này hầu như không được đặt ra; tôi nói hầu như nghĩa là không phải không có. Mặc dù Việt Nam đã phải đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh suốt hơn nửa thế kỷ qua nhưng không nhiều người nghĩ đến khả năng có một cuộc chiến tranh Trung _ Việt vào lúc này vì những hòn đảo ở Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải). Về phía cá nhân, tôi tin cuộc tranh chấp sẽ được giải quyết một cách hòa bình. Thứ nhất là vì Chính phú hai nước luôn luôn cam kết sẽ giải quyết những tranh chấp này không phải bằng vũ lực mà thông qua con đường ngoại giao, đàm phán thương lượng.

Thứ hai, cả hai nước đều đang ra sức phát triển kinh tế sau nhiều năm bị tàn phá bởi Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc và chiến tranh ở Việt Nam; và công cuộc xây dựng phát triển kinh tế này đang đạt được những kết quả khả quan, chắc là không bên nào muốn để chiến tranh một lần nữa kéo lùi sự phát triển của đất nước mình. Thứ ba, bối cảnh của một thế giới hiện đại _ tôi muốn nói đến một dư luận quốc tế đã trưởng thành _ sẽ mạnh mẽ góp sức ngăn ngừa một khả năng như vậy. Thứ tư, và điều này cũng rất quan trọng, là nếu chính phủ hai nước có nóng đầu một chút thì lý trí và tình cảm của nhân dân cả hai bên sẽ giúp cho họ tỉnh táo hơn, tôi tin như vậy. Tôi xin hỏi lại anh, chắc anh cũng không muốn có muốn một cuộc chiến tranh chứ ?

Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra những va chạm, xung đột nhỏ.

Bản chất của tranh chấp Trung - Việt

Bản chất của sự tranh chấp Trung _ Việt, theo ông, là vấn đề kinh tế hay chủ quyền ? Việt Nam nhìn nhận nguyên tắc "gác tranh chấp, cùng khai thác" như thế nào ?

Đây là một câu hỏi thú vị. Các sự kiện ở Biển Đông cho thấy có cả màu sắc tranh chấp về kinh tế lẫn tranh chấp chủ quyền. Quan sát khách quan thì thấy Trưng Quốc có vẻ nghiêng về lý do kinh tế, còn Việt Nam nghiêng về lý do chủ quyền nhiều hơn. Cách nhìn vấn đề như vậy sẽ giải thích được tại sao Việt Nam không mặn mà lắm với việc "gác tranh chấp, cùng khai thác". Ta thử phân tích xem tại sao nhé. Và đây là ý kiến của cá nhân tôi thôi. Lý do thứ nhất là tài nguyên thì có hạn, một khi khai thác hết rồi điều gì sẽ xảy ra ? Liên quan đến nó là lý do thứ hai : "gác tranh chấp, cùng khai thác" mà các bạn vừa nêu mới chỉ là một nửa lời căn dặn của ông Đặng Tiểu Bình mà nguyên văn là : "Chủ quyền của ta, gác tranh chấp, cùng khai thác", có đúng không ? Như thế có nghĩa là khi đã cạn kiệt tài nguyên khai thác rồi, Việt Nam chẳng còn gì và Trung Quốc thì vẫn còn cái cơ bản là "chủ quyền"! Mà những hòn đảo và vùng biển ấy đâu chỉ có giá trị về tài nguyên ?

Tôi ủng hộ việc hai nước cùng hợp tác khai thác tài nguyên ở Biển Đông nhưng ít nhất trước đó cũng phải làm sáng tỏ đến một mức độ nhất định nào đó (nếu chưa hoàn toàn) vấn đề chủ quyền.




Về câu hỏi của các bạn là bản chất của cuộc tranh chấp Việt _ Trung là gì, kinh tế hay chủ quyền thì tôi đã phát biểu như vậy. Nhưng nếu cho tôi được phát triển theo ý mình thì tôi nói rằng, bản chất của cuộc tranh chấp này là chính trị. Quan hệ Việt _ Trung không yên tĩnh đã từ mấy chục năm nay rồi và nó là một dòng gần như liên tục, trước khi xuất hiện vấn đề biển đảo những năm gần đây, có phải vậy không ? Để giải quyết nó, các nhà lãnh đạo cần phải ngồi lại với nhau, ở cấp cao nhất ấy, một cách bình đẳng, bình tĩnh, thẳng thắn và chân thành. Vấn đề hóc búa đấy. Đương đầu với sự thật không dễ dàng, nhưng sẽ dễ dàng nếu xuất phát từ thiện chí mong muốn một sự bền vững thực chất cho tình hữu nghị Việt _ Trung.

Làm gì để duy trì quan hệ hữu hảo Việt - Trung?

Theo ông, tương lai phát triển của quan hệ Trung _ Việt sẽ như thế nào ? Làm cách nào để có thể duy trì quan hệ hữu hảo giữa hai nước ?

Tôi là một người có nhiều năm công tác ở Hội Hữu nghị Việt _ Trung, có nhiều mối quan hệ gắn bó với Trung Quốc và nói một cách rất chân thành là tôi yêu Trung Quốc, khâm phục Trung Quốc và thậm chí có thể gọi là "thân Trung Quốc" cũng được. Vì thế, điều mong muốn thường trực của tôi là làm sao xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp, thật sự tốt đẹp giữa nhân dân hai nước. Chắc các bạn cũng muốn vậy. Nhưng có không ít việc phải làm. Có việc phải bắt đầu lại. Trước hết, như tôi đã nói là phải ngồi lại với nhau. Có vị bảo với tôi là ngồi mãi rồi còn gì. Không, ngồi như vậy chưa được, ngồi như vậy không được. Ngồi thế không phải là ngồi thẳng.

Về phần mình với mong muốn như vậy, tôi xin được gửi gắm đôi điều giống như là những lời tâm sự đến các bạn :

Thứ nhất là, vấn đề đàm phán song phương giữa hai nước. Tôi nghĩ đàm phán song phương cũng tốt, cũng cần thiết. Những nơi có tranh chấp đa phương như quần đảo Trường Sa (Nam Sa) thì cần phải đàm phán nhiều bên còn như quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa) là vấn đề của riêng hai nước Việt Nam và Trung Quốc lại khác. Nhưng Chính phủ các bạn lại tuyên bố Hoàng Sa dứt khoát là của Trung Quốc, không phải là vấn đề có thể đưa ra đàm phán. Vậy thì còn cái gì nữa để mà "song phương" ở đây ? Chính tuyên bố ấy của Trung Quốc đã đóng sập cánh cửa "con đường song phương". Tình trạng tranh chấp Hoàng Sa rất giống với tình trạng tranh chấp của đảo Điếu Ngư, giữa Trung Quốc và Nhật Bản mà ở đấy, địa vị của Trung Quốc hoàn toàn giống như địa vị của Việt Nam ở Hoàng Sa lúc này. Chẳng lẽ Trung Quốc lại có một tiêu chuẩn kép cho những cuộc tranh chấp giống nhau về bản chất sao ?

Thứ hai là, chúng ta thường nói đến sự tương đồng văn hóa giữa hai nước như là một lợi thế cho việc chung sống hữu nghị bên nhau giữa hai dân tộc. Điều đó đúng một phần, nhưng mặt khác, văn hóa Việt Nam, nhất là văn hóa ứng xử có sự khác biệt với lớn Trung Quốc. Nếu văn hóa ứng xử của người Trung Quốc là mạnh mẽ, dứt khoát, quyết đoán (và do đó thường áp đặt?), nặng về lý trí, thì văn hóa ứng xử của người Việt Nam là nhẹ nhàng, khoan dung, nặng về tình, ơn thì nhớ lâu, oán thì không giữ. Hình như các bạn Trung Quốc chưa hiểu được điều này ở người Việt Nam. Cần phải hiểu được như vậy thì quan hệ giữa hai bên mới dễ dàng.

Tôi có thể lấy một ví dụ. Những sự kiện ở Nam Kinh, ở Lư Cầu Kiều xảy ra đã hơn bảy chục năm rồi. Nhưng mỗi khi có vấn đề với Nhật Bản, người Trung Quốc lại xuống đường biểu tình, đầy căm thù nhắc lại những sự kiện ấy. Người Việt Nam thì không như vậy. Phát xít Nhật đã góp phần gây ra nạn đói giết chết hàng triệu người Việt Nam năm 1945, và trong cuộc chiến tranh Việt Nam 1965 - 1975, người Mỹ, người Hàn Quốc đã gây rất nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam. Nhưng sau chiến tranh, chính những người lính các nước này khi trở lại Việt Nam đã rất ngạc nhiên bắt gặp những nụ cười niềm nở thân thiện của người dân. Có lẽ nhờ thái độ, cách ứng xử đó của người Việt Nam chăng mà Mỹ, Nhật, Hàn cuối cùng đã trở thành những đối tác kinh tế và thương mại lớn, và là những nước viện trợ hàng đầu cho Việt Nam sau chiến tranh ? Nói như thế vì tôi thấy rằng, cách ứng xử nặng nề của phía Trung Quốc đối với Việt Nam đã và đang đẩy những người Việt Nam vốn rất yêu quý Trung Quốc ra xa các bạn, chứ không phải là Việt Nam cố đi tìm những liên minh ma quỷ để chống Trung Quốc.

Lấy thêm một ví dụ nữa nhé! Bây giờ chúng ta đã có thể hiểu bản chất sự kiện (cũng có thể gọi là cuộc chiến tranh) tháng 2/1979 rồi. Người Việt Nam đã muốn quên đi, và khi tiếp xúc với các bạn Trung Quốc vẫn luôn giữ một sự niềm nở chân tình. Trái lại người Trung Quốc rất hay nói đến sự kiện đó. Các bạn biết không, năm 2009, tôi chẳng để ý đó là năm gì, giở báo, mạng của các bạn mới biết là đã 30 năm kể từ 1979. Không phải chỉ vào tháng 2 đâu mà suốt cả năm 2009 người ta nói về sự kiện này. Hàng mấy trăm bài viết, nhiều bài trên mạng mà nhìn vào chỉ muốn khóc. Lời lẽ thật tàn tệ. Thôi, cho chuyện này qua đi ...


Để Biển Đông không nổi sóng, các bên cần thẳng thắn và thiện chí.

Thứ ba là, quan hệ giữa hai nước chúng ta thậm chí phải trở nên đặc biệt vì chúng ta có sự tương đồng văn hóa, lịch sử, là láng giếng không thể cắt rời, từng hoạn nạn có nhau (bản thân tôi là một người lính trong chiến tranh Việt Nam, tôi không thể nào quên sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Trung Quốc về cả vũ khí, lương thực mà mình trực tiếp được sử dụng). Hai nước chúng ta lại đang cùng cải cách mở cửa, phát triển kinh tế. Chừng ấy lý do là quá đủ để quan hệ này trở nên hiếm có, trở nên đặc biệt. Tôi nói như vậy là muốn phát biểu thêm rằng, hai nước còn một lý do tương đồng nữa là cùng thể chế chính trị, cùng ý thức hệ, điều hay được người ta nhắc đến.

Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi - của riêng tôi thôi nhé - thì không cần nhấn mạnh điểm tương đồng này. Nó tồn tại như một điều kiện, một lý do thế thôi, không cần nhấn mạnh như cách hai nước vẫn làm. Giữa các nước có cùng ý thức hệ kiểu này vẫn xảy ra xung đột, chiến tranh vì quyền lợi quốc gia như chúng ta đã biết đấy thôi. Thực tế là quyền lợi quốc gia cao hơn ý thức hệ. Chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận vậy để khỏi dối lòng nhau. Hơn nữa, giả dụ một ngày nào đó một trong hai nước chúng ta có một thể chế chính trị khác thì sao, chúng ta lúc ấy còn cần duy trì quan hệ láng giềng tốt nữa không ? Vẫn cần chứ, rất cần. Vậy thì ...

Tôi rất sẵn lòng cùng các bạn làm tất cả những gì để hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa đã hiểu biết càng hiểu biết nhau hơn nữa, đã gần gũi càng gần gũi nhau hơn nữa. Cám ơn Đài Truyền hình Phượng Hoàng đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn này.
P/S: Tôi có một thắc mắc: có phải TS. Vũ Cao Phan là con trai của GS Vũ Cao Đàm không?

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

Phải chăng tư tưởng Lenin một thời gian dài bị hiểu sai, bị Stalin và nhiều thế hệ kế tiếp xuyên tạc (Phần 1+2)

Tác giả: Alexei Yurchak
Người dịch: Lã Nguyên
Trong suốt chiều dài lịch sử của Liên Xô, Lénine là biểu tượng cơ bản cho tính chính thống của hệ tư tưởng xô-viết và là cái ô lập trường dùng để giương lên trong các diễn ngôn tư tưởng. Nói cách khác, những phát ngôn tư tưởng khi đã chọn được tiên đề khởi phát là sự đúng đắn và tính hiển nhiên của tư tưởng Lénine thì không ai có quyền nghi ngờ các phát ngôn ấy 1. Bởi vậy, mọi sự cải cách và thay đổi trong hệ thống xô-viết đều được thực hiện dưới ngọn cờ khắc phục tình trạng xuyên tạc Lénine để trở về với tiếng nói của Lénine đích thực.
Công cuộc cải tổ đã được bắt đầu bằng nhiệm vụ như thế. Nhưng vào năm 1990, cách trình bày về nhiệm vụ này trên báo chí Đảng đã có sự thay đổi. Nếu trước kia sự xuyên tạc tư tưởng Lénine thường được gắn với những thời kì nhất định (thời Staline hoặc thời Brejinhev), thì bây giờ người ta nghĩ rằng, trong toàn bộ lịch sử xô - viết, tư tưởng của Lénine lúc nào cũng bị xuyên tạc. Rốt cuộc, mọi phát biểu của Lénine được lưu trữ trong các nguồn tài liệu thời xô - viết đều bị nghi ngờ là nguỵ tạo, không chính thức. Sự thay đổi tưởng như chẳng mấy quan trọng trong diễn ngôn trên báo chí Đảng làm nẩy sinh một nghịch lí: một mặt, loại diễn ngôn này tuyên bố nhiệm vụ chính của công cuộc cải tổ là trở về với Lénine đích thực, mặt khác, nó lại bảo, không thể biết Lénine đích thực là thế nào.
Một bài báo điển hình hồi đầu năm 1990 in trên tạp chí “Cộng sản”, cơ quan lí luận của Ban Chấp hành Trung ương, được mở đầu bằng công thức quen thuộc: nhiệm vụ quan trọng của công cuộc cải tổ là “bóc trần sự xuyên tạc của Staline, làm trong sạch chủ nghĩa xã hội, trả lại cho chủ nghĩa xã hội những lí tưởng của Marx và Lénine, cả khối óc và trái tim đã bị Staline tước đoạt…”2. Nhưng ở đoạn tiếp theo, nhiệm vụ của cải tổ được bài báo trình bày có một chút khác đi, và chỗ khác đi ấy là công cuộc cải tổ phải “…đi theo con đường thực tế, chứ không phải chủ nghĩa giáo điều, làm cho chủ nghĩa xã hội chan chứa một nội dung mới, nội dung trước kia chưa từng biết”3. Quay về với lí tưởng của Marx và Lénine là tiến tới chỗ chưa biết! Sự xuất hiện của mâu thuẫn này trong diễn ngôn vào năm 1990 của Đảng tuy chỉ là một trong vô số các sự kiện trọng đại thời ấy, nhưng nó có vai trò vô cùng quan trọng. Nó đẩy nhanh quá trình xoá bỏ một cách quyết liệt nguyên tắc chính thống là điểm tựa của hệ tư tưởng xô - viết và làm cho cuộc khủng hoảng không gì có thể cứu vãn của Đảng cùng toàn bộ hệ thống Đảng xích lại gần hơn.
Trong bài viết này chúng tôi chỉ tập trung xem xét quá trình ấy đã bắt đầu và kết thúc như thế nào trong năm 1990.
1.Nếu đã thừa nhận trong suốt chiều dài lịch sử xô - viết lời nói và tư tưởng của Lénine lúc nào cũng bị xuyên tạc thì nhiệm vụ hàng đầu bây giờ là phải làm sao để xác định được Lénine đích thực, Lénine chưa bị xuyên tạc là cái gì. Muốn làm được điều đó, trước tiên lại phải phân tích xem, lời nói của lãnh tụ đã bị xuyên tạc bằng cách nào, nguyên nhân dẫn tới sự xuyên tạc ấy là ở đâu. Vào mùa xuân năm 1990, trong một cuộc tranh luận về vấn đề này, nhiều lí luận gia của đảng đã phát hiện ra, rằng người diễn giải, người thuật chuyện, các biên tập viên, ai cũng có khả năng xuyên tạc Lénine, - người này thì do không hiểu, người kia do kính yêu lãnh tụ thái quá, kẻ khác lại do ác ý…Rốt cuộc, các văn bản thuật lại lời Lénine của những người giời ơi đất hỡi nào đó nhiều khi được giải thích như là lời do chính Lénine đã nói ra. Tạp chí “Cộng sản” phát hiện rằng, “những quan điểm, những ý kiến, những phát ngôn rất khác nhau của các tác giả hồi ức” về Lénine đều được tiếp nhận như “những quan điểm có tính nguyên tắc của bản thân Lénine”4. Chẳng hạn, tạp chí nói tiếp, mặc dù trong ấn phẩm bàn về đường lối văn hoá của Đảng mà ai cũng biết, Klara Tzetkin chỉ kể lại cuộc toạ đàm của mình với Lénine, nhưng câu chuyện do bà thuật lại thường được trích dẫn “tựa như những lời ấy chính là do Lénine viết ra”. Chẳng những thế, “nhiều năm qua chúng ta đã sử dụng một bản dịch không thể xem là mẫu mực”. Trong trường hợp này, tư tưởng và lời nói của Lénine đã bị xuyên tạc hai lần: chúng được kể lại không chính xác và dịch lại cũng không chính xác. Đấy là nhận xét về hồi ức của một chiến hữu gần gũi nhất của Lénine. Vậy thì còn biết nói gì đây về những người đã chép lại và chỉnh sửa lời nói của Lénine sao cho phù hợp với những toan tính về lợi ích chính trị trong những điều kiện của một giai đoạn lịch sử cụ thể. Tạp chí “Cộng sản” nêu câu hỏi: “Chả lẽ chưa đến lúc phải xem xét thật kĩ lưỡng?”, tức là, - chả lẽ chưa đến lúc phải kiểm tra lại bản gốc những lời nói của Lénine để cuối cùng có thể tìm ra tiếng nói của Lénine đích thực? Để đạt được mục đích ấy, tạp chí đề nghị không dừng lại ở việc tu chính những lời phát biểu riêng lẻ, mà phải tiến hành “tổng kiểm tra toàn bộ văn bản, băng ghi âm và lời giải thích” của lãnh tụ5.
2.Nhưng ngay lập tức người ta hiểu ra, rằng dẫu có tiến hành tổng kiểm tra thì cũng chẳng giải quyết được chuyện gì. Lời nói của lãnh tụ bị xuyên tạc, nguyên nhân đâu chỉ vì người ta thuật lại, hay giải thích thiếu chính xác, mà chủ yếu vì trong lịch sử xô - viết, hình ảnh lãnh tụ đã bị quy phạm hoá, thần thánh hoá. Theo đó, mọi phát ngôn của lãnh tụ cũng được quy phạm hoá - lời nói thường ngày hoá thành khuôn vàng thước ngọc. Diễn ngôn của Lénine có vẻ như bị “đóng băng”, không còn khả năng phát triển cùng với sự phát triển của lịch sử. “Với chúng ta, Lénine vẫn cứ là nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thế kỉ XX”. Trong lễ kỉ niệm ngày sinh Lénine lần thứ 120, tháng tư, năm 1990, sau khi mở đầu bài diễn văn bằng những lời trọng thể như thế, Gorbachev lập tức nói thêm: “…Chúng ta nhất thiết phải nhận thức lại về Lénine, về trước tác lí luận và chính trị của Người, đồng thời phải tìm cách thoát khỏi cả sự xuyên tạc, lẫn sự thần thánh hoá những kết luận của Lénine. <…> Đã đến lúc cần chấm dứt kiểu sử dụng tên tuổi và hình ảnh Lénine một cách mù quáng, thiếu suy nghĩ giống như những kẻ đã biến Lénine thành bức “tượng thánh”6. Do thánh kinh được tạo ra trên cơ sở tư tưởng Lénine, - gọi là chủ nghĩa Lénine,- cho nên trở về với Lénine đích thực, thực chất là khước từ chủ nghĩa Lénine. Nghe mới báng bổ làm sao! Để làm dịu những lời nói có vẻ như vụng về, Gorbachev giải thích, rằng thuật ngữ “chủ nghĩa Lénine” là do bọn Melsevich bịa ra để chế giễu tư tưởng của lãnh tụ 7.
Các lí luận gia của Đảng tuyên bố, rằng khác với Lénine bị thần thánh hoá, Lénine đích thật thường thay đổi ý kiến và sửa chữa sai lầm khi hoàn cảnh lịch sử đã thay đổi. Cho nên, tiếng nói của Lénine cũng phát triển, không đứng yên một chỗ. Xuất phát từ quan điểm như thế, mùa xuân năm ấy, trên tạp chí “Cộng sản”, Alesandre Jakoplev - lí luận gia của Đảng, uỷ viên Bộ Chính trị, “tổng chỉ huy cải tổ”- viết rằng, không nên tìm Lénine trong những quan điểm cụ thể, mà phải tìm ở khả năng thay đổi những quan điểm ấy sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Jakoplev giải thích: “Với cá nhân tôi, Lénine vĩ đại vì khi cuộc sống yêu cầu, Người bao giờ cũng biết xem xét lại các quan điểm của mình”8. Hai tác giả khác của tạp chí “Cộng sản” còn quả quyết, rằng Lénine thường vận dụng kinh nghiệm thực tiễn của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội không chỉ để sửa chữa sai lầm của bản thân, mà còn sửa chữa cả những sai lầm lí luận của Marx và Engels 9.
Từ những lời tuyên bố được đưa ra vào mùa xuân năm 1990, tất yếu sẽ nảy sinh một kết luận hiển nhiên: vì thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ vỏn vẹn có mấy năm, do chỉ nắm vững và chỉ dựa vào kinh nghiệm của thực tiễn ấy, Lénine không thể sửa chữa tất cả sai lầm và thay đổi tất cả quan điểm của mình. Cho nên, tạp chí “Cộng sản” bình luận, những quan điểm sai lầm chưa được sửa chữa trong di sản của Lénine và di sản của các vị kinh điển vẫn tiếp tục khiến chúng ta phạm sai lầm cho đến tận hôm nay. “Chừng nào tư tưởng chưa có khả năng tranh luận với chính mình, chưa được chỉnh sửa cho đúng, chừng ấy, chúng ta vẫn chưa thể khám phá và thấu hiểu cơ chế của sai lầm trên bình diện nhận thức luận...”10.
Bởi vậy, vào đầu năm 1990, trong diễn ngôn của Đảng, người ta thường trình bày một tư tưởng thế này: nhiệm vụ trở về với Lénine đích thực rộng lớn hơn rất nhiều lần so với việc kiểm tra các văn bản để tìm bản gốc và xác định độ chính xác. Chẳng những thế, còn cần phải có cách cách tiếp cận sáng tạo đối với lời nói và tư tưởng của Lénine. Phải làm sao để lời nói và tư tưởng của Lénine có khả năng phát triển, thay đổi, tìm được những ý nghĩa mới mẻ phù hợp với ngày hôm nay. Nói cách khác, các lí luận gia của Đảng cần phải học cách bổ sung, sửa chữa các văn bản của Lénine mà không cần dựa vào Lénine, - tức là sửa chữa, bổ sung sao cho giống hệt như Lénine tự làm, nếu như Lénine còn sống...

PHẦN 2: MIKHAIL GORBACHIOP VÀ NGƯỜI NGA ĐÃ HẠ BỆ LENIN NHƯ THẾ NÀO ? ( Phần kết )
Nhân vật người dẫn chuyện trong phim chính là đạo diễn Govorukhin. Ông lui tới nhiều cơ quan lưu trữ, xem đi xem lại nhiều cuốn phim thời sự, trích dẫn nhiều tư liệu mật. Ông nhấn mạnh, cả hai gia tộc đều có gốc rễ phức tạp, không thuần Nga. Gia tộc Sa hoàng có nguồn cội từ Tây Âu: “Chảy trong huyết quản của tất cả Sa hoàng, bắt đầu từ Elizabet đệ Nhất, là dòng máu Đức”. Riêng huyết quản của Nicolai còn có cả dòng máu Đan Mạch. Thái hậu Maria Fedorovna, mẫu hậu của ông là công chúa Đan Mạch. Đây là Sa hoàng Nicolai và người anh em thúc bá, Hoàng đế vương quốc Anh George V (cho xem ảnh). Hoàng hậu Alice - Aleksandra Fedorovna - Hessen Darmstad là công chúa nước Đức được giáo dục trong cung đình vương quốc Anh”32. Đạo diễn nói tiếp, mặc dù có nguồn gốc xuất thân như thế, nhưng mọi thành viên trong gia tộc của Sa hoàng, xét từ bản chất văn hoá và tôn giáo, đều là người Nga đích thực. Hoàng hậu Aleksandra Fedorovna tự nguyện gia nhập Chính thống giáo, cự tuyệt dạy tiếng Đức cho các hoàng tử, công chúa, thậm chí chỉ tuyển các nhũ mẫu là thường dân Nga để cho họ bú mớm, đọc truyện cổ tích Nga cho họ nghe, dạy họ nói thứ tiếng Nga trong sáng, giản dị.
Sau đó, đạo diễn chuyển qua gia tộc Lénine. Ngồi trong Viện Lưu trữ Saint-Peterburg, đạo diễn kể lại “nguồn gốc sắc tộc của Lénine trải qua nhiều năm bị bưng bít trong bí mật. Ta hiểu vì sao một người cộng sản chính hiệu cứ giả câm giả điếc như thế. Theo đường cha, đây là Ilia Nicolaevich (cho xem ảnh): Bà của Lénine, Anna Smirnova là người Kanmức, ông của Lénine, Nicolai Ulianin là người Tzuvas. Đường mẹ còn rắc rối hơn nhiều. Đây là Maria Aleksandrovna (cho xem ảnh). Bà của Lénine, Anna Grusorb là người Đức có pha trộn dòng máu Thuỵ Điển. Những kẻ bài Do Thái, xin hãy chú ý, ông của Lénine, Aleksandr Blank chính là người Do Thái đấy. Quyển sổ ghi chép trước mắt các bạn đây là của các nhân viên Bộ Y tế. Mọi người đều biết, ông của Lénine, Aleksandr Blank từng làm việc ở đây - ông ta từng tốt nghiệp Viện Hàn lâm Y học. Các trang từ 520 đến 523 đã bị thất lạc. Chúng tôi phải mất một năm rưỡi mới tìm thấy những trang ấy”33.


Mãi tới năm 1991, sau thất bại của vụ bạo động tháng Tám, tư liệu của Cục Lưu trữ quốc gia Đảng Cộng sản Liên Xô được bạch hoá, Govorukhin mới tìm thấy những trang thất lạc ấy. Ngồi ở một gian trong toà nhà của Cục Lưu trữ, đạo diễn kể tiếp câu chuyện của mình: “Chính ở đây chúng tôi đã tìm thấy những tài liệu mà người ta đã xé trong Viện Lưu trữ lịch sử tại Saint - Peterburg. Điều bí mật khủng khiếp mà Đảng muốn dấu các đảng viên của mình là gì? Đấy chính là tài liệu kể lại ngọn ngành việc những người thuộc dòng họ Blank đã từ bỏ gốc Do Thái để chịu lễ rửa tội của Chính thống giáo. Xin hãy đọc: “Thông báo về các học sinh thuộc Viện Y học - Giải phẫu Hoàng gia, những đứa trẻ Do Thái đã chịu lễ rửa tội là Dmitri và Aleksandr họ nhà Blank. Những học sinh mang họ Blank thuộc thành phần tiểu thị dân ở tỉnh Cựu Konstantinov này là con cái của một người Do Thái tên là Mosk Blank”. Hoá ra tất cả bí mật là như thế. Govorukhin thốt lên một câu đầy ý nghĩa rồi kết luận: - Hai anh em nhà Blank là Abel và Izrail - họ đã chịu lễ rửa tội dưới hai cái tên là Dmitri và Aleksandr - họ bắt buộc phải chịu lễ rửa tội của Chính thống giáo (Govorukhin nhấn mạnh chữ “bắt buộc”) vì các trường đại học không tiếp nhận người Do Thái”34.
Kết luận không hề dấu diếm toát lên từ bộ phim là thế này: mặc dù dòng tộc phức tạp, nhưng các thành viên trong gia đình Sa hoàng đều có thể xem là những người Nga, chẳng những thế họ có gốc rễ từ thành phần ưu tú của châu Âu; những người sinh ra chưa phải là chiên của Chúa thì sau đó họ hoàn toàn tự nguyện tiếp nhận Chính thống giáo. Chuyện về các thành viên trong gia tộc Lénine có phần phức tạp hơn. Trong nguồn gốc sắc tộc của họ có nhiều sự thật “láu cá” bị che dấu: một bộ phận tổ tiên Lénine đã mạo nhận là người Nga, trong khi thực chất họ là người Kanmức, Tzuvas và người Đức có “pha trộn với dòng máu Thuỵ Điển”; còn những ông bà gốc Do Thái của Lénine thì nhìn chung đã gia nhập Chính thống giáo và cải sang tên họ Nga một cách bắt buộc, xuất phát từ những ý đồ mang tính sách lược.
Vào những năm 1990-1991 độc giả và khán giả truyền hình trở nên quá quen thuộc với thể phóng sự báo chí mà nhiều tác giả đã sử dụng để bóc lớp mặt nạ của Lénine, phơi bày bản chất tự nhiên đích thực của ông và giải thích cái bản chất ấy đã có ảnh hưởng như thế nào tới lịch sử nước Nga.
5.Tinh thần bài Do Thái và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi toát lên từ một số tài liệu vừa kể trên làm nẩy sinh những cuộc tranh luận đáp trả, thủ pháp tranh luận là giễu nhại, bông đùa. Một trong số những tác phẩm thuộc thể phản trinh thám có nghĩa lí nhất theo kiểu ấy là trò chơi lường gạt tuyệt vời của Sergei Kurekhin trong chương trình mang tính đại chúng “Ngôi nhà tĩnh mịch” phát trên kênh 5 đài truyền hình Léningrad. Khi ấy kênh truyền hình này vẫn còn được tiếp sóng trên toàn bộ Liên bang35. Từ cuối năm 1990, Kurekhin đã có ý đồ làm một chương trình truyền hình như thế, và nó đã được thực hiện đúng vào lúc người ta tỏ ra đặc biệt hào hứng khám phá những bí mật trong bản chất tự nhiên của Lénine 36.
Ở phần mở đầu, người dẫn chương trình là Sergei Solokhov gọi Kurekhin là “nhà hoạt động chính trị và nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng”, rồi giới thiệu rằng Kurekhin mới từ Mexico trở về sau chuyến đi nghiên cứu ảnh hưởng của các chất gây ảo giác đối với cách mạng xã hội. Kurekhin tuyên bố, đây mới chỉ là phần đầu nằm trong tổng thể của một chương trình truyền hình nhiều tập, được trình chiếu nhằm đề xuất “một hướng tiếp cận hoàn toàn mới đối với những sự kiện lịch sử trên đất nước ta và trên thế giới mà ai cũng đã biết rõ, với những sự thật mà mọi người đều hiểu tường tận”37. Tiếp theo, Kurekhin lại quay về với thủ pháp yêu thích của ông - ông bắt đầu bằng những ý kiến phát biểu rất nghiêm túc, sau đó dẫn câu chuyện tới chỗ hoàn toàn phi lí, nhưng vẫn giữ nguyên sự nghiêm túc và thành thực trong cách thức trình bày. Qua nghệ thuật trình bày tài tình của Kurekhin, thể loại này gợi dậy sự phản ứng rất khác thường ở đa số khán giả không được báo trước, đó là sự hoà trộn của bối rối, mê mẩn, nửa tin, lại nửa ngờ, phân vân không biết người kể chuyện đang nói nghiêm túc hay đang đùa bỡn38. Với phong cách ấy Kurekhin hút hồn khán giả, buộc họ nhìn dán mắt vào camera để nghe ông diễn thuyết một bài giảng khoa học rất dài nói về những bí mật trong bản tính của Lénine và ảnh hưởng của những bí mật ấy đối với phong trào cách mạng bolsevich.
Bài diễn thuyết được ông bắt đầu như thế này: “Hôm nay tôi sẽ nói về bí mật cơ bản của cuộc cách mạng tháng Mười. Vì rằng trong đấu tranh cách mạng mọi chuyện không đơn giản như người ta vẫn nghĩ. Cách mạng bao giờ cũng có một cái gì đó khiến tôi ngạc nhiên, có một câu đố nào đó mãi mãi là câu đố”39. Tiếp theo, trong quá trình bàn luận những chuyện mênh mông bể sở bằng giọng nghiêm túc, theo kiểu khoa học, Kurekhin giải thích rằng Lénine và các nhà cách mạng, bạn chiến đấu của ông, đều rất thích hái nấm và ăn nấm. Nhiều loại nấm ở nước Nga, nhất là nấm đại hồng nhung, có ảnh hưởng tới ý thức chẳng thua kém chút nào so với cây lưỡi rồng - loài gây ảo giác Lophophora Williamsi nổi tiếng của Mexico40. Sau nhiều năm sử dụng các loài nấm như thế, “nhân cách của người dần dần bị lấn át bởi tính cách” của nấm, và các loài nấm lặng lẽ trở thành bản chất riêng của người <…> Tức là người lặng lẽ hoá thành nấm”. Rồi Kurekhin đưa ra lời tuyên bố nổi tiếng: “…Tôi có những bằng chứng không thể chối cãi để chứng minh, rằng toàn bộ cuộc cách mạng tháng Mười được tiến hành bởi những người nhiều năm ăn một loại nấm như thế. Trong quá trình bị những con người như thế sử dụng, nấm lấn át phần nhân tính của người, và người đã hoá thành nấm. Tức là tôi chỉ muốn nói, rằng chính Lénine là nấm”41. Kurekhin trích dẫn rất nhiều công trình triết học, tay chỉ lên biểu đồ để khán giả theo dõi, rồi ông lại tiếp tục bổ sung hàng đống chứng lí để chứng minh, rằng bản tính tự nhiên của Lénine quả đã biến đổi từ nhân tính thành nấm tính. Trong suốt buổi truyền hình, cái quan điểm điên khùng ấy lúc nào cũng được trình bày bằng thứ ngôn ngữ tuyệt vời cùng với sự nghiêm túc, thuyết phục mãnh liệt mà chỉ Kurekhin mới có được.
Đã có rất nhiều khán giả truyền hình không biết nên hiểu thế nào về câu chuyện của Kurekhin. Họ hoang mang gọi điện thoại đến đài truyền hình yêu cầu giải thích. Công chúng từng xem trò lường gạt của Kurekhin không chỉ là những khán giả ít học, mà còn có nhiều trí thức thứ thiệt, lúc ấy, phần lớn, họ chưa biết Kurekhin. Trong số những trí thức như thế có thể kể tên nghệ sĩ Konstantin Raikin, một nghệ sĩ rất sành điệu trong thể loại trung gian giữa giễu nhại và trào phúng và giàu kinh nghiệm trong trò “châm chích”, “bông lơn”. Điều đó nói lên một thực tế thú vị, không phải thực tế về sự ngây thơ của đám đông khán giả, mà là thực tế về sự xuất hiện của một thể loại hình như đã trở nên quá ư tự nhiên, bình thường ở thời điểm giáp ranh giữa 1990 và 1991: thể loại điều tra những nguồn cội bí mật trong bản tính tự nhiên của Lénine và những bí mật mang tính sinh học có ảnh hưởng thế nào đối với lịch sử đất nước và số phận cá nhân con người42.
Nhớ lại ấn tượng đầu tiên sau khi xem truyền hình, Konstantin Raikin kể rằng, ông đã bị mê hoặc “giống như một công dân xô - viết bình thường, như người ta nói, từ lâu đã quen tin tưởng vào những câu chuyện nghiêm túc. Kurekhin khi ấy đã làm được điều đó hết sức tuyệt vời theo kiểu một nghệ sĩ. Nó là của trời cho. Chúng ta không ai nghĩ mình là thằng ngốc, và như người ta nói, ai cũng biết được mức độ của sự đùa bỡn. Như người ta nói, khi não bộ làm người ngu đi… Huống chi đây lại là Lénine. Khi đó tất cả những chuyện ấy vẫn còn là chuyện nghiêm túc. <…> Dám bịa ra những chuyện đùa bỡn lãnh tụ như thế…Vào lúc ấy, đó là chuyện chưa phổ biến”43.
Người ta không thể phát hiện ra ngay trò đùa của Kurekhin. Nhưng cũng chẳng phải chờ lâu, khi trò đùa ấy được phát hiện thì cũng có thể xem đó là bước đi cuối cùng trong quá trình điều tra, nghiên cứu bản chất tự nhiên của Lénine mà kết quả là mọi ý nghĩa gắn với Lénine đều bị đảo ngược hoàn toàn. Raikin nhớ lại: “Khi tôi nhận ra mình bị lừa, mình đã nuốt phải quả lừa ấy, tôi thực sự ngạc nhiên. <…> Với tôi, ông ấy là một trong số những người giúp tôi cảm nhận được một thời đại mới đã thực sự bắt đầu trong đời sống của đất nước chúng ta. Khi tôi thấy có thể như thế, và điều ấy đã diễn ra thật tài tình. Té ra có thể cười hả hê làm sao đối với những gì ta tưởng là bất di bất dịch, tưởng là không thể cười, đồng thời cũng là cười nhạo tất cả chúng ta. Điều đó thật kì diệu. Đó là cảm giác tuyệt vời thế nào ấy về một bầu không khí tự do…”44. Buổi truyền hình của Kurekhin hoá thành bản tổng kết độc đáo bước đi của năm 1990, theo đó hình tượng Lénine trong diễn ngôn của đảng và của xã hội dần dần thay đổi: từ một lãnh tụ bị quy phạm hoá, không thể phê phán, Lénine biến thành một chủ thể xa lạ, trong chiều sâu của bản tính tự nhiên có cả một núi những chuyện bị bưng bít, bí mật từng ảnh hưởng sâu sắc tới bước đi của lịch sử.
Trước khi kết luận, xin phép được trở lại với luận điểm nhập đề ở phần đầu bài viết. Trong suốt chiều dài lịch sử của Liên Xô, biểu tượng Lénin là thành trì từ phía bên ngoài được tựa vào để cấu tứ các diễn ngôn tư tưởng, là ô dù che chở để khẳng định tính chính thống của tư tưởng hệ. Nhưng trong năm 1990, vị trí của Lénin trong cấu trúc diễn ngôn tư tưởng đã thay đổi. Lúc đầu trên mặt báo thấy xuất hiện luận điểm cho rằng, lời nói và tư tưởng đích thực của Lénine đã bị xuyên tạc trong suốt cả chiều dài của lịch sử xô - viết. Luận điểm ấy nêu lên sự nghi ngờ, rằng tất tật những điều Lénine phát biểu đã được in trong các tài liệu gốc thời xô - viết đều là không đúng, đồng thời, nó làm nẩy sinh một nghịch lí nội tại trong cấu trúc của diễn ngôn tư tưởng: một mặt, diễn ngôn tuyên bố nhiệm vụ chính của cải tổ là quay về với Lénine đích thực, mặt khác, nó lại cho rằng không ai rõ Lénine đích thực là gì.
Nghịch lí trên đã dẫn tới sự thay đổi của hình tượng Lénine trong suốt năm 1990 như thế nào, xin không đi sâu vào chi tiết, chỉ xin bổ sung, kết quả chủ yếu của sự thay đổi ấy là nó đã thúc đẩy tình trạng khủng hoảng mới bắt đầu trong cấu trúc của hệ tư tưởng xô - viết. Kéo theo những thay đổi trong tư tưởng hệ là sự triệt tiêu của khả năng bấu víu vào một thứ chân lí tuyệt đối, được áp đặt từ phía bên ngoài mà lúc ấy hình ảnh Lénine chính là biểu tượng. Kết cục là trong con mắt của xã hội, hệ tư tưởng xô - viết bắt đầu đánh mất tính chính thống để biến thành một trong muôn vàn chân lí lớn nhỏ bình đẳng với nhau, và công chúng có thể nghi ngờ khi nhìn nó từ các chân lí khác. Mặt trái của quá trình ấy là tính chính thống của Đảng Cộng sản Liên Xô cũng bị đẩy vào tình trạng khủng hoảng: vai trò dẫn dắt, lãnh đạo của nó với tư cách là đại diện cho hệ tư tưởng xô - viết cũng mất đi tính pháp lí của một thứ chân lí tuyệt đối, không thể bác bỏ. Mặc dù vào những năm cuối của tiến trình cải tổ có rất nhiều sự kiện quan trọng, nhưng chính việc đánh mất vị trí chính thống của Lénine diễn ra vào năm 1990 có thể nói là thay đổi quan trọng nhất tạo nên sự khủng hoảng nhanh chóng và không thể đảo ngược của toàn bộ hệ thống.
Xin nhắc lại một vài kết quả của quá trình ấy. Cứ nhìn vào thực tiễn thay đổi tên gọi của các địa phương gắn với tên tuổi của Lénine, ta sẽ tìm thấy ngay bằng chứng nói lên quá trình xoá bỏ vị trí bất khả xâm phạm của Người. Việc thay đổi tên gọi của thành phố Léningrad là một trong những sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhất. Vào đầu năm 1990, một số dân biểu của Hội đồng thành phố Léningrad đã nêu vấn đề cần phục hồi cho thành phố tên gọi lịch sử Saint - Peterburg. Ở thời điểm ấy, ý tưởng này còn bị xem là viển vông. Đa số dân biểu, kể cả Thị trưởng Anatoli Sobtzak đã biểu quyết chống lại việc đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, trong vòng 12 tháng của năm 1990, hình ảnh Lénine đã có nhiều thay đổi, và đến cuối năm ấy, ý tưởng về việc đổi tên thành phố lại xuất hiện. Vào tháng 5 năm 1991, Hội đồng thành phố Léningrad đã biểu quyết tán thành tổ chức trưng cầu dân ý; và trong cuộc trưng cầu dân ý, tuyệt đại đa số cư dân nhất trí trả lại cho thành phố cái tên gọi lịch sử45.
Khi Lénine không còn là biểu tượng cho tính chính thống thì đảng cũng đánh mất vị trí chính thống của mình: tháng 3 năm 1990, Đại hội đại biểu nhân dân lần thứ III đã huỷ bỏ điều 6 Hiến pháp quy định vai trò dẫn đắt và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô; tháng 6 năm 1990, bộ phận bảo thủ của đảng đã thành lập Ban chấp hành Trung ương đảng toàn Liên bang Nga với ý đồ phục hồi tính chính thống của hệ tư tưởng xô - viết và vai trò lãnh đạo của đảng; tháng 7 năm 1990 diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XXVIII, và nó đã trở thành Đại hội cuối cùng; tại Đại hội, nhóm các đại biểu thuộc phe dân chủ không thực hiện được ý đồ cải tổ Đảng Cộng sản Liên Xô thành Đảng Dân chủ theo kiểu nghị trường; kết quả là nhiều đại biểu (Elsin, Sobtzak, Popov …) đã tuyên bố ra khỏi hàng ngũ của Đảng Liên Xô; làn sóng ra khỏi hàng ngũ Đảng Cộng sản Liên Xô ngày càng lan rộng trên phạm vi toàn quốc (Nếu năm 1989 Đảng Cộng sản Liên Xô mới chỉ mất 140 nghìn đảng viên, thì năm 1990, nhất là từ mùa hè, con số thống kê đã lên tới 2,7 triệu46).
Mùa thu năm sau, năm 1991, Xô - viết tối cao Liên Xô đã ban hành hai sắc lệnh: sắc lệnh về việc đổi tên Lénengrad thành Saint - Peterburg và sắc lệnh về việc nghiêm cấm Đảng Cộng sản Liên Xô. Mặc dù nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự ra đời của hai sắc lệnh ấy là sự thất bại của các lực lượng bảo thủ trong vai trò lãnh đạo của đảng đã mưu toan tiến hành cuộc đảo chính nhà nước, nhưng bản thân việc hình thành và thông qua những sắc lệnh như thế không thể giải thích bằng bạo loạn, mà chỉ có thể giải thích bằng việc Đảng và Lénine đã đánh mất hoàn toàn vị trí chính thống ở cấp độ hệ tư tưởng quốc gia. Nói cách khác, hai sự kiện ấy chỉ củng cố về phương diện pháp lí quá trình biến đổi của tính chính thống về cơ bản đã diễn ra từ trước đó, trong năm 1990.

Lã Nguyên dịch từ nguyên bản tiếng Nga
Đồng Bát, 2 tháng 7 năm 2007
Nguồn: Blog Phạm Viết Đào

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Thái độ của Nguyên TBT Lê Duẩn với Chủ nghĩa Bành trướng trong giới lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc

Bài phát biểu của Lê Duẩn năm 1979
Mô tả: Bài phát biểu của đồng chí Lê Duẩn về tập đoàn phản động Trung Quốc chống Việt Nam.

Nguồn: Thư viện Quân đội Nhân dân, Hà Nội. Tài liệu do Christopher Goscha có được và dịch cho CWIHP.

Nói chung, sau khi chúng ta đánh bại Mỹ, không đế quốc nào dám đánh chúng ta nữa. Chỉ có những người nghĩ rằng họ vẫn có thể đánh chúng ta và dám đánh chúng ta là những kẻ phản động Trung Quốc. Nhưng người dân Trung Quốc hoàn toàn không muốn thế. Tôi không biết những kẻ phản động Trung Quốc này sẽ tiếp tục tồn tại thêm bao lâu nữa. Tuy nhiên, miễn là họ tồn tại, thì họ sẽ tấn công chúng ta như họ vừa thực hiện (nghĩa là đầu năm 1979).

Nếu chiến tranh đến từ phương Bắc, thì các tỉnh [Bắc Trung Bộ] Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa sẽ trở thành cơ sở cho toàn bộ đất nước. Các tỉnh này tốt nhất, là các căn cứ mạnh nhất, tốt nhất và hiệu quả nhất. Vì nếu vùng đồng bằng [Bắc Bộ] tiếp tục là vùng liên tục căng thẳng, thì tình hình sẽ rất phức tạp. Vấn đề không đơn giản chút nào. Nếu không phải là người Việt Nam, thì sẽ không có người nào đánh Mỹ, bởi vì lúc Việt Nam chiến đấu chống Mỹ, cả thế giới còn lại đều sợ Mỹ …

Mặc dù Trung Quốc đã giúp [Bắc] Triều Tiên chỉ với mục đích bảo vệ sườn phía Bắc của họ. Sau khi cuộc chiến kết thúc [ở Triều Tiên] và khi áp lực lên Việt Nam, ông ta (chỗ này hình như nói đến Chu Ân Lai khi đoạn văn sau đó cho thấy vậy) nói rằng, nếu Việt Nam tiếp tục chiến đấu, thì sẽ phải tự lo liệu. Ông ta sẽ không giúp thêm nữa và gây áp lực với chúng ta để ngừng chiến đấu.

Khi chúng ta ký Hiệp Định Geneva, rõ ràng là Chu Ân Lai đã chia đất nước ta làm hai [phần]. Sau khi nước ta bị chia thành hai miền Nam – Bắc như thế, một lần nữa ông ta gây sức ép lên chúng ta, không được làm gì đối với miền Nam Việt Nam. Họ ngăn cấm chúng ta đứng lên [chống lại Việt Nam Cộng hòa do Mỹ hậu thuẫn]. [Nhưng] họ, [người Trung Quốc,] không thể làm gì để ngăn cản chúng ta.
Khi chúng ta ở miền Nam và chuẩn bị chiến tranh du kích ngay sau khi ký Hiệp định Geneva, Mao Trạch Đông đã nói với Đại hội Đảng của chúng ta rằng, ngay lập tức, chúng ta phải buộc Lào chuyển hai tỉnh đã được giải phóng cho chính phủ Viêng Chăn. Nếu không, người Mỹ sẽ tiêu diệt hai tỉnh này, một tình huống rất nguy hiểm [theo cái nhìn của Trung Quốc]! Ngay lập tức, Việt Nam đã phải làm việc với người Mỹ [liên quan đến vấn đề này]. Mao đã bức hiếp chúng ta bằng cách này và chúng ta đã phải làm điều đó.
Sau đó, khi hai tỉnh này đã được chuyển cho Viêng Chăn, những tên phản động [Lào] ngay lập tức bắt giữ Souphanouvong (Chủ tịch Lào từ năm 1975-1986). Lào có hai tiểu đoàn bị bao vây lúc đó. Hơn nữa, họ vẫn chưa sẵn sàng chiến đấu. Sau đó, một tiểu đoàn đã có thể thoát khỏi sự [bao vây]. Lúc đó, tôi đưa ra quan điểm của tôi là, Lào phải được phép tiến hành chiến tranh du kích. Tôi mời Trung Quốc đến và thảo luận về vấn đề này với chúng ta. Tôi nói với họ: “Các đồng chí, nếu các đồng chí tiếp tục gây áp lực với Lào bằng cách này, thì lực lượng của họ sẽ hoàn toàn tan rã. Bây giờ họ phải được phép tiến hành chiến tranh du kích“.
Trương Văn Thiên (Zhang Wentian), người trước đó là Tổng Thư ký [Đảng Cộng sản Trung Quốc] và sử dụng bút danh Lạc Phú, trả lời tôi: “Vâng, các đồng chí, điều các đồng chí nói đúng. Hãy để chúng tôi cho phép tiểu đoàn đó của Lào đảm nhiệm chiến tranh du kích“.
Ngay lập tức, tôi hỏi Trương Văn Thiên: “Các đồng chí, nếu các đồng chí cho phép Lào gánh vác chiến tranh du kích, thì không có gì phải sợ việc phát động chiến tranh du kích ở miền Nam Việt Nam. Điều gì làm cho các đồng chí sợ đến nỗi các đồng chí ngăn cản hành động như thế?”
Ông ta [Trương Văn Thiên] đã nói: “Không có gì phải sợ!”
Trương Văn Thiên đã nói thế. Tuy nhiên, Ho Wei, Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam lúc đó, đã ngồi ở đó và nghe điều đã nói. Ngay lập tức, ông ta điện cho Trung Quốc (báo cáo điều Lê Duẩn và Trương Văn Thiên đã nói). Ngay lập tức, Mao trả lời: “Việt Nam không thể phát động chiến tranh du kích ở miền Nam. Việt Nam phải nằm chờ trong một thời gian dài!” Chúng ta rất nghèo. Làm sao chúng ta có thể đánh Mỹ nếu không có Trung Quốc làm căn cứ hậu tập? Nên chúng ta phải nghe theo họ, đúng không?

Tuy nhiên, chúng ta đã không đồng ý. Chúng ta đã bí mật tiếp tục phát triển lực lượng. Khi [Ngô Đình] Diệm kéo lê máy chém khắp miền Nam Việt Nam, chúng ta đã ban hành lệnh thành lập lực lượng quần chúng để chống lại lệnh đã được lập và nắm quyền [từ chính phủ Diệm]. Chúng ta đã không chú ý [đến Trung Quốc].

Khi cuộc nổi dậy giành chính quyền bắt đầu, chúng tôi đi Trung Quốc để gặp Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình. Đặng Tiểu Bình đã nói với tôi: “Đồng chí, bây giờ sai lầm của đồng chí đã xảy ra rồi, đồng chí chỉ nên đánh ở mức trung đội trở xuống“. Đó là áp lực mà họ đã áp đặt lên chúng ta.
Tôi nói [với Trung Quốc]: “Vâng, vâng! tôi sẽ làm điều đó. Tôi sẽ chỉ chiến đấu ở mức một trung đội trở xuống“.

Sau khi chúng ta chiến đấu và Trung Quốc nhận ra rằng chúng ta có thể chiến đấu hiệu quả, đột nhiên Mao có suy nghĩ mới. Ông ta nói rằng, vì Mỹ đánh chúng ta, ông ta sẽ đưa quân đội [Trung Quốc] đến giúp chúng ta xây dựng đường xá. Mục tiêu chính của ông ta là tìm hiểu tình hình đất nước ta để sau này ông ta có thể tấn công chúng ta và từ đó mở rộng xuống khu vực Đông Nam Á. Không có lý do nào khác.

Chúng tôi biết rõ ý đồ này, nhưng phải cho phép họ (sự xâm nhập của quân đội Trung Quốc). Thôi thì cũng được. Nhưng họ quyết định đưa quân vào. Tôi yêu cầu họ chỉ gửi người, nhưng quân lính của họ đã đến cùng với súng đạn. Tôi cũng phải chịu điều này.
Sau đó, ông ta (Mao Trạch Đông) bắt chúng ta phải nhận 20.000 quân của ông ta đến xây một con đường từ Nghệ Tĩnh vào Nam Bộ (thuật ngữ tiếng Việt chỉ miền Nam Việt Nam). Tôi từ chối. Họ tiếp tục yêu cầu nhưng tôi không nhượng bộ. Họ gây áp lực với tôi cho quân của họ vào nhưng tôi đã không chấp thuận. Họ tiếp tục gây sức ép nhưng tôi vẫn không chịu.

Tôi đưa ra những ví dụ này để các đồng chí thấy họ có âm mưu cướp nước ta từ lâu và âm mưu đó ác độc như thế nào.
– Sau khi Mỹ đưa hàng trăm ngàn quân vào miền Nam Việt Nam, chúng ta đã phát động cuộc tổng tấn công vào năm 1968 để buộc họ giảm leo thang. Để đánh bại Hoa Kỳ, một điều cần phải biết là làm thế nào để họ từ từ giảm leo thang. Đó là chiến lược của chúng ta. Chúng ta chiến đấu chống một kẻ thù lớn, kẻ thù với dân số 200 triệu người và thống trị thế giới. Nếu chúng ta không thể làm cho họ giảm leo thang từng bước, thì chúng ta sẽ thất bại và không thể tiêu diệt kẻ thù. Chúng ta phải đấu tranh để làm nhụt ý chí họ để buộc họ phải đi đến bàn đàm phán với chúng ta mà không cho phép họ đưa thêm quân.
Đến lúc họ muốn thương lượng với chúng ta, Ho Wei đã viết một bức thư cho chúng tôi, nói rằng: “Các ông không thể ngồi xuống đàm phán với Hoa Kỳ. Các ông phải đưa quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam để đánh với họ“. Ông ta gây áp lực với chúng tôi cách này, làm cho chúng tôi bối rối vô cùng. Đây không phải là vấn đề hoàn toàn đơn giản. Rất là mệt mỏi mỗi khi tình huống như thế phát sinh [với Trung Quốc].
Chúng tôi quyết định không thực hiện cách đó (nói đến lời khuyên của Hồ Wei không đàm phán với Hoa Kỳ). Chúng tôi phải ngồi xuống ở Paris. Chúng tôi phải làm cho họ (Mỹ) giảm leo thang để đánh bại họ. Trong thời gian đó, Trung Quốc đã thông báo [với Mỹ]: “Nếu các ông không tấn công tôi, tôi sẽ không tấn công các ông. Nhưng rất nhiều quân lính mà các ông muốn đưa vào Việt Nam, tùy các ông“. Trung Quốc nhất trí điều này và đã gây áp lực với chúng tôi bằng cách đó.
Họ (Trung Quốc) đã trao đổi nhiều với Mỹ và ép buộc chúng ta phục vụ như là một con bài để mặc cả theo cách này. Khi người Mỹ nhận ra rằng họ đã thua trận, ngay lập tức, họ sử dụng Trung Quốc để [tạo điều kiện] rút quân [ở miền Nam Việt Nam]. Nixon và Kissinger đã đến Trung Quốc để thảo luận vấn đề này.

- Trước khi Nixon đi Trung Quốc, [mục đích chuyến đi của ông ta là] giải quyết vấn đề Việt Nam bằng cách đó, để phục vụ lợi ích của Mỹ và giảm bớt thất bại của Mỹ, cũng như cùng lúc cho phép ông ta lôi kéo Trung Quốc về phía Mỹ. Chu Ân Lai đã đến gặp tôi. Chu Ân Lai nói với tôi: “Lúc này, Nixon đến gặp tôi chủ yếu là thảo luận về vấn đề Việt Nam, do vậy tôi phải đến gặp đồng chí để thảo luận điều đó với đồng chí“.
Tôi trả lời: “Đồng chí, đồng chí có thể nói bất cứ điều gì đồng chí thích, nhưng tôi không nghe theo đồng chí. Đồng chí là người Trung Quốc, tôi là người Việt. Việt Nam là của tôi (đất nước của tôi), hoàn toàn không phải của các đồng chí. Các đồng chí không có quyền nói [về vấn đề Việt Nam] và các đồng chí không có quyền thảo luận [các vấn đề đó với Mỹ]. Hôm nay, các đồng chí, chính tôi sẽ nói với các đồng chí điều mà thậm chí tôi chưa hề nói với Bộ Chính trị, rằng đồng chí đã nêu ra vấn đề nghiêm trọng và vì thế tôi phải nói:



- Năm 1954, khi chúng tôi giành chiến thắng tại Điện Biên Phủ, tôi đã ở [tỉnh] Hậu Nghĩa. Bác Hồ đã điện nói với tôi rằng, tôi phải vào miền Nam để tập hợp [các lực lượng ở đó] và nói chuyện với đồng bào miền Nam [về vấn đề này]. Tôi đi bằng xe tải vào miền Nam. Trên đường đi, đồng bào ra chào đón tôi vì họ nghĩ rằng chúng tôi đã giành chiến thắng. Đau đớn vô cùng! Nhìn đồng bào miền Nam, tôi đã khóc. Vì sau đó, Hoa Kỳ sẽ đến và tàn sát [người dân] một cách khủng khiếp.


Khi vừa tới miền Nam, ngay lập tức, tôi đã điện cho Bác Hồ để xin ở lại [miền Nam] và không trở lại miền Bắc để tôi có thể đánh thêm mười năm nữa hoặc hơn. Đồng chí đã gây khó khăn cho tôi như thế này (muốn nói đến vai trò của Chu Ân Lai trong việc chia cắt Việt Nam tại Geneva năm 1954), đồng chí có biết không“?
Chu Ân Lai nói: “Tôi xin lỗi đồng chí. Tôi đã sai. Điều đó tôi sai” (muốn nói đến sự chia cắt Việt Nam tại Geneva). Sau khi Nixon rời khỏi Trung Quốc, một lần nữa, ông ta (Chu Ân Lai) đến Việt Nam để hỏi tôi về một số vấn đề liên quan đến cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, ngay lập tức, tôi nói với Chu Ân Lai: “Nixon đã gặp các đồng chí rồi. Chẳng bao lâu nữa, họ (Hoa Kỳ) sẽ tấn công chúng tôi thậm chí còn mạnh hơn“.

Tôi hoàn toàn không sợ. Cả hai (Mỹ và Trung Quốc) đã thương lượng với nhau để đánh tôi mạnh hơn. Ông ta (Chu Ân Lai) đã không bác bỏ quan điểm này là vô căn cứ và chỉ nói rằng: “Tôi sẽ gửi thêm súng đạn cho các đồng chí“.
Sau đó ông ta (Chu Ân Lai) nói (về mối lo ngại âm mưu bí mật Trung – Mỹ): “Không có điều đó“. Tuy nhiên, hai bên đã thảo luận làm thế nào để đánh chúng ta mạnh hơn, gồm các cuộc tấn công bằng bom B-52 và phong tỏa cảng Hải Phòng. Rõ ràng là như thế.
– Nếu Liên Xô và Trung Quốc đã không mâu thuẫn với nhau, thì Hoa Kỳ không thể tấn công chúng ta quyết liệt như họ đã tấn công. Khi hai [cường quốc Trung Quốc và Liên Xô] xung đột, người Mỹ đã không bị [phe đối lập là khối xã hội chủ nghĩa] cản trở. Mặc dù Việt Nam có thể thống nhất và đoàn kết với cả Trung Quốc lẫn Liên Xô, để đạt được điều này rất phức tạp, lúc đó chúng ta phải dựa vào Trung Quốc nhiều thứ. Lúc đó, hàng năm Trung Quốc cung cấp viện trợ 500.000 tấn thực phẩm, cũng như súng ống, đạn dược, tiền bạc, chưa kể đến viện trợ đô la. Liên Xô cũng đã giúp bằng cách này. Nếu chúng ta không thể làm điều đó (đoàn kết và thống nhất với Trung Quốc và Liên Xô), mọi thứ sẽ rất nguy hiểm.

Mỗi năm tôi đã phải đi Trung Quốc hai lần để nói chuyện với họ (lãnh đạo Trung Quốc) về [các sự kiện] ở miền Nam Việt Nam. Về phía Liên Xô, tôi không phải nói gì cả (về tình hình ở miền Nam Việt Nam). Tôi chỉ nói một cách chung chung. Khi giao thiệp với Trung Quốc, tôi đã phải nói rằng cả hai [nước] đang đánh Mỹ. Tôi đã đi một mình. Tôi phải có mặt về vấn đề này. Tôi đã đến đó và nói chuyện với họ nhiều lần bằng cách này, mục đích chính là để xây dựng quan hệ gần gũi hơn giữa hai bên (nghĩa là Trung Quốc và Việt Nam). Chính xác là vào thời điểm đó Trung Quốc gây áp lực với chúng ta để xa lánh Liên Xô, cấm chúng ta không được đi với Liên Xô.
Họ đã làm rất căng. Đặng Tiểu Bình, cùng với Khang Sinh đã đến và nói với tôi: “Đồng chí, tôi sẽ giúp đồng chí vài tỷ [có lẽ là nhân dân tệ] mỗi năm. Đồng chí không thể nhận bất cứ thứ gì từ Liên Xô“.
Tôi không đồng ý điều này. Tôi nói: “Không, chúng ta phải đoàn kết và thống nhất với toàn bộ phe [xã hội chủ nghĩa]“.
Năm 1963, khi Khrushchev phạm sai lầm, ngay lập tức [Trung Quốc] ban hành một tuyên bố 25 điểm và mời đảng chúng ta đến cho ý kiến . Anh Trường Chinh và tôi đã đi cùng với một số anh em khác. Trong cuộc thảo luận, họ (Trung Quốc) lắng nghe chúng tôi đến, hình như là điểm thứ 10, nhưng khi đến điểm “không từ bỏ phe xã hội chủ nghĩa”, họ đã không nghe… Đặng Tiểu Bình nói: “Tôi chịu trách nhiệm về tài liệu của chính tôi, tôi muốn nghe ý kiến ​​của các đồng chí, nhưng tôi không chấp nhận quan điểm này của các đồng chí“.
Trước khi chúng tôi ra về, Mao gặp anh Trường Chinh và tôi. Mao ngồi xuống trò chuyện với chúng tôi và cuối cùng ông ta tuyên bố: “Các đồng chí, tôi muốn nói cho các đồng chí biết điều này. Tôi sẽ là chủ tịch của 500 triệu nông dân đang thiếu đất, và tôi sẽ mang một đạo quân tiến xuống khu vực Đông Nam Á“. Đặng Tiểu Bình cũng ngồi ở đó, nói thêm: “Chủ yếu là vì nông dân nghèo, trong tình cảnh khó khăn cùng cực!”

Khi chúng tôi ra ngoài, tôi nói với anh Trường Chinh: “Đó anh thấy đó, âm mưu chiếm nước ta và Đông Nam Á. Bây giờ đã rõ rồi“. Họ dám tuyên bố điều đó như thế. Họ nghĩ chúng ta không hiểu. Đúng là không lúc nào họ không nghĩ đến đánh Việt Nam!

Tôi sẽ nói với các đồng chí nhiều hơn để các đồng chí có thể thấy thêm về tầm quan trọng quân sự trong vấn đề này.

Mao hỏi tôi: Ở Lào, có bao nhiêu cây số vuông đất?
Tôi trả lời: Khoảng 200.000 cây số vuông.

Mao hỏi: Dân số của họ bao nhiêu?
Tôi trả lời: Khoảng 3 triệu!

Mao nói: Như vậy là không nhiều! Tôi sẽ đưa dân tôi đến đó, thật mà!
Mao hỏi: Có bao nhiêu cây số vuông đất ở Thái Lan?
Tôi trả lời: Khoảng 500.000 cây số vuông.
Mao hỏi: Có bao nhiêu người?
Tôi trả lời: Khoảng 40 triệu!
Mao nói: Lạy Chúa! Tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc có 500.000 cây số vuông, nhưng có tới 90 triệu người. Tôi cũng sẽ đưa một số người dân của tôi tới Thái Lan!



Đối với Việt Nam, họ không dám nói về việc đưa người tới theo cách này. Tuy nhiên, ông ta (Mao) nói với tôi: “Đồng chí, có đúng là người của các đồng chí đã chiến đấu và đánh bại quân Nguyên?” Tôi nói: “Đúng“. Ông ta hỏi: “Có phải cũng chính người của đồng chí đã đánh bại quân Thanh?” Tôi nói: “Đúng“. Ông ta nói: “Và quân Minh nữa, phải không?” Tôi nói: “Đúng, và cả các ông nữa. Tôi đánh các ông luôn. Các ông có biết điều đó không?“

Tôi đã nói với Mao Trạch Đông như thế. Ông ta nói: “Có, có!” Ông ta muốn chiếm Lào, cả Thái Lan, cũng như muốn chiếm tất cả các nước Đông Nam Á. Đưa người dân đến sống ở đó. Quan điểm đó thật là phức tạp.

Trong quá khứ (nói đến vấn đề có thể xuất phát từ mối đe dọa của Trung Quốc trong thời gian này), chúng ta đã chuẩn bị rất nhiều, không phải là chúng ta không chuẩn bị. Nếu chúng ta không chuẩn bị, tình hình gần đây sẽ rất nguy hiểm. Không phải là vấn đề đơn giản.

Mười năm trước, tôi đã triệu tập các anh em trong quân đội đến gặp tôi. Tôi nói với họ rằng Liên Xô và Mỹ mâu thuẫn với nhau. Đối với Trung Quốc, họ đã bắt tay với đế quốc Mỹ. Trong tình hình căng thẳng này, các đồng chí phải nghiên cứu vấn đề này ngay lập tức. Tôi sợ rằng quân đội không hiểu ý tôi, nên tôi nói với họ rằng, không có cách nào khác để hiểu vấn đề này. Nhưng họ vẫn thấy khó hiểu. Hoàn toàn không dễ. Nhưng tôi không thể nói bằng cách nào khác. Và tôi đã không cho phép những kẻ khác túm lấy tôi.
Khi tôi đến Liên Xô, Liên Xô cũng làm khó tôi về Trung Quốc. Liên Xô đã triệu tập một cuộc họp gồm 80 đảng [cộng sản] để hỗ trợ Việt Nam, nhưng Việt Nam không tham dự hội nghị này, vì [buổi hợp này] không chỉ đơn giản chỉ nhằm giúp Việt Nam, mà còn có mục đích lên án Trung Quốc. Nên Việt Nam đã không đi.

Liên Xô nói: “Bây giờ các đồng chí bỏ rơi chủ nghĩa quốc tế [hay] là cái gì? Tại sao các đồng chí làm điều này?” Tôi nói: “Tôi hoàn toàn không bỏ rơi chủ nghĩa quốc tế. Tôi không bao giờ làm điều này. Tuy nhiên, để là người quốc tế, trước tiên phải đánh bại Mỹ. Và nếu một nước muốn đánh bại Mỹ, thì phải có sự thống nhất và đoàn kết với Trung Quốc. Nếu tôi đến hội nghị này, thì Trung Quốc sẽ gây nhiều khó khăn lớn với chúng tôi. Các đồng chí, hãy hiểu cho tôi“.
Tại Trung Quốc cũng có nhiều ý kiến và tranh luận ​​khác nhau. Chu Ân Lai đồng ý việc hình thành một mặt trận với Liên Xô để chống Mỹ. Một lần, khi tôi đi Liên Xô để dự lễ kỷ niệm quốc gia, tôi có đọc một bức điện Trung Quốc gửi sang Liên Xô, nói rằng: “Bất cứ khi nào có ai đó tấn công Liên Xô, thì Trung Quốc sẽ đứng bên cạnh các bạn“. Đó là vì đã có một hiệp ước hữu nghị giữa Liên Xô và Trung Quốc từ thời trước đó (tháng 2 năm 1950).

Ngồi cạnh Chu Ân Lai, tôi hỏi ông ta: “Trong bức điện gửi đến Liên Xô gần đây, đồng chí đồng ý thành lập một mặt trận với Liên Xô, nhưng tại sao các đồng chí không thành lập một mặt trận chống Mỹ?” Chu Ân Lai nói: “Chúng tôi có thể thành lập mặt trận chống Mỹ. Tôi chia sẻ quan điểm đó. Các đồng chí, tôi sẽ thành lập một mặt trận với các đồng chí [Việt Nam]“. Bành Chân cũng ngồi ở đó, nói thêm: “Quan điểm này cực kỳ chính xác!” Nhưng khi vấn đề được thảo luận tại Thượng Hải, Mao nói là không thể và hủy bỏ nó. Các đồng chí thấy nó phức tạp như thế nào.
Mặc dù Chu Ân Lai giữ vững một số quan điểm này, ông ta dù sao cũng đồng ý xây dựng một mặt trận và [ông ta] đã giúp Việt Nam rất nhiều. Cám ơn ông ta rằng tôi có thể hiểu [nhiều về những gì đang diễn ra ở Trung Quốc]. Nếu không thì sẽ rất nguy hiểm. Có lần, ông ta nói với tôi: “Tôi đang làm hết sức mình để tồn tại ở đây, sử dụng Li Chiang tích lũy và hỗ trợ cho các đồng chí“. Thì ra vậy (tức là Chu Ân Lai đã sử dụng Li Chiang, để giúp người Việt Nam). Có nghĩa là, không có Chu Ân Lai, điều này sẽ hoàn toàn không thể xảy ra. Tôi đang mắc nợ ông ta.
Tuy nhiên, không đúng để nói rằng các lãnh đạo khác của Trung Quốc hoàn toàn chia sẻ quan điểm của Chu Ân Lai. Họ khác nhau nhiều thứ. Phải nói rằng, người kiên quyết nhất là người có tinh thần Đại Hán và là người muốn chiếm Đông Nam Á, đó chính là Mao Trạch Đông. Tất cả các chính sách [của Trung Quốc] đều nằm trong tay ông ta.
Điều tương tự cũng áp dụng đối với các nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta không biết tương lai sẽ ra sao, [sự thật của vấn đề là] họ đã tấn công chúng ta. Trong quá khứ, Đặng Tiểu Bình đã làm hai điều mà hiện đang bị đảo lộn. Đó là, khi chúng ta giành chiến thắng ở miền Nam Việt Nam, nhiều [lãnh đạo] Trung Quốc không hài lòng. Tuy nhiên, dù sao Đặng Tiểu Bình cũng chúc mừng chúng ta. Vì lý do này, ngay lập tức ông ta đã bị những người khác xem như là người theo chủ nghĩa xét lại.
Khi tôi đi Trung Quốc lần cuối, tôi dẫn đầu phái đoàn, và tôi đã gặp phái đoàn Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình đứng đầu. Khi nói về vấn đề lãnh thổ, gồm cả việc thảo luận về một số hòn đảo, tôi nói: “Hai đất nước chúng ta ở gần nhau, Có một số vùng lãnh thổ của chúng ta vẫn chưa được xác định rõ ràng. Hai bên nên thành lập các cơ quan để xem xét vấn đề này. Các đồng chí, làm ơn đồng ý với tôi [về vấn đề này]”. Ông ta (Đặng Tiểu Bình) đồng ý, nhưng sau khi làm như vậy, ngay lập tức ông ta bị nhóm lãnh đạo khác xem như là người theo chủ nghĩa xét lại.
Nhưng bây giờ ông ta (Đặng Tiểu Bình) điên rồi. Bởi vì ông ta muốn cho mọi người thấy rằng ông ta không phải là người theo chủ nghĩa xét lại, cho nên ông ta đã tấn công Việt Nam mạnh hơn. Ông ta để cho họ tiếp tục tấn công Việt Nam.

Sau khi đánh bại Mỹ, chúng ta giữ lại hơn một triệu quân, các đồng chí lãnh đạo Liên Xô hỏi chúng tôi: “Các đồng chí định đánh với ai mà giữ lại một đội quân thường trực lớn như vậy?” Tôi nói: “Sau này, các đồng chí sẽ hiểu“. Lý do duy nhất chúng ta giữ quân đội thường trực như thế là vì mối đe dọa của Trung Quốc đối với Việt Nam. Nếu không có [một mối đe dọa như thế], thì điều này (quân đội thường trực lớn) sẽ không cần. Gần đây, bị tấn công trên hai mặt trận, [chúng ta có thể thấy rằng] rất nguy hiểm nếu chúng ta đã không được duy trì một đội quân lớn.
(B) (Ý nghĩa của chữ “B” này trong văn bản gốc không rõ ràng) – Sau Đệ nhị Thế chiến, tất cả mọi người tin rằng tên sen đầm quốc tế là đế quốc Mỹ. Họ có thể tiếp quản và bắt nạt cả thế giới. Tất cả các nước, gồm các nước lớn đều sợ Mỹ. Chỉ có Việt Nam là không sợ Mỹ.
Tôi hiểu vấn đề này vì công việc đã dạy tôi. Người đầu tiên sợ [Mỹ] là Mao Trạch Đông. Ông ta nói với tôi, đó là, Việt Nam và Lào, rằng: “Ngay lập tức, các ông phải chuyển giao hai tỉnh của Lào đã được giải phóng cho chính phủ Viêng Chăn. Nếu các ông không làm như vậy, thì Mỹ sẽ sử dụng điều đó làm lý do tấn công. Đó là mối nguy lớn”. Về phía Việt Nam, chúng tôi đã nói: “Chúng ta phải chiến đấu chống Mỹ để giải phóng miền Nam Việt Nam“. Ông ta (Mao) nói: “Các ông không thể làm điều đó. Miền Nam Việt Nam phải nằm đợi trong một thời gian dài, đợi một đời, 5-10 đời hoặc thậm chí 20 đời kể từ bây giờ. Các ông không thể đánh Mỹ. Đánh Mỹ là nguy hiểm“. Mao Trạch Đông đã sợ Mỹ đến mức độ đó…
Nhưng Việt Nam không sợ. Việt Nam đã tiếp tục chiến đấu. Nếu Việt Nam không đánh Mỹ thì miền Nam Việt Nam sẽ không được giải phóng. Một đất nước chưa được giải phóng sẽ vẫn là một đất nước lệ thuộc. Không ai có được độc lập nếu chỉ có một nửa đất nước được tự do. Không có được độc lập cho đến năm 1975, đất nước chúng ta cuối cùng có được độc lập hoàn toàn. Có độc lập, tự do sẽ đến. Tự do phải là tự do cho cả nước Việt Nam …
Engels đã nói về chiến tranh nhân dân. Sau đó, Liên Xô, Trung Quốc và chính chúng ta cũng đã nói [về vấn đề này]. Tuy nhiên, ba nước rất khác về nội dung [chiến tranh nhân dân]. Không đúng là chỉ vì các bạn có hàng triệu người, thì các bạn có thể làm bất cứ điều gì các bạn muốn. Trung Quốc cũng nói đến chiến tranh nhân dân, tuy nhiên, [họ cho rằng] “khi kẻ thù tiến lên, thì chúng ta phải rút lui“. Nói cách khác, phòng thủ là chính, và chiến tranh được chia thành ba giai đoạn, vùng nông thôn được sử dụng để bao vây thành thị, trong khi [các lực lượng chính] chỉ ở lại trong rừng núi… Người Trung Quốc ở thế phòng thủ và rất yếu [trong Đệ nhị Thế chiến]. Ngay cả với 400 triệu người đọ sức với quân đội Nhật Bản có 300.000 – 400.000 quân, Trung Quốc vẫn không thể đánh bại họ.
Tôi phải lặp lại điều này như thế, vì trước khi Trung Quốc gửi cố vấn cho chúng ta, một số anh em Việt Nam chúng ta không hiểu. Họ nghĩ rằng [Trung Quốc] rất có khả năng. Nhưng họ không có kỹ năng và do đó chúng ta đã không làm theo [những lời khuyên của Trung Quốc].

Năm 1952, tôi rời miền Bắc sang Trung Quốc vì tôi bị bệnh và cần điều trị. Đây là lần đầu tiên tôi đi nước ngoài. Tôi đặt câu hỏi cho họ (Trung Quốc) và thấy nhiều điều rất lạ. Có những khu vực [đã bị] quân Nhật chiếm đóng, mỗi khu có dân số khoảng 50 triệu người, nhưng không có lấy một chiến binh du kích…

Khi tôi từ Trung Quốc trở về, tôi đã gặp Bác [Hồ]. Bác hỏi tôi:

- Đây là lần đầu tiên chú đi ra nước ngoài, phải không?

Vâng, đây là lần đầu tiên tôi đi ra nước ngoài.

- Chú đã thấy gì?

Tôi thấy hai điều: Việt Nam rất dũng cảm và họ (Trung Quốc) không dũng cảm chút nào.
Tôi hiểu điều này kể từ ngày đó. Chúng ta (Việt Nam) hoàn toàn khác với họ. Lòng can đảm vốn có trong con người Việt Nam và do đó chúng ta chưa bao giờ có một chiến lược phòng thủ (ý nói ở thế thủ). Mọi người dân chiến đấu.

Gần đây, họ (Trung Quốc) đã mang hàng trăm ngàn quân vào xâm chiếm nước ta. Hầu hết, chúng ta đã sử dụng lực lượng dân quân và quân đội trong vùng để tấn công họ. Chúng ta không ở thế thủ và do đó họ phải lùi bước. Họ không thể quét sạch dù một trung đội Việt Nam, trong khi chúng ta đã xóa sổ vài trung đoàn và hàng chục tiểu đoàn của họ. Có được như vậy là vì chiến lược tấn công của chúng ta.
Đế quốc Mỹ đã đánh với chúng ta trong một cuộc chiến kéo dài. Họ rất mạnh, nhưng họ đã thua. Nhưng có một yếu tố đặc biệt, đó là những mâu thuẫn gay gắt giữa Trung Quốc và Liên Xô. [Vì điều này,] họ đã tấn công chúng ta mạnh như thế này.
… Việt Nam đã chiến đấu chống Mỹ, và đã chiến đấu rất quyết liệt, nhưng chúng ta biết rằng Hoa Kỳ là một nước rất lớn, khả năng tích lũy hơn 10 triệu quân và đưa tất cả các loại vũ khí được xem là mạnh của họ vào để đánh chúng ta. Vì vậy, chúng ta đã phải chiến đấu trong một thời gian dài để làm cho cho họ giảm leo thang. Chúng ta là những người có thể làm được điều đó, Trung Quốc thì không thể. Khi quân đội Mỹ tấn công Quong Tre (Quảng Trị?), ngay lập tức Bộ Chính trị ra lệnh đưa quân đội vào chiến đấu. Chúng ta không sợ.

Sau đó tôi đi Trung Quốc gặp Chu Ân Lai. Ông ta nói với tôi: “Điều đó (cuộc tấn công vào Quảng Trị) có lẽ là chưa từng có, có một không hai. Chỉ có một [cơ hội] trên đời này, không có cơ hội thứ hai. Không ai dám làm những điều các đồng chí đã làm“.
… Chu Ân Lai là người đứng đầu Bộ Tham mưu. Ông ta dám nói, ông ta thẳng thắn hơn. Ông ta nói với tôi: “Nếu tôi biết trước cái cách mà các đồng chí sử dụng, chúng tôi không cần Vạn lý Trường chinh“.

Vạn lý Trường chinh là gì? Vào đầu cuộc hành quân có 300.000 quân, đến cuối Vạn lý Trường chinh chỉ còn 30.000 quân. 270.000 người đã chết. Thực sự ngu ngốc khi thực hiện cách này. Nói như vậy để các đồng chí biết chúng ta đang đi trước họ như thế nào. Trong tương lai không xa, nếu chúng ta chiến đấu chống lại Trung Quốc, chúng ta chắc chắn sẽ giành chiến thắng … Tuy nhiên, sự thật là nếu một nước khác [không phải Việt Nam] chiến đấu chống lại Trung Quốc, không rõ họ có giành được chiến thắng như thế này không (như Việt Nam).
… Nếu Trung Quốc và Liên Xô thống nhất với nhau, không chắc Hoa Kỳ có dám đánh chúng ta hay không. Nếu hai nước thống nhất và liên kết với nhau để giúp chúng ta, không chắc Hoa Kỳ có dám đánh chúng ta cái cách mà họ đã đánh. Họ sẽ do dự ngay từ đầu. Họ sẽ do dự như thời Kennedy. Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô, tất cả đã giúp Lào và ngay lập tức Mỹ ký một hiệp ước với Lào. Họ không dám gửi quân Mỹ sang Lào, họ để cho Đảng [Nhân dân Cách mạng] Lào tham gia chính phủ ngay lập tức. Họ không dám tấn công Lào nữa.

Sau đó, khi hai nước [Liên Xô và Trung Quốc] xung đột với nhau, Mỹ được [Trung Quốc] thông báo là họ có thể tiến tới và tấn công Việt Nam mà không sợ. Đừng sợ [sự trả đũa của Trung Quốc]. Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông đã nói với Mỹ: “Nếu các ông không tấn công tôi, thì tôi sẽ không tấn công các ông. Các ông có thể đưa nhiều quân vào miền Nam Việt Nam mà các ông muốn. Tùy các ông“.
… Hiện tại, chúng ta có biên giới với một nước rất mạnh, một nước với ý đồ bành trướng mà nếu muốn được thực hiện, phải bắt đầu với một cuộc xâm lược Việt Nam. Vì vậy, chúng ta phải chung vai gánh vác, vai trò lịch sử khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta chưa bao giờ trốn tránh trách nhiệm lịch sử. Trước đây, Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ của mình, và lần này Việt Nam xác định không cho phép họ bành trướng. Việt Nam giữ độc lập riêng mình và làm như vậy cũng là để bảo vệ nền độc lập của các nước Đông Nam Á. Việt Nam kiên quyết không để Trung Quốc thực hiện âm mưu bành trướng. Trận đánh gần đây [với Trung Quốc] chỉ là vòng một. Hiện họ vẫn còn chuẩn bị nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, bất kể họ chuẩn bị đến mức độ nào, Việt Nam cũng sẽ thắng …

Tiến hành chiến tranh không phải là đi bộ thong thả trong rừng. Gửi một triệu quân vào cuộc chiến chống lại một nước ở bên ngoài liên quan đến vô số khó khăn. Gần đây họ đưa 500.000 – 600.000 binh lính để đánh chúng ta, nhưng họ đã không có thiết bị vận tải đầy đủ để cung cấp lương thực cho quân đội của họ. Trung Quốc hiện đang chuẩn bị 3,5 triệu quân, nhưng họ phải để lại một nửa số quân đó ở biên giới [Trung-Xô] để ngăn chặn Liên Xô. Vì lý do đó, nếu họ đưa 1 hoặc 2 triệu quân vào để đánh chúng ta, chúng ta sẽ không sợ bất cứ điều gì. Chúng ta chỉ có 600.000 quân tham gia, và trong tương lai gần, nếu chúng ta phải đánh với 2 triệu quân, sẽ không có vấn đề gì cả. Chúng ta không sợ.
Chúng ta không sợ bởi vì chúng ta biết cách đánh. Nếu họ đưa 1 triệu quân, họ sẽ chỉ giành được một chỗ đứng ở miền Bắc. Đi xuống vùng trung du, vùng đồng bằng và Hà Nội và thậm chí xuống dưới sẽ khó khăn hơn nữa.

Các đồng chí, như các đồng chí biết, bọn Hitler tấn công quyết liệt theo cách này, nhưng khi họ (Đức Quốc xã) đến Leningrad, họ không thể vào được. Với thành phố, người dân và các công trình phòng thủ, không thể nào thực hiện các cuộc tấn công hiệu quả chống lại mỗi người và mọi người. Thậm chí đánh trong hai, ba hoặc bốn năm, họ vẫn không thể vào. Mỗi làng ở đó (ở miền Bắc) thì giống như thế. Đường lối của chúng ta là: mỗi huyện là một pháo đài, mỗi tỉnh là một chiến trường. Chúng ta sẽ chiến đấu và họ sẽ không thể nào vào được cả.
Tuy nhiên, không bao giờ đủ khi chỉ đánh kẻ thù ở tiền tuyến. Phải có một đội quân hậu tập trực tiếp mạnh mẽ. Sau trận đánh gần đây kết thúc, chúng tôi đánh giá rằng, trong tương lai không xa, chúng ta phải đưa thêm vài triệu người đến mặt trận phía Bắc. Nhưng kẻ thù đến từ phía bắc, hậu phương trực tiếp cho cả nước phải là Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh … Hậu phương trực tiếp bảo vệ thủ đô phải là Thanh Hóa và Nghệ Tĩnh. Chúng ta có đủ người. Chúng ta có thể đánh chúng bằng nhiều cách … Chúng ta có thể sử dụng 2-3 quân đoàn để giánh một cú mạnh vào chúng, sẽ làm cho chúng lảo đảo, trong khi chúng ta tiếp tục giữ đất của chúng ta. Để đạt được mục đích này, mỗi người lính phải là một người lính thực và mỗi đội phải là một đội hình thực sự.
– Bây giờ đã đánh xong một trận rồi, chúng ta không nên chủ quan. Chủ quan và đánh giá thấp kẻ thù là sai lầm, nhưng thiếu tự tin cũng sai. Chúng ta không chủ quan, chúng ta không đánh giá thấp kẻ thù. Nhưng chúng ta cũng tự tin và vững tin vào chiến thắng của chúng ta. Chúng ta cần phải có cả hai điều này.
– Bây giờ Trung Quốc có âm mưu đánh [chúng ta] để mở rộng xuống phía Nam. Nhưng trong thời đại hiện nay họ không thể đánh và dọn dẹp một cách dễ dàng. Trung Quốc chỉ đánh Việt Nam có vài ngày mà cả thế giới đã hét lên: “Không được đụng đến Việt Nam“! Thời đại hiện nay không giống như thời xưa. Trong những ngày này, không chỉ có chúng ta và họ (muốn nói Trung Quốc). Bây giờ cả thế giới đang gắn chặt với nhau. Loài người vẫn chưa hoàn toàn đi vào giai đoạn xã hội chủ nghĩa, nhưng đây là lúc mọi người đều muốn độc lập và tự do. [Ngay cả] trên các đảo nhỏ, người dân cũng muốn độc lập, tự do.

Cả nhân loại hiện nay như thế. Điều đó là rất khác với thời xưa. Thời đó, người dân chưa nhận thức rõ những điều này. Do đó, câu của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là một ý tưởng của thời đại hiện nay. Đụng đến Việt Nam là đụng đến nhân loại và xâm phạm độc lập, tự do … Việt Nam là một quốc gia tượng trưng cho độc lập và tự do.

- Khi phải chiến đấu chống Mỹ, anh em chúng ta trong Bộ Chính trị đã thảo luận với nhau về vấn đề này, cân nhắc liệu chúng ta có dám đánh Mỹ hay không. Tất cả đều đồng ý đánh. Bộ Chính trị đã bày tỏ quyết tâm: để chiến đấu chống Mỹ, chúng ta không sợ Mỹ. Tất cả đều đồng tâm. Khi tất cả đã đồng ý đánh Mỹ, không sợ Mỹ, chúng ta cũng không sợ Liên Xô. Tất cả đều đồng ý. Chúng ta cũng không sợ Trung Quốc. Tất cả đều đồng ý. Nếu chúng ta không sợ ba điều này, chúng ta có thể đánh Mỹ. Đó là cách chúng tôi đã thực hiện trong Bộ Chính trị hồi đó.

Mặc dù Bộ Chính trị đã gặp và tổ chức các buổi thảo luận như thế và mọi người đồng lòng, sau này có một người đã nói với một đồng chí điều mà tôi đã nói. Đồng chí đó đặt câu hỏi cho Bộ Chính trị, hỏi lý do gì mà Anh Ba một lần nữa lại nói rằng, nếu chúng ta muốn đánh Mỹ, thì chúng ta không nên sợ Trung Quốc? Tại sao anh ấy phải nói như vậy nữa?
Lúc đó, anh Nguyễn Chí Thanh, người đã bị nghi là có cảm tình với Trung Quốc, đứng lên và nói: “Kính thưa Bộ Chính trị và kính thưa Bác Hồ, lời phát biểu của Anh Ba là đúng. Phải nói như thế (ý nói không cần phải sợ Trung Quốc), vì họ (Trung Quốc) gây rắc rối cho chúng ta nhiều điều. Họ chặn chúng ta ở chỗ này, rồi họ trói tay chúng ta ở chỗ kia. Họ không cho chúng ta đánh…“
Trong khi chúng ta đánh ở miền Nam Việt Nam, Đặng Tiểu Bình quy định rằng tôi chỉ có thể đánh ở mức trung đội trở xuống và không được đánh ở mức cao hơn. Ông ta (Đặng Tiểu Bình) nói: “Ở miền Nam, do các ông phạm sai lầm về việc đã khởi động đánh trước, các ông chỉ nên đánh ở mức trung đội trở xuống, không được đánh ở mức cao hơn“. Họ gây áp lực lên chúng ta như thế.
– Chúng ta không sợ ai cả. Chúng ta không sợ bởi vì chúng ta có lẽ phải. Chúng ta không sợ ngay cả anh trai của chúng ta. Chúng ta cũng không sợ bạn bè của chúng ta. Dĩ nhiên, chúng ta không sợ kẻ thù của chúng ta. Chúng ta đã đánh họ rồi. Chúng ta là con người, chúng ta không sợ bất cứ ai. Chúng ta độc lập. Cả thế giới biết chúng ta độc lập.
Chúng ta phải có một quân đội mạnh mẽ, bởi vì đất nước chúng ta đang bị đe dọa và bị bắt nạt … Không thể khác được. Nếu không, thì sẽ nguy hiểm vô cùng, nhưng đất nước chúng ta nghèo.
– Chúng ta có một quân đội mạnh, điều đó không có cách nào làm nhụt chí chúng ta. Có một số chính sách của Trung Quốc đối với chúng ta: xâm lược và chiếm đóng nước ta, tìm cách làm suy yếu chúng ta về kinh tế và làm cho điều kiện sống của chúng ta khó khăn. Vì những lý do này, để chống lại Trung Quốc, trước hết, chúng ta phải, không những chiến đấu, mà còn làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn. Để đạt được mục đích này, theo tôi, quân đội của chúng ta không nên là một lực lượng lãng phí nguồn lực của nhà nước, mà nên là một lực lượng sản xuất mạnh mẽ. Khi kẻ thù đến, họ (những người lính) cầm súng ngay lập tức. Khi không có kẻ thù, thì họ sẽ sản xuất đàng hoàng. Họ sẽ là biểu tượng tốt nhất và cao nhất trong sản xuất, sản xuất nhiều hơn bất cứ người nào khác. Dĩ nhiên, đó không phải là một câu chuyện mới …
– Hiện nay, trên vai quân đội của chúng ta đang gánh vác một nhiệm vụ lịch sử: bảo vệ độc lập và tự do của chúng ta, trong khi cùng lúc bảo vệ hòa bình và độc lập trên toàn thế giới. Nếu chính sách bành trướng của bè lũ phản động Trung Quốc không thể thực hiện được nữa, sẽ là lợi ích của cả thế giới. Việt Nam có thể làm điều này. Việt Nam có 50 triệu người rồi. Việt Nam có những người bạn Lào và Campuchia và có địa thế vững chắc. Việt Nam có phe [XHCN] và tất cả nhân loại đứng về phía ta. Rõ ràng là chúng ta có thể làm điều này.

… Các đồng chí có biết người nào trong đảng chúng ta, trong nhân dân của chúng ta, nghi chúng ta sẽ thua Trung Quốc? Dĩ nhiên là không có ai cả. Nhưng chúng ta phải duy trì các mối quan hệ bạn bè của chúng ta. Chúng ta không muốn hận thù dân tộc. Tôi lặp lại: tôi nói điều này bởi vì tôi chưa bao giờ cảm thấy căm thù Trung Quốc. Tôi không cảm thấy như thế. Đó là họ đánh chúng ta.

Hôm nay tôi cũng muốn các đồng chí biết rằng trong thế giới này, người đã bảo vệ Trung Quốc là chính tôi! Đó là sự thật. Tại sao vậy? Bởi vì trong hội nghị tháng 6 năm 1960 tại Bucharest, 60 đảng đứng lên chống lại Trung Quốc, nhưng chỉ có mình tôi là người bảo vệ Trung Quốc. Việt Nam chúng ta là thế. Tôi sẽ tiếp tục lặp lại điều này: Tuy họ cư xử tồi tệ, chúng ta biết rằng người của họ là bạn của chúng ta. Về phía chúng ta, chúng ta không cảm thấy xấu hổ với Trung Quốc. Tuy nhiên, âm mưu của một số lãnh đạo (Trung Quốc) là một vấn đề khác. Chúng ta coi họ chỉ là một bè lũ. Chúng ta không nói tới đất nước họ. Chúng ta không nói người dân Trung Quốc xấu với chúng ta. Chúng ta nói bè lũ phản động Bắc Kinh. Tôi nói lại điều này một lần nữa một cách nghiêm túc như thế.
Vì vậy, chúng ta hãy kiểm soát tình hình chặt chẽ, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, và không bao giờ nới lỏng sự cảnh giác. Về mối quan hệ với Trung Quốc cũng vậy. Tôi tin rằng trong 50 năm, hoặc thậm chí trong 100 năm, chủ nghĩa xã hội có thể thành công, và lúc đó chúng ta sẽ không bị vấn đề này nữa. Nhưng sẽ mất một thời gian [dài] như thế. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị và sẵn sàng trên mọi phương diện.

Hiện nay, chắc chắn không ai còn nghi ngờ nữa. Nhưng cách đây năm năm, tôi dám chắc rằng [không có] đồng chí nào nghi ngờ Trung Quốc có thể đánh chúng ta. Nhưng có. Đó là vì các đồng chí [này] không có kiến ​​thức về vấn đề này. Nhưng đó không phải là trường hợp của chúng tôi (Lê Duẩn và ban lãnh đạo). Chúng ta biết rằng Trung Quốc đã và đang tấn công chúng ta [cách đây] mười năm hoặc hơn. Vì vậy chúng ta không ngạc nhiên [về cuộc tấn công của Trung Quốc vào tháng 1 năm 1979].

Ngọc Thu, dịch từ: http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=5034BF75-96B6-175C-95920EA599AF9609&sort=subject&item=Chinese%20troops